LAN MAN TUỔI GIÀ

Ngày đăng: 12/11/2013 05:06:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

  Khi người ta nói tới tuổi già, thường là lúc người ta đã bước vào tuổi già! Con người sinh ra, lớn lên, rồi già đi, cuối cùng thì chết và biến mất trong thế gian nầy. Đó là luật tạo hoá, là lẽ tất nhiên của tiến trình trong vạn vật, muôn loài không ai có thể đi ra ngoài cái định luật đó. Bước vào tuổi già người ta bắt đầu nghĩ về con đường sẽ đi tới…và người ta lan man nghĩ về nó!

         Hồi đó, trong ký ức của tôi, lúc còn còn là cậu bé nhỏ sống ở một vùng quê ở đồng bằng sông Cửu Long. Tôi thấy mọi người chung quanh làng xóm nơi tôi ở, khi bước vào tuổi 50 là lộ vẻ yếu ớt, lụm cụm. Có lẻ cuộc sống vào thời đó thiếu thốn, làm việc cật lực, vất vã quá cho nên người ta trông mau già đi. Lúc còn nhỏ tôi cũng được nghe “Tam thập nhi lập, tứ thập bất hoặc, ngủ thập tri thiên mạng”. Tới 50 tuổi cuộc đời coi như an bày có sao hưởng vậy, không còn mong phấn đấu nữa và người ta sống vào thời kỳ dưỡng già. Người sống được 60 vội ăn mừng tuổi thọ lục tuần, 70 tuổi ăn cái lễ thượng thọ. Chế độ hưu trí thời đó cũng chỉ ở cái tuổi 55. Ở Việt Nam hiện nay vẩn còn giữ mức tuổi cho về hưu là 60 tuổi. Khác với các nước phương Tây như nước Mỹ hiện nay tuổi hưu là 65 và cứ tăng thêm 2 tháng theo từng năm sau. Ấy mới thấy hai mãnh đời hai nơi khác nhau thật nhiều!

        Hồi đó người miền quê, người ta lập gia đình rất sớm, trai 16, 17 thì mẹ cha lo ngắm nghé kiếm người mối mai làm xuôi, con gái cũng vậy, gia đình cũng muốn có chỗ để gả đi. Người ta lo cưới gả là lo kiếm người lo phụ việc cho gia đình. Người buôn bán thì có người phụ đở đần công việc làm ăn hoặc nấu nướng việc nhà. Người làm ruộng, có thêm người cày cấy. Người làm vườn tược thì có thêm người lo dọn cỏ, bón phân. Ở vào tuổi 50 là có con đàn cháu đống và người ta lo phân bố công chuyện cho mấy đứa con lớn, từ từ lo chia sản nghiệp cho từng đứa có gia đình và rút vào vai vế cố vấn hoặc vả chỉ hụ hợ với con cháu. Hồi đó sự chia  của cãi cho con cháu là quyền của ông bà cha mẹ ít khi nghe ai phiền hà gì chuyện nầy, mà có muốn phiền hà gì đó cũng chỉ rên rỉ chứ không ai kiện tụng gì cả “Của tao để lại, tao muốn làm gì thì làm!” Cái tập tục thời trước, người cha là chủ gia đình, cho nên quyền quyết định mọi chuyện điều do người cha, hoặc người được gia chủ giao trách nhiệm, chẵng hạng như đứa con cả trong gia đình.

    Cha mẹ già thường ở với đứa con lớn .“Quyền huynh thế phụ” là thế tục của bậc đàn anh dìu dắt, lo toan mọi việc với cha mẹ và dỉ nhiên cái tính quảng đại công bằng trong nhà được sự giám sát của người cha, người mẹ. Cái nếp sống đó có tự ngàn xưa như vậy cứ tuần tự noi theo. Người già, con ruột, con dâu, cháu chắt cùng chung sống trong một đại gia đình. Mọi người tuân thủ theo cái nếp “Kính lão đắc thọ”, nhất là kính ông bà cha mẹ của mình. Cho nên cái tuổi già được an cư hạnh phúc vô cùng. Khi cần làm một điều gì đó, thì người cha chỉ ra lệnh là con cháu trong nhà râm rấp thực hiện. Đôi khi thấy cha mẹ già lom khom định làm một việc gì đó thì con cháu chạy lại dành lấy để làm thay “ba ngồi nghĩ đi để mấy sấp nhỏ nó làm” hoặc “để con làm cho”.

         Sáng sớm con dâu nấu nước pha trà sẳn cho cha chồng, hoặc con dâu quá bận rộn thì người lớn tuổi thường hay dậy sớm và tự lo cho mình. Có người tìm ra thú vui “Trà Đạo” cũng muốn tự mình lo việc nấu nước pha trà cho đúng điệu. Ngồi nhâm nhi tách trà thơm buổi sáng sớm, khi sương mai còn trùm phủ đó đây trên những cánh đồng lúa, hoặc la đà trên mấy nhánh cây trước nhà. Mặt trời đã hừng hững, một chút hồng ưng ửng ở phương đông, tiếng gà gái muộn còn rời rạc đó đây, tiếng đàn gà cúc cúc đàn con ríu rít ra sân, con heo ủn ỉn sau hè. Hớp một ngụm trà đậm, rít một hơi thuốc Gò-Vấp, nhã khói từ từ. Mắt lim dim nhìn khói bay tõa trong sương mai, lòng lâng lâng nhẹ hẩng như mây bay lên trời. Ôi thú vị và thơi thới tâm hồn làm sao! Có gì đâu để lo âu. Có gì đâu hậm hực. Có gì đâu gắp rút…!

            -Anh Tám ơi! Ghé uống vài hớp trà anh ơi!

           Người bạn già lối xóm đi ngang qua nhà ghé lại, hai người ngồi uống trà nói chuyện mùa màng, tin tức làng xóm, đôi khi vài ba câu chuyện thời cuộc trong nước hoặc đâu đó trên thế giới mới nghe từ máy Radio hôm qua. Hai người bạn nói nghe chơi chứ không mấy quan tâm nhiều đến mấy chuyện nầy. Đôi lúc họ nhắc nhở nhau về các ngày đình đám, hội hè trong làng, trong xóm. Câu chuyện hai người râm rang rỉ rả…với mấy tuần trà quạo* (trà đậm)

          Lùi xa hơn tí nửa, ở vào cái thời hưởng nhàn của Nguyễn Công Trứ, của Nguyễn Khuyến ta mới thấy các cụ ngày xưa thanh thản an nhàn tự tại là dường nào! Khi vào tuổi về già thì lo hưởng nhàn. Các cụ sắp xếp cho mình một chương trình hưởng nhàn thú vị, thanh tao, trút bõ hết sự đời qua một bên chỉ biết tiêu dao cùng sông nước mây trôi. “Nầy suối giãi hoang, nầy am Phật tích, nầy động tuyết huynh, nhát trông lên ai khéo vẽ hình đá ngủ sắc long lanh như gấm dệt…” (Chu Mạnh Trinh)

          Tiến trình an hưởng của tuổi già theo đà tiến triển xã hội dần dà bị mất đi theo tỷ lệ nghịch, cái nầy tiến thì cái kia bị thoái. Càng văn minh vật chất, càng làm đời sống con người quay nhanh theo dòng xoáy của nó. Con người nhờ khoa học văn minh được sống khỏe hơn, lâu hơn nhưng càng bận bịụ với cuộc sống nhiều hơn, và phát sinh nhiều thứ cũng văn minh…kiểu cập nhật theo nhu cầu của cuộc sống ?! Người Việt trong nước cũng như người Việt sống tha hương khắp năm châu về già đa phần đều buồn bã…Ngoại trừ các cụ già trưởng giã thời đại: Nhờ quyền thế tham nhũng phất giàu bạc triệu đô la. Nhà tư bản mới, nhờ làm ăn khéo léo móc ngoặc phát tài bạc tỷ. Một ông nông dân chân đất, chân phèn nhờ thửa ruộng bán cho giới đầu tư nước ngoài xây nhà máy, bổng chốc tay cầm bạc tỳ…!Nên nẩy sinh nhiều chuyện quái đản….Trong suy nghĩ lan man nầy, tôi xin nói về chuyện ở nước ngoài.

         Hồi mới sang Mỹ, tuổi còn sồn sồn với đám con thơ dại, người cha, người mẹ chúi mũi đi làm để lo cho đàn con học hành. Họ dốc hết tâm lực để đáp ứng mọi điều kiện cho con mình thành đạt. Cái tâm lý “Tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão” còn trong tâm thức của họ. Họ không nghĩ đến hậu vận sau nầy như người bản xứ, như để tiền vào quỹ hưu bổng, ký thác vào trương mục tiết kiệm… Người bản xứ, họ chuẩn bị cho cuộc sống tự lo cho bản thân, không trông chờ vào con cháu. Người Việt mình thì ít ai nghĩ tới vì cái tâm lý nói  trên, hoặc vã có biết chăng cũng không có cơ hội đễ dành tiền như người bản xứ. Cái tâm lý hy sinh đời mình cho con cháu mạnh đến đổi họ chẳng mãi mai lo cho mình, tiền của dành dụm được bao nhiêu đều dốc hết cho con cái: mua nhà, mua xe, lo tiền ăn học…và họ chỉ còn lại tuổi già trống không với tiền trợ cấp của chính phủ vừa đủ để sinh hoạt.Tình cảnh người gia còn cam go hơn khi các con lập gia đình: sự chung đụng với con dâu, con rể, cháu chít lại nảy sanh nhiều tình cảnh vở khóc, vở cười cho người già. Bọn trẻ theo cách sống mới, hoặc học đòi theo cách sống mới của nước sở tại, mỗi khi lập gia đình xong thì muốn ra riêng, con cái có nghề nghiệp vững vàng một chút lại muốn sống riêng. Người nào có mua được căn nhà thì trước đó cũng muốn có nhiều phòng cho con cái ở. Với sự tuần tự ra đi của chúng, tuổi già còn lại bơ vơ nơi căn nhà rộng thênh thang. Mấy người bạn của tôi thường nói “Nhà rộng chỉ quanh quẩn với hai con khỉ già nhìn nhau”. Đó là nói người có nhà có cửa, số còn lại thì sống nương tựa với con cái thì còn lắm điều bi đát hơn. Có lúc thằng con nghe lời vợ nhằng nhì, như “Ông già anh lẫm cẫm ăn cơm đổ tháo, tiểu tiện làm bẩn bồn cầu. Anh nói ổng đừng hôn hít mấy đứa nhỏ nữa coi chừng lây bịnh”…Tuổi già lúc trở trời trở gió hay bị ho húng hắng chứ có bịnh hoạn gì cho cam! Thằng con thương cha cự lại với vợ, thì gia đình nó rối beng, nhà cửa lạnh tanh như nhà ma! Thằng con nghe lời vợ thì …cuối cùng chúng nó bàn:  Thôi để ba đi nhà dưỡng lão! hay mướn cho ba ở appartment low income (Căn chung cư dành cho người có đồng lương thấp).Tuổi già bắt đầu đi vào quạnh hiu nơi xó xỉnh đó. Người nào còn vợ, còn chồng thì còn nhìn nhau gạt lệ mà nói: “Thôi mình ơi! Ráng chịu biết làm sao bây giờ hở mình!

        Lúc còn ở trong nước, tôi có đọc một quyển sách dịch từ Anh ngữ, lâu quá tôi quên mất tựa. Quyển sách kể lại câu chuyện mà hồi đó tôi không tin, nhưng khi sang định cư ở Mỹ, tôi mới thấy thắm thía câu chuyện. Tôi xin được tóm tắt như sau:

         Trong ngày sinh nhựt của một người cha đang ở trại dưỡng lão, đứa con trai mang xe tới rước ông về nhà để làm một buổi lể mừng sinh nhựt cho ông, có mời khách và những người thân tham dự. Trên đường lái xe đưa ông về, đến một đoạn đường ông nhìn qua khung kiến của cửa xe thấy cảnh vật thân quen, lòng xúc động vô cùng. Bất chợt ông nhìn thấy một người ngồi sửa giày ở vệ đường, ông nói thầm “Ồ đúng rồi! đây là ông bạn trẻ yêu mến của ta năm nào” Ông bảo thằng con dừng xe lại cho ông xuống nói chuyện với người bạn và ông sẽ về nhà sau mươi phút. Thằng con chìều ý cha và nói: “ Chỉ mươi phút thôi nha, tôi về nhà trước và sẽ trở lại ngay”. Ông đến gần người bạn cách khoãng vài mét, ông bạn nhận ngay ra ông. Hai người ôm nhau mừng rở. Họ ngồi và nói chuyện với nhau bằng muôn vàn kỷ niệm mà họ có cách nay mấy năm, lúc ông còn ở căn nhà, gần đây thôi, đi bộ cũng chỉ vài phút. Dĩ nhiên câu chuyện nói hoài không dứt vì họ có quá nhiều kỷ niệm trên đoạn đường nầy, trong gốc quán cafê gần ngã tư đường. Người con đến dục ông lên xe để đưa ông về. Hai người ôm nhau và chia tay trong quyến luyến, xe chạy mút xa mà ông vẫn còn ngoái đầu lại nhìn người bạn đứng vẩy tay. Về đến nhà , ông chào hỏi mọi người và xin được vào phòng tắm rửa mặt mũi. Ông đi chầm chậm nhìn quanh, nhìn quất căn nhà thân yêu của mình, lòng xao xuyến như bắt gặp lại muôn điều ở đây. Ông vào phòng tắm, mỡ vòi nước vào bồn, ông thử lại độ ấm, ông bước vào và nằm ngâm mình trong đó. Ông nhìn lên khoảng trần, ông nhìn chung quanh phòng, một ký ức xa xôi hiện về. Ông nhớ hồi đó hai vợ chồng ông mới cưới nhau còn ở nhà mướn trong một khu chung cư, hai người cùng đi làm cật lực, gom góp được được một số tiền và mua căn nhà nầy sau gần 4 năm tiết kiệm. Lúc mới dọn vô nhà nầy thì thằng con lớn của ông mới hai tuổi. Hai vợ chồng cùng đi lo mua sắm từng cái bàn, cái ghế. Họ lo xắp đặt cái bàn chỗ nầy, cái tủ chỗ kia. Họ sung sướng ôm hôn nhau vì đây là căn nhà đầu tiên trong đời họ và họ nghĩ từ nay thằng con của họ sẽ có phòng riêng và họ muốn sẽ có thêm ít nhứt là hai đứa con nữa. Họ sẽ sống mãn đời mãn kiếp ở đây. Hình ảnh thằng con chạy đùa, hình ảnh người vợ thương yêu của ông đang lo bữa ăn cho gia đình và biết bao hình ảnh ấm êm khác trong căn nhà nầy hiện về. Ông nằm đó mơ màng mà quên vặn tắt cái vòi nước đang tiếp tục chảy ngập đến mủi ông, nước tràn ra ngoài, thằng con và mọi người đập cửa xong vào. Ông nằm chết với nụ cười rạng rở trên môi. Ông đang ở trong một hồi tưỡng hạnh phúc tuyệt vời nơi chính căn nhà của ông. Ông đã mất nó từ khi ông bị đưa vào trại dưỡng lão. (còn tiếp)

Huỳnh Tâm Hoài

 

         

Có 1 bình luận về LAN MAN TUỔI GIÀ

  1. ngocthusa nói:

    Gửi anh Tam Hoai !!! doc het bài Lan man tuổi già của anh, e chot thay một nổi buồn man mac , khg biết  mình ngày sau có rơi vào số phận như bài viết  không ? còn phải chờ xem  minh có vụng đường tu không ? Mong được đoc những bài văn hay  kế tiếp của anh !!! <Ngoc thu> 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác