TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( Bài 4 )

Ngày đăng: 31/07/2015 12:11:25 Sáng/ ý kiến phản hồi (17)

Ngày nhập học đã đến, chị tôi mặc quần trắng, áo dài đồng phục màu xanh lam đậm của trường Mê Linh để đi học. Trường học ở vùng hồ Ha Le, gần nhà, nên có thể đi bộ, tôi cũng được đi theo nhưng vì sức học còn yếu nên mẹ tôi chỉ xin cho tôi được dự thính, có nghĩa là tôi ngồi cùng lớp với chị tôi nhưng ở bàn cuối và chỉ có nhiệm vụ lắng nghe lời giảng của cô giáo, có hiểu hay không cũng không thành vấn đề, miễn sao cho tôi quen dần với việc học là được, niên khoá tới sẽ tính sau. Tôi cũng không nhớ là mình đã dự thính bao lâu nhưng tôi nghĩ tôi phải buồn chán lắm và chắc gì đã thu nhập được ít điều hay để giúp ích cho niên khoá tới. Cũng may, niên khoá tới không bao giờ có được vì biến đổi thời cuộc, chia cắt hai miền, gia đình tôi lại một lần nữa phải di chuyển để vào Nam.

HÀ NỘI TRONG TRÍ NHỚ

Thời gian ở Hà Nội không dài nhưng không phải vì đó mà tôi không có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, làm sao quên được một Hà Nội thanh lịch mà ngay cả trẻ em cũng như người buôn thúng, bán bưng khi ra đường đều mặc áo dài. Các thiếu nữ thì mùa nào áo ấy, mùa đông áo nhung, áo dạ, khăn phu la len đủ kiểu, áo măng tô, mùa hè áo lụa, áo tơ, khăn voan mỏng đủ màu, thanh niên cũng ăn mặc đẹp không kém, theo đúng cách từng mùa. Chẳng thế mà người Hà Nội thời ấy đã được xếp vào hàng ăn mặc sang trọng, lịch sự không thua gì người Hương Cảng.

Tôi và chị tôi cũng được ba mẹ may cho mấy bộ áo dài để mặc mỗi khi đi ra ngoài, áo dạ, áo lụa đều có đủ, hai em tôi còn nhỏ nên ba mẹ may cho mấy bộ áo đầm thật đẹp. Vào ngày nghỉ ba mẹ thường dẫn chúng tôi dạo phố Hàng Đào, sau đó cho đi ăn kem Phi Điệp, có khi đi dạo hồ Hoàn Kiếm rồi vào hiệu Au Bella để chụp ảnh, chị em chúng tôi còn giữ lại được vài tấm ảnh kỷ niệm của thời bấy giờ, tính đến nay cũng hơn 60 năm. Ba mẹ cũng hay đưa chúng tôi đi xem chiếu bóng, phim hoạt hoạ của Walt Disney, Công chúa ngủ trong rừng, Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Peter Pan…..hoặc xem phim hoạt động như Tarzan, Kingkong.

Ba mẹ tôi thương yêu và chăm lo cho chúng tôi cả về tinh thần lẫn vật chất, dù không giàu có nhưng chúng tôi không hề thiếu một thứ gì. Mẹ tôi đi làm nên phải mướn vú em để coi sóc em Châu, u Châu trở thành người thân tín trong gia đình mà chúng tôi rất quý mến. Sau này ba mẹ nhờ người đem được chị Cháu ra Hà Nội nên chúng tôi có thêm chị Cháu để lo bếp núc và chăm sóc chúng tôi khi ba mẹ tôi vắng mặt.

Món ngon Hà Nội, ba mẹ đều cho chúng tôi thưởng thức, hồng trứng, cốm xanh. Đến mùa, các bà bán cốm thường đội những thúng cốm trên đầu và rao inh ỏi, cốm được bán theo cân và được gói trong những lá sen thơm ngát. Tôi còn nhớ, ba tôi thích ăn cốm với chuối tiêu trứng quốc, chuối tiêu thật chín, trên vỏ có những chấm tròn nhỏ màu nâu, bóc ra, ruột chín vàng, chấm vào đĩa cốm và đưa lên miệng, còn tôi chỉ thích lấy tay bốc một nắm cốm bỏ đầy miệng, nhai từ từ để cảm nhận được tất cả các vị thơm ngon và béo của cốm tươi. Mùa nào thức ấy, tất cả đều được đem rao bán khắp nơi nên muốn ăn gì thì chỉ việc gọi vào nhà, nhãn, vải thiều chúng tôi cũng được nếm thử và bao nhiêu là món khác.

Tôi thích nhất là buổi sáng cuối tuần, thay vì phải ăn sáng với bánh mì nướng chấm sữa như thường lệ, chúng tôi được thưởng thức những món khác, phở hoặc xôi. Tôi thích nhất là xôi xéo (một loại xôi vò nhưng các hột nếp không rời mà dón lại thành từng viên nhỏ) và xôi lúa (giống như xôi bắp của miền Nam nhưng ráo hơn, có đậu xanh hấp, cà nhuyễn và nhiều hành phi) thơm lừng. Lâu lâu ba mẹ lại dẫn đi ăn mì hoành thắn ở gần chỗ mẹ làm việc, đó chỉ là một cái xe bán ở vệ đường nhưng rất nổi tiếng và đông khách.

h1                                    Cô bé lên bẩy của Hà Nội 1953

Mùa hè nóng nực, chị Cháu nấu thạch thái nhỏ, ăn với nước đường, giỏ thêm vài giọt nước hoa bưởi và thật nhiều đá lạnh, mùa đông đôi khi ba tôi gọi cả gánh tàu phở ( đậu hũ ) nóng vào cho chúng tôi ăn, vừa ăn, vừa thổi, mùi gừng cay, thơm và làm ấm cả người.

Hà Nội với bốn mùa rõ rệt, xuân, hạ, thu, đông cùng tất cả đặc trưng của mỗi mùa, tôi chỉ nhớ mùa hè thật nóng, nóng chảy mỡ, quạt máy, quạt trần quay vù vù mà cũng chẳng thấm vào đâu, trẻ con như chúng tôi, rôm sẩy mọc đầy người nên sau khi tắm, mẹ tôi thường phải xoa cho chúng tôi một lượt phấn chống rôm, mùi thơm rất nhẹ và dễ chịu.

Mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, môi cũng như da thường bị khô nên nứt nẻ, nhiều khi toé máu và vị thuốc thần diệu nhất thuở đó là vaseline.  Mỗi khi ra đường phải chuẩn bị khăn áo, giầy dép cẩn thận nhưng thú nhất là được đi cùng với ba vì lúc nào ba cũng mua cho một gói lạc rang húng lìu thơm nóng của ông Tàu bán dạo bên bờ hồ, bỏ vào túi áo măng tô để ăn suốt đoạn đường, quên cả lạnh. Vào trong Nam tôi chưa bao giờ được ăn lạc rang húng lìu ngon như ngày còn ở Hà Nội, có phải chăng khung cảnh và cái lạnh của Hà Nội đã làm cho món ăn này trở thành có một không hai.

Mùa thu Hà Nội đã được bao nhiêu người ca tụng, trời hơi se lạnh, cảnh vật nên thơ thêm vào đó những món ăn, vật lạ cũng không thiếu gì, riêng với tôi, tôi thích nhất những cây bàng lá đỏ ở hai bên đường. Tôi thích tết Trung Thu để được ba mẹ dẫn đi phố lựa mua lồng đèn, tôi say mê ngắm những chiếc đèn kéo quân với hình bóng của người, của thú vật chạy vòng vòng trong đèn, nhìn mãi không chán vì mỗi hiệu có đèn kéo quân với hình ảnh và sự tích khác nhau. Tôi chạy sang bên bác tôi để xem các chị Hoài bầy mâm Trung Thu, trong mâm bao giờ cũng phải có một ông tiến sỹ giấy, chung quanh là các con giống làm bằng bột đủ màu, bánh trái, hoa quả phải sắp đặt như thế nào cho thật mỹ thuật và tỏ được tất cả cái tài khéo léo của các chị, điểm nổi bật là các chị làm một con chó bông bằng quả dừa và các múi bưởi được bóc tách ra gắn vào quả dừa để làm lông, có cả mắt là hai cái khuy màu đen trông thật giống và đẹp. Khay Trung thu này sau đó được đem đặt ở trước cửa nhà và ai đi qua cũng có thể thưởng ngoạn. Đây là một tục lệ thật đáng yêu ở ngoài Bắc và theo lối nói ngày nay thì đó cũng là một cách làm marketing, quảng cáo khéo léo và kín đáo của các gia đình có con gái đến tuổi cập kê. Các bà đang chọn vợ cho con chỉ cần đi một lượt nhìn các mâm Trung thu mà chấm điểm, đẹp dạ mâm nào thì sau đó tìm cách để làm thân hoặc tìm người mai mối.

tien si giay     Ông Tiến sỹ giấy, thường được trưng bày vào dịp Trung Thu tại Hà Nội.

Mùa xuân Hà Nội đẹp làm sao với những cơn mưa bụi, hạt mưa lất phất, nhỏ và nhẹ như hạt bụi, rơi xuống, bám vào tóc, vào áo nhung, áo dạ, chỉ cần giơ tay phẩy nhẹ là những hạt mưa này biến mất, không còn để lại một dấu vết gì cả. Không hiểu Hà Nội ngày nay có còn những hạt mưa bụi thơ mộng của ngày xưa nữa không, hay là cũng đã biến mất vì sự thay đổi khí hậu của toàn cầu và sự biến đổi của thời cuộc.

Các chị Hoài không phải chỉ khéo léo trong việc bày mâm Trung Thu mà khi Tết sắp đến còn tỉa củ Thuỷ tiên thật tài tình, trước Tết, tôi không nhớ rõ là bao lâu, các chị đi chọn mua các củ Thuỷ tiên, đem về các chị dùng những con dao đặc biệt thật sắc để gọt tỉa, phải gọt làm sao để đúng ngày mùng một hoa Thuỷ tiên nở thì mới thật là khéo và trong năm đó gia đình mới phát tài và may mắn. Những củ Thuỷ tiên gọt xong được đặt trong một cái bình sứ có dạng như một cái bát choảng miệng và hình dẹp. Dưới đáy bát là một lớp sỏi trắng phau đổ thêm một lớp nước sâm sấp. Củ Thuỷ tiên nằm trong nước cứ từ từ mọc mầm, đơm lá, nẩy nụ và đúng ngày Tết nở hoa trắng tinh khiết, nhuỵ vàng và thơm lừng cả nhà.

h2

Giò Thuỷ Tiên tại Đức Quốc, Tết Nguyên Đán 2015.

Những tập tục này khi vào Nam tôi không còn thấy nữa, không hợp với thuỷ thổ và thời tiết nên đã biến mất dần. Mấy năm nay ở Đức, khi Tết đến tôi cũng mua Thuỷ Tiên về chưng, Thuỷ Tiên đã có nụ sẵn nên chỉ cần chờ ít ngày là sẽ nở hoa, hoa cũng thơm ngào ngạt nhưng hình dạng không thanh cảnh như hoa ngày xưa của một thời Hà Nội yêu dấu của tôi…..Thời gian gắn bó tuy ngắn ngủi nhưng kỷ niệm vẫn còn mãi đọng đầy..!

( còn tiếp )

Bài và ảnh Lê Thân Hồng Khanh

Viết để tưởng nhớ đến hai Bác, để tặng anh Khánh và các chị Hoài, những người đã cưu mang và chia sẻ với gia đình chúng tôi kỷ niệm của một thời Hà Nội 1953-1954

Có 17 bình luận về TÌM VỀ KỶ NIỆM ẤU THƠ ( Bài 4 )

  1. Như Thuỳ nói:

    Cô ơi , trí nhớ của cô thật là … siêu việt !  ( và ai đó đã nói trí nhớ là bạn đường của trí tuệ chắc không sai ).  Đọc đoạn cô kể cô và chị được bà sắm cho mấy bộ áo dài để mặc khi ra đường em rất ngạc nhiên vì nghĩ lúc đó cô còn quá nhỏ .  Nhưng sau đó xem hình thì …. Ui ! không phải là một bé 7 tuổi mặt búng ra sữa mà dường như đã có thể là một “em” trong Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp rồi ! Hình như con người có khuynh hướng ngày càng “trẻ” hơn và cũng “dại” hơn … ( Hi!hi! )

    Cám ơn cô đã cho tụi em biết thêm về một Hà Nội giờ chỉ còn là “kỷ niệm” .

     

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Ký ức tuổi thơ của cô như vậy là quá đẹp.Dù sao, bấy giờ cô cũng là người Hà Nội, chả bù với tụi em, năm học lớp đệ ngũ ( lớp 8 ) mà còn đi chăn trâu 1 buổi, 1 buỏi đi học. Mãi đến năm hết Trung học đệ nhất cấp má em vì thương con  quá nên năn nỉ ba em bán trâu đi để em chú tâm vào việc học. Nhờ vậy, em mới theo kịp bạn bè, dù ở tốp sau chót.

    • Đối với nhà nông thì con trâu là cả một gia tài, là cộng sự viên đắc lực trong công việc đồng áng, vậy mà ba má em đã bán trâu để em có cơ hội học tập, tiến thân. Thật đáng ngưỡng mộ những đấng sinh thành đã hy sinh và thương yêu con cái hết mực như ba má của em.

  3. Hồng Yến nói:

    Cô ơi tuổi thơ của cô có quá nhiều

    kỉ niệm đẹp càng dọc em càng mê

    mẫn ,cảm ơn cô đả cho chúng em biết

    về Hà Nội nhiều hơn…

  4. Phan Lương nói:

    Tuổi thơ của cô một trời xanh thẫm

    Thương làm sao thuở bé mắt tròn xoe

    Vầng trán rộng thông minh ,trí nhớ bền

    Để sau này về già vẫn nhớ lâu

    • Phan Lương có tài xuất khẩu thành thơ, nếu có dịp trở về thăm Vĩnh Long lần nữa, chắc chắn cô sẽ nhờ Đức Tính đưa cô đến ấp Bốn để thăm em và Hoa Đăng, để được ăn bánh xèo và để được nghe mùi hoa dẻ ( hương Hoàng Lan ) của một thuở nào trong vườn nhà em.

      • Phan Lương nói:

        Nhất định thế cô nhé! Em  xem đây là một lời hứa ,một niềm tin và hy vọng đấy cô ạ

        Em rất vui khi được cô san sẻ những lời nói chân tình,cũng như em rất mê đọc những bài cô viết.Bởi vì em nhận ra được những cảm xúc rất thật của cô qua các bài viết .Những cảm xúc đó cô đọng lại trong lòng cô từ lâu lắm .Cho đến bây giờ cô chỉ sắp xếp chúng theo một trình tự để viết ra.

        Đừng quên thời gian hẹn ước mỗi thứ 6 cô nhé

        Em chúc cô luôn khỏe để viết tốt

         

  5. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Sao Cô phiêu bạt nhiều nơi, mà hình ảnh xưa cũ Cô giữ gìn chu đáo thế?

    Bức ảnh cô bé 7 tuổi ở Hà Nội vẫn mang nét đài các trầm tư “khó tính” của cô giáo Hồng Khanh hồi dạy chúng em năm 1968, 1969…

    Em vẫn chờ đọc tiếp và vẫn mong có được tập truyện để in tặng anh Cả Lần như anh đã đề nghị. Thương mến.

    • Ảnh gia đình ngày xưa thật nhiều nhưng qua bao nhiêu biến đổi thời cuộc, hiện nay cô chỉ còn giữ được vài tấm mà thôi. Tập hồi ký nhỏ này chỉ còn vài đoạn nữa là chấm dứt, quá nhỏ và quá ngắn để có thể in thành sách nên Hạnh chịu khó đợi cho đến khi nào cô có cảm hứng để ghi lại được tiếp những sự việc xảy ra trong cuộc đời và  thấy đủ thì lúc đó sẽ tính sau nhé.

  6. vothilai nói:

    Cô kính yêu ! hình cô bé 7 tuổi sao mà đáng yêu thế, lúc cô 7 tuổi thì em mới sinh ra đời, phải công nhận cô có một trí nhớ siêu việt. Qua cô em mới biết thêm về Hà Nội,em rất thích thú những gì cô kể ,mong được xem  thêm những gì cô chưa kể.Em kính chúc cô vui khỏe,và tiếp tục kể lúc cô vào Nam cuộc sống cô ra sao ?

    • Cô gởi lời thăm em và gia đình, chắc em vẫn hàng ngày chăm sóc cháu nội. Đến tuổi này đó là niềm vui phải không em. Vĩnh Long có gì lạ không, cô vẫn nhớ hoài VL ngày cũ (1967-1970) và VL vừa qua (2013) cùng tất cả các em.

      Thứ sáu này em sẽ được đọc những kỷ niệm trong đoạn đường đầu tiên của cô vào Nam.

  7. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô ơi, hôm nay em mới có thể đọc được các đoạn hồi ký phần 3 và 4 của cô, và càng đọc em càng nghĩ , sao cô Hồng Khanh của mình không là một nhà văn nhỉ. Lâu rồi , em mới được đọc những bài văn như em hằng yêu thích, thật sâu sắc và lãng mạn cả ý tưởng lẫn văn từ. Em ngỡ như mình đang đọc các truyện ngắn của Thạch Lam về miền quê đắt Bắc êm đềm hay bút ký Thương nhớ 12 của Hà nội thanh lịch đầy phong vị, từ khung cảnh 4 mùa đến các món ăn tinh tế. Em còn thấy chuyện kể của cô còn hay hơn cả các nhà văn kia vì đầy cảm xúc trong trí nhớ của một …cô bé có trái tim vô cùng mẫn cảm.

  8. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô ơi, đoạn trên em viết sót một chút là Thương nhớ mười hai , tập tản văn của nhà văn Vũ Bằng viết về cảnh trí và các món ngon Hà nội xưa.
    Đọc bài cô , sao em thấy yêu HN ngày ấy quá, đồng thời rất tiếc vì bây giờ HN đã mất đi nhiều cốt cách Tràng An cổ kính rồi, dù phố phường có khang trang, hào nhoáng hơn xưa nhiều lắm.

    • Hà Nội bây giờ chỉ còn lại trong trí nhớ và kỷ niệm, thật đáng tiếc ! Cô rất vui khi thấy các em thích đọc  những đoạn hồi ký nho nhỏ của cô . Đức Tính mỏng manh quá, nhớ giữ gìn sức khoẻ để lâu lâu đi thăm viếng bạn bè, đem lại niềm vui, tìm được cảm hứng để ghi lại cho mọi người cùng thưởng thức. Chúc em một chuyến đi thật vui và đầy thú vị trong tương lai thật gần.

Trả lời Lê Thân Hồng Khanh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác