Đứa con nuôi của má

Ngày đăng: 23/05/2014 11:21:50 Chiều/ ý kiến phản hồi (17)

Chào anh Huỳnh Tâm Hoài, Đọc truyện của anh, mình hiểu được cuộc sống gian nguy của những bậc cha mẹ lèo lái gia đình sống sót trong chiến tranh. Bản thân tôi, từ lúc được sinh ra trong vùng kháng chiến cho đến ngày đình chiến 1954, Lúa tôi chỉ được 2 tuổi.

Sau nầy Lúa nghe cha mẹ, anh em kể lại những lần chạy trốn Tây ruồng trong đồng nội.
Trãi dài từ Cái Lá, Cái Ngang (Tam Bình) qua Hòa Bình, Cầu Bò (Trà Ôn) đến Hàng Me, Thầy Phó, Vĩnh Xuân, v..v.
Lúc mình mới được sinh ra mấy tiếng đồng hồ (từ khuya đến sáng) tại xóm Nhà giàu, Cái Ngang thì có tin Tây đi ruồng. Dân cư và cả luôn bà mụ vườn đều dọn đồ xuống xuồng chạy tản cư. Má tôi kêu chị Tám Hữu, lúc đó chị 18 tuổi:
– Hữu à, con xách đồ đi theo bà con, để má ở đây với em con.
Chị Tám Hữu là con nuôi của má, chị là con của bác Hai tài công ghe hầu của ông ngoại, được ông ngoại bù sớt cho gia đình chị ở Ngã Bảy (Phụng Hiệp). Chị 4-5 tuổi đã theo má khi má theo chồng về Tam Bình. Lớn lên chị giúp má săn sóc anh chị em chúng tôi.
Sáng hôm có tin Tây ruồng, chị Tám Hữu mạnh dạn trả lời với má, những âm thanh nghĩa khí còn vang động mãi trong tâm tưởng của má và của gia đình tôi.
– Con không đi đâu hết, má chết là con chết.
Câu nói nổi tiếng bây giờ của quân đội Mỹ “No one left behind”, thua xa câu nói của chị tôi.

images (1)
Nay chị Tám Hữu đã trên 80 tuổi, hiện sống mạnh giỏi với con cháu ở Ngã Bảy (Phụng Hiệp) Hậu Giang. Chị về không sót một ngày giỗ quải nào của ba má tôi ở Tam Bình.

Một Lúa

Có 17 bình luận về Đứa con nuôi của má

  1. PhươngNga nói:

    Không biết có nên gọi là chị không? Nhưng thôi kệ, mong anh Lúa không chấp nhứt.
    Chị Tám Hữu quả là người nhân nghĩa vẹn toàn, hiếm có ở thời buổi loạn lạc.
    Anh Lúa à, cái câu “No one left behind” thực sự quá hãi hùng nếu thay chữ “one” bằng “child” – “No Child Left Behind”…

    • Một Lúa nói:

      Chào Phương Nga,
      Hỗm rày tui lo cuốc rẫy, kiếm cái ăn trước mùa mưa bão, và dự trữ cho tuyết giá.
      “No Child Left Behind” cũng đúng há.
      Cám ơn PN nghen

      • Phú Thạnh nói:

        Một Lúa ơi! Mới hồi chiều này, anh chở bà xã đi dạo một vòng. Bắt đầu từ nhà anh (xã Phú đức,Long hồ) đi Cái Ngang, Tam bình theo hướng ngược chiều kim đồng hồ qua các địa danh như Thông quan, Xẻo đậu rồi qua cầu Danh Tấm,cằu Cai hóa (xã Tân lập-tên mới-Tam bình) ,có đường quẹo vô khu Di tích lịch sử Cái Ngang , đi thẳng rồi quẹo trái ra xã Hậu Lộc. Anh thấy có tấm bảng lớn ngang đường đề ” ẤP NĂM”, anh chạy thật chậm, dáo dát ngó hai bên. Bà xã hỏi:-Ông làm gì chạy chậm rì vậy, bộ tìm nhà con nhỏ nào hả? _Đâu phải, anh tìm nhà Một Lúa!.–Trời ơi! ruộng lúa bao la thế này mà anh tìm “một lúa” nào nữa?–Một Lúa ở bên Mỹ!. Thôi thôi! chắc ông điên rồi, mau mau chạy riết về ông ơi! trới chuyển mưa rồi kìa…

        • Một Lúa nói:

          Anh Phú Thạnh ơi!
          Cám ơn anh chị đến thăm ấp Năm quê em.
          Thời buổi vô số lúa mà anh tìm chi có 1 lúa. Vả lại gia đình em đã rời nơi đó hồi giữa thế kỷ trước.
          Nếu có dịp đến đó lần sau, anh tìm dân cố cựu trên 70, anh hỏi họ còn nhớ có thằng nhỏ khóc thâu đêm thời chạy giặc Tây.
          Mà cũng ngộ, em không bao giờ khóc ban ngày, còn lính Pháp không đi hành quân đêm. Thế nên không bao giờ tao ngộ. hihi
          Lúa

  2. Phi Rom nói:

    Anh Một Lúa ơi! Anh còn đỡ hơn PR, đầu năm 1954, PR mới có 3 tháng 11 ngày thì cũng không nếm được mùi vị chiến tranh lúc đó, đọc bài của anh Tâm Hoài, anh được 8 tuổi thật là diễm phúc biết được tất cả, lúc còn nhỏ ba hay kể lại chuyện thời đó có nhiều cái thật là ly kỳ, rùng rợn, những hiện tượng chưa từng thấy, như xài tiền một đồng mua năm cắc không có tiền thối, xé tiền một đồng thành ra 2 mãnh liền, mỗi mãnh 5 cắc, nghỉ lại cũng ngộ thiệt đó.

    • Một Lúa nói:

      Chào Phirom
      Xé tiền giấy hay làm cũ trầy xước tiền kẽm là những hành động không được chấp nhận trong thời nay.
      Phirom còn trẻ mà biết được những việc lý thú nhĩ. Haha

  3. nguyentringuyen nói:

    Anh Một Lúa ơi,
    7 chỉ biết cảm phục Chị Tam Hữu. Người như thế xưa nay hiếm. Một tấm gương không phải dễ noi theo! 7trinh.

    • Một Lúa nói:

      Chào Nguyễn Trí Nguyên,
      Có nhiều việc mình đứng bên ngoài thấy dễ ợt. Khi đụng chuyện mới biết đá vàng.
      Cám ơn 7 nhé. Tha lỗi trả lời trể.
      Lúa

  4. Nguyễn Văn Lần nói:

    Ông Một Lúa ơi ! Nhắc chuyện hồi nẳm, vui thiệt. Ông biết má tui kể lại sao không. Hồi nẳm, nhà tui ở Mỹ Quới, nghe Tây đi ruồng ( lúc đó chắc tuổi của tui và ông xe xích vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng ), biết Ba má tui ẳm tui đi tản cư ở đâu không ? Nhà ở gần lộ, Tây ruồng ngoài lộ, cả nhà tản cư vô bờ trâm bầu, cách lộ khoảng 200 m. Vậy mà cả nhà bình yên !

    • Một Lúa nói:

      Chào bạn “dòa”
      Gia đình anh chạy giặc kiểu đó thì khỏe quá. Thời má tui chạy giặc lúc theo ba tui làm cán bộ VM trong bưng, má tui ăn uống kham khổ không đủ sữa nuôi tui, lúc bé tui cũng nhờ một phần nước cơm mà sống. Huhu
      Lúa

  5. NGUYEN TUYET nói:

    NT nhớ lúc bé tí teo , ba má NT sanh 1 dọc 5 anh em , năm 1 năm 2 , có 1 lấn chạy giặc, NT nhỏ quá hỏng biết giặc gì , chỉ nhớ là anh 2 NT cũng nhỏ , tối đa anh hai 5,6,7 tuổi gì đó , sau nhà có 1 mương cạn, không có nước, ba má cụ bị đồ đạt quăng xuống muơng , anh hai thì cổng từng đưá quăng qua mương trốn ở đó , cỏ rạp um tùm . Hỏng hiểu sao lúc đó đứa nào cũng im re ,hỏng ai dám khóc , đứa em út còn bồng trên tay, nó cũng nín khe. Nhờ vậy mà thoát nạn.

    • Một Lúa nói:

      Nguyễn Tuyết ơi,
      NT có nhớ lộn “kiếp nào” không. Chứ hồi nhỏ Lúa hay đến chơi với anh em Tuyết ở Phú Phụng mà. Con kênh phía sau nhà NT gần như khô cạn khi nước vực ròng ngoài sông cái. Lúa thấy anh hai của NT cỏng một cô em đi bắt hến dọc theo lòng kênh. Có bữa tui còn thấy đứa em gái đó ngủ gục trên vai anh nó hoài mà. Haha
      Nói cho vui thôi nghen, cám ơn những email
      Lúa

  6. ngocthusa nói:

    Chuyện của anh TH làm em nhớ lại lúc nhỏ em còn ở với ông ngoại ở Đồng phú vl, mổi lần máy bay , hay nghe tin lính đi ruồn , là người đầu tiên chui vào hầm gọi là tản xê , ông ngoại tấn bằg bộ ngựa gỏ dầy cả tất , hình như cở tuổi chúg ta ít nhiều ai cũng chứng kiến thời loạn lạc , vô tảng xê có chiếu trải sẳn hết máy bay rồi khg ra ngủ luôn , báo.hại má và ông ngoại đi tìm , mản giấc bò ra , bị một trận đòn nên thân hihi

    • Một Lúa nói:

      Chào chị Ngọc Thu,
      Tết Mậu Thân, Lúa tui bị kẹt tại nhà của người chị ở đường TPH chợ Vãng. Lúc đó nhà người chú bên phường 5 bị cháy trụi, gia đình chú kéo qua lánh nạn. Chú tui chỉ cách cho chị em tui phá một lỗ vách của xi-tẹc nước rồi khiêng 2 miếng ván ngựa lót trên mặt xi-tẹc làm tản-xê dã chiến. Tui ước lượng xi-tẹc đó chứa chừng 5-6 người. Vậy mà khi có súng nỗ, hai gia đình 10 người rút vô tản xê còn rộng rinh.
      Đó là lần đầu tiên Lúa nếm mùi chiến tranh và chứng kiến cảnh người chết khắp nơi.

  7. tamhoai nói:

    Chào 1Lúa và các bạn. Như vậy là anh chị em tụi mình cùng nhóm tản cư trong mùa khói lửa lúc tuổi còn thơ dại.Cha mẹ,anh chị lúc nào cũng luôn che chở cho con cái, em út mình trong vòng tay…cả lấy thân che lằn tên mủi đạn cho con cháu…
    Chúng ta sinh ra và lớn lên trong một đất nước luôn bị xáo động hết hình thức nầy đến hình thức khác.Tai ương luôn giáng xuống những người dân vô tôi.Chiến tranh là sự THAM VỌNG của loài quỉ ác.Quyền lực khống chế mọi người của loài quỉ Tham Tam. Làm người dân khu đen bao giờ cũng hứng chịu những khổ đau do bọn chúng gây ra. Xin một phút tỉnh lặng để hồi nhớ những ngày qua với những hình bóng của những người thân đã khuất bóng…! Chúc các bạn luôn khoẻ và hạnh phúc với đời sống hiện tại.HTH

    • Một Lúa nói:

      Chào anh Huỳnh Tâm Hoài,
      Hàng ngày chúng ta đọc tin chiến tranh, bạo loạn, tỵ nạn xảy ra cùng khắp.
      Biết chừng nào thế giới nầy chấm dứt trò chơi máu lệ của những người đầy tham vọng và thù hận.
      Lúa

  8. Hoành Châu nói:

    Cô Tám Hữu. ~ một con người nghĩa tình trung hậu , Hoành Châu thật vô cùng cảm kích trước tấm gương đó ., ta đã từng nghe câu ” công lao dưỡng dục hơn công sanh thành. “

Trả lời Một Lúa Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác