Cẳng Vịt ( Bạn cũ phần 3)

Ngày đăng: 5/08/2015 10:36:44 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)
Ông Mike và Gạo tôi có một khoảnh khắc nghỉ xả hơi trước khi ông ta bắt đầu kể sơ lược lịch sử chiến hạm USS New Jersey, điều mà tôi đang mong đợi. Trên khoảng sông giới hạn bởi bờ kè và một phía vách hông chiếc chiến hạm neo xa ngoài kia. Hôm nay nó đơn độc nằm nghỉ ngơi và được nối liền với thế giới bằng chiếc cầu tàu dài rộng thênh thang vững chắc. Mặt sông trước mặt tôi có lúc thật phẳng phiu, những cô chú ngỗng lội chơi nhởn nhơ, tạo một luồng sóng thật nhỏ phía sau. Không gian bỗng nhiên xuống sắc uể oải, im lìm và trở nên oi bức.

– Ông Mike ơi, ông mới vừa nhắc đến mấy Comedy Show, tôi cũng thích thưởng thức mấy vụ đó lắm. Nhưng vì rào cản ngôn ngữ, đầu óc lụt chành và nhứt là không siêng cập nhật tình hình thời sự nóng bỏng, nên tôi không thể lãnh hội hết những thú vị tinh hoa tếu táo của họ. Nếu ông biết gì mấy vụ hài hước đó, có dịp xin ông hẹn tôi đến đây để chẫm rãi kể cho tôi nghe chơi. À, mà ông Mike nầy! Đã quá giờ cơm trưa, nếu ông không ngại, tôi có thể đãi ông một ít cơm nếp đậu đen. Bà xã tôi dỡ một hộp đầy lúc tôi mới ra đi.

– Cũng lạ nghen, dân Á châu tụi mầy có nhiều người thích nếp. Khi tao mới cưới vợ, cô ấy kêu tao ăn nếp, tao chịu thua. Nhưng bây giờ tao ăn nếp và thức ăn Á châu rất giỏi.

– Vợ ông ở vùng nào của Philippines, ông Mike?

– Quận Morong, Bataan, gần căn cứ Hải quân Subic.

– Cái nầy mới lạ hơn hẳn vụ ăn nếp đó nghen. Tôi từng ở trại PRPC cũng trong quận Morong để học êi, bi, xi và thọ giáo các lớp đời sống Mỹ trước khi định cư.

– Mầy ở Phi năm nào, Gạo?

– Từ tháng 10/1989 đến tháng 7/1990. Lúc đó ông có ở Phi không ông Mike?

– Tao giải ngủ năm 1980 sau 13 năm lính, gia đình tao về Mỹ trong năm đó.
– Ông đi lính cũng lâu hả.
– Thời hạn quân dịch 5 năm tính luôn thời gian học kỹ thuật, sau khi mãn hạn, tao ký tái đăng 2 đợt 4 năm.
– Ông có từng đến Việt Nam, ông Mike.
– Năm 1970, tao từ Phi bay sang Sài Gòn để du lịch Vũng Tàu 2 tuần trong chuyến nghĩ phép thường niên.
– Ông có cảm tưởng gì về đất nước chúng tôi?
– Mùa hè năm 1994, gia đình một số bạn thuỷ thủ tàu USS New Jersey tụi tao tổ chức chuyến du lịch 6 tuần “Thăm lại chiến trường xưa” trên vùng Quảng Trị và Huế. Gần hết chương trình, nhóm tụi tao bay trở vô Sài Gòn để đi xe xuống Cà Mau rồi lên tàu đi vòng vòng vùng sông nước Năm Căn và tham quan rừng cây xanh tốt mọc trên bãi bồi ngập nước vùng đất cực nam. Người Việt của mầy vui vẻ thân thiện, mọi người tiếp đón tụi tao như bạn bè, hình như không ai còn nhớ những quả hải pháo nổ kinh hồn của tụi tao rót vào.
– Ông Mike nhận xét thế nào về thức ăn của đất nước chúng tôi?
– Lần đó tao có dịp thưởng thức những món ăn nhậu trên nhiều địa phương trên 3 miền. Tao không phải là người nghiên cứu thực phẩm hay dinh dưỡng, vả lại thời gian đi chơi gấp rút đó đã qua lâu quá rồi. Tao chỉ thấy thức ăn các nước vùng Đông Nam Á chế biến mọi thứ gần giống như nhau.
– Ông có thể đơn cử vài trường hợp.
– Thí dụ về món chả giò Việt Nam. Trong khu vực Đông Nam Á  thì nước nào cũng có món chiên dầu tương tự như vậy. Nhưng có nước dùng vỏ cuốn bánh bằng bột mì thay vì bột gạo, cũng như mỗi nước xài công thức làm nhân khác nhau. Nói chung là Đông Nam Á là điểm giao lưu pha trộn của các nền văn hoá Bắc Á tràn xuống và Nam Á tràn qua. Đặc điểm của các nước Đông Nam Á kể luôn Phi, ảnh hưởng ít nhiều nền văn hoá Tây phương trong thời thuộc địa cả trăm năm.
– Ông còn nhận ra những đặc điểm ăn chơi gì nữa không, ông Mike?
– Mỗi quốc gia có đặc trưng thực phẩm khác nhau. Tao biết Thái Lan là nước dư thừa thực phẩm, nhưng trên show Bizarre Foods của vua ăn quốc tế Andrew Zimmer chuyên làm phóng sự các loại thức ăn quái chiêu thế giới. Những năm gần đây, trên hệ thống TV lớn như CNN, tao thấy chợ búa Thái Lan bán bò cạp, bọ xít, dế, đuông dừa, châu chấu và nhiều loại côn trùng khác sôi trong chảo mỡ. Người ta ăn rất thích thú, riêng tao nghĩ rằng mình có dịp cũng không dám thử. Tao cũng hiểu thế nào là thói quen, là ảnh hưởng tiếp xúc, trong khi tao đang mê hột vịt lộn, thì dân Mỹ chỉ nghe cũng thè lưỡi, nhăn mặt, lắc đầu.
– Lúc Gạo tôi còn sinh sống trong ruộng đồng xa bên quê. tôi từng ăn chuột đồng, rắn, tiết canh vịt. Nhưng bây giờ tôi không dám ăn lại những món ấy, dù hiện nay tôi nghe nói thịt rắn rất hiếm và là menu đắc giá trong các nhà hàng sang trọng tại nước tôi.
– Thức ăn Việt Nam rất đa dạng. Nhưng vì thời tiết nóng và thiếu phương tiện bảo quản lâu. Thế nên dân vùng quê thường dùng phương pháp cổ truyền là ướp muối xã ớt tiêu tỏi để giữ thịt tươi lâu hơn, đó là nguyên nhân vô tình giúp chất muối đẩy một phần hay toàn bộ dung dịch trong thịt hoặc cá ra ngoài. Rồi khi đem chiên nướng khô đanh, mất đi rất nhiều bổ dưỡng và ngon miệng, đúng không Gạo.
– Ông Mike có từng thưởng thức món ăn nào gọi là “kỳ lạ” của đất nước chúng tôi?
– Có một lần tao coi trên Tonight Show, tụi ban bệ viết kịch bản của Jay L. chụp được tấm bảng quảng cáo thường thấy dựng trong các hành lang các khu thương mại Á châu. Tấm bảng bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh, kê ra nhiều món ăn chơi rất lạ. Khi hình chiếu làm lớn trên TV được tụi nó khoanh tròn món “Dồi trường heo xào khóm”. Cái đầu to quá cở mang cái mặt dị tướng tròn vo gảy ngấn ngay khu vực 2 gò má của thằng “host show”, nó cười cười nhướng nháy không thèm bình luận, nhưng ai mà chẳng biết nó muốn ngụ ý gì.
Tao chỉ thuật lại chuyện vui chứ không ý kiến về bất cứ phong tục tập quán của quốc gia nào nghen Gạo. Hồi tao mới cưới vợ, có lần tao rủ mấy thằng bạn thuỷ thủ cùng xuống ca trực kéo ra nhà tao chơi. Vợ tao quay hai con gà rô-ti đãi khách. Lúc mang ra tụi bạn la hét um sùm, lúc đó tao mới nhớ bọn Mỹ tụi tao không ăn đầu giò gà. Tao dùng dao cắt hai cái đầu và bốn cái chân bỏ vô dĩa, mấy thằng bạn còn cấm tao không được ăn đầu gà trước mặt tụi nó. Đầu giò cánh gà vịt ngon thấy bà mà mãi mãi không thằng bạn nào dám ngó.
– Dân nhậu tụi tui có tiếng lóng để gọi mấy thứ ông vừa nói là ghi-đông pê-đan, là những “parts” trên chiếc xe đạp. Nói bằng loại tiếng Pháp bồi, đó ông Mike.
– Rất tếu, hay và đúng hình tượng quá, còn tiếng lóng nào chỉ cho tao học luôn đi, bạn Gạo.
– Chữ nầy do tui mới nghĩ ra thôi, không phải cóp-pi từ ngôn ngữ giang hồ hoặc bắt chước trong làng nướng. Là thuỷ thủ, dĩ nhiên ông biết cái “propeller” là cánh quạt đẩy tàu hay thường gọi nôm na là chưn vịt. Chưn vịt là cẳng vịt, là pê-đan vịt. Mình ăn cẳng vịt, gần như mình ăn chưn vịt. Ha!Ha!Ha.
– Cám ơn Gạo nhắc khéo tao còn nợ câu chuyện về pháo hạm New Jersey còn nằm thù lù ngoài kia.
– Không thành vấn đề. Ông và tôi rảnh rổi trong chiều nay mà. Ông Mike nhỉ!
Một Lúa
0 vitH

Có 6 bình luận về Cẳng Vịt ( Bạn cũ phần 3)

  1. Phan Lương nói:

    Cảm ơn Phóng viên Một Lúa đã làm một cuộc phỏng vấn ông Mike về những phong cảnh làng quê và các món ăn của người VN qua sự nhận xét tinh tế của ông Mike

    Nhưng ông Mie lại quên mất vụ ôg hứa kể về chuyến hạm USS NJ nửa rùi

    Lần sau nhớ nhé!

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Không phải ông Mike quên đâu PL ơi ! Ông ML câu giờ đó mà. Tui khoái nhất mấy cái ghi-don, pe-dan trong ảnh minh hoạ. Hen với bạn ML khi có dịp chúng ta sẽ nhậu với ” ghi-don, pe-dan ” rút xương ( còn gân ).

  3. Một Lúa nói:

    Anh Cả ui,
    Vùng tui đang ở khó kiếm được địch thủ, nên lụt nghề cũ hết trơn. hihi

  4. Hoài Thương nói:

    Trước hết cho đệ sorry huynh nhe , thực sự  đệ  chẳng có sang ngang gì cả , đó là chỉ nói cho vui thôi, chứ mấm kho, bông lục bình bây giờ đâu còn hấp dẫn với đệ đâu. Hồi  năm năm trước đệ có về thăm quê, có đứa cháu nấu nồi mắm kho, kế bên là dĩa rau to tướng , trông rất ngon lành,nó cứ tưởng sẽ cuống hút được đệ , thế mà  cái tâm của đệ  thì kg cho phép , lâu rồi có ăn món đó đâu nên nghe mùi thì bỏ giò ngang ….

    Còn việc ” ghi dong, pe dan” nó là món nhậu luôn luôn có mặt trên tầng cây số đó huynh ơi, hj,hj.

  5. Một Lúa nói:

    HT,

    Đâu cần phải nói xó-dzi bạn hiền. Chỉ là khều móc têu tao cho qua ngày tháng thui bạn ui. hihihi

Trả lời Nguyễn Văn Lần Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác