Thân cò lội lặn (P2)Duyên tình ngàn dặm
(Bài viết phóng tác theo cảnh ngộ thương tâm của một gia đình Hàn Việt. Họ là ba nạn nhân trong hàng trăm người tử nạn trên con phà Sewol, thảm họa ngày 17-4-2014 tại biển Jindo, Hàn Quốc.
Một nén hương lòng của người viết, nguyện cầu cho những hương linh oan khuất được đời đời an lạc chốn vĩnh hằng)
Sau một đêm khó ngủ, thím Hai Phó thức sớm hơn thường lệ, dáng người thím không được khỏe. Hơn hai năm nay, căn bệnh đau cột sống cứ đi rồi đến hành hạ thím mãi. Có người nói, lúc trước thím thường ăn cá “mồng gà vá áo” xay nhuyễn, hấp thụ quá nhiều chất vôi trong xương cá. Chất vôi dư thừa mọc thành gai trong những đốt xương sống. Hậu quả là nó ép dây thần kinh, gây cho thím những trận đau liệt giường có khi kéo luôn 5-7 bữa. Không biết người ta nói có đúng không. Thím tự nhủ, không ăn cá vụn xay thì ăn cái gì. Mà đâu riêng gì thím, dân lựa cá ở vựa Tư Tỏ nầy ai cũng ăn cá vụn, có thấy ai đau yếu gì đâu. Trong một vài lần đau dữ dội, thím tưởng không qua nỗi, bà con chòm xóm khuyên thím lên Cần Thơ chụp hình, tìm bác sĩ chuyên khoa điều trị. Thím cứ lần lựa vì kinh tế gia đình hạn hẹp. Chú Hai Phó đi ghe biển ăn chia sản phẩm, gặp tàu cũ máy yếu nên thất nhiều hơn trúng. Chú dang thân biển khơi, thím mài người vựa cá, vợ chồng họ chắt mót tiền bạc dồn cho con Thảo đi học trên thị xã. Chú thím Hai Phó chỉ cầu mong cho con Thảo tốt nghiệp Trung học, đậu vào Đại học, cho nó sau nầy đở cực tấm thân.
Đêm nay thím Hai Phó mất ngủ không vì bệnh, mà vì sự khác thường của đứa con gái tròn 20 tuổi.
Thảo là đứa con gái rất ngoan và là một học trò diện giỏi. Nhưng có lẽ số trời lớn hơn tài năng, năm 18 tuổi cô thi trợt Đại học, mang theo nỗi buồn của cả gia đinh và niềm xấu hổ riêng cô. Thảo trở về nhà, cô dành nhiều thì giờ chăm sóc sức khỏe cho mẹ. Cô nghe lời khuyên của bác sĩ, mẹ cô cần đi đứng tới lui, nếu ngồi một chỗ cả ngày vá lưới, thì sẽ có ngày bà sẽ liệt một phần hoặc toàn thân vĩnh viễn. Vì vậy mà Thảo vào thế chỗ làm của thím Hai, đến nay vừa tròn hai năm. Cũng từ đó tại vựa cá Tư Tỏ, Thảo càng thân hơn với Hiền, cô bạn lối xóm học chung thời Tiểu học.
– Má thức sớm quá vậy.
– Con đánh răng rửa mặt, ra đây uống cà phê với má.
Thảo bước ra nhà sau, trong bụng nó hơi phân vân, má cô hôm nay có cái gì là lạ. Thảo đi trở lên vừa lúc thím Hai xách cái quai, một tay đở chỏng đáy chiếc bình thủy, bà châm những giọt nước nóng cuối cùng vào cái tách có chất bột cà phê hòa tan.
– Má để cho con tự pha, má làm chi cho cực khổ, bộ từ sớm tới giờ má uống trà nhiều lắm hả.
– Tía mầy chớ cực, lâu lâu pha cho con ly cà phê mà cực gì hả con gái.
– Ba có về hong má?
– Hồi hôm đằng vựa gọi lại cho má lúc 10 giờ, họ nói ghe của ba còn nhiều đá, nên chủ tàu nán lại thêm một hai bữa đón luồng cá trích.
– Chuyến nầy ba vô xin ở lại đám giỗ nội, được không má.
– Má hỏi thiệt con, hồi tối con nói chuyện với ai mà buồn hiu đi ngủ sớm. Con có việc vui buồn gì cũng cho má biết. Con là nguồn sống duy nhất của ba má nghe Thảo.
– Dạ con biết rồi má. Hồi hôm con Hiền ở Sài Gòn gọi về nói chuyện với con lâu lắm, hôm qua con làm mệt nên ngủ sớm, chớ đâu có chuyện gì.
– Con có nghe nó nói trúng tuyển không.
– Má nói làm con mắc cười quá. Chồng Hàn Quốc đến coi mắt, mà má nói như dự tuyển hoa hậu Hoàn vũ.
– Má thấy con Hiền là đứa bạn tốt nhất của con, không biết kiếp trước nó nợ gì má con mình mà nó săn sóc má như mẹ ruột của nó.
– Má khỏe không. Chiều nay tàu cá vô nhiều lắm. Con ở lại làm, kiếm thêm chút đỉnh phụ với ba má giỗ nội, chỉ còn vài ngày nữa chớ mấy.
– Con có tiền thì lo thay cái ruột xe đạp. Má thấy sáng nào con cũng đứng bôm è ạch, có bữa xệp bánh giữa đường, khổ lắm nghe con.
Tàu cá vừa cặp bến, chú Hai Phó và bạn ghe lên vựa vô sổ sắp hàng chờ tài để lên hàng. Chú nghe người ta nói trước đó chừng một tiếng, thím Hai gọi hỏi xin cho con Thảo có việc về nhà gấp lắm. Chú gọi máy nhà mình mà máy cứ báo bận đường dây, còn máy di động của Thảo, đổ chuông mấy chập mà nó không trả lời. Chú Hai nóng ruột xin ông chủ tàu vọt về nhà một lát. Chú mượn chiếc xe đạp của một người làm trên vựa. Khoảng đường về nhà non hai cây số, mà chú tưởng như xa lắm. Chín giờ đêm trên thị trấn quê hương vùng biển, ngoài đường xe cộ nhộn nhịp, quán xá đông vui ồn ào. Chú Hai như lạc lõng và cảm thấy bất an trong một buổi tối tuyệt đẹp.
Chú Hai Phó đột ngột xuất hiện không một tiếng động sau cánh cửa nhà đươc khép hờ. Chú ngạc nhiên đứng trơ ra, tưởng lạc vô nhà ai. Mà cả nhà cũng sững sờ, dù thím Hai và con Thảo đã quen cảnh chú về nhà không báo trước thế nầy. Con Hiền thật nhanh miệng:
– Chú Hai về rồi, may quá. Chú ngồi xuống để cháu trình bày một việc. Thảo ơi, pha cho chú Hai một ly trà sâm, chú uống cho khỏe.
Chú Hai ngồi xuống chiếc ghế vừa được con Hiền nhường lại. Kế bên là thím Hai ngồi lặng thinh, không vui không buồn. Trên bàn là những gói quà lớn nhỏ, màu sắc đẹp mắt. Chú Hai Phó đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, con Hiền là chủ nhà hay mình là chủ nhà. Còn hai người đàn ông ngồi một phía của chiếc bàn khách bốn ghế là ai. Mình có kêu bán nhà hay cầm cố sổ đỏ hay thiếu nợ ai đâu. Còn vụ trà sâm thì chú chỉ thấy tại nhà Tư Tỏ, chớ có uống bao giờ đâu mà biết khỏe cở nào.
– Con xin giới thiệu, đây là anh Kwon Ji-hoon…
Người đàn ông mặc áo sơ mi thắt cà vạt, gài kín khuy tay nghiêm chỉnh, trạng trên 30, quay ngang nhìn thanh niên trẻ hơn, người mặc áo pull thể thao ngồi bên cạnh. Chàng thắt cà vạt đứng thẳng người, mắt nhìn chú Hai Phó trân trân, anh ta nói bằng một giọng lơ lớ của người nước ngoài:
– Chào bác Hai, bác khỏe không?
Thím Hai nãy giờ chứng kiến con Hiền dạy anh nầy nói tiếng Việt, vậy mà thím phải cắn răng lại để khỏi bật cười. Riêng chú Hai không cảm thấy buồn cười, mà chú thấy hơi bực mình.
– Chào hai ông. Chuyện nầy là thế nào đây cháu Hiền.
– Thưa bác, cháu mạn phép trả lời, cháu tên Quân làm việc cho công ty Môi giới Hôn nhân ở Sài Gòn, nhiệm vụ của cháu là thông dịch viên tiếng Hàn cho anh Kwon Ji-hoon. Tạm thời chúng cháu đồng ý chuyển âm tên anh là Quan cho dễ gọi. Mấy tháng trước, anh Quan có nhờ ông chủ hãng của hai cô Trâm-Anh ở Sài Gòn, giới thiệu một bạn gái người Việt hạp ý để cưới làm vợ, ăn đời ở kiếp. Hôm qua, vừa xuống máy bay, anh Quan đến nhà hai cô Trâm-Anh để gặp 3 người nữ được giới thiệu trước bằng hình ảnh. Tại nhà hai cô Trâm-Anh, anh Quan tình cờ thấy tấm hình bốn cô gái chụp chung, trong đó có cô Thảo. Anh Quan năn nỉ cô Hiền cho anh ta gặp cô Thảo. Cô Hiền gọi điện thoại cho cô Thảo nhưng con gái ông từ chối. Đáng lẽ anh Quan lên máy bay về nước hồi 4 giờ chiều nay. Anh đổi chuyến bay và năn nỉ cô Hiền hướng dẫn anh ta về đây. Anh Quan tâm sự với cháu, anh phải đến thị trấn nầy để gặp gia đình bác và cô Thảo, dù cho gia đình bác từ chối, anh ta mới cam tâm về nước. Xin hai bác vui lòng nghe anh Quan trình bày, sau đó cháu thông dịch lại.
– Kính chào ông bà Hai, cô Hiền, cô Thảo. Tôi tên Kwon Ji-hoon, 38 tuổi, cư trú tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Tôi chưa từng lập gia đình và hiện vẫn độc thân. Tôi có việc làm ổn định, không bị bệnh hoạn ngặt nghèo, và có đủ các điều kiện luật định để cưới phụ nữ quí quốc. Trước hết tôi thành thật xin lỗi 3 cô Trâm-Anh và Hiền, lý do là tôi chỉ có thể kết bạn với các cô một cách bình thường. Thưa ông bà và cô Thảo , ngay khi nhìn tấm hình cô Thảo, tôi linh cảm phải cưới người nầy như một duyên tình ràng buộc linh thiêng. Tôi xin hứa trước mặt cô Thảo, trước mặt quí vị, trước Thượng đế, Kwon Ji-hoon nầy nếu cưới được cô Thảo, tôi nguyện hết lòng yêu thương và bảo vệ cho cô Thảo đến hơi thở sau cùng. Xin cô Thảo và ông bà chấp nhận lời cầu hôn của tôi.
– Thưa hai ông Quan-Quân, cám ơn tình cảm và công lao hai người lặn lội đến đây. Nhưng gia đình chúng tôi có hoàn cảnh đặc biệt và chúng tôi cần nghe ý kiến con gái tôi. Xin hai ông vui lòng mang quà lễ nầy về. Nếu các ông còn muốn trở lại đây thì gởi lại cho chúng tôi địa chỉ.
– Bác Hai à, trước khi cháu nói tiếng Hàn với anh Quan, xin bác nghe cháu nói bằng tiếng Việt của mình. Đây chỉ là quà thăm viếng thông thường, hoàn toàn không phải lễ nghĩa hôn ước cưới xin. Phong tục tập quán của họ, trong bối cảnh hòa bình vui vẻ và thành ý như vầy, nếu mình từ chối quà biếu thì chẳng khác ném trả vào mặt họ. Hai bác cứ nhận cho vui, hai bác có từ chối lời cầu hôn thì chẳng ai dám làm phiền gia đình bác đâu mà ngại.
Hai người khách lạ không được mời, miễn cưỡng đứng dậy, họ chào từ giã để ra xe taxi đậu chờ đâu đó bên ngoài. Anh Quan bước đến trước mặt chú thím Hai Phó. Anh ta bỗng nhiên quỳ sụp xuống, hai tay anh Quan nâng lưng bàn tay xương xẫu của thím Hai hôn chụt một tiếng ngọt ngào, rồi áp lòng bàn tay thím lên trán anh ta.
Chú thím Hai Phó bàng hoàng kinh ngạc. Ngay cả thông dịch viên Quân lăn lộn 6 năm nghề, anh ta cũng chưa từng chứng kiến một cảnh tượng lạ thường và cảm động như vậy.
(Hết Phần 2)
Một Lúa
Đúng la số trời tránh né được đâu anh! Phải chăng duyên số đã bắt cầu sẳn bước đi. Phải hong anh Một Luá. hi hi !
Chào Nguyễn Tuyết,
Tui có người bạn tiếu lâm nói: Duyên nợ được bền vì nó bắt buộc phải trả góp. Còn duyên số thì tùy sổ sách, cho bi nhiêu thì nhận bi nhiêu. He he
Cám ơn NT đọc bài và viết bình luận nhé.
Chúc Nguyễn Tuyết và gia đình luôn vui trẻ khỏe, may mắn.
4/29/2014
Một Lúa
Huynh Một Lúa! YMHTNh đoán là sau này anh Quan cưới cô Thảo? Huynh nhớ khi nào hoàn thành tập truyện cho tụi em xin 01 cuốn, rồi phô tô cho em nào thích, cảm ơn huynh nhiều!
Chào thủ lĩnh,
Chỗ in sách họ nói phải in 4 cuốn. Lúa sẽ bán một, tặng thêm ba. Ha ha
Nhớ hồi nhỏ tui mua báo cho ông già. Một tờ giá 50 xu, tui đưa một đồng, ông chủ sạp không tiền thối.
– Vậy thì bán luôn cho con thêm một tờ giống y như vậy, để dành cho ba con ngày mai đọc. He he
Huynh Một Lúa kể chuyện mua báo, tui lại nhớ vụ gửi biếu lịch cho bà thím của mình 02 tập lịch tờ cảnh rất đẹp, năm sau tui về quê, đến nhà thăm: ” …Biết thím thích lịch cảnh, con đem về biếu…” miệng cười hiền khô, không còn cái răng nào: ” con cho năm rồi thím còn để dành năm nay treo” tui tròn mắt, há miệng tính cười cho đà, nhưng rất may là kiềm chế kịp. Thiệt là thương thím muốn đứt ruột.
Hồi xưa tui cũng thích dán hình tài tử lên vách, như hình Thẩm Thúy Hằng chẳng hạn.
Thứ nhất, tạo ấn tượng tốt cho “đêm dài lắm mộng”
Thứ hai, dùng dán kín kẻ hở vách gỗ. He he
Cuộc sống nghèo khổ của người dân quê rất đáng thương, họ bình thản, cam chịu và sống bằng sức lực của mình, có người mong muốn vượt qua số phận lại xem nhẹ vốn quý lòng tự trọng…Hên xui may rủi không ai có thể lường trước được điều gì, có phải chăng là do hoàn cảnh?
Sư phụ đại huynh ui,
Em có chữ nào xem trọng xem nhẹ kí gì đâu nà.
Chúc sư phụ vui khỏe, trẻ trung, sung mãn, sảng khoái, tái xuân. Hihi
Lúa
Phản hồi viết lại:
Không phải ML ơi, tại vì đọc chuyện nầy liên tưởng đến chuyện khác, nhớ có một thời các cô gái đổ về SG ngồi như ếch chờ chọn lựa, chỉ mong tìm được một tấm chồng, may ra có thể đổi đời! Chợt nghĩ tới thân phận của một nước nghèo mà nghe…” đau lòng cò con ” thôi! ML tha tội cho kiểu nói không rõ ý nhe. Chúc bạn mình vui, viết khỏe.
PT.
Sư phụ đại huynh ui,
Em sợ đại huynh quở, nên em chạy đạn thui.
Anh có quyền phê bình thằng em đệ tử mừ.
Lúa
Cái duyên nợ của người ta nó thật huyền bí, không phải khó mà cũng không dễ, mà cũng không đặt để được, có lẽ ông trời đã định sẳn, chỉ gặp hình của cô Thảo thôi mà ông Kwon Ji-Hoon y như có một lực hút phải hủy chuyến bay, nhất định phải ở lại, rồi kết quả như thế nào còn phải chờ tập kế tiếp, thành hay không cũng là duyên số, hy vọng duyên lành sẽ đến với cô Thảo và ông Kwon Ji – Hoon.
Tui thấy không có gì huyền bí, huyền bì gì hết. Nó đương nhiên như khi tui và anh Cả lên Sì Goòn là có ngay nồi cháo bầu dà con cá trui lửa rơm nếp dzị thui. He he
Anh Một lúa nói chuyện rất vui, mà viết truyện sao buồn quá, đọc xong muốn khóc . ..vì. đoán biết đoạn kết rồi . Anh kể chuyện có duyên như ông Hồ Biểu Chánh ngày xưa vậy .
Chào Đức Tính,
Lúa tui hôm nay mới biết mình còn thiếu nợ. Bởi thiếu nhiều mối nên quên mất tiêu. Miễn chậm mà có trả thì cũng không tuột “credit scores” lắm. Hehe
Lúa