Nhớ Cầu Mới quê tôi

Ngày đăng: 16/07/2014 07:54:19 Sáng/ ý kiến phản hồi (28)

Hôm trước đọc lời phản hồi của Phương Lan về Cầu Mới, làm anh nhớ ray rức về quê hương nhỏ Cầu Mới. Tuổi thơ của anh không phong phú như tuổi thơ của Hải Đường, quanh năm chỉ quanh quẩn trong khu chợ Cầu Mới. Đặng Huệ hỏi, ở quê sao không biết hoa mua. Ở quê thật, nhưng chỉ ở trong khu chợ quê nên không biết nhiều thứ. Vào một đêm chợ Tết năm 1960 một xung đột nào đó giữa một chú dân vệ tên Vận hay Dận? với bác Tỏi, không ai để ý. Đến lúc nghe chú dân vệ la lên,  cứu tôi anh hai ơi, nó giựt súng tôi. Ý của chú dân vệ cầu cứu ông cảnh sát Chiến. Cảnh sát Chiến rút súng bắn chết bác Tỏi. Sáng anh chạy đến coi, bác Tỏi nằm chết, tay còn cằm khăn mùi xoa chùi máu.

Khoảng năm 1961 cách sau nhà hơn trăm mét xảy ra một trận đánh lớn, chồng chị Hừng con bác Ba Đây tử trận. Cầu Mới không được yên ổn lắm, má luôn luôn dặn dò đừng bao giờ đi chơi xa.
Một phản hồi khác Phương Lan nhắc tới cô ba sương sáo. Ngày xưa cô ba sương sáo có nhiều đồng xu bảng, cô ba bán năm cắc một đồng xu, anh mua hết đem đến trường học bán lại hai đồng. Phương Lan cũng đã nhắc đến tiệm Kiến Thành của ông chín Hợi. Ở Cầu Mới tiệm của ông chín lớn nhất, bán đủ đồ và giá rẻ nhất. Hồi nhỏ, lúc gần Tết đến tiệm ông chín mua đồ, người đi mua đông lắm, bán không kịp, người lạ bán trước người quen. Đứng đợi lâu và gần bao chà là, ăn thoải mái. Chút sau cô Thu nói nhỏ, ăn vừa vừa mầy, đang ngon miệng, đâu có ngưng ăn thêm vài trái, ai biểu bắt đợi. Cô Thu đang ở Mỹ, thỉnh thoảng gọi điện thoại nhắc chuyện xưa.
Cầu Mới cũng có cây hoàng lan, Phương Lan biết không? Mỗi tối đi ngang nhà
ông năm Nhung phản phất mùi thơm Hoàng Lan nhè nhẹ. Ông năm Nhung cũng có cây chùm ruột ngọt sai trái lắm, mấy đứa em hay đến mua. Anh thích chùm ruột chua hơn. Đâm nhuyển ra, để tí nước mắm ngon, tí đường, múc từng muổng nhỏ, nhai chầm chậm thưởng thức chua chua, ngòn ngọt, mằn mặn.
Phương Lan có biết nhà ông tư Sâm không. Bước vào gian nhà trên của ông, hơi tôi tối, ông thờ phượng đầy huyền bí, hồi nhỏ không dám bước vào. Phía sau nhà ông có nhiều cây ổi ngon lắm, bán rất rẻ.
Từ nhà Phương Lan kế bên là nhà bác năm Nhuận phải không? Kế nữa là tiệm sửa máy Hồ Kỳ, tiệm uốn tóc Hoàng Oanh. Kế nữa là bác chín cớm, bà tám Khầu, ông thầy Hoạch, có mấy người cháu không biết đi học tên gì, ở nhà gọi Cui, Cúi, Củi, chắc không trùng tên với ai.  Ngày xưa qua nhà ông thầy Hoạch gặp cái mộ cổ, chắc bây giờ cái mộ này bị lở xuống sông rồi. Sau này qua nhà ông thầy Hoạch, muốn đi tiếp phải quẹo trái, đi mấy thước gặp tiệm may của chị Bích bên phải. Hồi chị mới mở tiệm may, đến nhờ chị may cái gối nằm và gối ôm. Đem cặp gối này đi học ở Vĩnh Long, Sài Gòn về Cần Thơ, giử cặp gối này hơn mười năm. Bên trái nhà của chị Bích là nhà của chị Tuyết bán cà phê hủ tiếu trong chợ nhà lồng. Bây giờ chị đang ở San Diego, có thể nói chị là người quê Cầu Mới thành công nhất trên nước Mỹ, chị có hảng sửa chửa những dụng cụ y khoa đắt tiền. Chị còn một thành công khác là mẹ của năm đứa con tốt nghiệp cao học trở lên.
Phương Lan nhắc đến Minh Đạt trụ trì chùa ở Cầu Mới. Ngày xưa chùa này do ông Bảy trụ trì. Từ nhà anh đi ra chùa khoảng một trăm mét, từ chùa muốn đi chợ phải đi ngang nhà anh. Một hôm ông Bảy đi ngang nhà gặp anh, ông Bảy nói, tối nay chùa hết dầu đốt đèn rồi con ơi. Có lẽ chùa ở hơi xa, dây điện không kéo tới, nên chùa không có điện. Lúc đó ở Cầu Mới có hai máy đèn, một máy đèn của tổ hợp Cầu Mới, một máy đèn để thấp sáng Cầu Mới và chi khu Mang Thít của anh Nha. Lúc đó bác tám Ri phụ trách máy đèn này, bác chuyền cho nhà anh đường dây xài ké không tốn tiền.
Buổi chiều anh mang ra chùa cho ông Bảy thùng dầu. Ngồi uống trà nói chuyện với ông Bảy. Sau này thỉnh thoảng ghé chùa thăm ông Bảy chứ không phải để lạy Phật. Ở ngoại quốc thỉnh thoảng cũng đến những chùa, nhưng không tìm được vị sư nào “tứ đại giai không” như ông Bảy.
Khi nào nhớ thêm chuyện Cầu Mới kể thêm cho Phương Lan nghe.

Hoàng Hưng

IMG_4127

Có 28 bình luận về Nhớ Cầu Mới quê tôi

  1. Phú Thạnh nói:

    Bộ nhớ của Hoàng Hưng còn tốt quá. Máy cũ xì mà pin còn mạnh dữ, quá đả.Chúc mừng HH nha !!!.

  2. Quách Đào nói:

    Hay quá! Anh Hoàng Hưng kể chuyện quê tuyệt vời. Chậm rãi, từ tốn, thủ thỉ thù thì, không chen một câu tình cảm nào. Nhưng đọc xong, người đọc lại nghe ra một trời nhớ thương da diết. Thiệt là hảo công phu. Q Đ,

  3. ngocthusa nói:

    dĐọc chuyện về quê của HHg làm tui nhớ quê của mình quá!!!!

  4. Nguyen Thi Hanh nói:

    Mặc dù Út Hưng kể cho Phương Lan nghe, nhưng chị 11 Hạnh đọc ké và thích.

    Chuyện kể thao thao bất tuyệt về Cầu Mới thân thương qua ký ức tuyệt vời của người con xa xứ : bao nhiêu sự việc , bao nhiêu tình tiết , bao biến động tang thương, những người hàng xóm gần gũi “bà con xa không bằng láng giềng gần”, nhửng hỉ nộ ái ố của đời người , những kỉ niệm một thời không thể nào quên được ,… cứ tuôn chảy , cuốn hút người đọc.

    Đọc một hơi thiếu điều mất thở! Rồi chạnh lòng nhớ quê mình xưa, buồn hiu, ngẫm ngợi…

    Vậy mà còn hứa với Phương Lan sẽ kể nữa, hỏng cho ai nghe!

     

  5. Nguyễn Văn Lần nói:

    Bạn già của tui có nhiều cái nhớ quá. Tui cũng có nhiều, nhưng cái nhớ nhất là hồi còn đi giữ trâu ( học đệ thất, đệ lục ), tui là người “thông minh nhất nam tử”. Bày cho đám bạn đào 1 cái hố sâu khoảng gần 1 m, mỗi cạnh khoảng  2,5  tấc ( phủ rơm lên miệng hố ) để gài vịt tàu thả đàn. Mỗi hôm kiếm được vài con, bắt lên trét bùn cho bít con vịt,đốt rơm nướng đến chín. Bóc hết lớp bùn ra, tróc lông, còn thịt, xé ra ăn giống như người dân ở 1 vài bộ lạc. Mấy ngày sau, không biết đứa nào tạo phản, khai ra, ba tui biết được. quýnh cho 1 trận, vô lớp ngồi khó khăn vô cùng. Bi giờ, dù nhà hàng lớn cở nào, cũng không có món vịt nầy cho thực khách.

  6. Lyhuong nói:

    Đã có ai gọi H.Hưng là nhà văn chưa,Chị ba gọi Út Hưng là nhà văn cũng không ngoa,những bài của em thắm đượm mọi thứ tình ,rõ ràng mạch lạc,từng chi tiết ý nhị ,xúc cảm ,đưa mọi người nhớ về những kỷ niệm của riêng mình một thời tuổi thơ.Rất hay,dù chỉ là (như chị 11nói)đọc ké.Thương .

  7. HOA ĐĂNG nói:

    Hình như có ai rà trúng dài hay sao mà cái thời sự này nó tuôn ra ào ào mạch lạc như  trực tiếp bóng đá, mà sao người khơi nguồn đâu mất tiêu hỏng thấy tăm hơi , bộ Decom hết tiền ròi hả Phương Lan?

  8. Phan Luong nói:

    PL đã viết bài cho anh Hưng, được đăng ở trang sáng tác và nghiên cứu ,bài tâm sự đời tôi đấy. Anh Hoàng Hưng sang trang đó đọc nha.PL chúc anh Hoàng Hưng luôn dồi dào sức khỏe nha

  9. Phong Tâm nói:

    Có lẽ nên gọi Hoàng Hưng là nhà Nói chuyện vì các nhà khác bị chiếm hết rồi – kiểu ” nói nầy cho nghe nhen ! “.

  10. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn anh Phú Thạnh nhiều. Pin của anh còn tốt không? Anh đi Cái Ngang ăn tiệc, không rũ em út đi theo ăn ké với.

  11. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Quách Đào, lâu rồi mới gặp lại Quách Đào.

  12. Hoàng Hưng nói:

    Ngọc Thu nhớ quê, còn nhớ ai thêm không? Hẹn gặp nhau 2015 không?

  13. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn chị 11. Xin lổi chị nghen. Bài này hình như viết riêng cho Phương Lan, vì bài này em gởi trong mục phản hồi của một bài của Phan Lương

  14. Hoàng Hưng nói:

    Anh Cả ơi, bây giờ chắc không còn vịt tàu đàn như ngày xưa nữa. Khi nào có dịp mình lấy đất tô vô cá lóc nướng trui, chấm mắm me cũng phê lắm. Nếu ngày xưa em làm như anh, ba em biết được, lần đầu ba không đánh, chỉ cười cười, nhưng đừng tái phạm.

  15. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn chị 3 nhiều. Viết cở HHg “xách dép” cho nhà văn còn chưa cho nữa, làm sao dám đèo bồng làm nhà văn. Gần hai mươi năm trước em thường ghé một tiệm sách gần nhà. Chị chủ tiệm sách cũng là chủ bút một tờ tuần báo tại địa phương. Một hôm em viết một bài nhờ chị sửa lại. Chị gạch viết đỏ gần như hết một bài. Chị đưa lại, chị giải thích những điều chị sửa. Cuối cùng chị kết luận, tại em kêu chị sửa, chị sửa dùm. Nếu đưa bài này cho chị đăng, chị sẽ đăng không sửa một chữ, vì đây là bài của đọc giả viết. Chị nói tiếp, sau này em viết bất cứ đề tài nào chị cũng đăng, và cũng không sửa kể cả những lổi chánh tả nho nhỏ. Chị chỉ sửa lổi chánh tả nào cần thiết thôi. Chẳng hạn như viết tên chị Thu Phạm, khi đánh máy lại nhầm lẩn đánh thêm dấu hỏi, chị sẽ sửa lại cho đúng. Lời khuyên của chị chủ bút, nên viết cho đầu óc chậm lão hóa, khi viết trãi tấm lòng mình ra, đừng nghĩ gì về nhà văn cả, đừng sợ ai cười cả. Nhà văn chẳng bao giờ đọc bài của mình. Chị nói tiếp,những bài bình dân nhất lại có nhiều người thích đọc hơn những bài quá cầu kỳ.

  16. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn chị Hoa nhiều, đúng là có anh Phan Lương cháu của ông Phan Khôi rà trúng đài. Chị khỏe không? Chị làm tiệc chỉ đải anh Phú Thạnh, không rũ em há. Chị giỏi quá, biết làm ruộng nữa, mà chị có sợ đỉa không? Hôm nào em viết bài đi làm ruộng tặng chị.

  17. Hoàng Hưng nói:

    Phương Lan mến, anh đã đọc bài của Phương Lan rồi, khá xúc động, trước đây anh cũng đoán Phương Lan không phải chào đời tại Cầu Mới. Hôm nào sẽ viết thêm .

  18. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn anh Phong Tâm nhiều. Vậy Phương Nga là Nhà Bắt Giò? Hồng Lợi là Nhà Thợ Lặn? Nguyễn Tuyết là “Nhề Bị Da”?

  19. PhươngNga nói:

    Kết nhứt câu kết của anh đại gia HHg, đúng là kiếm được một thầy tu “tứ đại giai không” không phải là chiện dễ.  Có một cái gì hơi kỳ kỳ khi về VN năm rồi, lúc ở phi trường TSN, thấy một sư cầm một iPhone 5.  Nói với ông John thì ổng nói, tại tui không có nên ganh tị!

  20. Trịnh Thị Như Thuỳ nói:

    Anh Hưng kể chuyện còn hơn là nhà văn ….!!!

  21. Lyhuong nói:

    Út Hưng à,em viết bài rất hay ,mà phản hồi cho mọi người cũng hay không kém .Thương mến .

  22. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Như Thùy nhiều.

    Lần nữa cám ơn chị 3. Hy vọng một ngày nào đó nghe chị ca. Đặng Huệ khen chị  nhiều.

  23. Phạm Đức Mạnh nói:

    Với lối viết kể chuyện, hồi tưởng pha dặm thêm cách dùng từ mô tả giản dị, sát với thực tế về bức tranh tuổi thơ miền quê đầy ắp kỷ niệm. Bố cục chặt chẽ kết nối giữa quá khứ với hiện tại…. chứng tỏ người viết từng trải, viết rất có nghề. Đặc biệt là sự chuyển “gam” từ câu chuyện này sang chuyện khác rất tự nhiên, nhuyễn và cũng “bất ngờ” như “một người lái xe chuyên nghiệp thông thuộc đường xá, bẻ cua điệu nghệ”…, làm cho người đọc bị cuốn hút, không bị khớp, bị hẫng; đọc “Cầu Mới quê tôi” không bị khô, rời rạc.

    Anh xa quê đã lâu mà còn nhớ kỹ từng chi tiết kỷ niệm như thế – thật bái phục. Cứ tưởng con gái hay “ăn vặt” mô tả cách ăn “chùm ruột” tỉ mỉ, ai dè đoạn anh tả về cách chế biến rồi thưởng thức ăn “chùm ruột chua” quá hay… làm Mạnh ứa cả nước miếng. Đưa lưỡi lướt chầm chậm qua bờ môi thấy đầy đủ các hương vị tổng hợp “chua chua, ngòn ngọt, mằn mặn” như anh mô tả!!

    Mạnh mong anh nếu có điều kiện dành nhiều thời gian để viết về những câu chuyện về cuộc sống, về quê hương, về đời… như thế này in thành sách thì tuyệt biết mấy. Chúc anh viết khỏe và hay hơn nữa.

  24. Một Lúa nói:

    Chào Hoàng Hưng, người bạn đầu sông.

    Hỗm rày tui bận chăn mấy cháu đi chơi xa. Về vô chợ thấy hàng họ đông tối mắt.

    Ngưỡng mộ  HH viết về làng xóm hay quá.

    Còn anh Cả của tui chỉ nhớ cái hầm bắt dzịt thui. hehe

  25. NGUYEN TUYET nói:

    Bó tay anh HHg đặt danh cho NT.  Tại chạy trời không khỏi nắng mà ! Biết vậy hỏng thèm kể chiện  Zvui cho mà đọc để bắt chẹt nè  ” Chời ” hì hì. Phải chi anh HL  hỏng  có đi bơi và lặn sâu quá ,  thì NT có đồng minh rồi .

  26. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Phạm đức Mạnh nhiều. Thật hân hạnh được Phạm đức Mạnh đọc một bài tầm thường của một người tầm thường. Sẽ nghiền ngẩm lại lời phản hồi của Phạm đức Mạnh, lần nữa cám ơn.

  27. Hoàng Hưng nói:

    Cám ơn Một Lúa, thấy Một Lúa vắng bóng lâu lâu, tưởng Một Lúa bận tưới.

  28. Tô Quốc Quang nói:

    Anh Hoàng Hưng đăng bài có chụp hình nhà của em làm em nhớ nhà quá!

Trả lời Hoàng Hưng Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác