Hàm Dương Thành Đông Lâu

Ngày đăng: 11/04/2015 05:36:16 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Cuối tuần, lật quyển Đường Thi Tam Bá Thủ, tình cờ đọc được bài thơ luật ” Hàm Dương Thành Đông Lâu ” của Hứa Hồn, thấy âm điệu và phong cách cũng mang chút gì hơi hám của Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, kể cả vần được gieo cũng làm cho người đọc cảm thấy như đang đọc lại câu ” Yên ba giang thượng sử nhân sầu ! “. Xin trích dịch sau đây để mọi người cùng thưởng lãm !

h1

《咸陽城東樓》 許渾                HÀM DƯƠNG THÀNH ĐÔNG LÂU
Hứa Hồn.
一上高城萬里愁,                      Nhất thượng cao thành vạn lý sầu,
蒹葭楊柳似汀洲,                      Kiêm hà dương liễu tự Thinh Châu,
溪雲初起日沉閣,                      Khê vân sơ khởi nhật trầm các,
山雨欲來風滿樓。                      Sơn vũ dục lai phong mãn lâu.
鳥下綠蕪秦苑夕,                      Điểu hạ lục vu Tần uyển tịch,
蟬鳴黃葉漢宮秋,                      Thiền minh hoàng diệp Hán cung thu,
行人莫問當年事,                      Hành nhân mạc vấn đương niên sự,
故國東來渭水流。                      Cố quốc đông lai Vị Thủy lưu.

許渾,字用晦(一曰仲晦),唐丹陽人也(一曰睦州)。太和六年進士,為太平縣令,大中三年任監察御史,以疾乞東歸,終郢、睦二州刺史,所至有善政。渾長於詩,有《丁卯集》行於世。
《宣和書譜》曰:「許渾正書雖非專門,而灑落可愛,想見其風度,渾作詩似杜牧,俊逸不及而美麗過之。古今學詩者,無不喜誦,故渾之名益著,而字畫因之而並行也。」

 

HỨA HỒN, tự là Dụng Hối( Có sách cho là Trọng Hối ), người đất Đơn Dương( Mục Châu ) đời Đường. Đậu Tiến Sĩ năm Thái Hòa thứ sáu, làm Huyện Lệnh Huyện Thái Bình, năm Đại Trung thứ ba làm Giám Sát Ngự Sử, vì bệnh nên xin chuyển về miền đông, sau cùng làm  Thứ Sử ở 2 Châu Sính và Mục, ở mọi nơi đều có tiếng là vị quan tốt. Ông giỏi về thơ, còn lưu lại đời sau 2 tập thơ ” Đinh Mão Tập “.
Theo ” Tuyên Hòa Thư phổ ” ghi : Hứa Hồn tuy không chuyên về thư pháp, nhưng chữ viết bay bướm dễ nhìn, có phong cách riêng. Hồn làm thơ giống như Đỗ Mục,tuy không phóng đạt bằng Đỗ, nhưng hoa lệ thì có thừa, người học thơ xưa nay đều rất thích đọc, nên Hồn càng nổi tiếng song song cả thơ lẫn thư pháp. “.

 

CHÚ THÍCH :
1. Kiêm Hà : Là Lau sậy, theo tiếng gọi của ngày xưa. Trong Kinh Thi có câu : Kiêm Hà thương thương, có nghĩa là Lau sậy xanh xanh.
2. TỰ 似 : là TƯƠNG TỰ, có nghĩa Giống như là. Thinh Châu : Thuộc tỉnh Phước Kiến, nay là Huyện Trường Thinh.  Thinh châu còn có nghĩa là những cồn đất nổi lên ở giữa sông lớn, lau sậy mọc um tùm. Ở đây, vì muốn ăn khớp với cái ” VẠN LÝ SẦU ” của câu trên, nên ta hiểu THINH CHÂU là một địa danh của tỉnh Phước Kiến ở tận miền Nam, trong khi Tác Giả lên tận lầu HÀM DƯƠNG của miền Bắc để trông ngóng về quê hương xa xôi vạn dặm ở miền Nam.
3. Khê Vân : Hơi nước từ trong khe suối bốc lên thành mây.
4. Lục Vu : Vu là Rậm rạp, hoang vắng. Lục Vu là Bãi xanh hoang vu của cây cỏ bỏ hoang xanh um rậm rạp !
5. Vị Thủy : Tên con sông phát nguyên từ tỉnh Cam Túc, chảy qua tỉnh Thiểm Tây đổ vào sông Hoàng Hà rồi chảy ra biển Đông…

 

DỊCH NGHĨA :
TRÊN LẦU ĐÔNG CỦA THÀNH HÀM DƯƠNG.
Lên đến tận trên lầu cao của đông thành thì nỗi sầu lại dài thêm vạn dặm. Trước mắt, lau sậy hòa vào màu xanh của dương liễu mường tượng như màu xanh của đất Thinh Châu. Những làn hơi nước trong khe suối vừa bốc lên thành những làn mây mỏng thì mặt trời cũng đã chìm xuống phía sau lầu rồi ! Và cơn mưa núi chưa kịp đổ xuống thì gió đã ào ạt đầy cả lầu ! . Lũ chim bay xà xuống bãi xanh hoang vu của vườn thượng uyển đời Tần ngày xưa trong buổi chiều tà. Và lũ ve cuối mùa cố cất tiếng ngâm trong đám lá vàng của cung viên nhà Hán vào buổi chiều thu se lạnh. Ôi thôi ! Người qua đường xin đừng hỏi đến chuyện của năm xưa nữa, Cố quốc từ hướng đông mà đến cũng như dòng Vị Thủy theo hướng của tất cả những dòng sông đổ vào Hoàng Hà rồi cũng đều chảy về với biển Đông thuận theo lý tự nhiên…

Hai câu :
溪雲初起日沉閣,    Khê vân sơ khởi nhật trầm các,
山雨欲來風滿樓。    Sơn vũ dục lai phong mãn lâu.
đã trở thành thành ngữ trong văn chương khi dùng để diễn tả hiện tượng hoặc cái điềm báo trước của một sự kiện trọng đại, hay một tình thế thay đổi lớn của thời cuộc ! ” Sơn vũ dục lai ” thì ” phong đã mãn lâu ” rồi ! Trước khi ” mưa núi ập tới “, thì ” gió đã thổi đầy cả lầu ” rồi !

 

DIỄN NÔM :
Vòi vọi thành cao vạn dặm sầu,
Lau xanh liễu rũ ngỡ Thinh Châu.
Mây vờn khe suối vầng ô khuất,
Mưa chửa thành cơn gió ngập lầu.
Chim lượn xập xòe Tần thượng uyển,
Ve sầu rả rít Hán cung thâu.
Nào người chớ hỏi đời xưa cũ,
Sông Vị về đông vẫn chảy mau !

Lục bát :
Thành cao cho vạn lý sầu,
Vi lô tơ liễu tựa màu Thinh Châu.
Mây lên mặt nhựt khuất lầu,
Mưa chưa thành hạt gió sầu đầy song.
Chim xà Tần uyển vườn không,
Ve ngâm rả rít Hán cung thu sầu.
Nào ai chớ hỏi vì đâu ?!
Về đông sông Vị chảy mau, lệ thường !!!…
Đỗ Chiêu Đức.
Mặc dù không làm rung động lòng người và còn để lại dư âm như Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, không cảm khái và ưu thời mẫn thế như Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài của Lý Bạch, không nhẹ nhàng thương cảm như Vạn Tuế Lâu của Vương Xương Linh , Hàm Dương Thành Đông Lâu của Hứa Hồn cũng nói lên một niềm hoài cổ não lòng, xót xa đến… dửng dưng, vì biết đó là cái lẽ của cuộc sống, cái lý của sự vật ở trên đời ” Vật cực tất phản “, Âm cực dương hồi, hết thịnh rồi lại suy… cứ thế luân lưu mãi, như tất cả những dòng sông đều chảy về đông……
Hành nhân mạc vấn đương niên sự,
Cố quốc đông lai Vị Thủy lưu !!!…..

Đây là một trong những bài thơ cảm khái khi lên cao nổi tiếng của buổi Tàn Đường !…

 

ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Có 2 bình luận về Hàm Dương Thành Đông Lâu

  1. Hoành Châu nói:

    Được   biết   Thầy   Đỗ    Chiêu   Đức  cũng   có   một  tấm lòng  từ   thiện   nhân ái  ,, một    hồn   thơ    lai    láng   , một    phong   cách   riêng trong   lối   viết   văn   hay  và    chữ   tốt    trong    thư   pháp  nên   Thầy Đỗ    Chiêu   Đức   cũng   được xem   là   bóng   ảnh   của   HỨA    HỒN ~ một   vị     quan   tốt  nổi   tiếng   song   song  cả   THƠ  lẫn THƯ  PHÁP, Thật    đáng cho   người đời    ngưỡng    mộ  , Kính mến ,,,Hoành Châu ( Gia đình C )

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Các bài dịch thơ đều được dịch bằng 2 thể loại : thất ngôn và lục bát. Tôi thích điều này, vì người đọc sẽ dễ tiếp xúc ý nghĩa bài từ bản phiên âm hơn, khi so sánh 2 bài dịch thơ. Đồng thời, còn cho thấy tài của người dịch thơ. Thanks ông đồ.

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác