Nhà văn Sơn Nam nói chuyện ăn Tết

Ngày đăng: 17/02/2015 11:42:02 Chiều/ ý kiến phản hồi (3)

Lúc sinh thời những ngày cuối năm, nhà văn Sơn Nam, người mà thiên hạ tặng cho biệt danh là nhà Nam Bộ học , bận  rộn hơn bao giờ hết.  Quán cây da Gò Vấp , “ văn phòng” làm việc của ông được giới báo chí  tìm đến,  đặt ông viết bài, Đài Truyền hình đến để phỏng vấn. Ngoài ra còn có các em sinh viên đến để tham khảo “kho tư liệu sống”,  nhiều nhà báo đến đặt bài nhưng không được đáp ứng vì tới trể . Tuy nhiên, để đáp lại lòng mến mộ của người viết , nhà văn cũng nói qua về tục lệ ăn Tết một cách bài bản dù năm nào chúng ta cũng đã ăn Tết.

An Tết chủ yếu là ngày nào ?

Câu hỏi làm cho nhiều người ngạc nhiên, vì ai cũng đã từng ăn nhiều cái Tết. Theo nhà văn Sơn Nam ăn  Tết cơ bản vẫn là cúng vái tổ tiên. Không bàn thờ ông bà thì không ra ngày Tết được. Nhiều gia  đình nghèo, nhà chật hẹp nhưng vẫn cố gắng tìm cái bàn nhỏ, đặt lên bàn cái chén, cái ly làm nơi cắm hương, thêm vài cái đĩa đựng bánh , đựng trái cây. Nếu cuộc sống gia đình  ổn định , họ lo lau chùi lư hương , chân đèn ,  tranh thờ , hình của người quá cố .  Để cúng vái, lễ vật tối thiểu là phải có đủ 4 món gọi là “hương đăng hoa quả” , tức phải có nhang, đèn, bông tươi và trái cây(không dùng đồ nhựa)  Về thức ăn  cần thiết phải có bánh chưng , bánh dày, tưởng nhớ đến vua Hùng mới lập quốc. Ơ Nam bộ , bánh tét cũng mang chất lượng tương tự. Phải có chút rượu cúng ông bà , thêm những món chế biến như thịt heo , dưa giá, củ kiệu.( không nên cúng Bia, cá mòi hộp vì tổ tiên chưa có dịp thưởng thức). Bánh mứt cho trẻ con, trà để tiếp khách.

Xưa kia, điều đáng lo nhất trong gia đình  là may quần áo cho trẻ ,  trước tết một tháng là cha mẹ ra chợ mua vải, dẫn con đến  thợ  nhờ  đo may dùm. Nay ngày 30 ra sạp chợ lựa lúc nào cũng co vì hàng đã may sẳn.

Lễ đưa ông táo về trời  ngày nay chỉ còn tượng trưng . Theo truyền thuyết Táo quân về trời có nhiệm vụ  báo cáo tình  hình làm ăn sinh sống trong gia đình mà mình cư ngụ. Phương tiện Táo đi là “cò bay , ngựa chạy” một loại giấy hàng mã bày bán từ ngày 20 tết đến 23 tết ở chợ.
Trọng tâm ngày Tết
Ngày 30 (tháng thiếu là ngày 29) là ngày quan trọng diễn ra buổi lễ khá cảm động.  Chủ nhà cúng mâm cơm đơn sơ , thỉnh ông bà khuất mặt về với con cháu. Sẽ rất buồn khi  ngày này trong gia đình vắng mặt vài người như  con  cái đi làm ăn xa  chưa về kịp, hoặc báo cáo lý do không về ,  lại nhớ ông bà, cha mẹ lớn tuổi vừa mới mất trong năm.  Buổi chiều, rửa hoặc quét nhà cho sạch lần cuối cùng vì ngày hôm sau, mùng 1 kiêng cử không quét nữa vì cho rằng ngày đầu năm quét nhà không khác gì đưa của cải ra đường . Đón giao thừa là nghi thức quan trọng,  thường cử hành ngoài sân, trên bàn thờ Thông Thiên, dành cho vị quan nhỏ , gọi là Thiên quan ( Có dán chữ “thiên quan tứ phước”), cúng vái vị quan này ban phước cho gia đình. Nhiều người không biết cho rằng đây là bàn thờ trời. Trời là đấng tối cao, chẳng lẻ thờ trên cái bàn sơ sài qúa nhỏ, lại chịu mưa nắng (?)

Cúng giao thừa, chủ nhà phải mặc áo quần tươm tất , tay cầm nén nhang rồi ra giữa sân , hoặc trước cửa cái (nếu nhà không có sân) , đến bàn thờ thông thiên nhìn trời cao mà khấn , xin trời  và đất ban phúc cho gia đình mình , đất nước mình. Điều quan trọng là cái tâm của người khấn vái, nếu có lòng thành thì cảm thấy như mình có trách nhiệm với gia đình. Tục hái lộc đêm giao thừa ngày nay vẫn còn . Người đi chùa đầu năm được hái những nhánh , chồi non của cây gọi là lộc . Chữ này đồng âm với  tài lộc, nguồn lợi do cơ hội bất ngờ  bổng dưng đưa đến. Ngày nay chẳng có đình chùa nào có đủ lộc non để cho hàng ngàn người đến hái, nên chùa thường đặt mua lộc ở các chợ hoa( chồi cây phát tài) để sẳn tại bàn trước cửa chùa để khách đến thỉnh, cứ  tuỳ hỷ cúng chút tiền, ít nhiều cũng được. Mấy năm gần đây có người bày ra cây nhang thật to có hình rồng phụng  hoặc chữ Hán :Phước Lộc Thọ, khách đến cúng chùa mang nhang ấy đến thắp, sau đó lấy cây nhang khác đang cháy trên bàn thờ, rước đưa về nhà xem đó là lửa thiêng sẽ được ấm nhà, ấm cửa.

Trước đây, người ta thường chưng bày bá hoa, bá quả, tức trăm hoa, trăm quả. Thật ra chỉ cần  một dĩa trái cây và một bình hoa tượng trưng, tuỳ theo giàu nghèo mà dĩa trái cây, bình hoa  to hay nhỏ. Dân miền tây thích trưng bày 4 loại trái bình dân như mảng cầu, đu đủ, trái dừa, trái xoài  gợi ý “cầu vừa đủ xài” đó là cách chơi chữ. Họ không cần trái chín tốt lấy trái non thay thế lâu hư, có nhà chưng một chùm sung, cầu mong được sung túc.
Trưa mùng 1 có thể xem như hết Tết
Sáng mùng 1, có thể thức  dậy lúc nào tuỳ ý vì đêm qua đã thức  trò chuyện với mọi người trong nhà hoặc xem tivi đón giao thừa.  Sáng nấu nước, pha trà chờ đãi khách. Thời xưa, đầu năm kiêng cữ đón tiếp người có tên xấu do quan niệm đó là điềm gở có thể xui cả năm, vì vậy ngày đầu năm  ít có người đến nhà bạn bè, chỉ đến nhà bà con thân quyến thăm hỏi chúc Tết.  Đến trưa mùng 1 có thể xem như hết Tết, tiệm buôn có thể bày ra khai trương bán lấy ngày, quán ăn, rạp hát, nhà xe lại hoạt động mạnh  vì là cơ hội kiếm thêm tiền.

Thời xưa, người dân làm việc quanh năm không có ngày nghỉ, ngoài việc ngoài đồng, khi ở nhà còn phải sửa lại nông cụ, vay nợ,  đi tìm giống mới thậm chí còn phải đuổi chuột. Quan chức làm việc cho đến khi có lệnh vua mới nghỉ Tết, tức khoảng sau rằm tháng chạp mới lau ấn sếp đặt ngay ngắn trong hộp cất. Để rồi qua Tết, ngày mùng 7 tháng giêng, hạ nêu  mới cử hành lễ khai ấn, bắt đầu giải quyết đơn từ. Những ngày dài trong  Tết, chính quyền chỉ giải quyết những vụ quan trọng, ngoài ra hoàn toàn nghỉ việc, kiện cáo  đánh lộn trong xóm không được chú ý. Bởi vậy ngày xưa cha mẹ dạy con ngày Tết ra đường phải cố nhịn, đề phòng trộm cắp  vì việc xảy ra không ai xử . Ngày nay,  làm việc theo dương lịch, tuần nghỉ 2 ngày, vị chi một năm nghỉ hơn trăm ngày chưa nói đến ngày kỷ niệm, ngày lễ, tức đã nghỉ hơn 3 tháng !

Do vậy để tiết kiệm thời gian, nghỉ Tết  càng  ở mức tối thiểu là phải, còn ăn ngon, mặc đẹp thì trong năm thiếu gì dịp tiệc tùng, liên hoan , lễ cưới. Các món ăn ngày Tết  đã có quanh năm, nếu có sẳn tiền muốn ăn bao giờ chẳng được! Ăn Tết, là dịp để nhìn lại công việc năm cũ, chuẩn bị tinh thần tìm ra sáng kiến  để gia đình,  đơn vị có kế hoạch  mới làm ăn tốt hơn, không được dậm chân tại chỗ.

Lương Minh

h2H1

 

Có 3 bình luận về Nhà văn Sơn Nam nói chuyện ăn Tết

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Cảm ơn ông Lương Minh, nhân có bài báo nói về nhà văn Sơn Nam. Nhưng tui thì không ăn Tết đến trưa mùng Một, mà ăn Tết từ trưa mùng Tám đến trưa mùng Chín ông à ! ( từ năm 2006 đến nay ) Những ngày mà mọi người ăn Tết, tui toàn đi ăn chực, nhờ vậy mà được ăn chực quanh năm.

  2. Phú Thạnh nói:

    Cám ơn  Ông Sãi có bài viết quý giá về việc Ăn Tết của nhà văn Sơn Nam . Đây là cơ hội chúng ta hiểu biết rõ ràng tục lệ Ăn Tết từ xưa của dân Nam bộ rất thú vị…

  3. Hoành Châu nói:

    Cảm ơn bài viết hay , thú vị  qua đó ta mới hiểu nhiều về lệ ăn Tết  của người    dân Nam bộ. Hoành Châu (Gia đình C )

Trả lời Nguyễn Văn Lần Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác