CÂU CHUYỆN BẾP NÚC

Ngày đăng: 29/10/2015 09:04:17 Chiều/ ý kiến phản hồi (15)

Năm 1978 tôi rời thành phố Nice của Pháp để sang Đức. Trong hành lý của tôi có một nồi hấp nhỏ và một cái chảo “non-stick”, đó là tất cả cái vốn liếng, gia tài bếp núc mà tôi đem theo để bắt đầu một cuộc sống mới, sửa soạn cho cuộc sống lứa đôi….Cái nồi hấp tôi có thể dùng được nhiều việc, hấp cái loại bánh, nấu xôi v..v…. Cái chảo “non-stick” vốn được người Pháp dùng để làm bánh crêpe nhưng tôi sẽ dùng để đổ bánh cuốn rất tiện vì chảo phẳng và không có thành cao như các loại chảo bình thường. Cả hai dụng cụ nấu bếp này đã theo tôi gần bốn chục năm và cho đến ngày nay vẫn còn chỗ đứng quan trọng trong căn bếp của tôi.

Ngày xưa khi còn ở Việt Nam, tôi hầu như chưa bao giờ phải xách giỏ đi chợ hoặc phải vào bếp nấu cơm ngày nào. Ba tôi tuy dạy con rất nghiêm nhưng có điều lạ là ba tôi không bao giờ bắt chúng tôi phải học nữ công, gia chánh hoặc phải lo việc bếp núc. Ba tôi quan niệm, việc học hành là điều khó khăn nhất nên nếu đã đạt kết quả tốt về học vấn thì sau này việc học nấu nướng sẽ là chuyện rất dễ dàng. Chúng tôi chỉ việc lo ăn học cho đàng hoàng là ba mẹ hài lòng và không đòi hỏi gì hơn.

Mẹ tôi là một thí dụ điển hình nhất, cho đến khi lập gia đình với ba tôi, mẹ tôi cũng chưa bao giờ có kinh nghiệm về nấu nướng vì trong nhà lúc nào cũng có kẻ ăn, người làm. Về làm dâu mẹ tôi cũng không phải vào bếp, ông bà nội giàu có, người giúp việc trong nhà cũng nhiều nên mẹ tôi không phải đụng đến móng tay. Một hôm bà nội gọi mẹ tôi lên nhà và trao cho mẹ tôi một món tiền để mẹ tôi đi chợ cùng với chị người làm. Bà nội tuy đã biết tài nội trợ của mẹ tôi nhưng cũng muốn thử xem sao.
Lần đầu tiên trong đời cầm tiền đi chợ, mẹ tôi không biết phải làm thế nào, ra đến chợ đi loanh quanh mãi mà chẳng biết phải mua những thức gì, may quá, mẹ tôi thấy một chị bạn hàng với một thúng tôm (người trong Nam gọi là tép), tươi rói còn nhảy lách tách trong thúng. Mẹ tôi thích quá và bỏ tất cả tiền đi chợ để mua cả thúng tôm tươi đem về. Bà nội nhìn thúng tôm mà phì cười và hỏi xem mẹ tôi mua thúng tôm để làm món gì. Mẹ tôi có biết để làm gì đâu nên chỉ thưa với bà là thấy tôm tươi còn nhảy trong thúng nên thích quá mà mua thôi. Kể từ đó đến sau mẹ tôi không bao giờ phải đi chợ nữa. Một người về nhà chồng với con số không về kiến thức nấu nướng cũng như kinh nghiệm về bếp núc, vậy mà sau này mẹ tôi trở thành một bà nội trợ đảm đang, món gì cũng nấu được và đặc biệt là nấu ăn rất ngon và rất khéo…cũng vì được thưởng thức các món ăn của mẹ mà chúng tôi, đám con của mẹ, sau này đều là những người có “tâm hồn ăn uống” và rất sành ăn. Mẹ tôi thì như vậy nhưng liệu đám sáu cô con gái của ba mẹ có cô nào được như mẹ hay không, điều này để mọi người thân quen trả lời…

Riêng phần tôi, thuở ấy tôi hoàn toàn không tìm thấy một sự thích thú gì trong việc đi chợ, nấu ăn, có thể nói là tôi không ưa công việc này một chút nào cả. Ở nhà thì có người giúp việc lo cơm nước, khi xa nhà thì có chủ nhà cho ở trọ nấu cho ăn. Tôi còn nhớ có lần chị Út, con bà Hai chủ nhà trọ ở Vĩnh Long, nhờ tôi coi dùm nồi cơm đang nấu trên bếp vì chị bất thình lình phải chạy lo công chuyện bên hàng xóm. Cả đời có bao giờ nấu cơm nên tôi đâu có biết làm sao, kết quả là hôm đó cả nhà phải ăn nồi cơm khét!!
Khi sống ở ngoại quốc tôi phải chú ý và bắt đầu học nấu các món ăn, mới đầu ở Tân Tây Lan, tôi  không biết nấu nên chỉ xin nhặt rau, rửa chén để phụ với hai đầu bếp chính Kim Lan và Tâm Thạnh, nhờ đó đã thu thập được chút đỉnh kiến thức, từ từ đã biết nấu chín nồi cơm và làm được chảo cơm chiên ăn tạm được. Sang Pháp, kiến thức nấu nướng của tôi càng ngày càng tiến bộ. Tại Nice tôi có thể mua được tất cả các vật liệu cần thiết để nấu các món ăn Việt Nam. Tôi bắt đầu ghi chép các công thức, các cách nấu nướng cần thiết, học hỏi nơi này một chút, nơi kia một chút, khá cực nhọc bởi vì không có ai chỉ vẽ thực tình. Ai cũng giấu những bí quyết quan trọng nhất để chỉ có mình là người nấu ăn ngon nhất và khéo nhất…Khi sang đến Đức thì tôi đã thu thập được một số công thức làm các món ăn, tạm thời đủ để cơm nước ngày hai bữa cho gia đình nhưng tôi lại phải đương đầu với một khó khăn mới, tìm đâu ra những nguyên liệu cần thiết để nấu món ăn Việt Nam. Ngoài gạo ra tôi không thấy ở đâu bán bánh phở khô, bún khô, bánh tráng hoặc các gia vị cần thiết như nước mắm, xì dầu, tương ớt, rau thơm v..v…Nơi chúng tôi ở là một tỉnh nhỏ thuộc  miền bắc Đức, tỉnh có trường đại học, có nhiều sinh viên Á Châu mà phần lớn là người Nam Dương nhưng không hề có một cửa tiệm nhỏ bán thực phẩm Á Châu, những tỉnh bên cạnh cũng không. Khoảng thời gian đó chúng tôi ăn phở bằng mì ống spaghetti hoặc dùng mì Ý sợi nhỏ làm bún, bún bột mì thay vì bún bằng bột gạo, nhưng phải chấp nhận vì biết làm sao hơn. Ít lâu sau chúng tôi rời sang thành phố lớn, có tiệm bán thực phẩm khô của người Trung quốc hoặc  Hàn Quốc, theo thời gian với số người Việt tị nạn càng ngày càng tăng đã thấy xuất hiện những tiệm của người Việt. Đến bây giờ thì hầu như ở đâu cũng có thể mua được nguyên liệu để nấu các món ăn Việt Nam tuy các mặt hàng chưa phong phú như ở Mỹ, Pháp hoặc Úc.
Ngày xưa khi Internet chưa xuất hiện, tôi luôn tìm cách sưu tầm công thức các món ăn qua người quen và bè bạn, một công thức có thể được sửa đi, sửa lại nhiều sau những lần nấu để thử nghiệm cho đến lúc tạm ưng ý và hợp với khẩu vị mới thôi, từ từ sự đam mê trong việc nấu nướng đã đến với tôi lúc nào mà tôi không biết. Ngày nay muốn nấu món gì chúng ta chỉ cần lên Internet và hỏi ông Google là bao nhiêu công thức hiện ra, chúng ta chỉ cần chọn một công thức vừa ý để theo đó mà làm, tuy nhiên kết quả có thành công hoặc có ngon hay không lại là chuyện khác.
Trên trang nhà, thấy chưa có mục nấu ăn nên tôi có đề nghị với quản trang, kết quả là quản trang hoan hỉ chấp thuận, tuy nhiên còn nghi ngờ sự hợp tác của các bà nội trợ cũng như của các ông nội trợ (ở Việt Nam nhà bếp là giang sơn của các bà nhưng ở ngoại quốc các ông Việt của mình cũng nấu ăn ngon không kém gì các bà, đôi khi có phần hơn vì ai cũng đã thấy phần lớn các đầu bếp nổi tiếng trên thế giới đều là phái mạnh) nên yêu cầu tạm thời xếp chung vào mục “Thư đi, tin lại”, khi nào chúng ta có số lượng bài gởi hùng hậu thì sẽ được xếp vào mục riêng như ý muốn.
Các bà nội trợ khéo như em Lụa, bà xã của Một Lúa; em Chín, bà xã của Hoàng Hưng; các em Đặng Huệ, Ngọc Nữ, Phan Lương, Hoa Đăng, Phương Nga, Nguyễn Tuyết, Hoành Châu, Hoành Hà, Hạnh, Lý Hương, My Nguyễn, Mai Xuân… cùng biết bao nhiêu độc giả và các em khác, xin hãy mỗi người góp một tay, gởi các công thức nấu ăn tới trang nhà để bếp ấm của chúng ta lúc nào cũng có ánh lửa và mùi thơm của các món ăn toả ra ngào ngạt khiến khách vãng lai vô tình ngang qua đều phải dừng lại để thưởng lãm.
Chúng ta sẽ gởi những công thức của các món ăn mà chúng ta đã nấu hàng ngày và thấy ngon, không cần cầu kỳ, có thể là một món tép rang, một bát canh rau, một bát canh chua, một món xào, tô cá kho tộ, cách làm các món bánh dân dã v..v…người gởi chia sẻ cùng người đọc với mong muốn là các bạn đọc sẽ góp thêm ý kiến để món ăn được ngon hơn mà không có mặc cảm là bị chê bai, người góp ý xây dựng không có cảm giác là làm “thầy khôn” sợ phật lòng người gởi.
Xin nhấn mạnh là chúng ta chỉ gởi những món ăn mà chúng ta đã làm hoặc đã nấu, không nên gởi những công thức sưu tầm, có như vậy chúng ta mới giữ được bản chất đặc biệt của căn bếp ấm của chúng ta, các bà nội trợ có đồng ý và có thêm ý kiến gì không thì xin cho biết để cải thiện. Ngoài ra nếu chúng ta được ăn một món ngon ở đâu cũng xin chụp hình, diễn tả và gởi đăng để góp phần vào việc phát huy việc ẩm thực, một nét đặc thù văn hoá của một dân tộc.
Rất mong được sự đóng góp tích cực của các bà và các ông nội trợ để căn bếp ấm được thành hình. Mong lắm thay…!
Cô Hồng Khanh

MẮM TÔM CHUA LÀM THEO KIỂU CỦA MỘT NGƯỜI VIỆT TẠI ĐỨC QUỐC

I/ VẬT LIỆU:
-1kg tôm đã bỏ đầu (tôm đông lạnh số 81-90, nếu ở VN mua được loại tép còn tươi thì càng
ngon hơn)
-4 muỗng canh (muỗng xúp) đầy muối
-8 muỗng canh đầy đường cát trắng
-10 g phèn chua tán nhuyễn ( tại Đức có thể mua phèn chua ở các tiệm thuốc tây, gọi là Alaun )
-Một củ riềng bằng hai ngón tay
-Vài ba muỗng canh bột ớt đỏ để làm màu, nếu mua được ớt bột của Đại Hàn thì tốt nhất vì có
màu đỏ rất đẹp, nếu không thì xay ớt đỏ tươi nhiều ít tuỳ ý và tuỳ ở độ cay chịu được.
-250-300ml rượu trắng nồng độ khoảng từ 40 độ. Tôi thường mua rượu Vodka để dùng.
-2 muỗng xúp đầy thính
-3 muỗng xúp đầy bột nếp

II/ CÁCH LÀM:
-Tôm rửa thật sạch và ngâm sâm sấp trong nước hoà tan với phèn chua  từ 5-10 phút, sau đó đem xả thật sạch với nước lạnh và để ráo.
-Rượu trắng hoà tan với một muỗng xúp muối và cho tôm vào ngâm cho đến khi mùi rượu bay hết thì đổ tôm ra rổ (không rửa lại nước lạnh) và để ráo.
-Riềng đem xay hoặc bằm thật nhuyễn.
-Bột nếp hoà với nước và đem nấu lên cho chín và hơi sền sệt như cháo, quấy luôn tay để không bị bén, bột chín cho 8 muỗng đường, 3 muỗng muối còn lại quậy đều cho tan.
– Để bột hơi nguội rồi trộn hỗn hợp riềng đã xay nhuyễn, ớt bột, thính vào.
– Quậy cho đều rồi đổ vào thau tôm, trộn tất cả một lần nữa cho đều
– Cho tất cả vào lọ hoặc keo, đậy kín và để vào nơi ấm, nếu ở VN với khí hậu nóng thì chỉ vài ba ngày mắm đã chín và chua là ăn được. Tại những nước có khí hậu như tại Đức thì cần nhiều thời giờ hơn tuỳ theo mùa đông hay mùa hè, từ bảy ngày đến hai tuần là ăn được. Cần nhất là để lọ mắm nơi ấm, chẳng hạn gần lò sưởi vào mùa đông.
– khi mắm đã chua đủ nên giữ trong tủ lạnh và có thể để cả năm mà không hư hỏng gì cả.
III/ CHÚ Ý:
– thông thường mắm tôm chua khi ăn được trộn với đu đủ xanh bào sợi nhưng tại Đức ngày xưa không tìm đâu được món này nên tôi đã dùng củ cải đỏ (cà rốt) bào mỏng, ngâm chua ngọt để thay thế và nhận thấy cà rốt vừa tiện và ngon hơn đu đủ vì cà rốt dòn mà không dai như đu đủ.
– khi ăn, tuỳ theo khẩu vị chúng ta có thể thêm đường hoặc thêm nước mắm hoặc thêm dấm
vào nước tôm chua cho vừa miệng. Trộn thêm riềng thái sợi, tỏi thái lát mỏng và cà rốt là chúng ta đã có một dĩa mắm tôm chua ngon miệng để ăn với thịt heo luộc cùng sà lách và các loại rau thơm hái trong vườn nhà.
Chúc tất cả các bà nội trợ làm thành công và ăn ngon miệng.
Có kết quả xin cho ý kiến, thêm bớt mặn ngọt và thay đổi như thế nào để công thức được hoàn hảo và ngon hơn.
Xin cám ơn trước.
Lê-Thân Hồng-Khanh ( 2015 )

H1H1 Lọ mắm tôm chua được làm cách đây vài tháng và nay chỉ còn bấy nhiêu 

h5H2 Hủ đồ chua củ cải đỏ ( cà rốt ngâm chua ngọt ) luôn có sẵn trong tủ lạnh để khi nào cần dùng là có ngay.

h2H3 Dĩa mắm tôm chua đã được pha chế với đồ chua và gia vị.

h3H4 Mâm mắm tôm chua đã sẵn sàng, xin mời tất cả các bạn đọc cùng dùng ” hàm thụ “, chúc ăn ngon !

 

Có 15 bình luận về CÂU CHUYỆN BẾP NÚC

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thưa Cô,

    Từ Cô đến với trang nhà

    Đem luồng gió mới làm quà bọn em

    Tuyệt vời thân tộc văn chương

    Bây giờ bếp núc cũng chẳng nhường ai đâu

    Lụa ơi, Chín hỡi, Hoa, Châu

    Nga, Phan, My, Huệ, Hà, Xuân, … mau trổ tài

    Phải đâu Cô hát trò vỗ tay

    Cô tôi tuyệt cú mèo, hay nhất đời!

    Thưa Cô, em có bài thơ vui…

  2. Hoành Châu nói:

    Cô  ơi   cho em   tiếp    vần    của  chị   11 Hạnh  gieo    để    tưởng   thưởng  tài    nữ     công    gia    chánh   của    cô    mình  với     món  mắm  tôm  chua    nhé :
    ,,,,,Mắm   tôm   ai   lỡ    ăn   chơi
    Là   nhớ  cô   bếp  tuyệt  vời   đáng  yêu
    Ngọt    chua  ,  giòn    biết    bao   nhiêu
    Mặn    mòi    như    có   hương   yêu    gia    đình   !

    **Hoành Châu  (Gia đình  C )

    Mời  quý    độc  giả   thưởng  thức  nhanh    để cô  mình   còn  thỉ giờ   viết  văn  thơ  nữa  chớ ,,, Hihi

  3. Nguyễn Văn Lần nói:

    Thưa cô ! Đọc phần đầu bài viết, em nghi là bài của cô Hồng Khanh. Càng đọc thì càng rõ hơn, em thích lắm, vì có gì tương tự như hoàn cảnh của em cách đây gần 10 năm thôi. Lúc nhỏ, ở nhà má em rất giỏi nội trợ, nên em chỉ lo việc học, lúc học cở lớp 10 thì đứa em gái kế em cũng nấu ăn được. Nên nói chung là em chỉ đi học thôi, không bận tâm gì chuyện tự lo cái ăn cho mình. Lớn chút  nữa, ở trọ, tự làm bếp, nhưng bản thân chỉ nhặt rau, rửa chén. Đi dạy, ăn cơm tháng. Khi lập gia đình, bà xã lo, nhưng bà xã em thì dạy cho con gái chuyện bếp núc kỹ lắm, em khỏi phải lo. Khi bà xã em mất, các con ra trường, có gia đình ở riêng. Em không biết kho con cá để ăn cơm, nhờ 1 chị tốt bụng ở xóm kho dùm, em ghi công thức ướp cá, kho. Sau đó, học thêm nấu canh chua, canh cải, canh,,,Mỗi lần học 1 ít. Đến giờ, báo với cô là các món của dân nhậu em đều biết làm, còn ngon hay dở để các bạn nhậu nhận xét.

    • Luong Minh nói:

      Ở quê mọi người đều cho rằng, ông nào biết nhậu thì làm đồ ăn rất ngon bởi có nguyên do sau: Mình nhậu chẳng lẽ bắt bà xã làm. Món nhậu phải do mình làm thì mới vừa miệng, mới hấp dẫn để mà “đưa cay”. Ở các nhà hàng lớn trên Sài Gòn đầu bếp đa số là nam. Họ chế biến thức ăn rất ngon mà nữ nhân không thể bì kịp. Do vậy, kỳ này cả Lần phải viết bài, nhờ lối xóm chụp hình giùm ,để phổ biến các món nhậu cho cánh đàn ông tự làm mỗi khi có “độ”

  4. My Nguyen nói:

    Cô ơi, thật không ngờ từ chẳng biết gì về nấu ăn mà ngày nay cô lại nấu ăn ngon và khéo tay đến thế! Nhìn lọ mắm tôm màu tự nhiên thật đẹp; hủ đồ chua củ cải đỏ được bào đều đặn, xếp ngăn nắp, thật là bắt mắt và nhất định là rất ngon rồi. Mâm mắm tôm chua thấy thèm quá cô ơi! Phải tập làm thôi, kết quả em cho cô hay sau nhé!

  5. Nguyễn Văn Lần nói:

    Nhìn hình 3,4 của bài viết nầy. Tui ngứa nghề quá ông LM ơi ! Còn viết bài nhờ chụp hình đang chế biến thì dễ ợt. Nhưng chế biến xong phải có độ. Ở đây, tui bị cấm vận, bao vây dữ quá. Phải chờ dịp.

  6. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô ơi, mắm tôm chua là một trong những món khoái khẩu của em đó. Và thỉnh thoảng em vẫn tự làm theo ý của mình, thấy cũng tạm được. Mai mốt em sẽ làm theo hướng dẫn của cô, chắc sẽ ngon hơn nhiều. Và ước gì có dịp cô về VN, em se đãi cô món ăn này do học trò môn gia chánh của cô thực hiện.

  7. Neang Phi Rom nói:

    Cô Hồng Khanh kính mến! cho em đăng ký món bún nước lèo nha cô.

  8. Các em thương mến,

    Mỗi công thức về món ăn của chính các em đã từng nấu và làm, được gởi đến trang nhà là mỗi” đoá hoa ” các em gởi tặng cô và trang ” tongphuochiep-vinhlong.com “, cô ao ước là các em sẽ tham gia thật nhiều để chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau về vấn đề bếp núc và biết đâu chúng ta sẽ có đủ các công thức từ những món ăn đơn giản hàng ngày đến những món ăn công phu, cầu kỳ để có thể góp nhặt và in được thành sách trong tương lai. Tất cả đều tuỳ thuộc vào sự tham gia và hăng hái của các em.

    Cám ơn Phi Rom, người đầu tiên đã hưởng ứng. Cho cô gắn tặng em một cái ” mề đay ” !

    Cô Hồng Khanh

  9. Phan Lương nói:

    Được xem hình bốn

    Them muốn rỏ dãi

    Vì món tôm chua

    Kèm đĩa thịt luộc

    Rau sống gói vào

    Cơm và lia lịa

    Chỉ xíu hết nồi

    ….

    Ôi ăn hàm thụ

    Chảy dãi chèm nhèm

    Sao qua cơn thèm ?

    Cô à ! Cô ơi !

  10. Kimcuong nói:

    Cô ơi ! Có thêm trái vả  thì  rất Huế đó cô. Ra chợ Đông Ba (Huế) mua tôm chua của O Ri nhưng không ngon bằng tôm chua của O Bê ở chợ Trương Minh Giảng (saigon). Hôm nào em sẽ thực món tôm chua theo công thức của cô để không còn đến O Ri, O Bê để mua

    • Đúng là dâu xứ Huế. Mắm tôm chua mà ăn kèm với vả thì nhất rồi, trong  Nam không có trái vả thì dùng tạm chuối chát. Ở bên cô thì trái vả đã không có mà chuối chát cũng không biết tìm đâu ra nên khi ăn mắm tôm chua cũng mất ngon đi một phần. Có gì em viết chút ít về trái vả để các bạn trong Nam biết rõ hơn. Khi nào làm thử mắm tôm chua, có kết quả cho cô và các bạn biết, nếu có hình thì càng tốt. Tốt hơn nữa là Kim Cương gởi cho trang nhà công thức của món ăn mà em hay làm cho gia đình ăn và ưng ý. Cô và các bạn sẽ chờ đấy nhé.

  11. KiềuOanh nói:

    Kính Cô Hồng Khanh, Trờ lại trang nhà bài đầu tiên em đọc chính là bài viết này của Cô. Em thích lắm. Mục này rất bổ ích và sẽ làm “hành trang” cho em khi em bắt đầu “dấn thân” vào việc bếp núc. 

    • Mừng Kiều Oanh trở lại trang nhà. Cám ơn em đã ủng hộ ý kiến của cô. Cô cũng mong em sẽ tham gia bằng cách gởi cho Bếp Ấm một công thức về một món ăn mà em đã nấu hoặc làm, một món đơn giản, không cần cầu kỳ, quan trọng nhất là kèm theo một đoản văn ” tản mạn ” về món ăn mà em đã cho công thức. Với cách viết dí dỏm của ” Nữ Hoàng vui nhộn ” chắc chắn là các đọc giả sẽ thích thú lắm.

    • KiềuOanh nói:

      Dạ, Em sẽ tìm dịp học và gởi kết quả em làm để Cô cho em ý kiến nhé. Em cám ơn Cô.

Trả lời Lê Thân Hồng Khanh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác