Ăn Miếng. Phải Trả Miếng

Ngày đăng: 13/12/2014 12:32:26 Sáng/ ý kiến phản hồi (6)
 
 Sau buổi sáng hứng mưa bom xất bất xang bang của ngày 7 tháng 12 năm 1941, người Mỹ nuốt lệ vào lòng, cấp tốc trục vớt chiến hạm chìm trong cảng vịnh biển, hốt dọn xác máy bay cháy trơ sườn trên mặt đất. Hạm đội Thái Bình Dương tại Pearl Habor từ từ hồi sức sau trận không kích bất ngờ của Hải quân Thiên hoàng Nhật. Họ chấn chỉnh bổ sung lực lượng, bắt đầu triển khai cuộc đọ sức sức với đế quốc Nhật bằng Hải quân và bộ binh trên những đảo xa trên vùng biển nam Thái Bình Dương, biển Phi Luật Tân, biển Đông Nam Á. Căn cứ Pearl Harbor bận rộn trong việc sửa chửa trang bị và yểm trợ tiếp vận mọi nhu cầu cho hạm đội Thái Bình Dương. Trong lúc hải quân hoàng gia Nhật ráo riết lên kế hoạch, vận dụng sức mạnh hải quân và binh lính bộ binh trung thành và cảm tử của họ trong nổ lực đặt những nút chặn cắt đường vận chuyển ngang Thái Bình Dương của hạm đội Mỹ. Để giăng cái bẫy tiêu diệt hạm đội Mỹ, bắt buộc người Mỹ phải ký kết hòa bình và không can thiệp, mặc tình cho Nhật tung hoành bá chủ “Đại Đông Á”    

 

 

        Mùa xuân năm 1942, dư hương của những chén rượu sa kê còn thơm nồng trận chiến thắng vẻ vang Trân Châu Cảng. Hải quân Nhật thừa thế tinh thần sĩ tốt đang lên, mưu đồ gây thêm chuyện lớn. Nhưng họ không ngờ tình báo Hải quân Mỹ đã bẻ được khóa mã JN-25 của quân đội Nhật. Thiếu tá Joseph J. Rochefort, sếp phòng giải mã của Ban tình báo hải quân Mỹ tại căn cứ Pearl Harbor mài mò giải trọn vẹn một bản văn chứa kế hoạch ngày giờ người Nhật hành quân tấn công đánh chiếm một địa điểm có mật danh quy ước là AF. Viên Thiếu tá nầy hiểu  mục đích các mật danh quy ước là  tăng thêm một lần bảo mật. Và những  chỉ huy cao cấp của đối phương mới có quyền biết địa danh ẩn sau các mật ngữ nầy. 

 

       
        Thiếu tá Rochefort báo cáo nội dung bức điện trộm được về Bộ Hải quân ở Washington DC., và ghi chú suy đoán của ông, AF có thể lả nhóm đảo Midway. Các vị đầu to ở Bộ Hải quân tin được nội dung bức điện “trộm” đó, nhưng họ cho rằng AF là dãy đảo Aleutians, Alaska là hợp lý về mặt chiến thuật hơn cả. Những nhà chiến thuật quốc phòng nghĩ rằng, từ chuỗi đảo nầy, người Nhật có thể lập đầu cầu đổ thêm bộ binh tràn lên phần lục địa Bắc Mỹ.

        Viên thiếu tá trưởng ban giải mã ức lòng nhưng chưa chịu chào thua thượng cấp. Một sĩ quan trẻ dưới trướng cùa ông là Jasper Holmes tìm được cách riêng để chứng tỏ đáp án của họ. Ông bày ra một kế cho vị chỉ huy quân đồn trú tại Midway. Bộ chỉ huy Midway phải gởi một bức điện “giả mà như thiệt” báo cáo nhà máy lọc nước của họ bị hư hỏng. Bản văn mã hóa thật thấp, cố ý cho tình báo Nhật đọc được. Tình báo Nhật đang chĩa mủi vào Midway nên khi nghe và giải được bản văn của Midway thì vội vàng gởi công điện báo cáo cấp cao “tình hình nước uống của AF đang bị thiếu hụt “. Tình báo hải quân Nhật dễ dàng sụp bẫy rẻ tiền của thiếu tá Rochefort, chính họ tự thú- lạy ông rằng AF đích thị đảo Midway.
        
        – Ngày 23 tháng 5 năm 1942, Thiếu tá Rochefort giải trình toàn tự sự lên Bộ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương (HD TBD). Vì biết chính xác ngày giờ quân Nhật đánh tới vào Midway đã cận kề, Vị Tư lệnh HD TBD, Đô đốc Chester Nimitz có trong tay 2 Hàng không Mẫu hạm (HKMH) Interprise và Hornet với tình trạng trang bị sẵn sàng, còn chiếc thứ 3 là Yorktown bị thương ở Coral Sea vì bom Nhật ngày 8 tháng 5, cũng đang nằm ụ dưỡng thương sửa chữa. 

        – Ngày 28 tháng 5, HKMH Intreprise và Hornet rời Pearl Harbor.  2 ngày sau thì Yorktown chạy theo dù không đủ cấp số máy bay và phải chở theo một số thợ cơ khí chuyên môn để vừa đến điểm hẹn vừa sửa lại sàn tàu. 

        – Ngày 2 tháng 6, Đô đốc Nimitz chọn một điểm cho hạm đội của ông nằm phục kích gọi là Point Luck- điểm may mắn cách Midway 390 miles về hướng đông bắc.  Sau nầy người ta mới biết tại sao phải là đông bắc và cách 390 miles. Bởi theo suy đoán rất logic của Nimitz, trước khi đánh đảo Midway, tàu ngầm của Nhật sẽ rà kiểm hạm đội của ông trong bán kính 200 miles và họ sẽ triển khai đội hình quan sát nằm chờ tại hướng đông và đông nam Midway, là con đường viện binh nhanh nhất từ Hawaii. Chọn điểm đó, Nimitz có cơ may tránh được thế xung kích vũ bão liều mạng của đội thần phong Nhật, và có điều kiện tối ưu để chọn lựa thời điểm tấn công bất ngờ hạm đội Nhật.

        – Ngày 4 tháng 6, 1942 lúc 4 giờ 30, trên đường 4 chiếc HKMH của Nhật tiến đến Midway từ hướng tây tây bắc, 108 máy bay ném bom cất cánh khi đội hình của họ còn cách Midway khoảng 250 miles. 
        Đến 6 giờ 15, máy bay từ đảo Midway lên nghinh chiến. Những phi công thiếu kinh nghiệm trên hòn đảo thanh bình nầy bị đội hình lão luyện Zero trách nhiệm bảo vệ nhóm thả bom nả đạn rụng như sung. 
        Khoảng 6 giờ 30 sáng, bom bắt đầu rơi trên Midway, và súng phòng không trên đảo cũng dàn chào đáp trả rất tận tụy, nhờ vậy đợt bom đầu không tàn phá hệ thống phòng ngự và đường băng bao nhiêu. 

 

        Phi đội của Nhật quay về hạm đội của họ đang đường tiến áp vào cho đợt oanh tạc thứ nhì và chuẩn bị đổ bộ binh chiếm đảo. 
        Lúc mà hạm đội Nhật ngỡ rằng họ một mình một chợ để làm cỏ đảo Midway, thì Đô đốc Nimitz di chuyển đội hình của ông tiến về phía hạm đội Hoàng gia Nhật theo hướng ông dự đoán kết hợp với báo cáo của các phi công trên đảo Midway. Cả 4 HKMH của Nhật gấp rút bôm xăng nạp bom đạn cho máy bay thì một chiếc thám thính cơ của Nhật khám phá hạm đội Mỹ đang tiến đến đội hình của họ. Người sĩ quan liên lạc trên đó hốt hoảng gởi báo cáo không kịp mã hóa về hạm đội của họ “teki, teki, teki…” (quân thù, quân thù, quân thù…). Chỉ huy hạm đội Nhật lập tức ra lệnh đổi bom chống hạm và ngư lôi thay vì trước đó là bom phá công sự chuẩn bị thả trên mặt đất. Máy bay Nhật chưa kịp cất cánh diệt hạm thì đoàn máy bay khu trục Mỹ từ hướng bắc, một hướng rất bất ngờ nhào đến chia nhau tấp sườn hạm đội Thiên hoàng. Bầy máy bay Nhật mang bom và đầy xăng nằm san sát sàn tàu là mồi ngon nổ dây chuyền cho bom Mỹ. Chỉ trong 6 phút, từ 10 giờ 22 đến 10 giờ 28, 3 chiếc HKMH là Kaga, Akagi, Soryu, từng tham gia trận Pearl Habor 6 tháng trước, cháy nổ long trời vì bom đạn của Mỹ thì ít mà vì chính bom đạn của họ và chìm rất nhanh sau đó. Chiếc thứ tư Hiryu tạm thoát nhưng rồi cũng bị hạm đội Mỹ truy sát và đánh chìm ngay chiều hôm đó. 

Người Nhật đã để lại hàng ngàn chiến binh ưu tú và những phương tiện tốt nhất dùng phục vụ chiến tranh trên một vùng biển xa xôi giữa Thái Bình Dương. Một thảm bại ngoài sự tiên liệu, cũng là hậu quả vì coi thường các khả năng ưu tú của dân tộc Hoa Kỳ. 

 


        Ăn se sẻ, đẻ con voi. Trận đánh trước khi tuyên chiến, Pearl Habor 7-12-1941, người Nhật chỉ làm cho con cọp Mỹ sút đi một móng. Nhưng  trong trận hải chiến Midway ngày 4-6-1942,  theo những nhận xét của các chuyên gia quân sự, tổn thất của hạm đội Thiên hoàng tương đương với 2 năm tổn thọ tiềm lực chiến tranh. Một trong nhiều nguyên nhân đẩy đưa đế chế quân phiệt Nhật Bổn suy tàn và dẫn đến bại trận vào tháng 8-1945.
 

Một Lúa
 

 

0 0 dv 1

 

 

(Hình chụp trên National Geographic)

 

Sơ đồ trận hải chiến Midway ngày 4/6/1942. Liệt kê phương tiện chiến đấu và vị trí tiến công, vị trí tổn thất của hai bên trong ngày lịch sử đó.
 

0 0dv 2(Hình chụp trên National Geographic)

HKMH Yorktown, bị trúng ngư lôi của tàu ngầm Nhật trong ngày 4/6. Nó nằm hấp hối rất lâu trên biển  nhiều giờ và bị chìm ngày hôm sau. Đây là ảnh ghi lại hình hài 800 feet của nó dưới đáy TBD hồi năm 1998.

(Lược dịch từ National Geographic Magazine)

Có 6 bình luận về Ăn Miếng. Phải Trả Miếng

  1. Phi Rom nói:

    Tin mới,  hấp dẫn, hấp dẫn, mới đọc nửa bài, cần đi ngủ gấp, gần 1g sáng rùi, mai đọc tiếp…hihi

  2. truong mẫn nói:

    Ngoài phim trận Thái Bình Dương, những tư liệu sách tướng Patton v..v. Hôm nay được mở mắt với tin nóng hổi của Một Lúa. Cám ơn và mong thêm nhiều tư liệu dán cứng con mắt người đọc. Chúc vui khỏe.

  3. HOA ĐĂNG nói:

    Lúa đệ ơi, hồi học đệ nhất vì mê lịch sử do thầy Nhàn lùn dạy mà khi lên đại học tỷ đã chọn học ban sứ địa, bây giờ đọc bài tường thuật của Lúa đệ chắc tỷ ghi danh học lịch sử nữa quá, nhưng biết chỗ nào mà ghi danh cho người cao tuổi học lịch sử bây giờ????

  4. Phú Thạnh nói:

    Trong chiến tranh quy ước, sức mạnh không đơn thuần là vũ khí mà còn là cái đầu.Người Mỹ đã có cả hai.Dấu chấm hết nằm sau vụ Hirozama và Nagazaki tháng 6/1945. Nếu Lúa có video mấy vụ này nhớ FW cho mình với nha…Cám ơn.

  5. Một Lúa nói:

    @Phi Rom, tiếng rao trong trẻo và ngọt xớt làm tui thèm bánh mì nóng dòn mới ra lò.
    @Chị Hoa Đăng và hai huynh Trương Mẫn và Phú Thạnh. Chiệng lịch sử tràng giang đại hải. Chỉ nhắc lại những điểm nhấn của nó cũng đủ vất vả lắm rùi.
    Cám ơn các vị cho bình luận.

  6. NGUYEN TUYET nói:

    Huynh Một Luá kể chuyện hấp dẫn quá, cái đoạn kết tưởng là có món ăn ngon , ai dè là dùng từ nhân cách hoá ăn se sẽ , đẻ con voi… làm cho con cọp sút đi một móng … hì hì … cái hay là ở chỗ đó…rán đọc 1 hơi … bây giờ NT cũng hít mắt rồi …đi ngủ sớm , để thức sớm vậy …hihi.

Trả lời HOA ĐĂNG Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác