Ký ức tuổi thơ

Ngày đăng: 14/07/2015 07:15:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (7)
 DSCN5016_2
Nằm bên bờ sông cửa Đại .Quê tôi thơ mộng dịu hiền năm tháng rợp mát bóng dừa xanh
Con sông trôi hiền hoà mang phù sa bên bồi bên lở.Trải qua bao thăng, trầm hàng phượng đỏ sân đình vẫn rực rở khoe tươi.Đường vào làng tím ngát bằng lăng, chùm  chùm hoa đong đưa cợt đùa  theo cơn gió nhẹ
Màu tím u hoài làm say đắm lòng tôi ,một đứa con xa quê lâu ngày trở lại.. Kỷ niệm ấu thơ bất chợt ùa về
Dừng lại cây cầu bắt ngang con rạch nhỏ,Tôi  hái vội mấy lá cốc kèn vấn tròn ngồi xuống  gốc khế bên bờ thổi một khúc nhạc vui. Nhìn con nước ròng phơi bãi mấy con học trò xanh đỏ xám vàng bò lăn xăn qua lại
Tôi mơ màng nhớ kỷ niệm xưa một khúc rạch đục ngầu và hình ảnh ngoại thân yêu đầu chít khăn rằn và chiếc bầu khô buột ngang eo ếch như đang hiện trước mắt tôi
Ba má mất đi khi tôi mới vừa lên 8 Tuổi thơ dại khờ đã sớm chịu cút côi .Tôi và em ; đứa em gái xinh đẹp hiền ngoan kém hơn tôi 2 tuổi Hai chị em sống nương nhờ cùng ông bà ngoại Dẫu nghèo nhưng ông bà hết mực thương yêu lo cho chị em tôi được cơm no áo ấm ,ăn học đàng hoàng
Ông tôi ngày hai buổi ra đồng cày thuê đập lúa mướn.Bà ngoại ở nhà thắt võng bán cho cô bác trong làng. Thứ võng thắt bằng dây chuối xiêm tơ mà ngày nay không còn ai dùng nữa
Những lúc ế hàng Ngoại phải mang võng sang tận làng bên cách xa hơn 2,3 cây số ,Để cải thiện bửa cơm nghèo thường chỉ khô mắm dưa cà  nên hằng tháng đến  con nước kiệt ròng vào ngày mùng 10 ,25 âm lịch bà tôi thường cùng mấy chị, mấy dì lối xóm  xuống rạch xúc tép mò tôm .Những ngày ấy thế nào nhà tôi cũng được một bửa thịnh soạn nào canh cá, tép rang, tôm càng trộn gỏi  và nhất là món bánh xèo vàng dòn ngoại chiên với tép tôm bắt được
Tôi ao ước được theo ngoại lội bùn xuống rạch nhưng còn nhỏ ngoại hỏng cho đi mãi đến năm tôi 12 tuổi một ngày nọ tôi nhảy tưng vui mừng khi nghe bà hỏi
–Lệ à hôm nay chủ nhựt con có muốn theo bà đi xúc hôn?
–Dạ muốn ,dạ muốn ngoại ạ ,ngoại cho con đi theo hả ngoại?
–Ừ tập lần lần cho quen
Tôi mừng quá nên đêm ấy rọ rạy hoài không ngủ khi chuông đồng hồ thong thả gõ 4 tiếng Cái đồng hồ quả lắc; món đồ quí báu duy nhất mà ông tôi săm soi tối ngày ông bảo đây là món đồ kỷ niệm của ông cố để lại.Tôi lồm cồm bò dậy chợt có bàn tay kéo lấy áo tôi Đứa em gái nhỏ thức hồi nào không biết
—Chị hai ơi chị đi xúc hả
—Ừ ,ngủ đi em còn sớm lắm
—Chị hai xin ngoại cho em đi theo với
–Hỏng được đâu,em còn nhỏ sẽ bị hụt đầu uống nước đó,ngủ đi … bắt được tôm càng  về chị nướng cho em ăn
Tôi chui ra khỏi mùng còn nghe tiếng em gái đang thút thít
Ông bà tôi đã thức Ông đang uống trà ở bàn tròn và chuẩn bị ra đồng.Bà ngoại  ngồi ngoái trầu trên bộ ván .
Thấy tôi ông hỏi
–Nôn ngủ hỏng được hả con?
Bà cười
–Mới thì ham vậy đó Mai mốt chán rồi biểu đi thì né cho coi
Tôi nhanh nhẫu
–Hỏng có đâu ngoại Mai mốt con lớn con sẽ thay ngoại đi với mấy cô, mấy dì, để ngoại ở nhà nghĩ cho khoẻ
–Nói thì nhớ đó nghe  Thôi con thay đồ đi rồi ăn chén cơm dằn bụng Cơm ngoại rang úp trong lồng bàn đó
-Dạ
Chén cơm rang tóp mỡ chan nước mắm tỏi ớt  mà nó ngon làm sao vét đến hạt cuối cùng nhưng vẫn còn thèm nhưng tiêu chuẩn  chỉ có một chén thôi Phần còn lại để dành cho những thành viên khác
Thay bộ bà ba nhuộm phèn bà ngoại vấn thêm điếu thuốc rê vắt lên búi tóc để lúc xuống rạch hút cho đỡ lạnh
Ngoại lấy trên gác 2 rỗ xúc và 2 trái bầu ,Đây là dụng cụ đựng tôm tép của dân quê.Đó là giống bầu to tròn

như chiếc thúng nhỏ bề hoành ước chừng một vòng tay ôm ,miệng bầu túm lại như hồ lô  Quê tôi sân nhà người ta thường trồng giống bầu nầy, trái còn non xanh thì nấu canh tôm ,hầm thịt Trái nào hình dáng tròn trịa thì để cho già móc bỏ ruột đem phơi khô để dành đựng tôm cá
Trời bắt đầu hừng sáng Tiếng gà trong xóm lần lượt gáy vang  Thôn quê lại rôn ràng bắt đầu ngày mới .Tôi và ngoại ra  đến cầu rạch thì đã thấy mấy cô mấy dì chuẩn bị xuống rỗ Thấy tôi dì tám vừa xăn quần vừa hỏi ngoại
–Cô năm bửa nay dắt cháu đi theo học nghề hả?
–Ừ tập dần cho quen ,mai mốt tao ể mình thì cho nó đi theo tụi bây.; nhớ đừng ăn hiếp nó đó
–Hỏng dám đâu cô năm ơi
Bà ngoại lấy sợi dây xỏ ở miệng bầu cột vào eo ếch tôi rồi dặn dò
–Đi trong mé thôi coi chừng sụp búng đó
Búng là nơi sâu nhất của rạch nước sâu tới cổ tôi  Ở đó tập trung cá to ,tôm càng nên người lớn đến trầm búng cào bắt tôm cá.Con trẻ thì tránh búng vì sợ hụt đầu chỉ được chao trong bãi cạn mà thôi
Tôi cầm rỗ đứng im quan sát những động tác của ngoại và bà con xúc tép Xúc có 3 động tác cần nắm bắt là CHAO
CÀO và HỚT
CHAO ;Hai tay cầm ở miệng rỗ xoay tròn trên mặt bùn tôm tép sẽ bị cuốn theo vòng xoáy chui vào trong rỗ
CÀO; Nước sâu hơn bãi cạn ,một tay cầm miệng rỗ tay kia đè đáy rỗ cào trên mặt bùn cá tôm nào đọng đậy
thì lật nhanh rỗ lên bắt
HỚT thường hớt ở búng sâu.Những bẹ dừa nước khô gãy co nằm trên mặt búng là nơi để cá tôm trú ẩn lúc con nước ròng Ta chỉ cần cầm rỗ hớt dọc theo lá dừa là tôm cá sẽ rơi vào rỗ
Ngoại mất một thời gian dài luyện tập cho tôi ,do rất ham thích nên chỉ đôi ba lần sau thì tôi đã thành thạo
Có lần thấy mấy cô mấy dì vào búng bắt được nhiều cá lớn Tôi cũng mon men ôm bầu bơi vào hớt cá vì bẹ dừa bám rất nhiều cá bóng trân Sở dĩ người ta gọi tên cá như vậy vì khi cá vào rỗ thì nó trân mình giả chết trông rất buồn cười Hôm ấy tôi hụt đầu uống nước xém chết
Lần đầu xuất quân ai nấy cũng lưng bầu tôm cá còn tôi chiến lợi phẩm chì có mớ tép chong và một mớ lòng tong bé xíu nhưng tôi cũng vui sướng vô cùng.Hình ảnh những chiếc bầu trôi lềnh bềnh trên con rạch nhỏ cùng những nét mặt chơn chất hiền lành của mọi người khi cá tép nhảy rồ rồ ,đã in sâu vào ký ức dại khờ
Bây giờ quê tôi không còn ai đi xúc nữa Những giàn bầu thúng cũng vắng bóng trên sân ,nhưng kỷ niệm tuổi thơ khó phai mờ theo năm tháng
Ngoại già nay đã mất cây khế bên cầu vẫn tươi mát oằn bông Hôm nay về thăm quê nỗi nhớ niềm thương  da diết mãi trong lòng
Về thăm quê ngoại một chiều
Xác xơ khóm trúc đìu hiu bóng dừa
Buồn nhìn cánh võng đong đưa
Còn đâu bóng ngoại sớm trưa đợi chờ
NHẬT LỆ
0 0 leH1
H2

Có 7 bình luận về Ký ức tuổi thơ

  1. NHA nói:

    Nhật Lệ,

    Không nói không biết. Bấy lâu ngỡ Nhật Lệ khi nhỏ là tiểu thơ đài các.

    Nhật Lệ mồ côi cả cha lẫn mẹ (như Phan Lương) lúc 8 tuổi, có một em, ở đồng quê. Tôi mồ côi cha lúc 5 tuổi, chỉ có một mình và cũng ở đồng quê với mẹ và ngoại. Do vậy bài viết của Nhật Lệ tôi hiểu được  mọi chuyện vì tôi cũng từng đi nôm, đặt trúm, bắt hôi ở đập ở đìa bị cá trê , nhất là trê trắng, đâm nhức thấu xương, bắt cá kèo ở xẻo/ mương, cá bóng ở bập dừa nước, đi chao tép …vân vân.

    Cám ơn bạn đã viết một bài khơi lại ở một góc tim tôi một mảng kỷ niệm thân thương.

    NHA

  2. Như Thuỳ nói:

    Bài viết là sự hoà quyện giữa thơ và văn xuôi , là những hồi ức về tuổi thơ ở một vùng quê rất cảm động .

    ( Nhật Lệ ơi , chị rất vui vì đã được gặp em trong hôm họp mặt vừa rồi .  Nhật Lệ ngoài đời trẻ hơn, xinh hơn trong hình rất nhiều , nhưng trên gương mặt dù trong lúc tươi vui vẫn ẩn chứa chút gì …. , trong tiếng hát cũng vậy … Có phải vì rứa mà thơ Nhật Lệ rất hay ??? )

     

    • VÕ THỊ NHẬT LỆ nói:

      Cám  ơn chị đã dành cảm tình đặc bi cho NHẬT LỆ nên mới chú ý kĩ thế Nhận xét của chị chính xác chị ạ

      Lòng em mang nặng khối sầu

      Nỗi riêng nào biết tìm đâu tỏ bày

       

       

       

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Tuổi thơ của Nhật Lệ buồn, nhưng cái trong sáng hồn nhiên tuổi nhỏ trong sự đùm bọc cưu mang của bà ngoại thương yêu đã lấn át, vượt được nỗi buồn.

  4. Một Lúa nói:

    Cám ơn hồi ký của Nhật Lệ giúp mình xuôi về những lần nghĩ hè hội tụ anh em tứ xứ về quê ngoại vào những năm yên bình, lúc mình khoảng trên dưới 8 tuổi. Những ngày thả long bong được mấy thằng em bạn dì tuổi lớn hơn giao nhiệm vụ câu thòi lòi. Xế chiều là đám nhỏ phải giao hàng cho mấy thằng lớn. Tụi nó nướng thòi lòi trộn với cám rang, rồi dùng lá môn bọc nhúm mồi cột túm lại. Tụi nó không quên chọc thủng những lỗ nhỏ trên bọc mồi rồi bỏ vào trúm đặt lươn mượn của mấy người cậu. Sáng nào mình thức sớm thì xin theo mấy thằng ra vườn dỡ trúm. Ngày nào cũng được 5-3 con lươn, có ngày cả chục. Đất vườn xưa của ông ngoại ở vùng quê Ngã Bảy bao la, mương vườn lũ lạn không người khai khẩn, cá đồng sống lưu niên ngừ như rộng trong khạp. Có lần mình câu dính một con cá lóc bông thật lớn, vừa kéo cá lên vửa la rùm trời, mấy dì mấy cậu kinh hồn. Tui thích đi vườn , nhưng rất sợ con vắt. Chạng vạng đã vô mùng nằm tránh muỗi, có lần nghe ngứa bên hông, mò bắt một con vắt mềm mềm nhớt nhớt cở gần như đầu đũa, cảm giác nó căng no đầy máu.

     

    • NHA nói:

      Con vắt, con đỉa, nhất là đỉa trâu, ớn lắm. Nông dân đi ruộng, vườn thưòng đem theo một cục vôi (gọi là vôi ăn trầu) để trét vào vắt/đỉa khi bị cắn. Vắt/ đỉa cắn hút máu rất khó rứt ra, vôi chạm vào chúng là chúng “buông tay”. Còn một bí quyết để thay cho vôi, ít người biết, là nước miếng.

Trả lời Một Lúa Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác