Thần tài gõ nhầm cửa

Ngày đăng: 12/02/2014 10:06:01 Chiều/ ý kiến phản hồi (10)

 Mỗi người chúng ta không nhiều thì cũng đã từng ít lần mua vé số. Có người mua số cầu vui, như kiểu vui đâu trút bóp đó, không cố ý ăn thua sát phạt. Có người mua vé số với quyết chí cầu may, cầu thắng, họ bỏ công nghe ngóng và nghiên cứu theo dõi đường đi nước bước của thần tài. Nói chung là phe nầy đặt nhiều tâm tư vào những tờ vé số và có mục đích rõ ràng. 

        Có người mua vé số theo kiểu trước mua vui sau làm phước. Bất chợt, họ bắt gặp trên vĩa hè, nơi quán xá, những cảnh đời đáng thương như người tật nguyền bán số trên chiếc xe lăn, cụ già tay cầm gậy trúc, tay cầm xấp vé gọi mời. Hoặc là biết được hoàn cảnh cô sinh viên trẻ bán vé số khi rảnh rổi nhằm kiếm thêm chút tiền mua sách. Dù không định bụng, nhưng có nhiều người sẵn lòng mua giúp vài tấm vé cho mát mẻ thiện tâm. 
        Không ít trường hợp năm bảy ngày sau mới nhớ mà lôi số ra dò. Có nhiều trường hợp mong muốn khoảnh khắc đổi đời, sáng mua chiều xổ, đội thúng mang rổ đựng tiền. Nhưng đó chỉ thấy và nghe trong mộng, còn bi kịch sáng mua chiều bỏ thì bao la man mác hầu như bao trùm trên những cuộc đời thường, rải rác từ các căn hộ chung cư lầu đúc, cao ngất trời mây. Cho đến những mái chòi vừng bằng các-tông, vải bạt, tối tăm trong hẽm nghèo hay nơi xóm vắng. 
        Sau tết Tân Tỵ năm 2001 chừng 2 tháng, thời điểm mà thị trường vé số của các tỉnh còn nằm ở giá bình dân là 2 ngàn đồng một vé, và giải độc đắc chắc như đinh đóng cột là 50 triệu đồng. Tại một căn nhà đứng xa xa bên dưới mang cá trái của cầu Pa-ti-dô, phía bờ Thị trấn Tam Bình. Lúa tui đơn thân, độc chiếc “trở về mái nhà xưa” sau 12 năm tha hương. Và may mắn được đóng vai Việt kiều Công-gô, theo như lời gọi thân thương của mấy tay bạn nhậu lối xóm. Có lẽ bà con thấy tôi da dẽ sậm sòi, tướng tinh cục  mịch, họ cũng biết 12 cái tết biệt tăm biệt tích và một ít tết cũ còn treo im lìm ở xóm nầy hồi năm nẳm. Và không biết họ khám phá thêm chuyện èo uột gì khác của mình nữa mà ban cho cái tên nửa ta, nửa tây rất ấn tượng và có chút têu tếu như vậy. 

        Chuyến về thăm quê năm đó, Lúa tui chỉ có một báu vật là cuốn sổ điện thoại ky cóp mang theo từ Mỹ. Bởi nhờ nó mà tôi cảm thấy gần gũi với thân thuộc của mình đang sinh sống  tại các địa phương chưa được thông thoáng như  Ngan Dừa, Kiến Thiện hay Gò Quao, Rạch Giá, v…v.. Hoặc nối lại những thâm tình huyết mạch còn trong tầm chim bay chưa mỏi cánh tại các địa danh Cầu Bò, Vịnh Giàn Xay hay Vàm Vồng chẳng hạn. Cũng năm đó, quyển sổ điện thoại mang hàng trăm mã số nhiều quốc gia và vùng miền xuất hiện đầu tiên trên chiếc bàn khách trong căn nhà mẹ già của Lúa. Nó nằm chèo queo trên bàn không lâu thì sáng nào cũng có người đụng đến mà không vì nhu cầu liên  lạc.

        Lúa ít có thói quen la cà quán xá chợ búa đông đúc như anh ruột và anh rể của mình nên ít người biết đến. Mỗi sáng sớm trên quê hương, Lúa bước lên con dốc và tà tà dài theo lề lộ hướng ra chợ chừng 100 mét thì xề ngang vô quán cà phê của thằng em con người chú ruột. Ngồi nhí nhố với anh em và lối xóm chưa nóng ghế thì có thằng nhỏ bán vé số nhoẻn miệng cầu tài rất dễ thương, “Ông mua dùm con vài cặp, bữa nay toàn là số đẹp không hà”. Có lẽ lần đầu tiên có người kêu mình bằng ông với tâm tình quý mến, không như kiểu “Tránh qua một bên đi ông ơi” xẳng lè chát ngắt hàng ngày. Lúa cảm động nên mua một cặp hai mấy tấm và còn mời thằng nhỏ uống ly sữa đậu nành. 

        – Bên chỗ chú ở, con nít mười mấy tuổi như cháu mà đi thang lang trong giờ học như vầy thì bị cảnh sát xúc lên xe chở về đồn, kêu cha mẹ đến lãnh con và chờ ngày ra tòa nhận phạt.

        – Hồi năm ngoái chú Đức về đây cũng nói với con y như ông. Ở Hòa Lan cũng giống như ở Mỹ hả ông. 

        – Thằng Đức là em tao mà mầy kêu nó bằng chú mà kêu tao bằng ông. Ủa, sao mầy biết tao ở Mỹ.

        – Con biết ông về cả tháng trước rồi. Mấy lần con đem cá cho dì Ba và bà Ba, bà Ba đều dặn, đầu tháng ba nầy thằng con của bà ở Mỹ về. Cậu Tám ưa cá tôm lắm, con về nói với má con, có cá tôm ngon đem qua cho bà, đừng bán cho người khác. 

        Lúc đó tôi mới biết, thằng Tình bán vé số là con chị Hai bán cá, nhà khỏi chợ Mỹ Thạnh Trung một đỗi. Anh chị Hai hồi đó có “rượng đáy” gần vàm rạch Ông Sĩ. Lúc Lúa còn ở nhà, thường gặp chị một tay nách thằng con nhỏ, một tay xách giỏ cá và cái cân tay đòn, hai mẹ con thường ghé mời má tôi mua cá, tép. Tôi không ngờ thằng nhỏ 12 năm trước mà chị Hai đặt đâu ngồi đó, bây giờ là một thằng học trò lớp 6 thông minh lanh lợi. biết phụ giúp cha mẹ. Nó đi học buổi chiều, buổi sáng đi bán vé số đến 12 giờ. Thằng Tình cũng cho biết, mấy năm nay chính quyền địa phương cấm trãi đáy trên các sông nhỏ, má của nó xoay qua cân cá từ các người tát mương tát đìa trong ruộng vườn hay người quen làm nghề chài rê sông lớn, đem cá tôm tươi bán dọc theo lộ từ Mỹ Thạnh dài ra đến chợ Tam Bình.
        Từ buổi sáng gặp lại bạn hiền, mỗi ngày trong cuốn sổ điện thoại được kẹp thêm hai ba chục tờ visa của thần tài. Mua cho có tình và dò cho có lệ, bởi thằng Tình hứa, vé của cậu Tám trúng lô lớn nhỏ thì con chạy qua cho cậu hay liền. Nhưng thằng Tình lầm, Lúa cũng lầm mà chắc là ông thần tài cũng lầm nốt. Chuyện là một hôm có thằng cháu kêu Lúa bằng cậu họ. Nó trong xã Hòa Bình đi Honda ôm hai chặng, đem mấy con khô với mấy trái  xoài non, Lúa nhìn bọc nylon mồi màng trên tay nó mà nuốt nước miếng mấy lần. Nghe tôi gọi điện thoại cho đề-pô, thằng cháu lên tiếng:

        – Thứ nầy phải uống búa đen mới đúng gu, uống bia lãng xẹt cậu Tám ơi. Mấy năm trước cậu gọi con ra đám giỗ ông Ba, được dượng Năm rót nửa ly Hennessy đã thiệt, nghe nói của cậu gởi về. Sao chuyến nầy cậu không đem đồ nghề gì về hết vậy. Dì dượng Năm và cậu Bảy khỏe không?

        Thằng cháu không đợi tôi trả lời, nó bước lên nhà trên, lát sau nó ôm 2 chai rượu chuối hột vô chai rất đẹp, mà tôi nghe chị tôi nói có người học trò cũ của ba ghé đốt nhang cúng ba hôm tết. Một tay của nó cầm cọc vé số chừng hơn trăm tấm của tôi để trên bàn hỗm nay.

        – Con xá ba xá xin ông Ba cho con hai chai rượu. Còn xấp vé cũ nầy dò chưa mà còn thẳng ran vậy cậu.

        – Cậu chưa dò, mà thằng bán quen nói có ghi sổ lưu cùi, trúng là nó cho hay rồi.

        – Vậy cậu cho con cọc nầy nghen, con đem về trỏng hù mấy thằng lối xóm.

        Không biết nó hù kiểu nào mà gần tháng trời nó không trở ra. Tôi vì bận rộn cũng quên lời nó hứa “ít bữa con xách ra xâu khô cá chạch nái, mấy cậu cháu mình chơi một trận cho đã”. Tới chừng chị Tư Lệ là má nó ghé nhà, cả nhà tôi mới hoảng hồn thất kinh. Vừa nghe má tôi hỏi, lúc nầy mầy khỏe không Tư, chị Lệ sụp xuống ôm chân má tôi mà khóc ồ ồ thảm thiết. Tôi đến gỡ tay và dìu chị đến ngồi trên chiếc đi-văng, lấy hộp khăn giấy đưa chị. Tôi nhớ ba má chị đã mất thì đâu có tin gì đột ngột thương tâm. Má tôi ngồi kế bên dỗ dành hỏi han một lúc, chị mới nói được ra lời:

        – Con xin lỗi thiếm Ba và cậu Tám. Hôm trước thằng Lành ra thăm cậu Tám, nó nói lúc ra về, cậu Tám có cho tiền nên ghé chợ Tam Bình mua một cọc vé số. Hôm sau nó ra chợ xã Hòa Bình dò trúng độc đắc một tờ xìa. Nó tức tốc ra huyện Trà Ôn mua chiếc xe dream Nhật và một cái máy đuôi tôm dùng chở lúa hột trong đồng về nhà, sắm điện thoại máy móc sạch bách 45 triệu. Nhỏng nhảnh lái ghe máy đuôi tôm đi nhậu nhà bạn bè xóm bên kia sông, 9-10 giờ đêm về tới nhà cột khóa ghe đàng hoàng mà quên là nó có chiếc máy đuôi tôm mới mua còn ghim sau lái ghe tam bản. Nửa khuya giật mình thức giấc, nó chạy xuống bến thì ăn trộm đã rinh mất cái máy đuôi tôm. Vợ chồng con thấy nó ngồi hoài trước sân  mà không chịu vô nhà ngủ, tụi con khuyên nó bỏ chuyện cái máy bị trộm, tụi con hứa rả lứa heo nầy mua máy khác. Nó bỗng nhiên sụt sùi: “Ba má đừng rầy con, tấm vé trúng hôm trước là cọc số chưa dò của cậu Tám con bà Ba. Con xin về dò chơi, vé trúng là một tờ xìa trong cặp 20. Ngày mai con chở má ra nhà bà Ba, má giúp con xin lỗi cậu Tám và xin cậu cho con số tiền trúng số”.

        Chị Tư Lệ khóc thêm một chập, rồi trong ràn rụa chị nói tiếp với má tôi:

        – Vợ chồng con lu bu bầy heo mới đẻ, lại nữa con chờ đứa em chồng đem cho con một cặp gà nòi tơ để tặng cậu Tám nấu cháo, nghe thằng Lành nói cậu bên Mỹ ăn toàn gà công nghiệp. Chưa tới đâu thì đùng một cái, trưa hôm qua trên xã gọi xuống cho hay tin sét đánh, thằng Lành té xe một mình gần trên đó. Những người dân ở gần chỗ tai nạn, họ không hiểu thằng Lành phản xạ kịp thời hay có ông bà hộ trì. Người ta thấy nó văng khỏi xe lộn mấy vòng trên mặt cỏ bờ lộ, tích tắc trước khi chiếc xe gắn máy của nó lao thẳng vào cây cột xi-măng trụ điện. Thằng Lành gảy tay trái, mình mẩy trầy xước tùm lum. Bác sĩ kiểm tra phim X quang, không thấy bị thương chỗ nào khác. Chiều hôm qua tới sáng nay nó nằm ở bệnh viện Tam Bình, con thấy nó hơi khỏe nên vô cho thím và mấy em hay cớ sự.
      

  Một Lúa tôi cảm thấy một phần có lỗi, dù đã phụ lo thuốc thang và viện phí cho thằng Lành nhưng vẫn còn ái ngại. Mình có nghe loáng thoáng chuyện Tái ộng thất mã. Giả dụ Tái ông đời nay thử trúng 20 tấm độc đắc, liệu có chuyện ly kỳ gì để nói dài nhằng sau đó hay không. 

Nguyễn Thế Điển

 

(Bài viết xin được tặng cho các bạn PĐM, PR, VL, LM và các bạn đang dự tuyển, chờ thần tài chấm trúng)

 

Có 10 bình luận về Thần tài gõ nhầm cửa

  1. PhuongNga nói:

    Đọc xong chiện nầy của anh Thế Điển, tui nhứt quyết không bao giờ trúng số độc đắc.  

     

    • Một Lúa nói:

      Chào Phương Nga,

      Tui cũng thường nói với bà xã: – Tui không có số (mệnh) trúng độc đắc, rủi có trúng thì cũng gôm bớt một con số, để tiền giải nhỏ lại. Ha ha

  2. NHA nói:

    Chuyện này của Một Lúa khiến tôi nhớ lại vài câu chuyện liên quan đến trúng số.

    Tiền thì ai cũng thích, nhưng đồng tiền chính mình tạo ra vẫn hơn. Có nhiều người cần cù làm ăn mà nghèo vẫn nghèo thì mơ ước chuyện trúng số để đổi đời và nếu trúng do mình mua vé …thì là chuyện không có gì đáng trách. Nhiều trường hợp trúng số không ngờ khi mua vé cho vui, mua giúp thì cũng chẳng có gì phải nói. Chớ tiền phi nghĩa hay tham lam là không hợp đạo lý, những vụ này … có thể “trời bất dung gian”.

    Với những người trúng số do vé số của mình, nếu không biết xài cho đúng chỗ, đúng cách thì là một tai họa. Có biết bao gia đình tan rả do tiền trúng số gây ra.

    Một tin tức tôi mới đọc,  xin kể sơ. Có một cặp vợ chồng nghèo nhưng hạnh phúc: vợ bán vé số, chồng hiền lành chịu khó làm thuê. Thần tài gỏ cửa cặp vợ chồng này bởi ba lần trúng độc đắc tiền triệu rồi tỷ vào nhà. Anh chồng trở chứng ăn chơi, vợ chịu không nỗi đành ly dị.

    Tin này các bạn có thể đọc tại:

     

    http://www.baocalitoday.com/vn/tin-tuc/viet-nam/mat-chong-sau-ngay-trung-doc-dac-tien-ty.html

     

    Từ lâu tôi cũng được nghe câu chuyện tếu vui như có người trúng số, sau đó vì mừng quá đốt nhà hay đốt áo, do quên phứt đi là cái vé trúng đang ở trong nhà hay trong áo nên thần tài biến trong ngọn lửa vô tình.

     

    Kết luận: Trúng số chưa hẳn là may mắn.

    • Một Lúa nói:

      Chào anh NHA,

      Hồi em còn ở ấp Năm, em nghe tin trên BBC. Hai vợ chồng người Việt ở Mỹ trúng Pick 6 hơn 2 triệu đô, không lâu thì họ ly dị.

      Bây giờ thì tin như vậy lừ trên net, thậm chí có người trúng số mà không còn mạng để hưởng.

      Em có một người quen đang ở VN, vợ chồng nó lúc nghèo thì hạnh phúc. Đến lúc trúng đất tiền tỷ thì sinh ra chuyện rồi ly dị.

      Thành ra em không dám khấn xin thần tài: – Ông cho tôi trúng số, tôi sẽ chơi đẹp cho ông coi. Hì hì

      Cám ơn anh đọc và bình luận

      Chúc anh chị vui khỏe

      Lúa

  3. Nguyễn Văn Lần nói:

    Ông Điển ơi ! Viết bài đọc còn hay hơn người đáng sống ở Thị trấn Tam Bình, những địa danh trong bài viết, đọc mới thấy giật mình, tài thiệt, nhớ rõ từng chi tiết. Còn chuyện mua vé số, thì tui và Tư Kiệt ngày nào cũng có 1 vé ( 10.000 đ), vị chi mỗi tháng 300.000 đ ( để mỗi ngày có hồi hộp cho vui ), nhưng trễ lắm là 2 ngày dò kết quả, không như ông để dành cho cháu dò, rồi mới có chuyện Tái ông thất mã ! Còn người bán vé số, còn người mua vé số, là bà con anh em mình còn nghèo. Đúng không ?

    • Một Lúa nói:

      Chào anh Lần,

      Hỗm nay anh có viết bài nào về Tam Bình chưa. Hay là rảnh rổi, tui với anh hùn viết một bài nghen.

      Hôm trước tôi có viết một bài “Người em xóm chợ”. Bài viết về thời kỳ mình còn đi học, tui vì muốn  mấy thằng bạn lối xóm Chùa không  chọc phá bạn mình ở xóm Chợ mỗi ngày đi học ngang đó. Lý do muốn làm cao bồi vườn  khiến tui một lần uýnh lộn. Rồi cũng một lần vì ngó lâu dãy bàn bên phải mà tui và thằng Ngộ (bây giờ là thầy à nghen) quần áo dính mực tùm lum.

      Bản thảo bài đó tui gởi cho người em xóm chợ ý kiến ra sao. Cô ấy nói tui hư cấu nhiều quá, nếu viết nhẹ lại mới cho đăng bài. (Nhà cũ người đó hình như rất gần anh hiện nay)

      Có dịp anh nên viết về Tam Bình hoặc có thể anh tổng hợp con người và sự kiện xưa nay ở đó. Chẳng hạn như cầu Gió Bay là do ba vợ của tui đốn dừa và sao vườn, họp dân xốc trụ, xin vĩ sắt lót phi đạo lót mặt cầu. Nhờ đó mà trai gái hai thôn dễ dàng qua lại gặp nhau (câu nầy hình như thuổng ở đâu). Bây giờ cây cầu đó đã trở thành cầu đúc xe chạy ngon lành nhưng trong tâm tư nhiều người vẫn còn ấn tượng:

       

      Em bước trên cầu trong chiều tắt nắng

      Tà áo em bay mà anh thấy sáng rực buổi hoàng hôn…..

      Ha ha

       

      Chúc anh và gia đình và bè bạn luôn vui khỏe, Lúa.

  4. Phi Rom nói:

    Một Lúa à! bàn tới ông Thần Tài là chuyện dài nhiều tập không sao kể hết, theo PR, người có số may mắn, đương nhiên ổng đến viếng, mua số không cần chọn, còn nhiều trường hợp ngẫu nhiên không thể nào giải thích được, PR đã từng nằm mơ và đánh số đó trúng, chỉ một lần duy nhất trong đời, dân gian hay nói, phụ nữ mang thai nằm mơ linh lắm vì có tới 4 mắt, nhưng tin quá mà theo thì tán gia bại sản không hay,… PR cũng mua số, mua  chỉ để vui thôi, biết mình chẳng bao giờ thành tỷ phú, vì PR đi xem bói, ổng nói số PR ở nhà cây, tiền thì đủ ăn, đủ xài, không thiếu nợ, như vậy PR cũng an tâm và mãn nguyện rồi…hì hì…

    • Một Lúa nói:

      Chào Phi Rom,

      Cám ơn bức hình nghệ thuật “Hai người đẹp trao đổi vận may”.

      Nhưng chuyện xưa của Lúa buồn quá, xin lỗi nghen.

      Nếu Phi Rom tin số mình không thể cầm trong tay bạc tỷ. Phi Rom e ngại mình cầm bạc tỷ thì sanh chuyện.

      Rủi PR  trúng một tỷ rưỡi thì tui hiến kế nầy:

      – Lúc đó Phi Rom tìm một người thân nào gần nhất, tặng hắn 510 triệu. Như vậy PR chỉ còn trong tay 990 triệu. Phi Rom không sợ Táo quân quở phạt tội “giàu vượt số”, không phải vượt lên chính mình à nghen. Ha ha

       

  5. Hue Dang nói:

    Huệ thì khác nha, cứ mong cầu trúng độc đắc. Lần nào đi chợ cũng $1 MEGA. Mà không có lần nào trúng. Đứa con cằn nhằn ” không trúng mà Mẹ cứ mua hoài”  Hình như hơn 2 tháng trước, lô độc đắc của Mega lên đến 600 mấy triệu. Mừng quá nói thầm trong bụng ” Lạy trời cho con trúng”. Rồi cũng thua, giải thắng này lại cùng rơi vào  tay 2 người, trong đó có 1 người là Việt Nam. Ông tuyên bố nghỉ làm đi du lịch chơi. Bây giờ tui mới khám phá ra, cứ mỗi lần mua giấy số tui cứ lẫm nhẫm ” Nam mô Phật cho con trúng độc đắc”. chắc vậy mà không trúng. Nhưng nếu ai hỏi thích gì tui sẽ nói thích trúng độc đắc.

  6. Một Lúa nói:

    Muốn trúng số mà nhờ Phật giúp hộ thì gõ lộn cửa rồi Đặng Huệ ơi.

    Đặng Huệ chịu khó xem bài “Mùng 10, Ta Cúng Thần Tài”. Rồi chép lời van vái mẫu mực của ĐKP.

    Chúc may mắn

     

Trả lời Phi Rom Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác