Cưới hỏi thời khủng hoảng ( bài một)
Chú rễ người ấp 5, (cùng quê với ông bạn Một Lúa) là con trai thứ của bác Ba No. Tuy là con trai thứ nhưng vì bác Ba có mấy người con lớn không nuôi được nên anh trở thành con cả của bác Ba.
Thời khủng hoảng, đường sá đi lại khó khăn, bước ra khỏi cửa là phải đi xuồng. Thời bấy giờ, bến chợ Mỹ Lộc mỗi sáng, xuồng đậu dập dìu ra muốn tới giữa sông, chiếc này buộc nối vào chiếc kia, nếu không có ai giữ thì khi lên chợ phải xách dầm theo, để khi xuống về có dầm mà bơi, mất dầm thì đâu thể bơi bằng tay mà về đến nhà. Vậy mà lâu lâu cũng có người mượn luôn dầm của người khác, chẳng hạn muốn quá giang người ta về nhà, chẳng lẽ ngồi cho người ta bơi, còn nếu bơi cho chủ xuồng ngồi thì khi gặp nước ngược mình lại càng không muốn bơi một mình nên mượn tạm cây dầm của xuồng ai đó lên chợ mà bỏ dầm trong xuồng, nếu một lát họ xuống không thấy dầm thì ráng mà kêu trời.
Bây giờ trở lại cái chuyện của anh Ba con của bác Ba No. Khi vừa thống nhất đất nước, anh Ba cũng có chân trong trong ủy ban xã với chức vụ trưởng ban giáo dục, hình như bây giờ gọi là trưởng ban tuyên huấn. Anh Ba làm viêc với tính cách là cống hiến nhiều hơn chứ thời đó phụ cấp chẳng là bao. Anh quản lý cả hơn hai chục giáo viên trong toàn xã. Lúc đó anh còn là một thanh niên chưa vợ nên anh rất siêng đến thăm các điểm trường, gọi là đi công tác, nhưng thật ra đến đó cũng chẳng làm gì, chuyện trò, hỏi thăm sức khỏe, và xem có giáo viên nào thấy “trụ lại ngành” hỏng nổi dông mất không. Anh thường quan tâm đến các cô giáo xem có gì khó khăn cần giúp đỡ, nói thế chứ có giúp được gì, vì đa phần các cô muốn trở về thị xã thì làm sao mà anh giúp. Các cô giáo lúc bấy giờ tuy khó khăn xa nhà, sống tạm ở nhà dân, cuộc sống tuy thiếu thốn, nhưng cái nét mượt mà của các giáo sinh trường Sư phạm vẫn chưa phai màu, làm cho lòng anh Ba trưởng ban giáo dục xã phải điêu đứng, bởi vì cô nào sao anh thấy cũng vừa mắt. Thế là anh quyết định phải cưới vợ là cô giáo. Mấy cô giaó trong xã thấy anh tử tế, hiền hòa cũng cảm mến, nhưng đó là sự cảm mến thông thường, còn nếu để lấy làm chồng thì hỏng dám đâu….Thế là anh Ba nhà mình hết dòm ngó cô nầy, lại phải o bế cô giáo khác, cuối cùng cũng xôi hỏng bỏng không. Tuy thất bại dài dài nhưng mộng cưới cô giáo vẫn không phai mờ trong tâm trí anh…Sau đó, có người bà con làm mai mối cho anh một cô giáo, thời trước 1975 gọi là giáo viên ấp chiến lược.(Những gia đình chạy ra thành tị nạn, có con với trình độ lớp 9, được ty giáo dục đào tạo trong 3 tháng là được làm giáo viên ). Anh đi coi mắt thấy không vừa ý vì sao hỏng giống mấy cô giáo trẻ ở xã mình, nhưng có lẽ do ông Tơ bà Nguyệt đã se duyên nên anh cũng ừ cho xong. Còn cô giáo nầy nghĩ “Gừng cay mà ớt cũng cay, chờ đợi lâu ngày thì già hết cái tuổi xuân” nên bằng lòng không chê chỗ nào vì cũng quá xứng lứa vừa đôi.
Thế là đám cưới của anh Ba được diễn ra thật hoành tráng so với thời đó. Bà con khách khứa thật đông, giết bò, heo để làm tiệc đãi đằng ì xèo. Nhất định là quí thầy cô trong xã chẳng thiếu mặt ai, nhất là mấy cô, ai cũng chúc mừng anh đã cưới được cô giáo theo tâm nguyện.
Đến giờ đi rước dâu mà đàng trai còn phải thịt thêm một con heo để đãi đàng gái thì đám cưới nó bự như thế nào?…! Giờ đi rước dâu khoảng nửa đêm, chỉ có một chiếc ghe, chở độ tám người, chạy bằng máy koler 4, đèn măng xông sáng trưng, từ ấp 5 lên Bà Lang không xa lắm nhưng đi bằng ghe máy nên tranh thủ cho kịp con nước, tới sớm thì đậu đó chờ cho chắc ăn. Ghe chạy ra khỏi nhà độ một cây số, cái máy koler 4 đột nhiên trở chứng, giựt hoài không chạy, nửa đêm giữa đồng không mong quạnh, biết nhờ ai, Mọi người nôn nóng sợ trễ giờ, còn anh Ba thì tức mình, nghĩ bụng tới lúc sắp rước vợ về nhà mà còn trục trặc. Bỗng mọi người trên ghe giật mình khi thấy anh Ba nổi nóng đứng dậy tuyên bố: -Đi về, hỏng rước ai hết!
Nghe đến đây, cái máy koler hết hồn vội nổ ành ạch.Thế là anh Ba nhà mình vẫn rước dâu an toàn, ăn ở đến nay đã được 3 cô con gái và hai đứa cháu ngoại.
HOA ĐĂNG
25/8/2014
ảnh minh họa
Chào sư tỷ,
Hồi xưa đệ không nghe từ giáo viên “ấp chiến lược”, mà chỉ nghe “Giáo tầm vông”, nghe người lớn nói là dịch từ chữ Pháp (Maître de bambou, không biết đệ viết đúng hay sai bởi đệ nông pạt-lê phờ-răng-xê mờ).
Lúc còn ở ấp Năm, Lúa nghe mấy thằng bạn nhậu nói vật chất đôi khi có linh hồn. Lúa không tin tụi nó, bây giờ nghe sư tỷ nói anh Ba “tuyên huấn” nạt một tiếng mà cái máy kohler tư cũng phải chạy quắn đuôi. Lúa hơi tin tin là vật chất có linh hồn.
Cám ơn sư tỷ
Đồng hương Một Luá ơi, đây là chuyện có thật 98,8%, tuy tên nhân vật tui đã đổi một chút, có lẽ do ông Tơ bà Nguyệt se duyên rồi nên tình huống đến hồi gay go nhất cũng phải khiến xui cho nó ra như vậy mới gọi là duyên nợ trời ban chứ vật chất có tâm hồn gì ở đây, chắc là hài hước cho vui thôi, chuyện nầy cũng gần giống với Rượu lễ nghĩa chưa vậy đồng hương????
Hi hi…
Hoan hô cái máy koler biết se duyên ,kết trái .Nếu ko sợ hết hồn thì làm sao có đc ba cô con gái và đám cháu ngoại dưỡng già chứ !
Cô kể chuyện hấp dẫn quá đi chứ ! Tập 2 chừng nào ra lò hả cô ?Nhanh nhanh lên nhé
Bài viết hấp dẫn , nhân vật anh Ba nầy vui thật , kể hết ra luôn nghe chị Hoa Đăng ?Em Hoành Châu
Phan Lương ơi, bài hai đang viết, cũng cưới hỏi, tớ ấp3, quê của PLđó, bắt chước Một Lúa chứ hsy ho gì đâu, bộ hổng thấy giọng văn kiểu Một lúa sao?
Chị Hoa Đăng đọc bài chị đã thiệt, sao kết thúc sớm vậy chị? câu chuyện rất có hậu, rất mong được đọc tiếp bài của chị.
Phi Rom ơi! Hãy yên tâm, theo anh dự đoán chắc có lẽ đây là chuyện dài 3 tập, mong rằng sẽ “tiền hung,hậu kiết ” mà. Đất Tam Bình sao nhiều nhân tài quá: anh Cả Lần, Một Lúa ,Hoa Đăng rồi Phan Lương …còn nữa mà anh chưa nhớ hết . Hoa Đăng quả thật đa tài, đa hệ mà lại đa tình nữa phải không PR ?.
Trời! anh Phú Thạnh thức khuya dữ ha, PH của anh lúc 3h17, em cũng thấy đúng như anh nhận xét đó, vậy mà mình có bài để thưởng thức, giọng văn chân thật, phản ánh cuộc sống thật là thú vị. Chúc anh nhiều sức khỏe.
Chị Hoa Đăng ui,
Chuyện của chị và của anh Một Lúa làm em liên tưởng tới truyện của nhà văn Sơn Nam.
Em hồi xưa mê truyện ngắn đăng từng kỳ trên báo Hương Quê của ông…
Đàng trai đi rước dâu cũng bằng xuồng, cũng sợ con nước làm trễ giờ lành.
Tới nơi kịp giờ, rước cô dâu như cướp. Nhà gái vặn vẹo đủ điều, đòi “Bông búp về nàng, bông nở về anh”. Không nhớ , nhà trai đối phó ra sao, nhưng cũng qua truông. Tới chừng đưa cô dâu xuống ghe, tính dọt lẹ, bị nhà gái rượt theo, đòi làm lễ “Trao Thân Gởi Phận”. Đàng trai chống ghe dọt, ném vọng lại một câu “Trao Thân Gởi Phận Con Khỉ Mốc”
Hoành Châu ơi! cũng ráng nhớ lại những chuyện vui thời khủng hoảng để thấy rằng lúc đó vật chất không làm mình đau khổ như thời nầy đâu, hồi đó ai cũng nghèo như nhau, sống với nhau hết sức chan hòa bằng tình cảm hết sức chân thật, bây giờ không thấy nữa, có chăng là hàng hiếm. Hoành Châu nghĩ sao?
Chào Phi Rom,hết chuyện nầy còn chuyện khác, cũng việc cưới hỏi để chúng ta nghiệm lại xem thế nào là duyên nợ. Đúng là duyên nợ, phải tin thôi.
Sư huynh phú Thạnh ơi, khen em quá, coi chừng em tưởng thiệt là em lừng đó nghe huynh, đa gì cũng tốt, riêng đa tình khổ lắm huynh ơi.Ai trong hoàn cảnh này mới hiểu. Cảm ơn huynh.
Phương Nga ơi, những nội dung mà PN nói đến nhà văn Sơn Nam chị cũng đã đọc qua nhưng nhớ không hết như PN đã diễn tả, cảm ơn Phương Nga quan tâm đến bài viết của chị
Đọc qua bài viết ( tập 1 ) của bạn tui đã biết là chuyện thật 100% của ai rùi ! Tui cũng có rất nhiều kỷ niệm với anh Ba từ thời còn học ở Trung học Tam Bình đến sau 1975. Nhưng đám cưới của anh Ba, không có rủ tui, nên những chi tiết thì chỉ có những người ở ấp Năm mới biết. Hổm rày, suy nghĩ dữ lắm, sợ phản hồi có chi sơ xuất, bạn khai ra những chuyện của tui hồi trước thì ” quê độ” với bà con làng xóm. Đến hôm nay mới phản hồi, mong được đọc tập 2, tập 3 ( hậu đám cưới ). Vì từ hồi anh Ba nghỉ việc đến giờ, tui ít khi gặp.
Hay cho anh Lần, dấu tên mà cũng biết sao, còn các tập tiếp theo thì hết chuyện anh Ba rồi, tới nhân vật khác, anh không gặp anh Ba thì sẵn đây tui thông tin cho anh biết luôn bây giờ anh Ba bỏ nhậu rồi, ít thấy đi đâu, bệnh nên đã ốm sẵn bây giờ còn ốm hơn, hôm nào tiện anh đến thăm bạn thử xem.