Cờ tướng

Ngày đăng: 3/10/2015 07:25:48 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

Sáng nay được điện-thư của bạn báo tin bạn vừa tới xứ Cờ Hoa, mừng cho bạn, và post lại bài viết cũ để như chào mừng bạn đến vùng đất mới.
Vâng, chuyện như vầy:
Trong vòng ba mươi năm (1985-2015) chúng tôi, hai người bạn, gặp nhau tận mặt một lần duy nhất vào 2002. Năm ngoái, 2014, tình cờ “tái ngộ”nhau  trên FB, anh đã viết:

 

“Huunghi Truong

January 3, 2014.

Hôm nay đọc bài “Chút tâm-sự” của Anh Ẩn trên blog của anh về mối giao-hảo bạn-bè và những kỷ-niệm, mình thấy lòng xao-xuyến như thế nào ấy.

Mình không biết thao-tác trên blog ra sao đành phải ghi ở đây tâm-sự gởi anh.
Bạn ơi! Nếu đầu đã bạc mà rưng rưng nước mắt vì một lời tâm-sự thì thiệt là …! nhưng mình không thể kềm lòng được,bạn ạ.Những ký-ức mà mình muốn quên đi chợt kéo về.Nhìn lại thì cũng chẳng còn thấy vui buồn gì nữa,nhưng lại làm ấm lòng.Những kỷ-niệm đã là thân-thương vì không còn gặp lại được nữa rồi.Oái-oăm là những gì mình chán ghét,giờ đâymỗi khi được nhắc đến lại như là một hạnh-phúc.Ôi thời-gian của tôi.Ôi cuộc sống của tôi.Hoài-niệm,hoài-niệm.
Anh có còn nhớ đến vụ nổ vỏ đạn M79 đêm nào ở bàn cờ tướng trong trại Long Khánh không nhỉ? Hay những đêm cờ tướng ở nhà tôi gần cầu Cái Cam.Nhiều khi tôi nghĩ phải cám-ơn mấy vị đã nhốt tôi vào tù vì nhờ thế tôi mới quen được Bạn hiền cũng như những bạn đồng-điệu khác.
Với tôi hồi-tưởng về những kỷ-niệm với bạn-bè thân-thiết là một hạnh-phúc.”

Những dòng tâm-sự của anh cho tôi ý nghĩ để viết bài dưới đây, xin chia sẻ:

0 co

CỜ TƯỚNG

 

Có lẽ tôi học đánh cờ “Tướng Sĩ Tượng Xe Pháo Ngựa” khi trọ học ở Xóm Bún Vĩnh Long thuở vừa vào Trung-học ( từ 1954….).Học với ai thì không còn nhớ hay là học “lóm” không chừng, với những chú bác thường tụ hợp đánh cờ tại lò rèn của ông Năm.
Mê lắm! Mỗi khi rảnh rỗi là chạy ngay ra lò rèn, nếu thấy ai đang đấu cờ là nhào vào xem và khi có dịp ai rủ rê thì không từ chối. Ngày qua ngày kinh-nghiệm tích-lũy, cộng với học hỏi, nước cờ của tôi cũng khá lắm.
Đánh cờ tướng dễ “nổi nóng” khi mà bị thua liên-miên; nhất là khi đối-thủ cười cười, vì thắng phải vui thôi, mà người thua cứ nghĩ là nụ cười khi dể. Nói gì nếu kẻ thắng tỏ ra kiêu-ngạo là có đánh lộn như chơi. Trừ những tay cao-thủ thì những người chơi cờ tướng cự-nự như cơm bửa thậm-chí còn đánh lộn với nhau. Với tôi nếu xảy ra trường-hợp này thì tôi chỉ có nước nhe răng cười và chào thua.

Có lần tôi thắng liên-miên, ngưòi ta gọi là nhờ “chó dắt”, một ông trong xóm vốn là một tay chơi cờ “cứng cựa”, ông ta bất chợt nổi-giận tung bàn cờ tung-toé, chửi thề và bỏ đi với mặt mày giận dữ. Tôi xanh mặt mày không rõ vì sợ hay tức ông ta sao mất lịch-sự …với con nít như vậy.
Bạn học tên Nguyễn Ngọc Long, sau này là giáo-sư Lý Hóa tại Trung-Học Tống Phước Hiệp rồi Thủ Khoa Huân chơi cờ tướng rất giỏi, luôn luôn hạ tôi nhẹ nhàng; tôi thích lối chơi tấn-công ác-liệt của anh, gài nước mà mình không biết, một khi chiếu là…bí. Năng-khiếu của tôi có giới-hạn nên hình như đã bảo-hoà, cố học hỏi thêm mà không khá hơn được, chỉ đủ đánh ngang ngửa với anh bạn Nghi, cũng là nhà giáo cùng lỡ vận từ 1975.

Chơi cờ ngang ngửa với nhau thì thích và do vậy chơi lâu mới được. Nếu trên cơ mà muốn chơi lâu mình phải nhân-nhượng một chút, nhân-nhượng khéo mới được chớ tỏ ra “tao nhường mầy” là không xong. Với Nghi, chúng tôi chơi hết mình, khi thua khi thắng.
Nhớ sau những giờ đi đấp đê nuôi tép nhọc-nhằn ở trại “nghỉ dưởng” (tù)Long Khánh, Trà Vinh, tôi với anh thường chúi mủi vào bàn cờ tướng, không  nhớ bàn cờ tự chế hay nhờ vợ con mua cho, mỗi khi “ở không”. Trước để quên đi thời-gian trôi chậm như rùa khi mà mình mất tất-cả, thứ đến cũng có chút đam-mê, còn có thể mê gì khác hơn là mê cờ tướng vào lúc ấy, nên đánh cờ tới khuya khi mà bạn bè xung-quanh đã phải tắt đèn (dầu lửa) đi ngủ vì đến giờ giới-nghiêm. Hai đứa tiếp-tục chơi cờ lén (với ban quản trại) đốt nến cắm lên một vỏ đạn M79 (đã bắn xong ?)lượm được đâu đó. Mê đánh cờ đến nỗi đèn cầy lụn mà không hay. Không may, vỏ đạn M79 là loại vỏ đạn lép nhưng ngòi nổ vẫn còn… nên nổ tung bởi độ nóng của ngọn đèn cầy lụn. Báo động cả láng trại, may mà mấy “xếp” thông-cảm tha cho. Hú hồn!
Trở về thị-xã Vĩnh Long (lúc ấy gọi là thị-xã), anh Nghi xoay qua nghề sửa quẹt “ga”, bôm mực viết “bi” để kiếm cơm nuôi vợ nuôi con, tôi thì quay lại nghề nông …nghiệp-dư. Tôi thường ra nơi anh “làm việc” để khuây-khỏa với anh bên ly xây chừng và bàn cờ tướng.
Có lúc chúng tôi “lai rai ba xị đế” ở nhà anh và dỉ-nhiên anh và tôi đã miệt mài say mê đấu trí nhau với đám quân sĩ , chiến xa, tuấn mã, pháo binh…không khoan-nhượng.
Bạn tôi ơi! Làm sao quên được những vị ngọt bên cạnh những chán ghét nay đã vô-hình-chung trở thành hạnh-phúc khi nhắc lai như bạn nói.

Bạn hỏi tôi “ anh còn nhớ hay anh đã quên” nên tôi viết ra đây cho bạn biết…làm sao quên được chúng dù đã qua gần 40 năm.
Thường ba hay bốn giờ sáng đã thức rồi, bên ly cà phê một mình không đường vì một lẽ vì kiêng cử và bên cạnh để thưởng thức cái vị đắng đáng yêu này, hơn hẳn vị đắng của đời, tôi thường chúi mũi vào máy vi-tính.
Bây giờ vừa hơn sáu giờ sáng, ngoài trời khoảng 6 độ F ( chú thích:32 độ F= 0 độ C), vẫn còn tối, trời âm u, tuyết phủ mặt đất khoảng bốn tấc do trận bão tuyết tên Hercules hôm qua. Nơi này còn đang chờ trận Winter Storm Iron sắp đến theo dự báo mà nhiệt độ khoảng -5 độ F hăm doạ mọi người, nhất là người lớn tuổi! Chờ xem!

 

Anh Tú

Ngày 4 tháng 1 năm 2014

Có 4 bình luận về Cờ tướng

  1. Một Lúa nói:

    “Thích lắm” hihi

  2. Hoành Châu nói:

    Cờ    tướng    đã   đi    khắp    mọi  nơi , thậm   chí  trong   láng    trại  ,  ,,  vui   thiệt   một     trận  nổ  nhớ đời ,,   Bài    viết   nói   về    tình   bạn    thân   thiết , vui    tươi    nhưng    cũng    khá    cảm      động !    Hoành Châu (Gia đình C )

     

     

     

     

  3. My Nguyen nói:

    Huynh Anh Tú kính mến! Dù em không biết gì về cờ tướng nhưng đọc bài “Cờ Tướng” của anh thật hay và vui nữa (mặc dù trong đó cũng có những kỷ niệm buồn). Trí nhớ của anh thật là tốt. Chúc anh và anh bạn sớm gặp nhau để có những ván cờ thật sự, không còn trong trí tưởng nữa nhé anh!

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác