Người Hoa đồng bằng sông Cửu Long ăn tết

Ngày đăng: 30/01/2014 08:54:39 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Người Hoa ở Việt Nam có nguồn gốc từ một số địa phương của Trung Quốc, đa số là nhóm di thần nhà Minh (Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch, Trần Thượng xuyên ở miền Đông Nam bộ và Mạc Cửu ở Hà Tiên, Kiên Giang) với mưu đồ “phản Thanh phục Minh”. Nhưng tấm lòng trung quân ái quốc của họ rồi cũng dần bị lớp bụi thời gian phủ mờ và họ trở thành một bộ phận gắn bó máu thịt với cộng đồng người Việt trên quê hương mới.

          Người Hoa ở Việt Nam có 5 bang: Quảng, Tiều, Hẹ, Phúc Kiến và Hải Nam. Nhưng đông nhất là 2 bang Quảng (Quảng Đông) và Tiều (Triều Châu). Người Quảng phần lớn là thương gia, mở tiệm nước – nhà hàng ở các thị xã, thành phố lớn. Còn số đông người Tiều thì ngụ cư ở bất cứ nơi nào có thể, đặc biệt họ sống chan hòa với cộng đồng người Việt, Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu thu mua lúa gạo, bán hàng xén, trồng rẫy, lấy vợ người Khmer, hòa nhập cùng lễ tục của cộng đồng.

          Mỗi năm, cứ vào dịp gió bấc lao rao thổi, trong ba tuần lễ đầu tháng Chạp, người Tiều bắt đầu ăn Tết Nguyên đán. Mỗi gia đình chọn một ngày thuận tiện để làm lễ tạ ơn thần, cầu an, cầu phước tại chùa hoặc tại nhà. Lễ vật không thể thiếu trong ngày này của họ là bánh hồng đào. Bánh hồng đào còn có tên gọi bánh lá liễu hoặc bánh ba góc. Đây là loại bánh được cách điệu từ quả đào tiên theo quan niệm của người Trung Quốc vốn tượng trưng cho sự trường thọ. Bánh gồm 2 phần: da bánh làm bằng bột há cảo trộn bột nếp nhồi nước sôi pha vài giọt phẩm đỏ để có màu hồng đẹp mắt. Bột ngắt từng viên, cán mỏng. Nhưn bánh gồm thịt nạc dăm, tôm khô, nấm đông cô, đậu phộng, tất cả xắt nhỏ, ướp thấm gia vị rồi xào cho thơm. Nhưn bánh hấp chín để nguội, đặt lên miếng bột cán mỏng, túm mép vo tròn lại, nhận vào khuôn đã thoa sẵn dầu ăn. Gõ khuôn, bánh rơi ra, mặt bánh hiện chữ Thọ trên nền hoa văn đẹp đẽ. Sau cùng đem bánh hấp lại chừng 15 phút. Tuy nhiên, trước khi ăn, người ta thường chiên bánh để có cảm giác giòn xốp mà dẻo thơm của da bánh. Bánh hồng đào còn được làm nhưn ngọt (đậu xanh hoặc dừa nạo với đường cát trắng). Loại này vỏ bánh màu trắng, dùng để cúng trả lễ, tạ ơn hoặc mừng thọ.

Ngày Đông chí, người Tiều nấu nồi chè xôi nước. Cúng xong, cả nhà xúm xít ngồi ăn, gọi là “ăn ỷ” “chịu tuổi”, mừng năm mới. Trong ngày này, các cháu bé còn thích thú được ăn món “câu lâu chí” bằng làm nếp xay nấu chín, quết thật nhuyễn, viên từng viên cỡ đầu ngón tay cái, thấm dầu ăn, sắp vào dĩa rồi rắc đậu phộng rang đâm sơ, chan nước đường sền sệt. Cái thứ bánh ngọt đường, ngọt tinh bột, béo giòn đậu phộng ấy cứ quến chân răng khi nhai. Càng nhai càng thích, nhưng thích nhất vì mỗi năm chỉ được ăn một lần vào dịp này.

Cũng được ăn duy nhất một lần trong năm, ngày 24 tháng Chạp âm lịch (không phải vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch như người Kinh) đưa ông Táo về Trời, người Tiều làm bánh củ cải cúng. Bánh được làm bằng hỗn hợp củ cải trắng mài thành sợi trộn bột gạo nhồi nước cốt dừa, hòa đậu phộng luộc chín, tôm khô ngâm nở, thịt nạc xắt viên, cần tàu xắt khúc xào trên chảo lửa đến khi nặng tay thì cho vo xửng, rắc các nguyên liệu trên đã chừa lại làm mặt rồi đem hấp. Bánh chín, ăn nóng đã ngon, ăn nguội hấp dẫn, thậm chí để qua đêm xắt lát đem chiên ăn lại càng tuyệt. Là một dân tộc theo đạo Phật, họ còn làm bánh củ cải ngọt với đậu phộng, cần tàu và đường. Bánh này ăn ngon không kém vì lạ miệng, lại rất được các cháu bé ưa thích nhờ vị ngọt. Theo Toan Ánh, xưa kia, người Hoa thường có tục hối lộ ông Táo bằng cách khi hóa vàng thì đốt thêm gói kẹo để ông lên trời tâu toàn những lời dịu ngọt, che bớt tội lỗi cho họ. Bởi, theo Toan Ánh, ông Táo có nhiệm vụ thiêng liêng ghi chép tất cả mọi việc tốt xấu xảy ra trong một gia đình.

Cũng như người Việt, người Tiều, Tết nào người Quảng cũng làm dưa cải. Đặc biệt họ còn mua cải “tùa xại” về phơi khô để dành dùng dần. Mỗi khi muốn ăn, họ chỉ cần đem cải khô rửa sạch rồi cho vào nồi thịt kho hay cá kho. Ngoài việc tăng thêm hương vị cho món kho truyền thống, cải khô còn nhằm làm giảm chất béo của thịt mỡ, bán mùi tanh của cá. Để ăn dài ngày như cải khô, người Tiều làm lạp xưởng, thịt khìa hoặc phá lấu. Ăn Tết, trong khi người Quảng cử thịt vịt vì sợ tiếng kêu “cạp cạp” của nó khiến quanh năm làm ăn không khá, chỉ biết “cạp quẩn cạp quanh” thì người Tiều lại thích làm món vịt ram như thứ đồ khô ăn dần. Vịt lựa con mập, lớn, đem luộc rồi chặt từng miếng vừa ăn, ram trong chảo mỡ sôi. Khi mỡ rút vào thịt vịt thì nhắc xuống, rắc muối hột, xốc đều, để nguội, cho vô thố lớn. Nước luộc vịt được tận dụng nấu xôi ăn với vịt ram tưởng không gì khoái khẩu bằng.

        Bài và ảnh  Phù Sa Lộc

 

                                                 Bánh hồng đào

  Bánh củ cải

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác