Cây ngày xưa

Ngày đăng: 30/11/2014 10:12:38 Chiều/ ý kiến phản hồi (23)

Có lẽ các ông này định cư nơi đây thuở ba tôi còn thiếu thời lận, có nghĩa là không biết tôi đang ở đâu, bởi khi biết nhớ như in, thuở tám chín tuổi hàng còng đã cao to, che rộp khoảng đường Trưng nữ Vương cùng một đầu sân vận động nằm trong nội ô thị xã Vĩnh long. Hàng ngày qua rồi lại, vẫn không thấy hàng còng, cho đến sáng này đưa con cháu đến liên hệ công việc, văn phòng mới này nằm dưới bóng mát tàn che, chợt thấy nao lòng, cảnh cũ còn một góc này đây, người xưa qua đi mấy lượt, thấy thì xôn xao qua lại mà chẳng có ai thân quen cho mình cúi đầu chào. Ấy vậy mà hôm rồi, một bạn trạc tuổi tôi song khá yếu vì phải nằm vạ thường xuyên hết bệnh viện tuyến tỉnh, rồi lên Saigon nằm vạ tiếp, nằm chán chê về gặp tôi chuyện chưa xong lại cãi nhau, cũng chuyện những cây còng lớn nhỏ năm xưa còn tại thế, lại vừa giúp nhau nhớ chuyện ngày xưa..


 

 

    Khoảng giữa hai cây còng này, về sâu trong căn nhà, hơn 60 năm trước là một hàng còng gốc cở hai người ôm, bên dưới bóng cả đó một xà đơn cao dành cho người lớn, hai bên là hai xà đơn thấp hơn dành cho thiếu niên, một xà kép bằng cây, trông rất cũ nhìn thoáng dường dễ gãy lắm, không thấy ai đến thử xà kép cã !.

 

 

    Cây còng cùng thời với hàng còng to trong sân banh, sọng độ lớn kém hơn rất nhiều, còn lưu lại được bảo dưỡng theo định kỳ, cư trú trong khuôn viên bảo tàng, ngang nhà máy nước Vĩnh Long

 

           Là sân banh cũ giữa những con đường trong nội ô, hình chữ nhật dựa theo thế đất thời Minh Mạng lập phủ, nay là phường 1 thuộc TP Vĩnh long, với bốn góc chính xác nằm bốn hướng- Hướng bắc ngã ba sông tiền và sông Long hồ với cầu Bạch đằng- Hướng đông ngã ba sông Long hồ và rạch Cầu lầu có hai cầu là Thiềng đức và Cầu lầu- Hướng nam ngã ba rạch Cầu lầu và rạch Công xi heo ( còn gọi là Kênh cụt ) có cầu Công xi- Hướng tây rạch Cái cá và sông tiền với cầu Cái cá. Sân vận động trong nội ô cũng theo hướng đất phường 1 nằm gọn trong 4 con đường, với góc là ngã ba hoặc ngã tư

    Con đường Trưng nữ vương ngày xưa vẫn là đường nhựa, hẹp chỉ vừa hai xe lưu thông ngược chiều, hồi đó rất ít xe bốn bánh, xe hai bánh là loại xe mobilette, mà cũng rất ít chỉ dành cho công chức có địa vị kha khá. Từ mé lộ trở vô hàng còng là đất bằng luôn ẩm ướt, đầy lá còng khô mục, cỏ không mọc nổi vì ành sáng không xuống được khoảnh đất này, trong sâu nữa là khung cầu môn bằng cây chôn cố định. Mặt này của sân banh hướng tây nam với hàng còng, hướng tây bắc và đông bắc toàn cây bả đậu, đến giờ vẫn còn. Tuy nhiên, nơi góc tây tây bắc, không trồng được cây nào, vì ngày xưa là một con mương cận đường, chứa nước thải đen xì, luôn bốc hơi nóng cùng mùi hôi nồng do nhà máy điện chạy bằng than đá bên kia đường đang hoạt động. Nhà máy sản xuất điện 110 vott, thuở đó dân trong nội, ngoại ô dùng đèn bóng tròn vì chưa có đèn neon, mà nhà máy chỉ chạy từ chạng vạng đến sáng mai là nghĩ mệt, nhu cầu thắp sáng là chánh, lý do không có công nghiệp kỹ nghệ trong tỉnh, thỉnh thoảng nghe lại bản nhạc < Ngoại ô đèn vàng > vào những hôm trằn trọc, ôi có bao nhiêu kỷ niệm ùa về rõ mồn một

 

 

    Hàng cây bả đậu khoảng 60 năm trước, trên đường Hoàng Thái Hiếu, bên phải là trường nữ tiểu học ngày xưa, xa hơn gần cuối đường, cùng bên là nhà máy đèn chạy bằng than, thải nước đen đậm hơi nóng hừng hực khi đi ngang qua.

 

 

    Hàng cây bả đậu bên đường Hưng đạo Vương cuối đường là sông Tiền.

 

 

    Thân cây với nhiều khối u cho một nét đẹp lão rất riêng.

 

    Mời các bạn xem một đoạn hồi thư của người bạn thân ngày xưa, ngụ ngang sân banh. nhân tôi hỏi về những cây còng. Mạn phép bạn Tuấn tôi đưa lên nguyên văn, cùng nhớ lại.

    << Nếu tui nhớ không lầm thì dọc theo sân vận động Vĩnh Long ngày xưa, đối diện nhà 74 Trưng Nữ Vương có đến 2 hàng còng, nằm so le nhau.

Hàng bên trong to lớn, già cỗi, gốc phải đến 2 vòng ôm người lớn!. Hình như sau này chỉ còn lại hàng bên ngoài (sát lề đường), cây nhỏ hơn.

 

Nhớ lại khi xưa, trời mưa nước ngập. Tui và đám con nít lối xóm thich xếp tàu giấy qua đó thả chơi.

Ngập cả mùa mưa nên quanh sân banh có nhiều ểnh ương, cà cuống. Đầu mưa rất nhiều dế cơm, dế đá :).

 

Đặc biệt khi chiều về, vô số chim se sẽ tụ trên hàng còng, kêu réo điếc tay cả tiếng đồng hồ. Khoảng 70, có mấy thằng đói, tối tối dùng súng hơi soi đèn bắn chim. Từ đó, chim vắng tiếng dần… >>

    Cám ơn bạn Tuấn viết rõ thêm một địa điểm xưa, mà hiện nay còn lưu lại còng và bả đậu dành cho dân u 60 đổ lên đang khuyết dần.

    Dường như đầu năm 60, chính quyền thời này xây tòa hành chánh tỉnh trong khu vực sân banh và những cây còng hai người ôm không còn nữa, chỉ còn lại những cây còng nhỏ hơn nằm cận mặt đường. Trong thời kỳ này, nhà máy đèn chạy than đá hết thời nên đóng cửa, một nhà máy cung cấp điện cho toàn tỉnh chạy bằng dầu gazole, an tọa bên hông phi trường Vĩnh Long, cách trung tâm TP khoảng 3 Km, gần quốc lộ 1 đi hướng saigon, nhà máy phát nguồn điện 220 volt và có điện suốt ngày. Động cơ điện áp dụng vào công nghệ nhẹ tăng dần lên, cũng như đồ gia dụng  điện gia tăng nhiều chủng loại.

    Khoảng những năm 1958 trở đi, khu chợ Long Châu ngày nay, ngang đó là dãy phố do đức cha Ngô Đình Thục cất, là đất dành cho người quá cố, với cơ man là mộ, được giải tỏa mở rộng khu dân cư. Khu vực hiện nay là trường Cao đẳng sư phạm, cùng ký túc xá, trước là bãi rác khá bề thế, được san phẳng dành phát triển dân trí tỉnh, liền kề là sân vận động Vĩnh long được thành lập sau khi sân banh trong nội ô trở thành tòa hành chánh. Từ ngã ba Cần Thơ, bên phải vừa giải tỏa mộ, được xáng thổi đất sình bằng ngang mặt lộ dài lên đến cầu Tân Hửu, năm sau đã thấy nhiều dãy theo tên gọi thời bấy giờ là ( nhà song lập lầu ), thành từng đôi, khoảng cách mỗi đôi độ chừng chục thước, thời bấy giờ nhìn rất lịch sự trang nhã.

    Do nhu cầu phát triển đô thị những cây sao, me, còng, gừa..các cây tuổi từ 80 năm đổ lên, nằm cạnh đường đã không còn. Tuy nhiên có những khu thuộc lịch sử trong nội ô vẫn được giữ lại cùng với hàng cây trăm năm, ngày xưa dinh tỉnh trưởng, nay là khu bảo tàng lịch sử, vẫn còn hàng cây trăm năm nhìn xuống những thế hệ tiếp nối chuyễn động quanh mình.

 

 

 

 

 

    Hàng cây, con đường bên cạnh sông Tiền

 

Trương văn Phú

 

 

    


 

Có 23 bình luận về Cây ngày xưa

  1. PhươngNga nói:

    Cám ơn bài viết với tình cảm chan chứa của anh Trương Phú.
    Gợi nhớ lại nhiều kỷ niệm thân thương với con đường Trưng Nữ Vương nầy.
    Khi xưa ba chạy mobylette chở PN mỗi ngày từ nhà ở đường TNV đi học thêm với thầy Thàn nhà qua dốc cầu Lộ

  2. kim cuong phan nói:

    Anh Trương Phú thân mến! Anh như kho tư liệu sống của đất Vĩnh Long. Cám ơn anh về những điều anh đã gợi lại. Sân vận động Vĩnh Long xưa, tôi tự hỏi sao mình không nhớ gì hết vậy. Khi anh cho biết năm 1960 nơi đây xây tòa hành chính thì tôi mới nhận ra tôi không biết là phải rồi. Khi Sadec nhập vào tỉnh Vĩnh Long, một số công chức ở Sadec phải chuyển công tác về Vĩnh Long, trong đó có gia đình tôi. Gia đình tôi chuyển về Vĩnh Long năm 1961 và cư ngụ ở phố song lập. Ngày đó, phía trước nhà có con rạch nhỏ, muốn vào nhà phải bắc cầu. Sau đó người ta lấp đi và làm đại lộ Nguyễn Huệ.

  3. Hoành Châu nói:

    Cảm ơn bài viết chính xác, tỉ mỉ từng chi tiết thêm một số tư liệu hình ảnh thật giá trị,,,, chỉ có bậc “lão làng ” như anh Trương Phú mới có thể ghi chép đầy đủ , đàm đạo thâm tình cùng với một bậc “tiền bối” khác nên chúng ta mới có được bài viết sống động như thế này !Biết rõ sự đổi thay từng ngày để càng yêu thương xứ sở và con người ở đây hơn ! Chúc anh tươi trẻ mãi để viết lách cho hậu thế bớt đi sự mù mịt, không hay !. Em Hoành Châu

  4. Hue Dang nói:

    Cám ơn Anh Trương Phú nhiều lắm, nhưng Huệ vẫn chưa hình dung chính xác được, đọc 1 đoạn , nhìn hình , nhắm măt lại nhưng chỉ nhớ mang mác, phai đọc nhiều ngày lắm mới từ từ nhớ được. Chúc anh vui khỏe viết nhiều bài như thế nàyvaf nhóa có hình đính kèm theo nha. Cám ơn Anh Phú lần nửa.
    Hue

  5. truong mẫn nói:

    Cùng cô Phương Nga, bạn Kim Cương, cô Hoành Châu. Trên đường TNV, ngày hôm nay vẫn còn hai địa danh là:
    a- Khu vườn còng rất cao tuổi cũng khoảng thời gian của những cây còng già nơi đầu sân banh, vườn còng nằm sau chủng viện
    b- Ngã tư ông Sụa, nằm khu đất đầu chủng viện, nơi này có quán tạp hóa,ngay đầu ngã tư chủ quán là ông già người Hoa tên sụa, về sau bán thức ăn sáng, nhưng rất xập xệ so với thời bấy giờ, hồi xưa chỉ duy nhất quán ông nên thành danh. khoảng năm 1984,ông vào nằm viện do bệnh già, buồn tình sao không biết, bác sĩ mổ xong khép miệng vết thương, ông lại tự mổ lần nữa bằng dao gọt trái cây, cô con gái lớn nuôi than quá trời luôn.
    cám ơn ba bạn đã xem và phản hồi. Thân mến.

    • kim cuong phan nói:

      Cám ơn anh Trương Mẫn, bây giờ mình mới biết lai lịch của địa danh ngã tư ông Sụa. Bây giờ cũng còn 1 quán hủ tiếu ở góc đường này. Có phải là quán ông Sụa không hả anh ?

  6. Một Lúa nói:

    Chấm than và chấm hỏi

    Lâu lắm rồi không về ngang xóm cũ
    Gốc còng xưa còn nét khắc yêu em
    Gạch vĩa hè còn tiếng guốc khua vang
    Nắng ban mai còn ôm tà áo trắng

    (Một thời tươi đẹp 1973)

    • Luong Minh nói:

      Thì ra chàng trai Tam Bình năm 19 tuổi cũng đã biết yêu rồi. Anh còn lấy dao khắc vào gốc còng những dòng chữ yêu em. Nghe nóinăm 1990, sau khi đốn còng để cất khu phố thương mại. Công ty cây xanh đã cưa khúc cây có chữ khắc  ấy đưa vô nhà Bảo tàng VL chỉ vì nét chữ khắc quá đẹp, Nay biết được của nhà thơ Một Lúa, sớm muộn gì nhà Bảo Tàng sẽ đem ra đấu giá..

  7. truong mẫn nói:

    Máy của tôi phần phản hồi bên dưới bài viết không biết sao, bấm không kết quả, đành viết bên dưới. Cô Huê Đang ôi, có lẽ do tôi trình bày không trong sáng nên cô đọc mãi mới hình dung được, cám ơn người VL xưa đã xem. Thân

  8. Phú Thạnh nói:

    Anh Phú ơi! Với tui,Cây còng thật to trước Trường Nữ Tiểu học(ngang sân banh)có nhiều kỹ niệm lắm.Hồi khoảng năm 1956-1957,tui học đệ thất đệ lục gì đó mà chưa biết chạy xe đạp. Tui mượn xe đạp của thằng bạn thân(con của ông Trưởng ty Nông vụ thời đó) tập chạy vòng vòng cây còng,bị té u đầu và Ông ấy cho tui chiếc xe đap luôn…hi…hi…

  9. Phi Rom nói:

    Còn tôi sống ở Vĩnh Long từ khi bước vào học lớp đệ thất cho đến cuối lớp 12 NK 70-71, nên vĩnh Long là nơi tôi nhiều kỷ niệm nhất, và nhất là con đường Trưng Nữ Vương, số 148 ngày xưa, nhà của người bạn thân nhất của mình, ngày nào tôi cũng đến đó ăn cơm, đi mòn dép luôn, xuống dốc cầu Lộ về hướng chợ, quẹo trái có đường Cổ Trì,có nhà bạn Nga, tôi tìm đường Cổ trì mà cũng không còn nửa, tôi hay trám răng ở Thuận Nghĩa Tường, gần gần nhà sách Minh Trí…đến 2008 có dịp quay về VL, tìm lại cảnh cũ, người xưa, tất cả đều thay đổi…buồn quá…hic hic…cảnh xa xưa thỉnh thoảng vẫn hiện về trong giấc mơ, vẫn thấy mình đi trên những con đường quen thuộc…

  10. Một Lúa nói:

    Anh Trương Mẫn và Lương Minh ui,
    Lúa cám ơn thạnh tình 2 vị. Níu mua không được miếng da cây còng có khắc hàng tên đó, thì lén chộp hình cho rẻ hơn. hihi

  11. NHA nói:

    Bài này khiến tôi nhớ vày kỷ niệm liên-quan:
    -Phú Thạnh, tôi và Ngô Thanh Hoàng (Con trai của Ông Ngô Thanh Hộ, Trưởng Ty Nông Vụ thời đó, nhà phía sau trường Nữ Tiểu Học nhưng cửa hướng ra đường Hưng Đạo Vương) là bạn chí cốt.
    -Nhớ đến thầy dạy thể dục mà chúng tôi gọi thân mật là anh Tư Hón (hình NHƯ nhà ở P5, nay đã qua đời?).
    -Đã xem nhiều tran đá banh hấp dẫn, thời thủ môn “lưỡng thủ vạn năng” Rạng.
    -Đường Trưng Nữ Vương nhắc đến Giáo sư vừa dạy Toán vừa dạy Việt văn (đệ nhất cấp, dạy giỏi) là Giáo sư Phan Đình Giá có vợ là Pauline Nho (học sinh của NT/TPH)…
    -Phòng mạch của bác sĩ Lý cũng ở đường này?
    -…

  12. Hue Dang nói:

    Anh Trương Phú, bài của Anh viết rất trong sáng rỏ ràng, nhưng nhìn hình Huệ không thể nào nhớ nổi vì không giống ngày xưa, nhà cửa bây giờ xây cất mới,nên khi đọc xong 1 đoạn phải nhắm mắt nhớ lại những con đường nhà cửa ngày xưa, rồi mới nhìn vào hình để tìm xem có còn nét gì xưa củ không… Là tại Huệ quên. Như hình cây Cầu Lộ lúc trước anh Phú đưa lên, nhìn là nhận ra ngay nhưng mất tiêu cây hoàng lan rồi. Nhờ anh Phú viết những bài như thế này người ở xa Vinhlong mới hồi tưởng nhớ lại những kỹ niệm xưa,tự cười mĩm một mình. Cảm ơn Anh Phú nhiều lắm.

  13. kim cuong phan nói:

    Anh Trương Phú kính mến ! Xin phép anh chia sẻ bài viết của anh lên facebook để bạn f của KC biết 1 ít về Vĩnh Long xưa. Cám ơn anh thật nhiều.

  14. truong mẫn nói:

    Cùng các bạn
    Quán hủ tiếu nơi ngã tư đầu dãy đất của chủng viện, ngày nay bán hủ tiếu có lẽ là con ông sụa, ổng xí lắc léo từ lâu rồi.
    – Anh Thạnh ơi tập chạy xe đạp, cây còng đụng anh, anh được lãnh thưởng, vui và lời quá rồi. ngày nay nếu chạy xe gắn máy tốc độ cao ủi vô gốc còng, sẽ được lên xe có còi reo còn ngon lành hơn nữa.hí..hí..
    -Anh Nha ơi, nhà ông trưởng ty nông vụ ngó sang đường là trường bá nghệ, hồi xưa tây dạy. trường này dạy đến diplome
    -Cô Huệ Đặng, cây hoàng lan nơi đầu cầu không còn nữa, nhưng trong khuông viên nhà Ông Ngô Đình Thục xưa, nghe nói dường như còn cây hoàng lan, cảnh thay đổi nhiều lắm, nhìn đại khái còn biết chứ vào chi tiết thì phải có nhắc mới nhớ lại nổi.
    Cám ơn các bạn, nhờ vậy tôi biết thêm tình cảm người Vĩnh long mình. Thân mến nhiều

  15. nguyenthikieutrinh nói:

    Anh Trương Mẫn…Phú ơi,
    Cám ơn Anh Phú…Mẫn có bài viết về con đường có lá còng bay có rất nhiều phản hồi dày – đặc – kỷ – niệm về Vĩnh Long xưa…! Nhưng khổ nỗi ngày xưa 7 đi học chỉ một lối đi về: từ nhà đến trường và ngược lại! (7 vốn con nhà…tể tứ mà!he he he…nên có đi bát phố mà hổng có dạo dọc theo đường có bóng… cong huyền!
    Khi nào rỗi, Anh Phú…Mẫn viết về con đường từ cầu Thiềng Đức vô Cầu Kè…,Anh nhá. Cám ơn Anh Phú…Mẫn trước!

  16. truong mẫn nói:

    Cô Bảy này hay ghê nghen, chưa gì mà cảm ơn trước, ví tôi vô rọ rồi, thực ra tôi đang nghẹn nơi cầu Thiềng đức cũng hơi lâu lâu, đang tìm tư liệu về thời gian mà chưa ra. Những người chạn ba tôi không còn, nếu còn cũng không biết, chỉ có cỡ nội tôi thôi, mà những vị này đi bán muối hết rồi, tôi đang tìm đây, cô ráng chờ khoảng vài chục năm nữa, tôi xin hộ chiếu xuống dưới hỏi rồi lên viết cô cùng các bạn đọc cùng vui nghen.

  17. Một Lúa nói:

    Anh Trương Mẫn, Giai thoại nầy em nghe được từ anh chị học những khóa sáu mấy. Vị giáo sư hỏi một anh học trò trong lớp: – Nhà em ở đâu? – Dạ thưa thầy, nhà em bên kia cầu Thiềng Đức. – Chắc là mỗi ngày em qua lại cũng có cảm tình với cây cầu đó. Hèn chi mà em chuốt cây viết chì chù vù như mấy con tán ri-vê! Riêng Lúa em bi giờ ngẫm nghĩ, lúc đó giả sử anh học trò ở bên kia cầu Lầu. Thì không biết vị giáo sư ví von cây bút chì chù vù đó làm sao. hihi

  18. truong mẫn nói:

    Anh một Lúa, tôi có nghe thầy nói vầy, em ở bên Cầu Lầu, con đường cập rạch tên đường Lò Rèn, hèn chi cây bút chì em chuốt nhọn lểu như đôi môi….cô em…

  19. HOA ĐĂNG nói:

    Bài viết của anh Phú nhắc về những hình ảnh xưa của đất Vỉnh Long thật quý, gợi cho mọi người những kỹ niệm thời cắp sách. con đường Trưng Nữ Vương nhắc em nhớ về một người bạn Hướng Đạo tên Trần Thị Kim Chi, Hình như lúc đó ngày nào chúng em cũng gặp nhau ngoài giờ đi học, vì bạn nhỏ hơn em hai tuổi, lại học khác trường, nhưng sinh hoạt chung một đoàn thể . Nay bạn đã rời xa dương thế vì tai nạn xe.Bài viết của Anh Phú đã làm cho em càng nhớ về bạn ấy hơn.

Trả lời kim cuong phan Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác