Thư gửi bạn Anh Tú của Phong tâm

Ngày đăng: 27/05/2015 10:34:03 Sáng/ ý kiến phản hồi (6)

Bạn Anh Tú thân mến! Tôi rất khoái bài viết và thơ cảm tác của anh, người bạn gần nhau ở tuổi tác. Vì nó có tính phản bác, ngược chiều… Xin phép có ý kiến để cùng anh tham khảo, vui. Thưa anh, có mấy vấn đề tôi nêu một cách hạn chế, bởi đây là trang web của cựu học sinh nhớ thời áo trắng, giao lưu vui vẻ chuyện đời thường, không phải chỗ “tranh luận”, vả lại anh và tôi chúng ta không phải là nhà lý luận phê bình văn học, chỉ là những người bạn bày tỏ ý kiến, khi chúng ta cảm nhận được điều có lý hoặc vô lý, khi đem ra trao đổi, tham khảo với nhau là mong được  làm sáng tỏ, cuối cùng là vui.

Tôi nghĩ, anh có hiểu lầm không, thơ Hồ Dzếnh? Bài thơ “Ngập ngừng” của ông là bài thơ hay, vì nó hay nên nhiều người thuộc lòng, cũng vì hay bài thơ mới sống được tới bây giờ, do vậy bài thơ không đáng bị “lên án” hoặc chê trách. Đọc khổ thơ đầu ta thấy ” Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé/ Để lòng buồn tôi dạo khắp quanh sân/…” Khổ thơ giữa có câu…/ Em tôi ơi, tình có nghĩa gì đâu/Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu/ Thuở ân ái mong manh hơn nắng lụa/…” Ở khổ thơ cuối: …/ “Nếu trót đi em hãy gắng quay về/ Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở/ Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ/ Cho ngàn sau lơ lửng với ngàn xưa…” Một ý tưởng, luận về tình yêu quá  lãng mạn đây chớ. Ở vào thời kỳ phong trào thơ lãng mạn phát triển, tình yêu cũng bứt phá sự tù túng, bảo thủ thì thơ lãng mạn như một làn gió mới thổi vào…

Từ “dang dở” là một ngôn từ như các từ ngữ khác, bản chất nó không có gì đáng gọi là “xấu xí” chỉ để phân biệt dang dở và sum vầy, còn dang dở gây ra điều tệ hại là do lòng người, ngoại cảnh tạo nên, nhưng ở đây thi sĩ Hồ Dzếnh có một ý tưởng khác như là một “triết lý” tình yêu trong “tình yêu lãng mạn”, cũng như từ lãng mạn theo cách hiểu cũng không gì là xấu vậy.

Nói tới đây tôi chợt nhớ câu chuyện lúc tuổi mới lớn, nhớ không chính xác lắm. Đại khái, người ta đặt ra câu hỏi: “Người chồng lý tường là người như thế nào?” Rất nhiều câu trả lời, nhưng chỉ có một câu được cho là hay nhứt: “Người chồng lý tưởng là người chết sau đêm tân hôn”. Đó là lý luận của một cô gái. Ta có thể hiểu là từ người yêu tới trở thành người chồng có một sự khác biệt lớn, tức là khi yêu  đối xử với nhau bao giờ cũng ngọt ngào, trân trọng nên nhìn nhau chỗ nào cũng đẹp, đúng là người lý tưởng. Và khi vào vòng chồng vợ thì thực tế đều ngược lại, mộng mơ không còn, thần tượng sụp đổ, Cái còn lại, chủ yếu là người  biết yêu thương, sống thực với gia đình, đây mới chính là người “ăn đời ở kiếp”.

Về bài thơ “tình cao thượng”, ý tôi cũng không tôn vinh hay đả phá, tôi chỉ ghi lại theo ký ức thời tuổi trẻ, khi tự cho rằng yêu hoa phải ngắm nhìn để thấy vẻ đẹp của hoa, không được bẻ hái làm cho hoa đau, héo rũ, không biết do đạo lý, nề nếp giáo dục gia đình vào thời đó, hay tiêm nhiễm theo nho học; phong cách người phương Nam. Thực ra tôi cũng  không hiểu hành xử như thế kết quả là đúng sai, vì cũng có khuynh hướng yêu là chiếm đoạt để sau đó thành vợ thành chồng. Bây giờ mọi thứ phát triển theo chiều hướng mới trong đó có tình yêu, nhắc lại chuyện xưa gần như quá lạc hậu. Anh Tú lại hỏi tôi “…Những chục năm sau rồi/ Gặp lại làm chi khi tình đã nguôi!”. Thưa với anh, gặp lại nhau tình cờ và xem như bạn tri giao, có một chút kỷ niệm xa xôi , bạc đầu rồi, đã yên phận chớ nào phải tìm đến với nhau đâu anh.

Anh Tú ơi, biết anh muốn chọc phá tôi cho vui nên mới đặt vấn đề ngược chiều, tôi rất thích như vậy, bởi vì có dùng lý lẽ để phản bỉện mói có ánh sáng cho một vấn đề thì mới tìm được chân lý, phải không anh?

Cuối cùng xin cám ơn anh có nhiều trăn trở cho ra bài thơ và những lời chân tình vừa đưa ra chánh kiến vừa khích lệ khi đoc bài thơ.

Phong Tâm

(26.05.2015)

IMG_3159Phong Tâm (ảnh Trương Văn Phú)

 

Có 6 bình luận về Thư gửi bạn Anh Tú của Phong tâm

  1. truong mẫn nói:

    Rất vui cảm nhận những chia sẻ nhau của anh Phong Tâm đến anh Anh Tú. được đọc phong thái viết điềm đạm, ý nhị của anh Tâm là thích rồi ( hỏng dám nói khoái, thật tình thì muốn nói vậy lắm). cám ơn bài viết của anh.

  2. Phong Tâm nói:

    Trương Mẫn độc đáo ơi! Bài viết của tôi Mẫn thích không bằng tôi thích tấm hình của nhiếp ảnh gia chup tặng tôi đâu. Đơn giản mà đặc sắc. LM đưa lên tôi mới thấy mình còn đẹp lão qua bàn tay của Trương Mẫn, giữ dùm tôi nghe! Cám ơn bàn tay tài hoa nhiều.

  3. NHA nói:

    Anh Phong Tâm,

    Cám ơn anh viết thư này cho tôi.

    Thi sĩ tiền bối Hồ Dzếnh tôi mê từ thuỏ còn đi học, nào dám “lên án” hay chê trách. Tôi đã từng dùng hai câu (mà chúng ta đề cập) của thi sĩ để  dẩn nhập một bài viết của tôi ( Chân Tình) và hơn hết xin cho anh biết tôi đã lưu bài Ngập Ngừng trong blog của AT vào 19/3/22014, nếu rảnh mời anh vào kiểm tra:

    http://anhtuvaban.blogspot.com/2014/03/ngap-ngung-em-cu-hen-nhung-em-ung-en.html

    Không có chuyện hiểu lầm mà chẳng qua muốn “phá” anh chơi nên nói vậy mà.

    Sẽ viết thêm cho anh khi có thì giờ.

    Cám ơn người anh dễ thương 🙂

    NHA

  4. Phong Tâm nói:

    Lão bạn NHA à! Đọc bài viết của anh tôi hiểu ngay anh muốn “khều” tôi cho có chuyện chơi vui, dầu vậy cũng đọc được ở anh một ý “ẩn” khác muốn gởi vào đó, thơ mà! “Ý tại ngôn ngoại”, có được đa tầng nghĩa càng thâm thuý. Khỏi phải kiểm tra đâu, tôi hiểu anh. Tôi cũng che tay “cào” cho anh nhột để kiếm chác thêm nụ cười “quạu” làm vốn đó vậy. Giỡn vui thôi. Nói thiệt, hôm qua nhờ ngồi viết phản hồi bài của anh mà tôi quên bớt nỗi lo. Hổng cám ơn nghen.

  5. Neang Phi Rom nói:

    Thấy hai sư huynh đùa với nhau vui quá, làm cho người trẻ ra, quên đi tuổi già hihi.. ảnh của anh Phong Tâm thật đẹp lão…

  6. Phong Tâm nói:

    Hai lão già giỡn nhây như thời con nít lại gặp cô bé mặc áo tím than đi lạc giữa Nam Vang, bỗng nhiên trẻ lại khi thấy con đường đẹp và cảnh vật thanh bình của  xứ Chùa Tháp hôm nay mới hay mình già, chỉ còn chút nhan sắc cuối cùng thôi, Phi Rom ơi!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác