Tản cư
Lúc tôi lên 3 tuổi thì ông nội chết vì vết cạo gió trầy cái mụt ruồi độc to sau lưng làm mương mũ và lan qua các vùng khác(Có thể là một loại ung thư di căn). Ông nội qua đời ít lâu thì chiến tranh bùng lên khắp xóm làng. Đó là năm 1945. Đêm đêm nghe tiếng mõ cùm cum, tiếng chân người rầm rập. Một số người Khơme theo Tây tìm giết người Việt. Họ kéo ngay chiếc phảng bắt người Việt lôi ra đồng trống chặt đầu.Thời đó xác người hôi thối khắp ruộng đồng. Với đa số người Việt theo tiếng gọi của phong trào Việt Minh, vác tầm vong vạt nhọn “Nóp với giáo mang ngang vai” đi đánh Tây. Số người Khơme bị bọn Tây lợi dụng tìm người Việt giết vì đa số người Việt lúc bấy giờ vì lòng yêu nước muốn đánh đuổi ngoại xâm nên hầu hết tham gia phong trào Việt Minh. Nhân cơ hội nầy nhiều người Khơme xấu, cướp của giết người vô cùng dã man. Trong cơn hổn mang nầy, toàn gia đình ông bà nội tôi tán lạc, mạnh ai nấy chạy thoát khỏi vùng có nhiều người Khơme. Hai chú tôi định cư tại quận Long Toàn, còn ba má tôi thì chèo chống xuống tận Cồn Cù.
Chợ Cầu Ngang ngày nay
Hồi nhỏ ba tôi học với một thầy giáo ở trường làng Long Hiệp, vị thầy nầy khuyên ba nên về vùng tự do ở cho an toàn hơn. Vùng tự do theo ông thầy nầy là vùng Việt Minh kiễm soát. Quận Trà Cú nói chung và cả quận Cầu Ngang lúc đó có nhiều người Khơme, cho nên thầy khuyên ba tôi nên đi xa hơn cho vững dạ. Thế là gia đình tôi chèo xuồng tản cư về Cồn Cù.Từ mé rạch chúng tôi lên bờ bươn rừng, đi sâu vào bên trong, nơi có nhiều cư dân đã sống quần tựu từ lâu, cất nhà ở tạm.
Trong thời gian mới xuống đây ba má tôi chẳng biết phải làm gì để sinh sống. Sẳn có một ít vốn liếng mang theo, má mua chuối ra ngồi chợ chiên bột bán. Ba mướn ghe chỡ muối từ Cồn Cù ra Long Toàn, Cầu Ngang, có khi ra tận Trà Vinh để bán. Chuyến về mua một số đồ tạp hóa để bán lẻ tại nhà. Chuyện đi ghe càng lúc càng khó khăn và nguy hiễm, nên chỉ đi vài chuyến thì ba ngưng đi. Ba mua chuối từ các gia đình ở trong vùng về dựa bán lẻ cho các người ngồi chợ. Vốn là một người có máu buôn bán từ nhỏ ba tôi xoay sở rất khéo, cho nên đời sống gia đình tạm ổn.
Thời gian hơn một năm, đời sống xứ Cồn êm ả trôi qua. Tôi có những ngày đi ra ruộng muối đem những lồng tre đan thành ngôi sao năm cánh bỏ vào ruộng. Vài tháng sau, trời nắng nước bốc hơi nước đi, ruộng muối trồi lên những vạt muối trắng lấp lánh và chiếc lồng muối đóng theo vành tre thành ngôi sao muối trắng ngần. Tôi cùng các bạn trẻ mang về treo trước mái nhà. Tôi cũng có những ngày cùng đứa em kế và các bạn nhỏ đi đấp chặn những đường nước nhỏ bắt cá. Cá tôm ở đây đầy ấp một khoảng xẻo đấp ngăn. Chúng tôi tát cạn và bắt cá bắt cho vào giỏ tre mang về nhà. Thời gian nầy thiên nhiên như trộn hòa vào tôi những ngày mưa, ngày nắng của vùng đất Cồn Cù mặn mòi hơi muối, hơi bùn.
Có những đêm bộ đội Việt Minh về dựng rạp hát nhạc cải cách, kịch vui và nắm tay, đá chân quay vòng quanh đống lửa, hồi nhỏ tôi nghe người dân nói là nhảy sôn đố mì. Lúc nầy ba tôi gặp lại thầy cũ trong đoàn văn công kháng chiến. Ông thầy lúc nầy ốm gầy hơn trước. Đêm đó sau khi trình diển xong, ba mời ông thầy về nhà. Hai người ngồi uống trà và nói chuyện thời sự cho tới khuya. Trong cơn ngủ mơ màng tôi nghe tiếng ông nói: Lúc nầy, sau khi Pháp thua Nhật một thời gian, bây giờ Nhật đầu hàng Đồng Minh. Bọn Pháp trở lại Đông Dương, nên tình hình sắp tới rất khó khăn…Ba tôi là dân buôn bán nên chỉ ừ hử cho qua chuyện…tôi thì thiếp đi lúc nào trong giấc ngủ. Khi trở giấc thì trời sáng choang, má đã ra chợ, ba mở cửa bán hàng. Tôi còn nằm nán nghe tiếng người nói cười trước nhà và tiếng sóng dội cồn ầm ì xa xa.
Năm đó, năm 1948 má sinh thêm một đứa em trai nữa, thì ba xây một cái hầm trú nửa nổi, nửa chìm để tránh pháo. Lúc nầy cà nông từ quận Long Toàn bắn về đây ầm ì mỗi đêm. Mỗi lần như vậy cả nhà chui xuống hầm ngủ. Tôi nghe má niệm Phật đều đều “ Nam mô cứu khổ, cứu nạn….” Ít lâu sau thì ngày ngày nghe tiếng máy bay đầm già ù ù phía ngoài vàm kinh. Hôm sau máy bay bỏ bom bay vòng vòng trút bom ầm ầm ở khu vực nhà chợ. Xóm Cồn nhốn nháo lo đào thêm các hầm núp máy bay khắp các nơi. Đời sống êm ả đã qua, ba má ngồi nhìn mấy anh em tụi tôi rồi than thở:
– Má thằng L… à! chắc phải lo chạy…chớ cái kiểu nầy không xong rồi.
– Thì ông tính đi, chớ …tui lo lắm…mấy đứa con còn nhỏ.
Anh em chúng tôi thì vô tư chơi đùa. Thằng em nhỏ nằm bú tay chóp chép trên chiếc võng đưa. Khi đứa em nhỏ của tôi được một tuổi thì máy bay tới trút bom mỗi ngày. Má thôi ra chợ chiên bánh bán, ở nhà lo châm sóc chúng tôi và lo cơm nước cho cả nhà. Thằng em biết làm dấu máy bay ù ù khi chui từ hầm núp đi lên sau một buổi ầm ì tiếng bom đó đây. Có hôm tôi và đứa em kế lo đi đào hang bắt dế ở phía sau hơi xa nhà. Máy bay ù ù tới, biết chạy không kịp về nhà.Tôi lôi thằng em nhào xuống một cái hố trống lộ thiên. Nằm che cho em, tôi lén nhìn lên trời thấy chiếc máy bay khu trục lượn qua lại. Những trái bom từ trên không rơi như ngay chổ hầm núp. Tôi úp mặt vào lưng đứa em và bắt chước má niệm nam mô…Trái bom rớt đâu đó nổ ầm, anh em tôi bị rung ép tưng tức nơi vùng ngực. Sau một hồi quần thảo chiếc máy bay bay đi. Ba má tôi hớt hải chạy tìm chúng tôi: L.. ơi! S.. ơi! tụi con đâu rồi?. Chúng tôi hoàn hồn ngoi lên đáp: Ba má ơi tụi con ở đây. Những ám ảnh khiếp đảm trong những ngày tháng đó như những dằn xé tâm hồn non dại của anh em tôi hình như rất lâu lắm mới hồi phục được.
Rồi chiến tranh càng lúc càng đến gần hơn. Lính đổ bộ từ quận Long Toàn bằng tàu sắt vào cồn. Ba má cùng đoàn người chạy sâu vào đám rừng đước, du kích bắn trả lính Tây, cà nông nổ ầm ì phía sau đoàn người hớt hải chạy vào rừng sâu. Trong trận càn nầy, chúng đốt hết các căn nhà trong xóm chợ. Khi gia đình chúng tôi cùng đoàn người quay về nhà sau đó một ngày, đi ngang qua khu chợ thấy xóm nhà tan tát còn ngun ngút khói. Nhiều người kêu trời ơi! trời hởi…may mắn nhà chúng tôi xa chợ cho nên không bị đốt, nhưng vựa chuối trong căn nhà bị tung toé hổn mang . Phía sau nhà vài đống phân của bọn lính Maróc phóng uế hôi tanh nồng nặc bên cạnh mấy cái bánh buiscuit ăn dở dang. Thằng em tôi định bốc lấy một mảnh bánh. Má tôi ngăn nó: Dơ lắm đừng đụng vào. Đó là lần đầu tiên anh em chúng tôi thấy được chiếc bánh Tây.
Người dân xứ cồn nhốn nháo âu lo, có người tìm đường đi về vùng trong. Ba má tôi cũng toan tính rời nơi đây càng sớm càng tốt. Ủy ban cách mạng xóm cồn họp dân và ra lệnh ngăn không cho ai rời bỏ cồn mà đi. Ba má mua một chiếc xuồng ba lá dấu ở một nơi khuất trong đám ô rô chờ thời tìm cách trốn đi.
Sau khi bán gần vơi số hàng còn lại trong nhà. Một đêm tối trời ba má tôi thu dọn một mớ đồ cần thiết gồng gánh xuống xuồng chèo trong đêm đi về hướng Long Toàn. Sau gần một đêm lao lách tránh các trạm chót của dân quân, chiếc xuồng chúng tôi ghé một nơi gần ngôi chùa. Chúng tôi cùng lên bờ vào chùa xin sư ông cho ở tạm một vài ngày và nhờ người nhắn tin chú tôi ở Long Toàn đến rước. Lúc nầy ai ở vùng xa về mà không có người quen ở chợ thì bị mật thám bắt điều tra.
Ngày đầu tiên ngủ nhà chú, anh em tôi ngủ say sưa vì suốt đêm qua ngủ dật dờ trên xuồng. Sáng sớm tôi nghe ngoài khu chợ ồn ào và nhiều tiếng động rất lạ như tiếng máy bay. Khi được má dắt tay ra chợ mua đồ ăn. Tôi thấy môt chiếc xe đậu ở đầu chợ. Người ta ngồi gần chật trong xe. Tôi ngẫm nghĩ, chiếc xe làm sao chạy được, chắc phải hai con trâu mới kéo nổi? Trong lúc đâm đâm suy nghĩ. Tôi thấy một người cầm một cái cây sắt đút vào phía đầu xe. Ông nầy quay mấy vòng, máy xe nổ ồn ào. Tôi thích thú và ngạc nhiên vô cùng. Thì ra tiếng máy hồi hôm qua tôi nghe được lúc còn ở trong nhà chú tôi là tiếng máy nổ của chiếc xe đò nầy. Khi chiếc xe lăn bánh chạy. Tôi trố mắt nhìn nó như một cái gì đó rất phi thường. Má kéo tay tôi đi vào khu chợ. Lần đầu trong đời tôi gần sáu tuổi mới thấy được chiếc xe đò.
Má có người chị ruột ở xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, cho nên má bàn với ba nên về chợ Cầu Ngang tìm nhà ở để buôn bán làm ăn. Ba thì có người chị và ông cậu ở chợ Ngã Ba quận Trà Cú, lại muốn về Trà Cú tìm nhà ở. Chuyện chỗ ở cứ dùng dằng làm ba má cãi cọ không ít về chuyện đi ở…. Nhưng với má thì lúc nào cũng chìu nhịn ba, cho nên gia đình chúng tôi về ấp chợ Ngã Ba. Lúc đó là khoảng giữa năm 1950. Những ngày đầu chưa có nhà, chúng tôi ở tạm nhà người cô thứ ba ở ấp Xoài Xiêm. Ba liên lạc với mấy người quen hồi còn ở Long Hiệp bây giờ đang sống ở Trà Vinh. Tạm thời ba mua thuốc rê về bày ở chợ bán. Má ở nhà phụ làm bánh với cô ba đem bán dạo trong sóc. Anh em chúng tôi đùa vui trong ngôi chùa Miên, hoặc chạy trên những con đường đất quanh chùa. Tiếng trống chùa, tiếng ngủ âm chập chùng, tiếng kinh cầu của các lục, tiếng sáo diều du dương, là những ngày tháng êm ả làm đầu óc non nớt của anh em chúng tôi trở lại thư giản, bình an. Qua rồi một thời khiếp sợ bom rơi, đạn réo ở xứ cồn…!
Huỳnh Tâm Hoài
Gửi anh rể Tâm Hoài ! lâu quá anh mới xuất hiện trên trang nhà , NgTuyet , Thanh Nhi , ace trang TPH hỏi thăm anh , đọc bài tản cư , cũng là một thời để nhớ những chuyện của thời loan phải khg anh ! ymhngthu
Vì lu bu công việc lại mất hứng để viết, nên tạm vắng một thời gian ngắn.Cám ơn ACE hỏi thăm.Chúc tất cả ZDUI ZDẺ…HTH
Chào Anh Tâm Hoài,
Bài viết của Anh Tâm Hoài giúp người nhỏ tuổi hơn Anh TH và những người may mắn không phải tản cư hiểu rõ hơn thế nào là “TẢN CƯ”! Đến bây giờ mà Anh TH viết còn đậm nỗi ám ảnh “tản cư”. Ôi, tuổi thơ của Anh TH…!
7 lớn lên chỉ nghe Ba Má và chòm xóm kể lại lúc kháng Pháp phải tản cư, nhà cửa bị đốt trong đó có nhà của 7, lao đao vô vàn.
7 cám ơn bài viết của Anh TH đã cho 7 thêm nhiều điều bổ ích rằng “trong cuộc sống đâu chỉ mình ta lận đận”. 7 cám ơn Anh nhiều. Thân ái. kiềutrinh.
7 thân mến,
Ký ức tuổi thơ của tôi là những ngày gian khổ,hiễm nguy trong thời gian ở vùng đất “khỉ ho cò gáy”. Tuổi thơ của tôi đã trãi dài trong nghèo khó cơ cực của gia đình.Khi gia đình có cơ ngơi khá vững…Tôi chỉ có được một thời gian hơn 5 năm vui với tuổi học trò.Và sau đó… tuổi thanh xuân của tôi phải đi vào cuộc chiến gần 10 năm với những ngày tháng gian khổ nơi chiến trường…rồi khi chấm dứt chiến tranh thì vào trường “Cải Tạo”…Cuối cùng gần nửa đời sống nơi xứ lạ quê người.Cuộc bể dâu dường như là một mệnh số mà cuộc đời tôi phải gánh. Tôi có ý định viết lại hồi ký đời mình…để giải tỏa những âm uất của cuộc đời mình-để chia sẻ với bạn bè và ghi dấu thời gian cho con cháu biết được quá khứ của người đi trước chúng nó trong một cảnh huống buồn…trong một đất nước luôn hứng chịu nhiều tai ương từ mọi phía:Bên NGOÀI Và cả BÊN TRONG….!
Cám ơn 7 chịu khó đọc và chia sẻ tâm tình với tôi.
HTH
7 kính chào Anh Tâm Hoài,
Tuổi thơ của Anh Tâm Hoài cùng thời với Anh Ba của 7, cũng tản cư, bị cháy nhà, Ba đi làm ăn xa. Anh Ba gánh vác gia đình phụ Má. Chưa kịp thi Tú Tài I, anh đi quân dịch và đi đi mãi…Gia đình em càng chông chênh mãi đến khi Ba về…!
Tuổi thơ của 7 cũng vất vả, lam lũ nhưng so với Anh Tâm Hoài thì chả thấm vào đâu! 7 tự an ủi “còn nhiều người khắc khoải hơn mình” để gượng vui mà sống…Kính mến.