Tâm tình Hoàng Hưng ngày tết

Ngày đăng: 21/02/2015 07:51:17 Sáng/ ý kiến phản hồi (12)

Năm giờ chiều ngày mùng một tết Nguyên Đán ngồi chờ hai đứa cháu nội học võ. Vừa lấy điện thoại ra định đánh cờ tướng giết thì giờ. Ông Lương Minh (Sãi) gọi qua, hỏi thăm Tết nhứt bên Mỹ hôm này ra sao. Tôi trả lời ông Sải:  “Có Tết nhứt gì đâu, vẫn bình thường như mọi ngày, sáng hôm nay vẫn đưa cháu nội đi học, chiều đưa cháu nội đi học võ. Chỉ cuối tuần này mới thấy dáng dấp ngày Tết”. Ông Sãi đề nghị viết lại chuyện ngày mùng một Tết ở Hoa Kỳ. Tôi hứa, nhưng phải đợi đến ngày mùng hai Tết, sau khi đưa Tommy, Gia Bảo đi học về mới có thì giờ tường thuật lại chuyện ăn tết của mình ở bên này

Vẫn như những ngày thường, sáng mùng một đánh thức Tommy trước và hơi sớm vì Tommy rất khó đánh thức. Gia Bảo dễ hơn, đang ngủ, chỉ cần ẳm lên, vác lên vai đi vào phòng tắm, để Gia Bảo đứng xuống là Gia Bảo tỉnh ngủ liền.

Sau khi ăn uống, thay cho Tommy, Gia Bảo bộ đồ mới hơn ngày thường. Mấy năm trước mỗi ngày đi học phải mặc đồng phục. Năm nay trường học bải bỏ, không cần mặc đồng phục đến lớp. Tommy hỏi, tại sao hôm nay đi học đồ mới. Nói cho Tommy biết, hôm nay là ngày mùng một Tết. Tommy hỏi lại có phải Chinese New year không. Tôi hỏi Tommy, sao biết là Chinese New year. Tommy trả lời, tuần rồi cô có nói sắp đến ngày Chinese New year. Người Mỹ và báo Mỹ thường dùng chữ Chinese New year. Ngày xưa ở Việt Nam thấy báo dùng chữ Lunar New year. Hồi ở Cali có một lần tôi đọc được một tờ báo Mỹ dùng chữ “Tết” có dấu hẳn hòi để nói về cái Tết của người Việt Nam. Riêng Gia Bảo vẫn chưa biết gì về Chinese New year hay Tết.

 

Sau khi đưa Tommy, Gia Bảo đi học. Về đến nhà khoảng chín giờ sáng, muốn gọi điện thoại về Việt Nam, cũng không thể, vì bên Việt Nam đã mười một giờ đêm rồi. Pha ly trà xanh sản xuất từ nước Anh, chẳng có mùi trà thơm tho, nhưng tin tưởng trà sản xuất tại nước Anh hơn nước khác. Lấy một tờ báo Việt tại Arizona đọc sơ, thấy một bài thơ mang hơi hướm bài “Ông Đồ” của Vũ đình Liên

Mỗi năm hoa mai nở

Lại nhớ về quê nhà

Có mẹ già trông ngóng

Đứa con ở phương xa

Hoa mai vẫn còn đó

Bóng mẹ đà khuất xa

Chốn yên bình Tiên cảnh

Mẹ lìa cõi ta bà

Nhớ mẹ năm tháng cũ

Lòng quặn chĩu xót xa

Hiếu từ chưa đền đáp

Mắt lệ ướt chan hòa.

 

Ngồi trầm ngâm một tí, đến mở computer. Mở hộp thư, thấy mấy bài thơ của nhà thơ Vĩnh Liêm gởi đến và bài của thầy đồ Đỗ Chiêu Đức. Nhà thơ Vĩnh Liêm viết:

“Mỗi năm người lại chờ xuân mới

Ðể vẽ lên môi những nụ cười

Còn tôi mong mỏi xuân đừng tới

Ðất khách tha hương luống ngậm ngùi!

 

Bao năm xa cách, đời ly biệt

Nỗi nhớ khôn rời tiếng thở than

Xuân gợi niềm đau, buồn da diết

Làm sao ngăn được lệ tuôn tràn!

 

Ôi thôi! Xuân đến làm chi nữa!

Thịt mỡ dưa hành cũng nhạt môi!

Ðất khách nào đâu là đất hứa

Mà xuân lại đến ở quê người!”

 

Thầy đồ Đỗ Chiêu Đức viết: “Sáng nay, mồng một Tết, nhưng lại là ngày Thứ Năm, mọi người đều đi làm cả. Đường phố trong khu nhà ở bên Mỹ nầy vốn dĩ đã vắng lặng, hôm nay lại càng cảm thấy vắng lặng hơn !
Ngồi trước máy computer, nhìn qua cửa sổ, tự dưng nghe lòng dâng lên một niềm cảm xúc, nỗi cảm xúc của một tâm trạng xa quê, cảm thấy như mất đi cái gì đó mà biết chắc là sẽ không bao giờ tìm lại được. . .”

 

Tâm trạng nhớ nhà của Lý Bạch lúc ly hương: “Đê đầu tư cố hương.”

Riêng tôi, “Cử đầu hay Đê đầu” đều “tư cố hương.”  Ngày xưa suốt ngày kể cả giấc chiêm bao đều nghĩ đến “chuyến du lịch xa.”  Bây giờ ngược, lại lúc nào cũng canh cánh trong lòng nổi “nhớ nhà.”

Đã học mấy khóa Thiền, nhưng vẫn khó kềm chế cảm xúc. Mở cửa ra phía sau. Tiết trời đã ấm dần. Tết năm nay đến muộn nhất trong những cái Tết.  Tết Ất Mùi sáu mươi năm trước 1955 nhằm ngày thứ hai 24 tháng 1 năm 1955. Tết năm sau 2016 cũng ngay ngày thứ hai, ngày 8 tháng 2 năm 2016.

Những hạt cải ngọt, cải bẹ xanh, cần, ngò, húng lủi, húng cây. . chen lẫn với cỏ cùng phát triển tốt tươi. Đeo bao tay, nhổ sạch cỏ cho qua hết ngày mùng một Tết.

Đến ba giờ rưởi đi rước Tommy, Gia Bảo. Hai đứa về ăn uống, thổi kèn đánh trống ỏm tỏi một hồi rồi đi học võ. Về nhà tắm rửa, ăn uống xong tiếp tục làm bài tập. Thời khóa biểu khích khao. Mỗi tuần Tommy học thêm hai chục chữ mới. Những ngày thường cố làm xong những bài tập khác và mười chữ mới. Để dành tối thứ năm học thêm mười chữ mới và đọc sách hai mươi phút. Tommy luôn luôn mặc cả: “Con học xong mười chữ, cho con chơi phải không?”  Thường Tommy chỉ mất trung bình mười phút để học mười chữ. Có khi chỉ mất năm phút, tôi nghĩ Tommy thông minh hơn tôi nhiều. Sáng thứ sáu gọi Tommy thức sớm hơn thường lệ khoảng mười phút, để Tommy dò lại hai chục chữ mới. Khoảng mười một giờ cô đọc cho viết mười lăm trong hai chục chữ mới học. Đầu năm đến giờ Tommy chỉ viết sai một chữ.

Lợi dụng lúc Tommy “nghỉ xả hơi” sau khi học mười chữ. Tôi ăn tối như nhiều vị bác sĩ khuyên bảo. Ăn tối như nhà nghèo, ăn tối như ăn dùm kẻ thù. Một củ khoai lang, một củ khoai tây, vài cây măng tây hấp, uống tách sữa đậu nành không đường. Già rồi, ngọt nào cũng phải giảm. Đấy xong một buổi ăn tối mùng một Tết.

Sau khi ăn tối, gọi Tommy trở lại đọc sách. Tommy đã chơi rồi rất khó gọi trở lại học. Ở nhà muốn Tommy làm gì, cô 9 phải theo năn nỉ Tommy năm lần bảy lượt. Trong trường thì Tommy rất ngoan, học hai năm rưởi chưa bao giờ bị “thẻ vàng.”  Cùng chung lớp Tommy có một cô bé Việt Nam, mẹ là giáo sư dạy toán trung học. Đầu năm đến giờ cô bé bị hai thẻ vàng, hai thẻ đỏ. Gia Bảo ở nhà  rất ngoan, nhưng đến trường rất cứng đầu. Tháng đầu tiên bị tám thẻ vàng, hai thẻ đỏ. Thẻ đỏ thứ nhất, thầy hiệu trưởng gọi tôi đến gặp thầy. Thầy hiệu trưởng cho biết, Gia Bảo bị thẻ đỏ vì Gia Bảo thoi vô mặt một người bạn Mỹ. Tôi nói cho thầy hiệu trưởng biết, tôi đã hỏi Gia Bảo, Gia Bảo nói, người bạn Mỹ xô Gia Bảo té trầy mặt. Gia Bảo đứng dậy thoi vào mặt người bạn Mỹ. Thầy hiệu trưởng nói, thầy không biết Gia Bảo bị xô té trầy mặt. Tôi nói với thầy hiệu trưởng, tôi biết thầy không biết Gia Bảo bị xô té trầy mặt, vì chính cô giáo dạy Gia Bảo cũng chẳng biết. Cô cũng chẳng tìm hiểu tại sao Gia Bảo thoi người bạn.

Thẻ đỏ thứ nhì, cô giáo mời tôi đến gặp cô. Cô cho biết một người bạn làm gì Gia Bảo. Gia Bảo xé vụn tờ giấy ném xuống nền nhà. Cô đến bảo Gia Bảo nhặt lên. Gia Bảo chỉ nhặt lên một mảnh nhỏ, không nhặt lên hết. Tôi hỏi lại cô, nếu Gia Bảo không nhặt mảnh nào, cô đuổi học Gia Bảo luôn phải không? Cô trả lời, không! không! cô không có đuổi học Gia Bảo. Tôi nói tiếp với cô, nếu cô không thích Gia Bảo, cô cứ đuổi học nó, tôi sẽ cho nó đi học trường tư. Từ đó Gia Bảo không bị thẻ đỏ nữa, chỉ bị thẻ cam và thẻ vàng. Thẻ vàng mới nhất, cô phê: “Đến giờ sắp hàng, Gia Bảo không chịu sắp hàng, đứng quay vòng vòng, cô nói mấy lần, Gia Bảo mới chịu ngưng và sắp hàng”

 

Cô 9 năn nỉ một hồi, Tommy chịu trở lại đọc sách. Chính tôi cũng ngán giờ đọc sách. Những chữ Tommy chưa biết, hỏi lại, tôi rất ngại đọc theo giọng đọc của tôi cho Tommy nghe.Tôi nói tiếng Mỹ chắc tệ hơn người Hoa ở Chợ Lớn nói tiếng Việt.  Ngày xưa tôi ghi tên học Hội Việt Mỹ, làm trúng hết ba mươi câu. Đến chừng “phỏng vấn” tôi chẳng nghe được tiếng Mỹ, bị sắp lớp quá thấp.Tôi mắc cở không học. Sau này tôi rất hối tiếc, có một lần chưa được học trường “sinh ngữ” lại được chọn đi du học Mỹ, tất nhiên là không qua nổi cửa ải sinh ngữ.

Tôi thường lấy điện thoại, mở tự điển Merriam Webster cho Tommy nghe đọc, nhưng quá chậm Tommy không đủ kiên nhẫn đợi. Tôi nghĩ đến, nhờ một cháu người Mỹ học khoảng lớp mười một hay  mười hai dạy cho Tommy, Gia Bảo đọc. Đã đăng báo đề nghị giá thù lao mười lăm đô một giờ. Đăng gần tháng nay, chưa thấy cháu nào gọi lại, giúp dạy Tommy đọc.

Chuyện ăn tết của tôi là như vậy, còn vui như thế nào phải đợi đến chủ nhật (mùng 4 tết) mới biết.

 Hoàng Hưng

 

152Tommy và Gia Bảo đi học võ ngày mùng một Tết

 

Có 12 bình luận về Tâm tình Hoàng Hưng ngày tết

  1. Neang Phi Rom nói:

    Hoàng Hưng và Cô Chín có 2 cục cưng thật tuyệt vời, hai người chăm sóc cháu thật chu đáo, cháu thật ngoan. Năm mới chúc cả nhà dồi dào sức khỏe, gia đình đầm ấm hạnh phúc.

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Nhờ Lương Minh hỏi, Út Hưng kể, trang nhà biết thêm được sinh hoạt, tâm sự của Út, mà cũng có thể là của một số kiều bào mình ở Mỹ, ở các nước khác…vào ngày mùng một, giữa tuần…

    Tết mà ai chẳng nhớ nhà

    Nhớ quê hương cũ, nhớ bà con xưa…

    Mong rằng, như Út Hưng nói, mấy ngày cuối tuần, việc ăn Tết cổ truyền sẽ khởi sắc.

    Thân chúc sức khòe, bình an, may mắn…

  3. nguyễn thị đức tính nói:

    Anh Hoang Hưng kính mến, đọc tâm sự của anh về không khí Tết ơ xứ người thấy hơi ngậm ngùi. Em cũng có nguòi thân xa quê hương nên rất hiểu nỗi niềm này, ở hai phương trời đều nhớ thuong nhau , do đó hiên nay hầu như niềm vui ngày Xuân không còn trọn vẹn nữa. Anh có hai bé cháu thật dễ yêu và lém lỉnh. Chúc anh và gia đình những ngày Tết cổ truyền ( trong tư tưởng ) thật vui và một năm mới bình yên hạnh phúc.

  4. Hoành Châu nói:

     

    ‘Chinese New Year”  hoặc ‘ Lunar New Year ‘   ,,,,, tuy được dùng từ khác để diễn đạt  nhưng nội dung nghĩa từ đều giống nhau  ! Từ “LUNAR ”  xuất xứ từ chũ Pháp  “La lune ”  ( nghĩa là mặt trăng )  được tính theo  nước lớn nước ròng của con trăng , chiếu theo ngày ở dưới , gọi là Tết âm lịch ,,,, còn “Chinese New Year  cũng đúng quá  luôn,  vì ta đã chịu ,,,,”Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu ,,,, ( Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ) nên tất tất mọi cổ tục , tập quán,,, lễ nghi,,ngày Tết   cho đến tận  tư tưởng  người dân  đều chịu ảnh hưởng sâu rộng  của nước lớn Trung Quốc thời bấy giờ , không thể chối cải !!
    @@@    Hai  cháu  trông thông minh quá ,  rường cột trong tương lai đấy . Xin chúc mừng  Gia đình Hoàng Hưng ! Con hơn cha là nhà có phúc ! Hihi   ,,,,,Hoành Châu (GIA ĐÌNH  C )

  5. Phan Lương nói:

    Anh Hoàng Hưng có hai cháu nội Tommy và Gia Bảo rất là tuyệt vời.

    Những sinh hoạt đời thường của anh ở đất Mỹ rất là bình lặng , êm ấm. Và hạnh phúc.

    Em chúc mừng anh có được hai cháu nội rất là tuyệt vời

    Cầu mong ông nội của hai cháu Tommy và Gia Bảo luôn khỏe mạnh và yêu đời

  6. Phú Thạnh nói:

    Tết này anh vẫn xa quê

    Nhớ về Cầu Mới Năm Dê bồi hồi

    May nhờ Cô Chín tuyệt vời

    Và hai cháu nhỏ nên đời vẫn vui…

    NĂM MỚI MẾN CHÚC HOÀNG HƯNG VẠN SỰ NHƯ Ý…

  7. PhươngNga nói:

    Anh  HHg trả lời chưa chính xác.

    Ông Sãi hỏi Tết Nhứt bên Mỹ ra sao, nên trả lời là, “Không có Tết, chỉ có Nhức thôi. “

  8. Lyhuong nói:

    Chị ba thương chúc Út Hưng ,Cô 9 và gia đình được nhiều sức khoẻ,may mắn ,vui hưởng hồng phúc.

  9. Nguyễn Văn Lần nói:

    PN trả lời câu nầy, anh cả thấy quen quen. Vì có người bạn nói với anh : “Ở đây tao chỉ có Tết nhức thôi”.

  10. Nguyen Tuyet nói:

    Đúng rôi … ở xứ xa quê … ăn tết chỉ  chọn ngày cuối tuân  thứ 7 … ma đôi khi phải chọn 6 hay 7 giơ tối… chơi suốt đêm … , 3 giơ.. sáng vê nhà ngủ bù…vi có ngươi bận  lam cả thứ 7… nên thương thi tổ chức  trước 1 tuần hay sau 1 tuần… hên xui  thôi … năm nay hên … thứ 7 la mung 3…. chủ nhật mung 4… vậy là  hẹn nhau chơi tết thuận lợi …Năm nay  NT lên ăn tết mung 3 với    Hoanh Nguyễn …. có một nhóm  bạn trẻ  tư VN qua Mỹ đóng phim va đi du lịch ghé  vô tham gia .. cung quậy .vui tưng bừng…

     

  11. HOA DĂNG nói:

    Tết xa quê, Hoàng Hưng nhớ quê nhà, còn như chị Hoa ở tại hà không có tết. Thấy người ăn tết cũng nhớ ông bà ông vãi, nhưng cũng cố ra ngoài mà vui cùng bạn bè cho có tết để người ta đừng bảo là nhà mình không có tết. Đó là tâm tình của Hoa Đăng ngày tết đó Hoàng Hưng.

  12. hoàng Hưng nói:

     

    @Cám ơn Phi Rom nhiều. Đầu năm có bị cô 9 rầy. Phận trai phải vâng dạ, vậy là nhà luôn luôn đầm ấm.
    @Cảm ơn chị 11 nhiều. Không phải Tết mới nhớ nhà, lúc nào cũng nhớ nhà chị 11 ơi. Nhờ bận rộn với hai cháu nội nên cũng vơi đi nổi nhớ.
    @ Cám ơn Đức Tính nhiều nghen. Ăn Tết xong, nhớ viết bài cho đặc san của cô Dung nghen.
    @ Cám ơn Hoành Châu 14 nhiều. La lune là ông giăng, còn ông giẳng là gì vậy 14.
    @ Cám ơn em gái Phan Lương. Cuộc sống bình thường cũng không bình lặng lắm Phan Lương ơi. Nhờ bị cô 9 rầy nhiều.
    @Cám ơn anh Phú Thạnh nhiều. Nhớ về Cầu Mới và còn nhớ nhiều chổ nữa anh ơi.
    @ Phương Nga ơi, hình như là đúng, bị cô 9 rầy hoài nên “nhức,” còn ông John thì sao?
    @ Cám ơn chị 3 nhiều nhiều nhiều. Ước gì có ngày nghe được tiếng ca của chị.
    @ Cám ơn anh Cả, Tết không rượu, vui không anh Cả
    @ Cám ơn Nguyễn Tuyết.
    @ Cám ơn chị Hoa. Vui lên đi chị Hoa ui.

Trả lời Nguyễn Thị Hạnh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác