Cây sen

Ngày đăng: 20/11/2013 07:52:32 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

         

Sen là một loại cây cọng, cọng sen to hơn chiếc đủa tre một chút, bên trong có 4,5 lỗ rỗng chạy dài theo cọng sen từ gốc lên đến đỉnh chổ chiếc lá xòe ra trên mặt nước hoặc nhô lên  mặt nước tùy theo nông cạn của lưu lượng nước theo hai mùa mưa nắng.  Sen thường thấy mọc trong hồ, ao, đầm hoặc bào.

 AO, HỒ SEN:

      Ao, hồ là một vùng đất trũng do người đào lấy đất đắp nền nhà, lớn nhỏ tùy theo cá thể hoặc tập thể , có khi người ta trồng sen, bông súng hoặc nhiều thứ rau  khác như rau diếp, rau muống mò om… “Chẳng tham ruộng cả ao liền, chỉ tham cái bút cái nghiêng anh đồ”. Có những ao người ta đào để lấy nước tưới tiêu  trên nương rẩy. Thường khi những ao nầy có nhiều cây cỏ mọc xen với các lọai rau hoang và bèo trôi. Cây sen mọc nhô cao tua tủa ở giửa ao. Ở Trà vinh có một cái ao lớn là  “AO BÀ OM”có người còn gọi la ao” VUÔNG” vì cái hình hơi vuông vuông của ao. Đây là thắng cảnh của đất Tràvinh. Sen mọc ở đây rất nhiều. Chung quanh ao là những cây dầu lớn  che bóng mát. Vì sống lâu năm đất phía gốc bị xoáy mòn, lòi ra những rể to nhiều hình dáng tự nhiên trông rất đẹp. Hồi nhỏ lúc còn học ở Trà vinh, bọn học trò chúng tôi thường hay đạp xe đạp lên ao chơi. Trường cũng thường hay tổ chức các buổi cắm trai ở đây vào các dịp hè.  Ao vuông cũng chứng kiến biết bao mối tình của bọn học sinh chúng tôi tại đây.                                                                                                                  

       Có nhiều gia đình ở phố thị người ta đào cái ao nhỏ, xây gạch hoặc đá trồng sen chơi cây cảnh.

ĐẦM SEN:

     Đầm là đầm lầy, là vùng đất bồi bởi phù sa thường khi là một vùng rộng lớn không sâu lắm, có chổ sâu tới ngực, có chỗ ngang đầu gối. Đầm thường thấy ở giữa đồng hoặc giữa ruộng. “Trong đầm gì đẹp bằng sen, lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng,  nhụy vàng bông trắng lá xanh, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

BÀO SEN:

    Tôi không hiểu rỏ Bào là gì, nên tra cuốn Việt NamTân tự điển của Thanh Nghị. Có rất nhiều định nghĩa. Nhưng có một định nghĩa mà tôi thấy gần nhứt: Bào là bao bọc. Ở Quận Cầu Ngang có một địa danh là Bào sen, Bào Cát. Có người còn gọi là Bầu. Qua vùng nầy tôi thấy đó là cái vùng trũng sâu, bề ngang chừng vài chục mét, bề dài khoảng cây số, chung quanh bàu là vùng đất  rẩy. Tôi đoán có lẻ nơi đây là vùng đất trũng. Người dân vùng nầy lấy đất vun bồi cho vùng canh tác, lâu dần thành cai ao to. Cái ao có hình bầu dục, có lẽ như vậy người ta gọi là bầu, về sau trại lại là bào chăng? Xin quí vi cao niên, hoặc thức giã biết rõ xin góp ý cho. Xin đa tạ. Hai bên bào nầy từ thuở nhỏ tôi thấy bao bọc là các nương rẫy. Người dân nơi đây trồng bắp, khoai, bí rợ, bí đao….Vùng Bào Cát thì lại ở thế đất cao hơn, cả vùng rộng lớn cũng có hình dáng bầu dục.Dưa Bào cát một thời ngon nhất tỉnh Tràvinh.

        Hồi nhỏ đi ngang qua nơi nầy tôi rất mê mẩn nhìn bào đầy sen nở, mùi hương dâng lên thơm phức. Bây giờ cái bào không biết có còn sen mọc như thuở xưa không? Và cái bào có còn không hay là đã biến mất?Một vùng kỷ niêm bổng dâng tràn trong tâm tưởng. Ôi một thời đã qua….!?

       Sen được người dân vùng quê xử dụng gần hết từ lá, bông, hạt, chỉ trừ cọng sen. Bông sen thường nở vào mùa xuân, qua mùa hè sen kết trái gọi là gương sen. Bên trong gương sen là những hạt sen. Gương sen để chín tới sẽ ngã từ màu xanh ra màu xám và hạt bên trong sẽ chắc cơm. Người ta tách hạt sen ra đem phơi khô để dành rang ăn. Rang hạt sen như rang hạt đậu phọng. Bắt cái chão to, cho đất cát vào, đun cho cát nóng, trộn hạt sen vào, dùng cái giá, có người gọi là cái xạng, xóc trộn cho đều tay đến khi nghe mùi thơm, bóc thử một hạt, lột cái vỏ cứng ở ngoài ra, đưa vào miệng  nhai thấy dẽo dẽo, dòn dòn là được. Hạt sen được đổ ra cái sàng. Sàng cho cát rõ ra còn lại hạt sen trong sàng. Để nguội hạt sen sẽ dòn rệu. Nhai nghe rơm rớp, dòn và béo. Nhai hạt nầy qua hạt khác không muốn thôi .

       Gần tết người ta dùng hạt sen làm mứt gọi là mứt sen. Hồi nhỏ dể gì ăn được mứt sen vì hạt sen đâu có nhiều, chỉ có những gia đình khá giả mới mua mức sen về ăn, còn đại đa số chỉ ăn mứt gừng, mứt bí, mứt khoai, mứt mẵng cầu……

       Bông sen chưa nở gọi là búp sen. Hồi còn nhỏ ở Trà Cú tôi thường đi chùa người Khơme vào những dịp hội hè. Tôi thấy người Khơme dùng những búp sen bẽ quập ra ngoài đôi ba cánh và cắm vào nùi rơm quấn tròn tô điễm thêm giấy cắt tam giác nhiều màu sắc trông thật rực rỡ. Người Khơme đội trên đầu hoặc bưng trên hai tay, đi vòng chùa chánh trong dip lể dâng bông vào tháng tư trong điệu ngũ âm dìu dặt.

      Nói đến búp sen tôi bổng nhớ lại câu chuyện đọc đâu đó trong sách. Hồi đó bên Tàu có tục lệ bó chân.Tục lệ nầy chỉ có trong hàng quí tộc giàu có.Hai bàn chân người được bó từ lúc còn nhỏ và chỉ khi lớn lên khi có chồng mới được mở ra. Hai bàn chân lúc nầy nhỏ và hồng như hai búp sen. Các thi sĩ, văn sĩ thời xưa thường ví bàn chân phụ nử đẹp là gót sen . “Gót sen khẽ động bên ngoài”. Cái tục lệ nầy được giãi thích là làm như vậy đễ phân biệt bàn chân người giàu có và hạng thứ dân nghèo hèn.Tướng đi của họ sẽ khoan thai nhẹ nhàng hơn. Có người giải thích có tính sex hơn, là khi bó chân  thường tạo cho phần hạ bộ của phụ nữ nở nang, đùi to, mong tròn. Khi ăn nằm với phụ nữ sẽ làm đàn ông khoái cãm hơn. Ngoài ra họ còn giải thích phụ nữ bó chân chĩ quanh quẩn trong nhà it đi xa, họ muốn phụ nữ chỉ dành cho riêng họ và chắc ít bị cắm sừnghơn. Cái tục  bên Tàu xem phụ nữ như là công cụ để thỏa mãn tình dục và là cái máy sinh con đẻ cái cho họ nhà chồng. Bây giờ chắc tục lệ nầy không còn nửa.

     Bông sen còn được người ta dùng để ướp trà, gọi là trà sen. Ngày xưa người ta ướp trà sen rất công phu. Ban chiều chóng xuồng trên hồ sen hoặc đằm sen. Người ta mở từng búp sen và bỏ từng nhúm trà vào bên trong. Ban đêm sen nở từ từ, cho đến sáng mùi hương từ các nhụy sen thấm vào trong nhúm trà. Sáng sớm lúc mặt trời lên, bông sen nở, người ta lại chóng, chèo xuồng đi thu từng nhúm trà đem về cất trong cái bình đậy kín. Khi cần uống trà thì lấy một nhúm nhỏ cho vào bình, chế nước thật xôi vào. Ngồi uống từng ngụm nhỏ. Phao phao trong miệng. Ngòn ngọt trong cỗ họng. Mùi thơm ngào ngạt của hương sen dâng lên mũi. Rít một hơi thuốc rê Gò vắp. Người thưởng thức lim dim đôi mắt nhìn khói quyện trong sương mai của một vùng đất quê hương thanh bình. 

                 

    Sau nầy vì công nghệ hóa, trà sen được làm với kỹ thuật ướp đại trà. Người ta dùng nhụy sen khô trộn với trà đem xấy trong cái chảo to, góí thành những gói bánh ú, hay to hơn cở nửa kí hay một kí, đem bán khắp các chợ.Trà uống cũng có mùi sen nhưng chắc chắn không ngon bằng cách ướp như đã nói ở trên.

    Lá sen dùng để gói đồ ăn, bánh trái. Sau nầy các đầu bếp còn chế ra các món ăn như cơm gói lá sen, cá hắp lá sen, ăn cũng thấy lạ và ngon miệng.

    Ngó sen thì được các bà nội trợ hay những tay đầu bếp cắt đoạn, chẻ sợi bóp gỏi với thịt ba chỉ họăc tép luột lột vỏ, rắc thêm mớ rau thơm sắc nhỏ. Gắp một đủa gõi, chấm vào chén nước mắm chanh ớt cai xè, đưa vào miệng nhai chằm chậm, hớp thêm một ly rượu đế, khà .. khà ….Ôi chà… nó hấp dẫn vô cùng….!!!

 

                                                         “Trong đầm gì đẹp bằng sen

Gần bùng mà chẵng hôi tanh mùi bùn”

Nhụy vàng ướp cánh trà ngon

Nước xanh, giọt ngát hương thơm dạt dào

Ngày rằm, giổ lê đi chùa

Dâng bông cúng phật xin bùa cầu duyên

“Trong đầm gì đẹp bằng sen”

Trưa nào em gái đứng men bên đầm

Thò tay bức ngó sen nòng

Thấy anh chưa vợ bó vòng ngó sen

Tặng mẹ làm gỏi tép ngon

Dầm thêm chén ớt thành duyên vợ chồng

Ngày ngày dâng bát trà nồng

Cha khen mẹ quí thêm chồng chìu cưng

“Trong đầm gì đẹp bằng sen”

 

        Huỳnh Tâm Hoài

 

 

Có 1 bình luận về Cây sen

  1. Nguyễntuyết nói:

    Lá sen đẹp và bông sen cũng đẹp, gần nơi NT sống , có 1 nhà người Việt trồng sen trong bồn  đẹp lắm , NT trầm trồ ngắm xem mỗi khi có dịp đi tập thể dục , tản bộ ghé ngang, NT cố ý dừng lâu lâu , nhưng hình như không có ai ở nhà,  mấy hôm rày , NT vưà đi ngang thấy lá trong bồn sen và hoa sen  tơi tả , dường như không có ai chăm sóc , NT cảm thấy rất là đau lòng , vì NT ước ao  có được 1 nhánh sen thật để trồng, nhà đóng cưả , then gài , im thinh thít, chẳng hiểu người ơi , người đã đi đâu mất rồi , mong người trở lại để sen không tàn!!! hi hi .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác