Thần Tài và vua Cần Long

Ngày đăng: 14/02/2014 04:15:18 Chiều/ ý kiến phản hồi (14)

Đúng 5 năm sau ngày đăng quang lên ngôi trị vì, năm 1740, vua Cần Long được 29 tuổi. Độ tuổi đang thời sung mãn nhờ sơn hào hải vị, nhờ những thang thuốc bổ của đội ngủ thái y. Hậu cung có non ngàn thái giám và lúc nào cũng đầy đủ túc số 3 ngàn gia lệ. Những người con gái tài sắc được tuyển chọn từ mọi miền đất nước. Họ gần như bắt đầu cuộc đời cá chậu chim lồng để giúp vui, phục vụ mọi thứ cho vị vua cũng là ông chủ của tam cung lục viện. Thế nhưng vua Cần Long không thiết tha với hàng ngàn cung phi mỹ nữ. Cần Long luôn nhớ về người tình xưa lúc ông còn là một thanh niên mới lớn. Thời gian mà vua cha cho phép ông di hành ngoài cung tầm sư học nghệ, cũng là mục đích để tránh âm mưu sát hại các hoàng tử trong cuộc đấu tranh quyền lực giữa những phi tần. 

 Vừa ăn tết trung thu xong, vua Cần Long tuyển 2 cận vệ là hai đội trưởng mật vụ hoàng cung và ra lệnh xuất công khố một số vàng bạc, ngân phiếu. Tiền nong giao cho tên bạn cũ giang hồ – nửa người thường, nửa thái giám Vi Tiểu Bảo. Hắn có trách nhiệm quản lý tài chánh và định hướng chuyến đi . Chuẩn bị các thứ xong xuôi, bốn người họ giả dạng thương gia và tùy tùng, mặc áo gấm dân sự. Họ ẩn mình trong mui xe song mã, bí mật lìa kinh thành, nhắm Giang Nam trực chỉ. 

 Vi Tiểu Bảo là một gã có lý lịch không rõ rang, cha là ai không biết,  mẹ có xuất thân liên hệ từ chốn thanh lâu. Hắn ta phiêu bạt giang hồ từ thuở nhỏ, làm đủ nghề và diễn đủ trò để sống sót. Hắn tình cờ ra tay “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” cứu được một thanh niên cốt khí sang trọng tên là Hoàng Lịch, người vô tình lọt vào trận địa thanh toán của hai nhóm xã hội đen. Từ đó hai thanh niên đồng trạng tuổi, không gia cư gốc gác, quen nhau và trở nên thân thiết.

        Khi ông vua con nầy về triều làm lễ đăng quang, Vi Tiểu Bảo coi hình trên thông tri và nhờ người đọc chữ mới bật ngữa. Đó là Hoàng Lịch, thằng bạn nghèo kiết xác nhưng chơi rất điệu nghệ sang trọng ngày nào. Giờ đây tự nhiên biến thành Cần Long hoàng đế. Là một người nhiều tham vọng và nhanh trí, Vi Tiểu Bảo quyết tâm tìm đến kinh thành. Nhờ khôn lõi, hắn lọt vào hoàng cung dễ dàng. Vua Cần Long muốn giữ Vi Tiểu Bảo cận kề nhưng không thể đề bạt bất cứ chức quan lớn nhỏ nào vì vua biết hắn ta mù chữ. Cuối cùng Cần Long chỉ còn cách cho y làm thái giám, và Vi Tiểu Bảo là một thái giám đầu tiên của lịch sử “hậu cung ác đấu” được miễn thủ tục dao kéo. Hàng ngày vua cho quốc sư gia sư đến dạy hắn vỡ lòng a bờ cờ. Hắn học nhanh như tên bắn, chỉ hai năm đầu là nhận bằng tốt nghiệp phổ thông. Cũng nghe nói ba năm nay hắn đang trong chương trình cao học và mùa hè năm tới chuẩn bị trình nạp luận án gì đó thì vua rủ đi chơi. Nhưng trước khi đi, vua ra lệnh cho các vị Giáo sư, Phó Giáo sư của bộ Lễ phải làm xong bản luận án tiến sỹ cho Vi Tiểu Bảo trước ngày Thanh minh.

        Trở lại chuyện hành trình, nhờ vào kinh nghiệm xuôi ngược giang hồ của chuỗi ngày theo các đám người mãi võ của gã thái giám họ Vi và số ngân lượng quốc khố mang theo, đoàn thương nhân nầy ăn ở chọn lựa toàn khách sạn và nhà hàng hạng nhất. Dù trên đường đồi núi hẻo lánh thì trên xe của họ thừa bánh mì xắc lát phơi khô, nhấm nháp với khô bò, khô vịt. Có một lần vì hiểu lầm tiếng địa phương mà hắn suýt gây ra họa tru di tam tộc. Người ta cho biết thị trấn kế đây cách 40 dặm mà hắn nghe thành 14 nên chuẩn bị rất ít lương khô. Vì vậy nên đi mới mười mấy dặm đường thì đã cạn lương thực. Ngựa thì có cỏ mọc bên đường, còn người thì giữa cảnh hoang sơ rừng núi thì lấy gì mà sống. Cần Long ra lịnh hạ trại ven một bờ suối để tìm cây trái hoặc muông thú đở lòng. Bây giờ mới thấy câu nuôi binh vạn ngày, chỉ xài một lúc là đúng y theo sách vở. Hai tay cận vệ ra chiêu phi phàm, một tay đi luồn trong núi chưa quá hai canh giờ, y trở về nào là gà rừng nào là chim trĩ. Tay kia thì đứng như pho tượng trong dòng suối nước chảy ngang đầu gối, chỉ thấy anh ta vẫy tay thì một chú cá tràu giãy chết dính theo ngọn phi tiêu. Chiều đó họ có một bữa thịt nướng và cá trui trong lửa than no nê và dư ra một số lương khô. Nhờ suối hồ của vùng nầy nhiều cá tràu, một loại cá giống như cá lóc miền xuôi, giúp đoàn lữ hành sống sót qua vùng núi rừng hoang vắng. 

      

  Dù thiếu thốn lương thực nhưng cuối cùng họ cũng đến một thị trấn trù phú nằm cạnh một nhánh sông nhỏ của dòng Trường Giang, con sông dài nổi tiếng với câu nói của người bình dân “sóng trước cản sóng sau”. Họ tiến vào một quán mì hủ tíu chật ních khách vào một buổi sáng khô ráo đẹp trời. Máu quan quyền của họ vẫn chảy bên dưới lớp áo dân sự, nên họ không thể kiên nhẫn chờ đợi bàn trống. Hai ông quan cận vệ thấy chiếc bàn tròn thờ thần tài của chủ quán là không có khách ngồi. Một người  dọn tượng thần tài, bộ hương đăng trà quả xuống một góc nhà. Một người lau sạch chiếc bàn và kêu dọn ra 4 chiếc ghế. Mới đầu đám phổ ky định mở miệng phàn nàn việc dời bàn thờ thần tài, nhưng thấy nhóm thương buôn giàu có nầy toát ra một khí thế ghê gớm gì đó nên họ im re. Cần Long thấy thủ hạ của mình không đúng nên ông ra xe lấy 2 con cá lóc nướng trui đem vô đốt nhang trước mặt thần tài đang ngồi trên đất, cử chỉ như một lời tạ lỗi thánh thần. Ăn uống no say, họ gấp gáp ra đi nên quên bẳng việc thỉnh ông thần tài an vị trên bàn như lúc sáng. Chiều đến phổ ky dọn dẹp quán mới đem ông thần tài lên chiếc bàn thường lệ. Sáng ra họ đến đốt nhang đèn thì chiếc bàn thờ thần tài trống trơn, họ tưởng ai phá dời ông thần tài xuống đất ngay chỗ sáng hôm qua. Cứ sáng ra thì đám phổ ky thỉnh ông thần tài lên bàn thì tối lại ông này nhảy ngay xuống chỗ cũ. Ba ngày như vậy thì một đêm ông thần tài báo mộng cho gia chủ “Nhà ngươi đừng thỉnh ta lên bàn nữa, chính tay người nào đưa ta xuống thì họ mới có quyền đưa ta lên. Thêm một điều là mùng mười tháng giêng mỗi năm phải cúng ta một cặp cá lóc nướng trui, đúng theo ngày quý nhơn kia ân thưởng cho ta”.

        Câu chuyện đến đây xin được chuyển qua mục đích của chuyến hạ Giang Nam. Chỉ mới 12 năm xa cách nên Cần Long dễ dàng tìm lại ngõ Trúc Lâm, nằm hướng bắc của bờ hồ Động Đình bao la, quanh năm sương khói. Nơi có căn nhà sườn trúc lợp tranh mà chàng thanh niên Hoàng Lịch lưu lạc từ kinh kỳ gặp cô gái mồ côi tài hoa sống bằng nghề dệt lụa và vẻ tranh tên là Ngọc Hà. Họ đã yêu nhau và chung sống một thời gian đầy hạnh phúc. Lúc con gái của họ chưa kịp đặt tên thì Hoàng Lịch nhận tin mật báo, anh ta được người dẫn chạy trốn mà không một lời từ giả vợ con. Hôm nay trong lòng Cần Long cũng tức là Hoàng Lịch tràn trề hy vọng khi vừa thấy lại cảnh cũ vườn xưa. Nhưng ông bàng hoàng và vô cùng đau đớn khi nghe người em ruột của Ngọc Hà cho biết nàng đã chết, chỉ còn để lại dương trần huyết thống của ông là cô bé Hoàn Châu. 

        Thật ra không có ai chết chóc gì cả. Đó chẳng qua là kịch bản của người em gái gian dối nầy thôi. Lại phải nhắc về 5 năm trước. Lúc ấy khu dân cư một khoảng hồ Động Đình đồn rần lên là người thanh niên tuấn tú bụi đời Hoàng Lịch lang thang vùng nầy bảy-tám năm trước đó, hiện là  đương kim hoàng đế. Người ta đưa ra tờ thông tri ghi rõ thân thế và cuộc đời lưu vong lánh nạn của ông, lúc đó Ngọc Hà mới tin là sự thật. Nàng nhờ người em gái góa chồng có đứa con gái nhỏ Hoàn Châu giữ căn nhà ở ngõ Trúc Lâm để trả lời nếu có ai đến hỏi tông tích mẹ con nàng. Còn Ngọc Hà và con bé Tử Vi, năm đó mới 7 tuổi, hai mẹ con cồn cả lên tận kinh đô.

       Lúc ban đầu thì cô em Ngọc Thủy nầy cầu mong cho chị Ngọc Hà của cô sớm gặp lại vua Cần Long. Nhưng ngày lại ngày mà không tin tức gì của người chị và cháu gái. Nàng ta bắt đầu hình thành một phương án thứ hai là ra công huấn luyện cho con phải kêu mẹ bằng dì và dàn cảnh hoàn hảo Hoàn Châu, mai phục bao năm cho nó nhất định trở thành một vị cách cách con vua. Vua Cần Long viếng ngôi mộ giả của Ngọc Hà xong, rước dì Ngọc Thủy và con gái Hoàn Châu. Họ bùi ngùi chia tay Trúc Lâm nhắm hướng kinh thành.

       Chuyến về thêm hai nhưng bớt một. Vì xe ngựa chật chội mà có thêm hai phụ nữ, nhà vua mua con ngựa tốt cho một cận vệ chạy trước về triều trình báo tin hỷ sự. Khi xe ngựa đi ngang địa phận An Huy, nhà vua nhớ cái quán hôm trước thầy trò ông ngồi nhờ bàn thần tài, quán bán hủ  tíu thật ngon nên ông ghé lại đãi con gái và tùy tùng. Chưa xong bữa ăn thì ông thần tài đạp đồng trên một người thực khách, người nầy phủ phục trước mặt vua Cần Long mà hô vạn tuế.

        – Nhà ngươi là ai.

        – Dạ, thần là thần tài cai quản vùng nầy.

        – Nhà ngươi gặp ta có chuyện gì

        – Thần muốn gặp viên võ quan đưa bài vị của thần xuống đất hôm trước, nhờ vị võ quan đó đưa thần an vị lên bàn như cũ.

        – Vậy ở đây ngươi muốn người nào.

        – Ông võ quan râu quai nón không có ở đây.

        – Ta là vua cho phép ngươi trở lên bàn được không.

        – Dạ không, vua có nghe câu “phép vua thua lệ làng”, mấy ông quan nhỏ địa phương uy quyền hơn ông vua nhiều lắm. Hôm nay vua có xá miễn thì ngày mai vị quan đó vẫn hành tội thần như thường. Có chuyện mà chạy kiếm vua thì thần chỉ còn bộ xương khô, vua ơi!

        – Vậy thì ngươi tiếp tục chịu khó ngồi trên đất mà đợi đấy!

             Một Lúa

Bài viết cảm tác theo bài “Mùng 10, Ta Cúng Thần Tài” của Phạm Hồng Phước và  PH của Văn Lần và các bạn.  

 

 

Có 14 bình luận về Thần Tài và vua Cần Long

  1. NHA nói:

    Chưa có đọc bài này nhưng viết phản hồi ngay tù tì.

    Trước hết xin bái phục Một Lúa: Hôm qua (2/13/2014) bên ngoài tuyết đầy trời suốt ngày không ra ngoài và chắc là bà xã tha cho rửa chén nên mới viết đươc như vậy? Sung, sung và sung!Xin bái phục.

    Chúc mừng.

    • Một Lúa nói:

      Chào anh NHA,

      Khoảng 10 giờ hôm qua, thứ Năm, tuyết vừa nhẹ cánh rơi rơi (mùi chưa), em xách xẻng ra đẩy một đường trên sidewalk. Bề ngang một lưỡi nhôm, dài 64 feet mà mệt hả họng. Vô nhà viết truyện chơi, không thèm đào lấy xe ra. sáng nay tuyết đông cứng lớp tuyết trên mặt, lại đào mệt hả họng cho bỏ tật lười biếng.

      Tuần nầy trường các cháu đóng cửa 3 ngày, thứ hai, năm, sáu. Lúa phẻ quá, mặt tình múa bút.

      Happy Valentine, anh chị NHA!

  2. Phi Rom nói:

    Bây giờ tui mới hiểu tại sao người ta để bàn thờ ông thần tài ở dưới đất, trước kia nhà tui cũng để bàn thờ ổng trên cao mới tỏ vẻ tôn kính, rồi có người đến nhà chơi thấy bảo tui để dưới đất mới linh, cũng nhờ đọc bài bạn Một Lúa, tui hiểu  được, tai sao người ta cúng ông thần tài bằng cá lóc nướng trui…còn ông thần tài nhà anh Trương văn Phú lại thích con gà luộc nghe…anh cho biết ở tỉnh đa số họ cúng gà, như vậy sở thích của ổng cũng tuỳ thuộc chủ nhà…ha ha…chủ cho gì ăn nấy…

    • Một Lúa nói:

      Chào Phi Rom,

      Như vây chỉ thống nhất bàn thờ ông thần tài phải sát mặt đất. Còn vụ lễ vật là cặp cá lóc nướng rơm hay gà luộc  thì phải thương lượng với anh Cả Lần và anh Trương Văn Phú. Chứ ông vua Cần Long chuyển tông nhanh lắm. Ngay lúc đó trên xe của vua Cần Long còn có 1 con vịt trời nướng đất sét,  2 con cúm núm nướng vĩ, một con gà trống tre còn gáy.

      Happy Valentine, Phi Rom

  3. Rể Cả Lần nói:

    Phải công nhận các quan đọc bài này đau hơn thiến!

    • Một Lúa nói:

      Chào cháu rể,

      Có dịp cho số điện thại và tên cháu. Chú cháu mình có dịp chiện chò nhiều hơn.

      Đừng ỷ sức trai mà cụng ly với ba cháu hoài, tội ổng già mà ráng theo giới trẻ, mệt ổng nghe cháu rể.

  4. NGUYEN TUYET nói:

    Ở Mỹ chỉ có cá Lóc đút lò thôi , làm gì có cá lóc nướng trui ,  à quên nưã , nướng như BBQ cũng được chứ. hì hì . Uả cái hình thần tài cuả huynh cúng gì vậy , bánh gi mà có nhiều khiá vậy , chẳng lẻ bánh bao đời mới! Bai viết hay và hấp dẫn, đọc tới đâu , NT cười tới đó , rốt cuộc ông thần tài ngồi dưới đất là có lý do.! Lúc ở VN , lúc đầu NT cũng như chị Rom , để bàn thần tài ở trên , mà để trong góc cho an toàn , sau đó đưá em gái lên chơi , nó nói chị để thần tài sai hướng rồi , phải để dưới dất ,  cưả bước vô nhìn thấy , tiền mới vô và mới hên , hi hi , vậy là phải rước ông thần tài xuống đất , rồi đứa em xẹt ra chợ mua đồ trước cúng , sau ăn , hi hi.

    • Một Lúa nói:

      Chào Nguyễn Tuyết,

      Lúa nghe nói ông thần tài cũng giúp cho học trò trong nhà học bài mau thuộc. Nếu NT có nhu cầu nầy thì nhớ là ông thần tài thích cá lóc nướng và gà luộc nhé.

      Happy Valentine, Nguyễn Tuyết

  5. Phi Rom nói:

    Ba vợ muốn biết dung nhan cháu rễ, ngày 22/2 lên Sè gòn, nhớ mang theo một hủ dưa rau muống, cháu rễ sẽ ra mắt ba vợ…

  6. NGUYEN TUYET nói:

    Thêm 1 hủ rượu Ma cà rong gì đó thì con rễ và cha vợ cùng nhau muá bướm  đẹp trời luôn . ha haha.!

  7. Nguyễn Văn Lần nói:

    Bài của Một Lúa thiếu 1 chi tiết nhỏ : Sau khi vua ăn hủ tíu, cả đoàn vi hành được hơn trăm dặm thì chợt nhớ bỏ quên chiếc Nokia trắng đen ở quán. Khi trở về, ghé ăn hủ tíu, chủ quán trả lại. Khi xa giá rời quán. Thần tài chép miệng : vua mà xài điện thoại cùi bắp !

    • Một Lúa nói:

      Chào anh Lần,

      Nhà anh vô xem bài nầy đông quá, cám ơn nghen.

      Tui nhớ khoảng năm 1740, người giàu có mới bắt đầu xài Motorola cục gạch. Cái vật bự chần dần như vậy khó mà bỏ quên như cái Nokia cùi bắp, màn hình 2 màu bây giờ đâu.

      Chúc anh Cả vui vẻ trong ngày 22/2 tới đây, nhớ để cho con cháu phụ giúp tiếp chiêu cô bác nghen.

      Happy Valentine muộn!

       

  8. Phương Mai nói:

    Mai mốt Lúa có về VL cho PM tui biết trước đặng tui tập trung con cháu lại nhờ Một Lúa tóm tắt lại Sử Việt Nam cho chúng nắm, chí ít sau này chúng có đi thi Đại học cũng không bị điểm liệt! Bài viết rất thú vị! Thiệt mà như giỡn!

    • Một Lúa nói:

      Chào Phương Mai,

      Có thường lên trang không, mà thấy ít khi xuất hiện vậy. Cám ơn PM đọc bài và viết bình lựng nhe.

      Có dịp Lúa sẽ đến lân la nói chuyện cà khịa để phá cà phe của bè bạn thui.

      Cũng có người nói bài nầy giả mà như thiệt dzị. Hi hi

Trả lời Một Lúa Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác