Tìm về kỷ niệm ấu thơ ( Bài 2)
Thời gian trôi qua, tôi lại thêm một tuổi, đến tuổi phải cắp sách tới trường, trong khi đó chiến cuộc càng ngày càng sôi động. Ba mẹ tôi quyết định đem chúng tôi về sống tại thị xã Thanh Hoá, cô Lại xin trở về nguyên quán Bái Đa, anh Thanh theo bộ đội. Gia đình chúng tôi lúc bấy giờ chỉ còn ba mẹ, bốn chị em chúng tôi và chị Cháu, nhưng rồi chẳng bao lâu có mặt anh Trúc, anh Đa con của cô tôi, các anh đến ở để đi học bậc trung học tại thị xã, chị Ninh, con nuôi của cô tôi giúp mẹ tôi chăm nom chúng tôi. Ba mẹ tôi mua được một căn nhà nhỏ ở Hà Mã, đây là một khu vực thuộc thị xã nhưng chưa được đông đúc và sầm uất mấy. Nhà mới của chúng tôi có mặt tiền nhìn ra ngoài đường cái, hai bên đều có hàng xóm và cách nhau bởi một khoảng vườn nhỏ, nơi mà mẹ tôi, chị Cháu và chị Ninh trồng các loại rau, xu hào, bắp cải, đậu v..v…đủ cho gia đình dùng.
TUỔI THƠ VÀ CHIẾN TRANH
Không hiểu vì vô tình hay do ba mẹ cố ý chọn, mà phía bên kia đường cũng như phía sau nhà của chúng tôi đều là đồng ruộng. Tuy là đường chính của thị xã nhưng ít khi thấy có xe hơi chạy qua, lâu lắm mới có một chiếc xe vận tải hoặc xe nhà binh, những xe này thường chạy vào buổi tối, chúng tôi rất thích và reo lên khi thấy đèn pha của xe chiếu sáng trong bóng đêm. Ban ngày phần nhiều chỉ có người đi bộ, thỉnh thoảng có người đi xe đạp. Đàng sau nhà có một con lạch nhỏ, rau muống mọc đầy, một chiếc cầu thô sơ được bắc ngang qua, không có tay vịn nên chị Ninh đã có lần vì vội chạy ra hầm trốn máy bay, quýnh quáng làm sao mà ngã lăn xuống lạch.
Qua khỏi cầu là một khoảng đất trống, trên khoảng đất này một cái hầm nổi đã được xây sẵn để mọi người trong gia đình có nơi trú ẩn khi có máy bay của Pháp tới. Hầm rộng và mát rượi mặc dù bên ngoài đang nóng nực, chị em chúng tôi thường xin phép đem chiếc chiếu nhỏ trải trong hầm và chơi đùa với nhau rồi nhiều khi mệt quá ngủ thiếp đi, cho đến khi chị Ninh ra đánh thức để đem chúng tôi vào nhà.
Từ phía sau nhà, chúng tôi có thể nhìn thấy ở thật xa “quốc lộ số 1 “, con đường huyết mạch của liên khu tư, cũng vì thế mà tôi đã có lần chứng kiến cảnh máy bay của Pháp xà xuống để bắn phá con đường này. Máy bay Pháp bay tới để oanh tạc và bỏ bom liên khu tư hàng ngày, không ngày nào mà gia đình chúng tôi không phải chạy trốn dưới hầm, tôi tuy còn nhỏ mà đã phân biệt được tiếng máy bay, biết là loại máy bay gì để mà trốn chạy cho kịp thời. Khi nghe tiếng máy bay bà già ( máy bay trực thăng ), loại máy bay thám thính thì có thể thong thả để ra hầm vì mười, mười lăm phút sau mới có máy bay chiến đấu tới bỏ bom. Nghe tiếng máy bay hen cát ( HEN 4 ) hoặc bê vanh xít ( B 26 ) thì phải chạy thật nhanh ra hầm vì trong khoảnh khắc sẽ có oanh tạc hoặc bom rơi. May mắn thay, khu gia đình tôi ở chưa bị oanh tạc hoặc bỏ bom lần nào nhưng các khu gần đó đều bị nạn, người chết, bị thương, nhà cửa bốc cháy, khói đen bay mù mịt cả một góc trời…..
Dù sống trong lo sợ, phập phồng nhưng tất cả mọi người già , trẻ, lớn, bé đều phải chấp nhận để tiếp tục các sinh hoạt hàng ngày. Chị tôi và tôi sáng sáng cắp sách đến trường, chúng tôi phải đi bộ chừng 1 km, trường nằm ở chân núi nên khi có báo động là cô, thầy lùa tất cả học trò vào trốn trong hang núi cho đến lúc yên mới về lớp tiếp tục học. Nhiều khi đang trên đường đi thì phải nhảy xuống tăng xê, loại hầm cá nhân nhỏ được đào sâu như một cái hố hoặc trốn vào hầm nổi tập thể để chờ đến khi báo động chấm dứt. Khổ nhất là mùa mưa, các hầm hố đều đầy nước, có khi ngập đến bụng, cóc nhái, ểnh ương ngang nhiên bơi lội qua lại như chỗ không người. Các anh Trúc, Đa theo bậc trung học nên chỉ được đi học vào lúc chiều và tối khuya mới về lại nhà, các anh phải đem theo bàn ghế xếp cá nhân, nhỏ, gọn và nhẹ cùng một cái đèn làm bằng vỏ của hộp thuốc đau bụng Ganidan mà anh Sự là hoạ sỹ, khéo tay đã sáng chế ra để tặng. Khoảng thời gian ở Hà Mã các anh, cháu của mẹ tôi, thường ghé thăm, các anh tuy là vai cháu nhưng đều bằng hoặc hơn tuổi của mẹ tôi, các anh vì ý thức hệ khác biệt nên bỏ Huế để ra sống tại liên khu tư, người thì dạy học, người là hoạ sỹ, người thì đi bộ đội. Chúng tôi vui mừng khi các anh đến thăm, ở chơi năm bảy ngày, các anh vui đùa với chúng tôi, dạy hát, múa, đóng kịch……Các anh đi, chúng tôi buồn bã, có lần chị tôi và chị Ninh đã chạy theo để đưa tiễn các anh thật xa, băng qua bao nhiêu đồng ruộng.
Chiến cuộc căng thẳng, bọn trẻ chúng tôi cũng không còn được đi học vào ban ngày nữa vì quá nguy hiểm trước sự bắn phá và bỏ bom liên miên của máy bay Pháp, chúng tôi phải đi học vào buổi chiều, tránh được nạn máy bay nhưng buổi tối về thì quả là đại nạn. Chúng tôi đi cả một đàn, trẻ nhỏ cùng xóm từ 6 đến 10 tuổi, trên đường về chúng tôi ngang qua phố Tàu với những cửa hàng bán đủ các loại nhưng tôi vì có tâm hồn ăn uống nên chỉ chú ý đến cửa hàng bán bánh bò Tàu, những chiếc bánh bò tròn như cái chén, màu nâu vì làm bằng đường thẻ thật là bắt mắt làm tôi phải nuốt nước miếng. Qua phố Tàu là nghĩa địa, bọn con trai miệng la to ” ma, ma ” rồi cắm đầu chạy trước, lũ con gái chúng tôi chạy theo sau, vừa chạy vừa khóc cho tới khi thấy bóng những căn nhà đầu tiên. Tối nào cũng như tối đó, cảnh cũ vẫn tiếp diễn, đêm về tôi hay nằm mơ thấy ác mộng, không hiểu vì sợ ma hay là sợ máy bay….
Ông trời đã cho con người có sức chịu đựng thật là khó tưởng, dù ở trong hoàn cảnh nào đi nữa cũng phải tìm ra những niềm vui cũng như sự tin tưởng để tiếp tục mà sống. Chúng tôi may mắn được ở trong vòng tay che chở và thương yêu của ba mẹ tôi và người thân bên cạnh nên có thể vì đó mà vết thương chiến tranh cũng nhẹ bớt đi một phần nào trong tâm thức. Trong khoảng thời gian này tôi cũng vẫn giữ được một số những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ. Làm sao quên được cảm giác của lần đầu tiên được mẹ cho nếm chiếc kem cây, vừa cắn một miếng trong miệng là phải nhổ ra liền, cái lạnh của cây kem quá xa lạ làm tôi hoảng sợ, làm tê liệt cả lưỡi nên chẳng biết mùi vị là gì. Những ổ bánh mì ba tê nóng dòn, thơm ngậy mùi gan mà đến năm 6 tuổi tôi mới được thưởng thức lần đầu, những miếng kẹo kéo ngọt ngào, bên trong có những hột động phọng rang thơm béo. Cô bé nhà quê lần đầu được nếm mùi vị của tỉnh thành thì làm sao mà không nhớ cho được !
Mặc dù trước và sau nhà đều có đồng ruộng nhưng sao sánh được khung cảnh cũng như không khí quen thuộc của miền quê, không còn nhìn thấy các loại bướm đủ màu, hoạ chăng chỉ thỉnh thoảng có vài chú bướm vàng vờn trên đám cải đang nở hoa bên hông nhà. Sáng thức dậy không còn được đón chào bằng tiếng chim hót, ôi thôi, chào mào, vành khuyên, chìa vôi nay đã xa, thật xa….tôi còn nhớ có lần ba mẹ tôi mua cho chúng tôi một cái lồng tre thật đẹp trong đó có một chú chim se sẻ, chúng tôi vui thích, chăm sóc kỹ càng, nước uống, thóc gạo lúc nào cũng đầy đủ. Những khi rảnh rổi chúng tôi ngồi ngắm con chim bé nhỏ, nhảy nhót trong lồng và đâu biết rằng số phận của con chim này cũng không khác gì số phận của chúng tôi thời điểm đó, cuộc đời ” cá chậu chim lồng “, giam mình trong chiến tranh thì có gì đâu mà vui thú……
Ngẫm nghĩ lại tôi thấy là yếu tố chính đưa đến việc gia đình tôi phải di chuyển liên tục từ nơi này qua nơi khác là do ở thời cuộc. Ba mẹ tôi cũng như tất cả các ông cha, bà mẹ khác, bao giờ cũng mong muốn tạo dựng được một mái nhà êm ấm, yên bình ở một nơi cho con cái, đâu có ai thích đưa gia đình hôm nay ở đây, ngày mai ở đó như dân du mục, nhưng ở đời, ông bà ta đã nói dù có làm gì đi nữa cũng không tránh được số trời, nên đến năm 1953 gia đình tôi lại một lần nữa phải theo ý trời để rời chỗ ở.
Thời cuộc biến đổi ba mẹ tôi phải cấp tốc rời khỏi Thanh Hoá để ra Hà Nội, lúc đó mẹ tôi đang có mang em Châu và ngày sanh cũng đã cận kề. Ba mẹ tôi không thể đem bốn chị em tôi theo nên đã nhờ cô tôi, chị ruột của ba tôi chăm nom và săn sóc chúng tôi. Cô cho chúng tôi biết là ba mẹ chúng tôi phải về Bái Đa thăm ông nội bị bệnh, khi nào ông khỏi bệnh thì ba mẹ tôi sẽ trở lại. Chị em chúng tôi yên tâm và cũng không thắc mắc gì nữa mặc dù rất nhớ ba mẹ, nhất là hai em của tôi lúc đó mới, lên ba, lên bốn.
Ba mẹ đi rồi chúng tôi lại tiếp tục cuộc sống thường nhật, vẫn chạy trốn máy bay, vẫn đi học, đôi khi lại trốn cô để ra đình để xem đấu tố hoặc xem các anh chị lớn nhảy ” son đố mì”, cho đến khi nhà của ba mẹ tôi ở Hà Mã bị tịch thu, cô tôi đưa cả gia đình về Ba Lít, cũng thuộc thị xã nhưng xa hơn. Cô thuê được một căn nhà nhỏ thiếu tất cả mọi tiện nghi để cả gia đình tạm trú, kể từ đây đoạn đường chông gai của tôi bắt đầu. Chị em chúng tôi còn nhỏ nên không phải làm gì trong khi anh Trúc, anh Đa, chị Ninh phải hàng ngày đi gánh nước ở xa để về nhà dùng, chị Cháu giúp cô lo cơm nước và việc nhà.
Chúng tôi bắt đầu phải ăn cơm độn khoai, độn sắn, dạo ấy không hiểu sao đậu xanh quá nhiều và bán rẻ nên cô mua về, đãi vỏ và làm món canh đậu, đậu xanh nấu đặc, cho muối và nhiều lá tía tô, mới đầu ăn thấy ngon vì lạ nhưng rồi tuần nào cũng phải ăn ba bốn lần nên cuối cùng không ai có thể nuốt nổi, tuy vậy vì sợ cô nên vẫn phải cố mà ăn. Cho đến bây giờ, cứ nghĩ đến canh đậu của cô là tôi muốn rùng mình.
Thời gian ở Ba Lít rồi cũng trôi qua, cho đến một ngày có một người phụ nữ trạc 30 tuổi tới nhà nói chuyện thì thào với cô. Sau đó cô gọi chúng tôi tới và nói, đây là chị Vân, sáng mai chị sẽ mang các cháu về với bố mẹ các cháu. Cô sửa soạn cho chúng tôi một tay nải nhỏ đựng vài bộ quần áo để đem theo. Chúng tôi vui mừng vì sắp được gặp ba mẹ và đâu biết rằng, đoạn đường sắp tới là đoạn đường gian khổ nhất trong suốt quãng đời thơ ấu của tôi, cô bé mới lên 7 tuổi.
Sáng hôm sau chúng tôi từ giã cô và các anh chị để theo chị Vân lên đường, chị dặn chúng tôi phải gọi chị bằng cô, chị giả dạng là đem đám con của anh chị về thăm ông bà nội. Con đường từ thị xã Thanh Hoá – Nam Định chỉ có 95km, tôi không nhớ là phải mất bao lâu để đi quãng đường này, tôi đoán là chắc lâu lắm vì chị phải chọn những đường xa, vắng vẻ, ít trạm kiểm soát, hơn nữa chúng tôi còn bé quá không thể đi nhiều và nhanh như người lớn và phải vừa đi vừa nghỉ nên mất thì giờ.
Chúng tôi đi bằng đường bộ và đường thuỷ, đường bộ có nghĩa là phải lội bộ theo chị vì không có một phương tiện di chuyển gì khác, hai em tôi lúc đó còn quá nhỏ mới lên ba lên bốn nên chị thuê người gánh, mỗi em ngồi ở một bên đầu thúng. Chúng tôi nhiều khi phải băng rừng, băng núi, lợi dụng ánh trăng chị dẫn chúng tôi đi vào ban đêm trên những con đường thật vắng để không bị chú ý. Chị tôi và tôi cắm đầu theo chị mà không dám than van một lời mặc dầu vừa mệt mỏi, vừa buồn ngủ, vừa đau chân. Thỉnh thoảng chúng tôi được đi thuyền, thuyền đi dưới sông, trên đầu máy bay của Pháp vờn qua vờn lại để bỏ bom, chị bắt chúng tôi phải úp mặt xuống không được nhìn máy bay, chị doạ, nhìn lên, máy bay thấy mắt lấp lánh nó sẽ oanh tạc. Nghe vậy chúng tôi sợ hết hồn và khi có tiếng máy bay, chúng tôi tự động úp mặt mà chẳng cần chờ chị bảo. Chúng tôi sợ chị lắm, nhờ vậy mà chuyến đi cũng dễ dàng hơn vì con nít không dám mè nheo, ngay cả hai em tôi cũng không dám khóc nhè gì cả. Trên đường đi, tôi cũng đã chứng kiến những người bị thương, máu me lênh láng vì bị máy bay Pháp oanh tạc, thật may cho chúng tôi, máy bay đã đi rồi chúng tôi mới đến nơi vừa bị bắn phá. Có hôm chúng tôi mệt mỏi và đau chân vì đi bộ quá nhiều, chị cho ngừng lại nơi một làng nhỏ. Chị tôi và tôi cởi giầy để rửa chân, ôi thôi, những bàn chân nhỏ bé đã xưng vù, lòng bàn chân cũng như các ngón chân đầy bong bóng, vỡ nước, bị cọ sát nên trầy trụa, tứa máu. Tôi cũng không hiểu sao với đôi chân thương tích như vậy mà tôi và chị tôi đã tiếp tục đi biết bao nhiêu đoạn đường, có thể vì đau quá và cũng vì lòng mong muốn được gặp lại ba mẹ nên chúng tôi không còn cảm giác gì nữa chăng…..hôm đó chúng tôi được ngủ trên chõng tre và được ăn một bữa cơm tối đạm bạc. Nhìn mấy cái bát sành củ kỹ, sứt mẻ tôi buột miệng nói, bát mẻ, cháu không ăn đâu. Chị Vân trừng mắt nhìn, tôi vội vàng bưng cái bát mẻ lên mà nước mắt đầm đìa. Chị cho chúng tôi nghỉ ở đây vài ngày để chân của chị tôi và tôi tương đối bình phục, sau đó lại tiếp tục cuộc hành trình và rồi qua bao nhiêu gian lao, chị Vân đã đưa được bốn chị em chúng tôi đến Nam Định, giao cho hai bác tôi đã định cư tại đó, còn chị lên xe về Hanoi ngay để báo tin cho ba mẹ tôi biết.
Ngày hôm sau, ba tôi về Nam Định để đón chúng tôi, gặp lại ba , chúng tôi reo mừng, ôm chầm lấy ba và mếu máo, ba ơi, họ tịch thu nhà mình rồi……Gia đình chúng tôi đoàn tụ tại Hanoi, nói làm sao được nỗi vui mừng sau một khoảng thời gian trải qua bao gian nan lại được sống trong vòng tay thương yêu, che chở của ba mẹ, ngoài bốn chị em, chúng tôi có thêm một em trai mới, cháu đích tôn của ông bà nội, tiếc thay ông nội tôi không được gặp mặt cháu đích tôn lần nào. Khoảng thời gian sau, ba mẹ tôi lại nhờ chị Vân đưa được Bà Nội, gia đình của cô Ký và chị Cháu ra Hanoi, để rồi năm 1954 cả đại gia đình chúng tôi phải lên tầu vào Nam, ba mẹ tôi một lần nữa bỏ hết tất cả để làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng và năm đứa con nhỏ….
Phải chứng kiến tận mắt cảnh ” vật đổi sao dời ” ngay từ lứa tuổi ấu thơ, phải sống trong chiến tranh từ khi biết nhận thức, phải trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, cho đến nay sắp bước vào lứa tuổi ” thất thập cổ lai hy “, tôi vẫn giữ được niềm tin là dù trong bất cứ trạng huống nào, người ta vẫn phải tìm ra được đường đi cũng như niềm hy vọng để mà chiến đấu, để mà tiếp tục sống.
( còn tiếp )
Bài và ảnh Lê-Thân Hồng-Khanh ( 2015 )
Thị xã Thanh Hoá ngày nay ( 2013 )
h5
Nhà văn “định kỳ” rất đúng hẹn. Đọc kiểu này, em rất nôn nóng Cô ơi!
Bao giờ in thành tập truyện, nhà văn nhớ ký tặng em một tập đó nghen.
Xem bài viết cứ như xem phim truyện, thì biết công sức và duyên viết của cô, rất hấp dẫn. Chúng tôi chờ xem tiếp…Cám ơn cô
Thưa anh Trương Mẫn,
Rất vui khi thấy anh đã thành bạn đọc trung thành của tập hồi ký nhỏ. Gởi lời thăm anh và gia đình
Lê-Thân Hồng-Khanh
Cô Hồng Khanh ơi!Đọc bài viết của cô em tưởng chừng như mình đang xem phim ấy
Cô ơi cô viết rất hay.Em đang nóng lòng chờ đọc tiếp nè cô ơi.Mên chào cô
Ui cha ! Hấp dẫn còn hơn Tiếu ngạo giang hồ lúc mới đăng từng kỳ trên báo . Anh Lương Minh ơi , với “thiên hồi ký” này của cô , từ nay mỗi thứ sáu tongphuochiep-vinhlong.com tha hồ đắt như tôm tươi nghe ! ( Hi!hi! )
Hồi xưa, lâu lâu Hàn Giang Nhạn nghỉ một ngày không dịch, các báo cáo lỗi độc giả do báo Hong Kong qua không kịp, Tiếu ngạo Giang hồ tạm ngưng lại một ngày mong bạn đọc thứ lỗi. Ngày này, bài vở gửi qua email, lý do duy nhất là đứt cáp quang mà cái này thì không trễ đến 1 tuần được.
– Như Thùy xem cái đồng hồ đếm người đọc có nhảy vọt không ?
Hồng Khanh thân mến,
Đoc phần 2 cuả “Tìm về kỷ niệm ấu thơ:, Cô có cảm tưởng đang đọc trang 2 cuả 1 quyển sách dày. Cô phục Em nhớ tất cả những sự việc xảy ra quanh Em lúc Em
còn quá nhỏ. Những buồn vui , lo lắng , sợ hãi vì chiến cuộc đã in vào ký ức ,
bây giờ tìm lại kỷ niệm thời thơ ấu để nâng niu, trân trọng.! Cám ơn Em đã cho
đọc 1 bài rất hay. Sẽ còn rất nhiều trang mới rất thú vị vì cuộc sống có nhiều thay đổi
lớn.
Cô NĐ
quyển
Thưa cô,
Em xin cám ơn lời khích lệ của cô. Em hy vọng là nay cô đã hoàn toàn bình phục và sinh hoạt như thường lệ. Em gởi lời thăm cô và chúc cô mọi điều vui.
Lê-Thân Hồng-Khanh
Cô ơi ! Hồi xưa các bạn em đọc Tiếu ngạo giang hồ, Hồng lâu mộng,…. rồi đâm ghiền. Bi giờ em đọc truyện của cô cũng ghiền. Mong khi nào cô viết xong tập truyện, gởi về, Nguyễn Thị Hạnh sẽ in và tặng cho học trò cô mỗi người 1 quyển.
Cô ơi!những ngày mong đợi rồi cũng đến,bài cô viết rất hay em đọc tới ba lần.Tuổi thơ cô cũng vất vả quá,đọc bài cô như đang xem tiểu thuyết,từng tập, từng tập.Em đang chờ tập tiếp theo,chúc cô vui khỏe .
Đọc hai phần đầu bài “Bút ký” của cô Lê Thân Hồng Khanh dẫn tôi đi về quá khứ với đầy nỗi ngậm ngùi. Mặc dù là người miền quê thuộc vùng Đồng bằng Châu thổ Sông Cửu Long, nhưng cứ tưởng chừng hiện thân có mình trong đó. Một bài viết có giá trị, tiêu biểu cho một thời xa xôi đất nước loạn lạc trong chiến tranh.
Nhân đây, xin cho phép tôi được nhờ chỗ nầy để có vài lời kính đến thân mẫu của cô Khanh, bà Thân Thị Khánh.
Kính thưa Bà, được Lương Minh thông báo, Bà có tấm lòng nghĩ đến, nhờ người trao tặng cho tôi tập sách của nhà thơ nhà văn là dịch giả Thân Trọng Sơn, dầu chưa có dịp cầm trên tay cuốn sách và chưa kịp nói lời cám ơn, nhưng với nhã ý của bà, tôi thành thật kính quý và chân thành cám ơn bà, đồng thời cũng xin được gởi đến lời cám ơn nhà thơ Thân Trọng Sơn
Kính,
Phong Tâm
Kính gởi nhà thơ Phong Tâm,
Nghĩ là Anh ( xin mạn phép gọi như thế ) có về Saigon dự cuộc Hội ngộ Nghĩa tình mừng SN thứ ba trang TPH-VL hôm đầu tháng 7, bà Thân Thị Khánh nhắn tôi chuyển đến Anh cuốn Lãng Du Miền Đát Lạ, như là một món quà gởi đến Anh từ phương xa của một bạn đọc thân tình. Kèm theo lời đề tặng của Bà là tình cảm quý mến của tác giả cuốn sách.
Chính chúng tôi, gia đình cô em họ, bạn đồng nghiệp của tôi, cô giáo LTHK, mới là những người phải cám ơn những người chăm lo điều hành và cộng tác với trang TPH-VL, vì đã cung cấp cho Bà Thân Thị Khánh niềm vui quý báu hàng ngày ( bà không bỏ sót bài nào, với thói quen vào đọc mỗi sáng sau bữa điểm tâm ) , nhờ vậy mà SỐNG VUI SỐNG KHOẺ.
Xin gởi đến Anh lời chúc an lành!
Thân Trọng Sơn.
Thân mến nhà thơ dịch giả Thân Trọng Sơn,
Thưa Anh, xin được phép gọi theo (tình văn nghệ) để cám ơn anh có thư phản hồi. Thật lòng từ đầu năm tới giờ tôi chưa có dịp về Sài Gòn, ngày vui họp mặt của trang nhà đầu tháng 7 không tham dự được vì sức khoẻ không cho phép.
Biết mình được tặng sách qua thông báo và phone của Lương Minh, thật hân hạnh. Chỉ là người quen trang TPHVL, là bạn của nhà báo Lương Minh mà được bà thân của cô Lê Thân Hồng Khanh và anh Thân Trọng Sơn nghĩ đến và tặng sách thật là vui và vô cùng hạnh phúc đối với tôi.
Thân chúc Anh và gia đình mạnh khoẻ. Nhân đây kính gởi đến bà Thân lời chúc sức khoẻ và mãi sống vui.
Phong Tâm
Thưa anh Phong Tâm,
Xin lỗi đã không trả lời anh sớm vì máy của tôi bị trục trặc gần tuần nay và không sử dụng được. Xin cám ơn anh có phản hồi và khuyến khích. Mẹ tôi nhờ tôi chuyển đến anh lời thăm hỏi và mong anh sớm nhận được sách. Chúc anh được nhiều sức khoẻ và cảm hứng để chúng tôi thường được đọc những bài thơ thật hay của anh trên trang nhà.
Lê-Thân Hồng-Khanh
Cám ơn cô Hồng Khanh và bà Thân.
Tôi sẽ cố gắng với khả năng của mình hy vọng có bài để góp vui cùng trang nhà. Ngày mai hoặc mốt tôi có dịp đi Sài Gòn, nếu không gì trở ngại tôi sẽ đến chỗ PhiRom xin nhận sách.
Phong Tâm
Rất là lý thú khi mỗi thứ sáu được đọc hồi ức thời thơ ấu của cô
Rất mong luôn được đúng hẹn cônhé
Cô Hồng Khanh kính! Đọc ký sự tuổi thơ trong thời lửa đạn của Cô, em không khỏi bùi ngùi thương cảm… và rất lôi cuốn Cô ạ! Em mong mau được xem phần tiếp theo Cô nhé!
Cô kính mến
Tuổi thơ của cô thật là vất vả. Đọc bài thứ hai, mới cảm nhận số phận nhọc nhằn, trôi nổi “khóc cười theo mệnh nước”. Em cũng trãi qua nhiều khúc ngoặc hiểm hóc trong cuộc đời. Nên đọc những dòng như tâm sự với chúng em, rất thấm…
Cám ơn cô!
Cô kính yêu của em, bài viết của cô là những ký ức sinh động về một ” tuổi thơ dữ dội ” đầy màu sắc bi tráng với những chi tiết lịch sử có thật và phong phú mà nếu không nghe cô kể chắc chúng em chẳng thể hình dung nổi, và sẽ ít tin cậy hơn nếu đọc trên sách báo. Cô ơi, nếu thành một hồi ký sẽ vô cùng quý giá, đó cô. Em luôn mong ngóng để được đọc những phần tiếp theo, cô ạ.
Các em thương mến,
Cô rất tiếc là không thể nào làm khác hơn được và làm các em phải chờ đợi.” Quản trang ” đã đề nghị với cô như vậy, ngẫm ra thì quản trang đã thấm nhuần lời dạy của ông bà chúng ta từ xưa là, khi mời khách tới ăn, phải để cho họ thật đói mới mời vào bàn ăn, lúc đó thì món ăn có dở cũng trở thành ngon. Phải khen là quản trang tuy không phải là ” tâm lý gia ” mà thấu hiểu tâm lý rất giỏi nên cô cũng được hưởng lợi lây!!!
Cô gởi lời thăm tất cả các em cùng gia đình và chúc các em luôn vui mạnh.
Cô Hồng Khanh