CẦU MỚI VÀ GÒ ÂN – NƯỚC XOÁY
Địa danh Cầu Mới xuất hiện từ sau khi Pháp xây cất xong cầu Măng Thít vào năm 1940 ( tấm bảng bằng đồng đã ghi lại mốc lịch sử nầy – được gắn bên mống cầu ) . Danh từ Cầu Mới xuất hiện giống như nhiều nơi khác khi ở đó có một sự kiện, môt lịch sử được hình thành ( Chợ mới, Lộ mới, Bờ mới ,, Kênh mới .v.v..) Sau khi Cầu Mới khánh thành, người dân định cư trong bán kính khỏang 3km của cầu đã phấn khởi tự hào cho mình là dân Cầu Mới . Cầu Mới bắt đầu được mọi người biết đến từ đó.
Trước khi được chọn làm nơi cầu sẽ đi qua, khu vực nầy chuyên canh cây lúa và làm vườn, nhà cửa thưa thớt, sinh họat người dân lặng lẽ so với sự sầm uất đông đúc ở hai nơi cách cầu không xa: Khu chợ Gò Ân và Bến bắc Nước Xóay
Trước hết nói về khu chợ Gò Ân. Đi dọc sông Măng về hướng Đông khỏang 2km ta sẽ đến khu vực chợ xã Hồi Luông ( Gò Ân ) ( ngày nay còn có tỉnh lộ 901 chạy dọc phía sau vườn và ruộng ) . Chợ Hồi Luông được thành lập lâu đời, khu chợ được chia làm hai bởi cầu Rạch Dầy ỡ giữa. Phía đông có đình làng ( Đình Hồi Long ) sân bóng đá, trường học, Nhà việc và dân cư khá đông đúc . Phía tây ( phía mé sông ) của cầu là khu chợ Hồi Luông có phố chợ và nhà lồng tuy nhỏ nhưng khá đầy đủ hang hóa, có cả “chành lúa” của người Hoa to lớn cạnh chợ.
Chiến tranh xãy ra, an ninh dần dần bị đe dọa, khu chợ thưa dần, người dân tìm nơi cư trú an tòan hơn. Cầu Mới hòan thành, chợ Gò Ân dần dần giải tán để thực hiện kế họach dời chợ về kế bên cầu mới xây. Từ khu vực đô hộ sầm uất Gò Ân trở nên vắng vẽ, chỉ còn được dịp tụ tập đông người khi có lễ cúng đình, tranh giải bóng đá, khai giảng năm học ( trường sơ học còn 5, 6 lớp học ở trường cũ ) .Tuy nhiên ngày nay có dịp nói chuyện với người lớn ở khu vực Gò ân, thóang trong giọng nói và ánh mắt những bà con nầy vẫn nghe được sự tự hào hòai cổ, rằng ngày xưa tôi đã sống kế bên khu vực chợ cũ…Rằng Rạch Dầy là nơi đóng xuồng , ghe, tam bản có truyền thống nổi tiếng khắp vùng.v.v..
Từ Cầu Mới nhìn về hướng mặt trời lặn cũng chừng 2km, đó là khu vực Bắc Nước Xóay xưa. Bắc Nước Xóay nằm cách cầu mới chừng 1,5km. Ngày trước từ Vĩnh Long về Trà Vinh hoặc đi ngược lại, khách bộ hành phải qua bến phà nầy. Đầu những năm 60 thế kỷ trước, di tích còn để lại khá rõ: Hai cột dây thép đứng sừng sững hai bên bến phà. Đường xuống phà với đường đổ nhựa kéo dài xuống dòng nước. Đêm khởi nghĩa Nam Kỳ ( người thanh niên Phan Văn Hòa tức thủ tướng Võ Văn Kiệt ) đã dẫn đòan quân từ Vũng Liêm về đánh phá Bến bắc này… Để làm nơi kỷ niệm lịch sử, ghi thêm một trang vàng vào thành tích kháng chiến của quân dân Vĩnh Long, UBND Tỉnh đã cho xây ở bờ nam Bến bắc khu nhà bia tưởng niệm cuộc khởi nghĩa. Nay mai công trình hòan thành,, đây sẽ là nơi tham quan du lịch khá hấp dẫn cho những chuyến về nguồn và người yêu lịch sử. Tiếc rằng 2 cột dây thép rất đẹp do bảo quản không tốt nên hư hỏng nặng. Thỉnh thỏang sắt mục, sắt rơi xuống đất cạnh lớp học đặt tại khu vực nầy, có thanh nặng 200g-500g .Buộc lòng cơ quan chức năng phải dở bỏ.
Cách bến Bắc vào phía trong khỏang 500m là vùng nước xóay, vì vậy mới có địa danh Bắc Nước Xóay. Có lẽ do các nguồn chảy hợp về không cùng hướng, nước ròng từ Tam Bình – Trà Ôn – Kênh Xáng múc chảy ra, nước từ rạch Mương Khai chảy từ cánh đồng Xuân Hiệp về, gặp voi đất khúc khủyu,cộng với nước của hai con rạch ông Nam và ông Cớ tải nước từ cánh đồng Hòa Thạnh – Hòa Hiệp chảy xuống, nơi đây đã hình thành vùng nước xóay cực lớn và cực mạnh. Ghe xuồng đi qua bất cẩn có thể bị hút vào vùng xóay thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng. Nghe ba tôi nói lại, có người nói rằng họ bị chìm cái cần xé ( dụng cụ đựng nông sản được hằng 100kg, đan bằng tre, trúc ) có ghi tên cơ sở, xuống dòng xóay, sang hôm sau nó lòn trong các hang hốc dưới đất qua nổi tận bên Cái Tàu – Nha Mân ( Sađéc) !?
Khi tôi khôn lớn , có dịp đi ngang khu vực nầy thì Bến Bắc không còn nữa “ trời cũng im , biển cũng lặng” chỉ còn thấy nước chảy xiết mà thôi. Có lẽ Bắc Nước Xóay xây dựng sau khi vùng xóay không còn . Chẳng lẽ các Bác vật thời ấy lại đi làm bến phà trước cho vòng xóay đe dọa sao ?
Phần trên tôi vừa nói đến “ Gò Ân – Nước Xóay ”, trước khi có Cầu Mới thì người ta thường nói chung về khu vực trãi rộng 4km : Gò Ân – Nước Xóay. Hiện nay trong 12 ấp của xã Tân An Luông vẫn còn ấp Gò Ân và ấp Nước Xóay nằm ngay phần đất cũ đã từng mang tên. Địa danh Gò Ân – Nước Xóay đã từng đi vào học thuật. Thưở tôi còn nhỏ, chưa biết Ngọc Linh là ai . Sau này lớn lên mới biết ông là nhà văn và là sọan giả cải lương. Khỏang năm 1960-1961 ông có viết tiểu thuyết “ Ngã rẻ tâm tình “ được chuyển thành kịch phát thanh ở radio và vài năm sau dựng thành phim chiếu ở rạp. Tôi còn nhớ trong truyện phim có cô gái điên, ở Gò Ân Nước Xóay.
Lại nói về Cầu Mới, đây là chiếc cầu kiên cố, xây dựng bằng bê tong cốt thép. Đặc biệt đá xây cầu hòan tòan bằng đá trứng ( tròn dài cở 2 đốt tay thường màu vàng gan gà ). Cầu xây theo kiểu Pháp thanh mãnh và đẹp. Nhịp giữa cầu rộng, phía trên có vòng mống cầu cong như cầu Bình Lợi, Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) . Chiều dài cầu 300m, được xem là chiếc cầu đẹp, và dài nhất Tây Nam bộ lúc bấy giờ. Cầu có nửa nhịp làm bằng sắt lót gỗ để có thể quay cho đứng lên tạo khỏang trống cho tàu chiến có cột cờ cao hoặc mui cao qua lại khi nước lớn. Giữa cầu có một tháp canh để lính giữ cầu quan sát sinh họat qua lại của người dân và kéo xoay bảng “ đỏ trắng” cho xe qua lại từng chiếc một ( cầu đủ sức chứa 2 làn xe nhưng chỉ cho chạy 1 chiều bảng báo ) . Viêc canh cầu rất nghiêm nhặt, xe chở khách chạy qua, chỉ cần có người bỏ miếng lá, mảnh giấy xuống cầu là nghe ngay tiếng súng chỉ thiên, buộc xe phải dừng , phụ xế phải thu nhặt giấy , rác vừa vứt xuống . Có lúc còn bị phạt “ trả tiền “ cho viên đạn vừa bắn cảnh báo !?
Ở đầu cầu bờ bắc thường xuyên có một trung đội lính để canh gác và bảo vệ cầu Thủơ nhỏ, chiều mát tôi hay xuống mé sông nhìn cầu, nhìn môt số chú lính can đảm đã đi bộ trèo lên mống cầu, cách sàn cầu khõang 10m, cách mặt nước thì vời vợi( bề ngang mống cầu chỉ rộng 5 tấc ). Lên đến đỉnh cao nhất, có chú nằm ngữa ra gác chân nhìn trời ca vọng cổ. Có chú cũng sợ sệt, trèo lên giữa chừng phải tụt xuống, có chú tụt xuống rất khó khăn phải bò lui từ từ.. Thấy diễn biến nầy, dù đứng nhìn hơi xa cầu nhưng tôi còn nhớ bà con đã vỗ tay cười ngất..Thời gian về sau, nhất là khi cầu đã bị đánh phá, việc canh gác giữ cầu vô cùng nghiêm nhặt. Mỗi bên cầu đều có trạm kiểm sóat đường sông, tàu thuyền phải dừng lại chờ kiểm tra, thời gian kéo dài phiền phức, trễ con nước v.v.. Mỗi đêm người dân xung quanh cầu thường khó ngủ vì tiếng súng trên cầu bắn xuống những dề lục bình trôi cạnh chân cầu, lâu lâu chừng mươi mười lăm phút lại nghe tiếng trái nổ do lính cầu bỏ xuống nước ngăn ngừa đặc công người nhái.
Nhưng cuối cùng thì cầu vẫn không giữ được sau nhiều lần bị đánh phá bởi sự quyết tâm kiên trì của chiến sỹ đồng bào Tân An Luông ( xem hình Cầu Mới do tác giả vẽ lại theo trí nhớ )
Đánh sập lần thứ nhất (5/1970): Có thể do khối lượng thuốc nổ ít , cầu chỉ bị lung lay nhịp cầu quay. Nhịp cầu này bị gảy đổ xuống sông khi có một chiếc xe chở hàng lo lót cho lính gác mạo hiểm chạy qua.
Đánh sập lần thứ hai ( 12/1972) Mìn đánh cầu được làm từ 300 kg thuốc nổ, hẹn giờ. Mìn được 2 nữ du kích mật dùng ghe đặt máy Koler đem vào cắt đúng nơi qui định ( lính gác mất cảnh giác đêm Noel) 12g đêm 24/12 mìn nổ, nhịp chính của Cầu Mới, có 2 mống cong và cao đổ sập xuống nước mất dạng.
Đánh sập lần thứ ba ( 3/4/1975 ) qua 2 lần bị đánh, cây cầu chỉ còn lại 1/3 ở bờ bắc . Đêm 3/4/1975 du kích phối hợp với các đơn vị từ trên về, đại đội C115 Bộ Đội Đặc công quân khu 9, đánh phá khu quân sự Cầu Mới, chiếm được đồn lính giữ cầu ,làm chủ cầu nhiều giờ , đã đặt chất nổ phá tan 1/3 cầu còn lại.
Sau mỗi lần bị đánh phá, giao thông bị ngưng trệ nhiều ngáy . Công binh Sài gòn phải bắt cầu phao và sửa lại cầu bằng sắt lót ván gỗ. Sau giải phóng tòan bộ chiếc cầu từ bờ nam sang bờ bắc đều làm bằng sắt lót ván ,chân cầu có nhịp được đóng cộc sắt, có nơi tì trên cột cầu đã gục đỗ. Đứng từ xa nhìn chiếc cầu như con rắn bằng sắt đang bò trên những vết tích cầu cũ để qua sông .Mãi đến năm 1984 Cầu Mới mới được xây lại, năm 1985 hòan thành . Cầu Mới mà rất cũ từ năm nầy lại trở thành Cầu Mới lần thứ II
Nói về tiềm năng phát triển của Cầu Mới, chỉ cần đọc bài :” Một giờ ở chợ Tân An Luông .” của Lương Minh và Trần Bình ta có thể thấy được sự phát triển của Cầu Mới . Tiếc là chợ và đường xá quá hẹp nên sự phát triển của chợ chậm lại rất nhiều
Từ trước ngày giải phóng, khỏang 1965 – 1966, thấy được tiềm năng quân sự , kinh tế của khu vực, chính quyền cũ đã đặt ở Cầu Mới trọng điểm quân sự. Đã thành lập một chi khu biệt lập. Tại đây suốt ngày đêm tàu bè, máy bay, xe quân sự tấp nặp lên xuống, lui tới. Trường tiểu học cộng đồng Tân An Luông thường bị trưng dụng để làm trung tâm chỉ huy hành quân khu vực ( học trò chúng tôi thường xuyên được nghỉ) Chi khu giải tán sau Mùa hè đỏ lửa 1972 thành phân chi khu.
Sau giải phóng, Cầu Mới được gọi là Thị Trấn mặc dù không phải là vị thế ở huyện lỵ . Là một trong 2 xã được phong anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên của huyện Vũng Liêm
Theo nhiều nguồn tin, dự kiến tới đây khu vực Cầu Mới sẽ được nâng lên Thị trấn chính thức. Các xã lân cận Cầu Mới sẽ được tách ra và phối hợp lại thành lập huyện Trần Đại Nghĩa, nhà bác học xuất sắc quê quán ở Tam Bình, Vĩnh long …
Hiện nay người dân Cầu Mới rất phấn khởi tự hào chờ đến ngày trọng đại nầy. Một Cầu Mới thịnh vượng và phồn vinh rồi chắc chắn sẽ có mặt trên bản đồ tỉnh nhà. Địa danh Cầu Mới , Gò Ân – Nước Xóay sẽ được nhắc đến nhiều , sau thời gian dài nằm trong quên lãng.
Tháng 1/2016
bài và ảnh Nguyễn Gương
h3 Hình chụp từ trên Cầu Mới .chỗ máy chà lợp tol trắng nhìn ra sông ngày trước là trung tâm nước Xoáy chỗ chiếc tàu đang chạy giữa dòng là Bắc Nước Xoáy
h4 kế bên lộ Nền chợ Go Ân khi xưa , xa cây Cầu Mới
Những ai đã từng sống tại Cầu Mới Gò Ân sẽ vui và cảm động khi đọc bài viết của tác giả. Cám ơn tác giả đã cho bạn đọc một bài viết rất công phu và có giá trị biên khảo.
Là một người con đất Vĩnh thuộc những thế hệ 9x sau này. Với mong muốn hiểu rõ, hơn về lịch sử, nguồn gốc tên gọi, văn hoá của con người các địa danh của quê hương. Con vô cùng cám ơn về những chia sẻ của chú. Chú có tư liệu hoặc hiểu biết gì về vùng đất Tân An Hội bên kia sông Măng ko chú? Nhất là về nơi táng đầu tiên của Châu Văn Tiếp (trước khi dời về Hắc Lăng-BR Vũng Tàu) con đọc tài liệu thấy vùng này còn nơi thờ tự ông mà ko định vị và biết chính xác nó ở khúc nào. Nếu chú biết xin chia sẻ cho con biết với. Cám ơn chú
Tôi rời TPH năm 1963 cần số phone Hoành Châu, Hoành Hội để liên lạc thăm. Tôi củng là bạn thân với Trần hoành Sơn, Hoành Long, Hoành Hoa vì tôi đang tìm Hoành Sơn khoá 19 võ bị Đà Lạt . Thành thật cám ơn.