TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( Bài 5 )

Ngày đăng: 6/08/2015 11:48:43 Chiều/ ý kiến phản hồi (7)

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”! Ba mẹ tôi đã bỏ tất cả sản nghiệp để làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng và đám con thơ, tưởng rằng  Hà  Nội sẽ là nơi yên bình để tiếp tục xây dựng cuộc đời, không ngờ lại thêm một biến đổi thời cuộc, buộc gia đình chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình của dân du mục. Hiệp định Geneve được ký kết cuối năm 1954, chúng tôi cũng như cả triệu người bỏ miền Bắc để  đi vào Nam lập nghiệp. Bà Nội, gia đình cô tôi, năm chị em chúng tôi cùng chị Cháu đã lên tàu vào Nam trước, ba mẹ chúng tôi chưa có lệnh thuyên chuyển nên còn phải ở lại Hà Nội để chờ đợi.

BƯỚC ĐƯỜNG NAM TIẾN

Gia đình bác tôi, anh ruột của ba tôi đã có mặt tại Phan Thiết từ mấy tháng trước, bác là nhà giáo, được chuyển về Phan Thiết, dạy học tại trường trung học Phan Bội Châu, định cư tại đó nên chờ để đón bà Nội, gia đình cô tôi và chúng tôi.

Chúng tôi lên tàu tại Hải Phòng, lần đầu tiên trong đời được đi tàu thuỷ to rộng tôi cảm thấy mình nhỏ bé quá, trong lòng lo sợ nhưng rồi sự tò mò thắng được nỗi sợ hãi, tôi theo người lớn lên boong tàu để nhìn trời biển bao la, sóng nước chập chùng, tàu chạy qua vịnh Hạ Long, những hòn núi nhỏ nhô lên trên mặt biển đối với cô bé lên tám thật lạ kỳ, lần đầu tiên thấy vịnh Hạ Long để rồi 43 năm sau tôi mới có dịp về để ngắm nhìn cảnh vật mà nay đã trở thành kỳ quan của thế giới một lần nữa.

Những ngày kế tiếp, chúng tôi nằm bẹp ở trong phòng (cabine) vì bị say sóng, nôn mửa liên miên và chẳng ăn uống gì được cả. Chị Cháu và chị Ninh phải luân phiên lo cho chúng tôi, mặc dù hai chị cũng ngầy ngật vì sóng biển, tôi không biết cuộc hải hành đã kéo dài bao nhiêu ngày. Tàu cặp bến Nha Trang, tôi cảm thấy như trút được gánh nặng khi được bước lên đất liền mặc dù đứng chưa vững, đi như người say rượu….

Chúng tôi được đón đến tạm trú tại nhà của một người bà con bên ngoại, được ăn uống và ngủ một giấc dài, buổi sáng giật mình thức dậy, tôi không biết là mình đang ở đâu, nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy một giàn cây giống như xương rồng, trái treo lủng lẳng, màu đỏ , màu xanh thật lạ và đẹp mắt, hỏi ra mới biết, đó là giàn Thanh Long, loại cây này tôi chưa từng nhìn thấy, cả ở Thanh Hoá lẫn Hà Nội, thế mới biết ông bà mình nói đúng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”!

Từ Nha Trang chúng tôi lên xe lửa về Phan Thiết, hai bác đón chúng tôi ở nhà ga và đem chúng tôi về cư xá của trường Phan Bội Châu. Trường nằm trên đường Trần Hưng Đạo, con đường chính của thị xã Phan Thiết, phía sau trường là một dãy nhà dành cho giáo sư của trường, các căn nhà nằm sát cạnh nhau. Nhà tuy chật vì quá đông người nhưng trong thời điểm đó, có chỗ để nương náu đã là một điều quá may mắn. Chẳng bao lâu chúng tôi đều phải đến trường, các anh chị lớn học tại trường Phan Bội Châu, chị tôi, tôi và em tôi theo học trường tiểu học Đức Thắng, cách chỗ ở chừng nửa cây số, rất tiện cho việc đi bộ, chị tôi học lớp nhất, tôi học lớp ba còn em tôi học lớp năm ( lớp một ).

Ít tháng sau mẹ tôi từ Hà Nội vào Saigon bằng máy bay và xin đổi ra Phan Thiết để được gần chúng tôi. Ba tôi vì công việc vẫn còn ở lại Hải Phòng và là một trong những người cuối cùng rời miền Bắc để vào Nam. Ba tôi không xin đổi ra Phan Thiết được nên ở Saigon làm việc và gia đình tôi tạm thời bị phân chia hai nhóm.

Khi bác gái làm đại lý của hãng máy bay Cosara, cả nhà dọn sang phía bên kia đường, chênh chếch với trường Phan Bội Châu, căn nhà rộng rãi, hai tầng, phía trước là văn phòng, phía sau và trên lầu để ở. Không được bao lâu, bác trai được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng trường Nam Tiểu Học, chỉ cách nhà một con đường nhỏ. Bà Nội, gia đình cô tôi, gia đình chúng tôi cùng chị Cháu dọn sang ở căn nhà dành cho Hiệu Trưởng, bắt đầu từ đây chúng tôi có chỗ ăn, chỗ ở yên ổn cùng khoảng không gian thoáng mát và rộng rãi để chạy nhảy nô đùa.

Trường toạ lạc trên một khoảng đất rộng, vuông vắn, bốn phía có bốn dẫy lớp học, ở giữa là sân trường, nền đất, những cây điệp đến mùa nở rộ, vàng cả sân trường, chỉ tội cho bác cai ngày nào cũng phải quét hoa rụng, rồi ít tháng sau lại phải quét trái điệp đầy sân. Sau này khi bác lớn tuổi, có anh Tí, con bác thường đến phụ, lo dọn dẹp cho trường. Phía trước của trường, bên tay trái, có một cây dừa lùn, tàu dừa mọc xà dưới đất, chúng tôi nghịch ngợm leo lên nhún nhảy, giống như cỡi ngựa, cũng có thể vì đó mà trong suốt thời kỳ ở tại trường Nam, tôi không hề thấy cây dừa ra hoa, đơm trái hoặc lớn hơn được chút nào.

Trường chỉ dạy buổi sáng nên buổi chiều khi đi học về và cơm nước xong, chúng tôi tha hồ chạy nhảy, nô đùa trong khuôn viên của trường. Chị em chúng tôi thường chơi trốn tìm, có khi chạy vào chỗ ở của hai cụ Lương để trốn, cụ Ông là Hiệu trưởng của trường Nam, nay đã về hưu, gia đình của cụ còn ở tạm trong trường trước khi tìm được chỗ ở mới. Các cậu, các cô con của cụ đều đã lớn và ở riêng, chỉ còn cậu út, tên ở nhà là Chín hơn chúng tôi ba bốn tuổi là còn sống cùng với hai cụ. Hai cụ thật hiền, rất thương chúng tôi và thường phân phát cho chúng tôi kẹo, bánh hoặc mứt do cụ Bà làm. Cô em láu lỉnh của tôi, dạo ấy mới lên bốn, biết được chỗ cụ Bà cất những món ngon nên mỗi lần chơi trốn tìm đều lấy trộm kẹo, bánh, ngồi yên trong một xó để ăn dần, đã thế còn để lại bao nhiêu vỏ kẹo trong bình sau khi đã gói cẩn thận lại như cũ. Khi khám phá ra những cái kẹo rổng ruột, hai cụ chỉ lắc đầu rồi cười và không hề la mắng cũng không hề tìm hiểu, ai trong số chị em chúng tôi là người đã lấy trộm kẹo. Sự thật chỉ được đưa ra ánh sáng khi chúng tôi đã lớn, ngồi nhắc lại chuyện xưa và cô em láu lỉnh nay đã thành bà nội, bà ngoại mới “thật thà ” thú nhận mình chính là thủ phạm !

 

(Còn tiếp )

Lê-Thân Hồng-Khanh

h1H1 Trường Phan Bội Châu ngày xưa (1954) nay là cơ quan nhà nước ( 2013)

H2H2 Trường Nam Tiểu Học ngày xưa nay đổi tên  và thay đổi nhiều.

H3H3 Mọi người đứng trước ngôi nhà cũ, ngày xưa là đại lý hãng máy bay Cosara , nay đã  thành trụ sở Ngân Hàng.

 

Có 7 bình luận về TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( Bài 5 )

  1. vothilai nói:

    Cô ơi !Em chưa thấy gia đình nào lại phải di chuyển nhiều chổ ở như thế,nhưng có một điều rất quí là gia đình cô đi tới đâu cũng được người thân yêu đùm bọc chở che.Em muốn biết thêm cuộc sống của gia đình cô khi vào Nam,và đến lúc cô xuống vĩnhlong dạy học.Chúc sức khỏe cô ,chúc cô vui vẻ hạnh phúc.

  2. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô ơi, cuộc đời của cô qua nhiều giai đoạn lịch sử mà ngay từ những ngày còn bé, cô đã trải nghiệm và còn lưu trong ký ức rõ mồn. một đến hôm nay. Nếu cô liên kết tất cả thành một cuốn hồi ký sẽ vô cùng quý giá . Em luôn cảm thấy thật thú vị và ngưỡng mộ Cô quá, mỗi. lần đọc bài của Cô.

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Một gia đình quý tộc trôi nổi truân chuyên “khóc cười theo vận nước nổi trôi”, được cái là đi tới đâu cũng được bảo bọc giúp đỡ, Cô há!

    Hay nhất là cô bé 7, 8 tuổi khi ấy lại có trí nhớ tuyệt vời, bộc lộ ngay được tư chất quả cảm kiên nghị thông minh, cái nhìn nhân hậu tinh tế mà sau này tụi học sinh chúng em đã nhận ra được đức tính ấy nơi cô giáo Hồng Khanh dạy mình.

    Ai đọc trang mình, cũng xếp tự truyện của Cô, của Hoàng Hưng là 2 trong những TOP TEN bài viết ăn khách đó Cô!

  4. Phan Lương nói:

    Mỗi lần đọc bài cô viết cảm xúc vô cùng.Cuộc sống trong thời ly loạn dù cực khổ nhưng Cô luôn được đùm bọc chở che.

    Em đã nghiện những bài viết của cô rùi

  5. Các em thương mến,

    Qua những bài viết của cô, các em đã thấy là gia đình cô trong bao nhiêu biến đổi thời cuộc, lên bổng, xuống trầm đều có bàn tay của người thân , của bạn bè, sẵn sàng đưa ra để nâng đỡ, để  đưa những người đang gặp hoạn nạn đến nơi an bình mà không đòi hỏi gì cả.

    Tình nhân ái mà cô đã nhận được, cũng như được chứng kiến tận mắt từ khi còn thơ ấu đã ghi sâu vào tâm trí của cô nên ngày nay cô cũng theo gương của ông bà, cha mẹ, chú bác làm phương châm để sống ở đời, để thấy lòng mình vui và thanh thản khi có thể chia sẻ với những người chung quanh kém may mắn hơn mình.

    Gởi lời thăm tất cả các em cùng gia đình. Hẹn các em vào ngày thứ sáu.

    Cô Hồng-Khanh

  6. Neang Phi Rom nói:

    Cô Hồng Khanh kính mến! mỗi lần đọc bài của cô, em nghiền ngẫm đọc đi đọc lại nhiều lần, hay quá cô ơi, không còn lời nào để tả cho hết, em rất mong được đọc bài kế tiếp của cô. Kính chúc cô dồi dào sức khỏe. Phi Rom

  7. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay, chân thật  và cảm động trong trí nhớ của một cô  bé   vừa  tròn 7, 8,,,,,  người viết    luôn để lại trong lòng chúng em sự  mến mộ , kính phục có lẽ đó là lòng tương thân tương   ái  được lĩnh hội từ một gia đình có nền tảng  vững chắc  , ,  mong được đọc tiếp những phần sau cô nhé .Chúc Bà ,  Cô và các anh chị  sức khoẻ dồi  dào, gia đình đầm  thắm yên vui ,,,  Em Hoành Châu (Gia đình C )

Trả lời Neang Phi Rom Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác