Tản mạn về câu hát ru em (kỳ 1)

Ngày đăng: 21/09/2013 07:29:32 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

Ca dao tục ngữ đã ăn sâu vào lòng mỗi người, dính liền trên sách vở, bởi đó là tinh hoa đạo lý của dân tộc, thể hiện tập quán và trãi nghiệm về môi trường và cuộc sống hàng ngày của ông bà ta từ thuở xa xưa.

        Câu hát ru em thường là những lời tình tự hay thở than mộc mạc được truyền miệng từ đời nầy qua đời khác trên làng xóm sung túc đông vui, hoặc trong những chòi tranh siêu vẹo đơn độc giữa đồng. Vần điệu ru em đa phần có âm hưởng buồn bả, lời ca đu đưa giữa những buổi trưa nắng vàng im lìm uể oải. 

        Bài viết nầy nhằm giới thiệu một phần nào đó đời sống tinh thần của dân cư sinh sống trên ruộng vườn, thừa hưởng cá mắm khoai thóc từ nguồn sóng nước phù sa màu mỡ của dòng Cữu Long. Vì chỉ lục tìm nhặt nhạnh trong ký ức của thành viên gia đình và sự hiểu biết quanh quẩn địa phuơng nên có rất nhiều thiếu sót. Nhất là không thể tìm hiểu ngọn nguồn gốc tích của từng câu hát nên dễ sanh ra tam sao thất bổn, hoặc vô tình nhận lầm ca dao tục ngữ hay điệu hò ca cổ dân gian. 
        Cũng có thể những câu ầu ơ ví dầu mà mục đích dùng lời hát ngân nga chỉ để ru em ngủ ngon chóng lớn, cho cha mẹ của chúng có chút thì giờ rảnh tay chẻ củi nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, vá may quần áo, đan đát thúng mủn rổ rá. Tuy ý nghĩa các câu hát ru hầu như không còn hợp lý trong thế thời hiện tại, nhưng ít nhiều những tình cảm quê mùa thân thiết vẫn còn tồn đọng trong tâm tưởng những người lớn lên ở đó như một kỷ niệm ấu thơ. 
        Mời các bạn trở lại thăm một vùng thôn quê miền Nam nước Việt vào khoảng thời gian êm đềm, cách nay hơn nửa thế kỷ, qua những câu hát ru em.
 

        “Mẹ mong gã thiếp về vườn

         Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh”   

      

                “Ví dầu cầu ván đóng đinh

         Cầu tre lắt lẽo gập ghềnh khó đi

         Khó đi mẹ dẫn con đi

         Con đi trường học, mẹ đi trường đời”

        “Gió đưa gió đẩy, về rẩy ăn còng

          Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”

        “Chim quyên xuống đất ăn trùng

         Anh hùng lỡ vận, lên rừng đốt than”

        “Rượu lưu ly, chân anh quỳ tay anh rót

         Cha mẹ uống rồi, em dời gót theo anh”

 

 

                                                                       xox

Câu hát hò mà chép ra trên giấy thì chẳng khác việc xem hình một dĩa thức ăn, dù thấy có đẹp có sang nhưng làm sao mà thưởng thức hương vị thơm ngon của nó. Nếu bạn có dịp đi ngang một chòi tranh lúc giữa trưa có tiếng võng đưa kẽo kẹt, nghe được giọng một phụ nữ cất tiếng ru con bằng giọng hát trầm bổng ngắt dừng, bạn sẽ có cảm xúc của hồn quê. Bạn sẽ đồng cảm với những biểu lộ tình yêu trai gái, với lời dặn dò chờ nhau chung thủy, một biển thương nhớ mênh mông. Và những ước mơ thật là bình dị, những chìều chuộng bạn tình và chấp nhận cho mình số phận đơn sơ, thua thiệt. 

         “Lên xe nhường chỗ bạn ngồi

          Nhường nơi bạn dựa, nhường lời bạn trao”

        
         “Gió đẩy đưa rau dừa dung dịu

          Bởi anh thương nàng, bận bịu tới lui”


         “Ngó qua đám mạ ba gò

          Thấy cô gái nhỏ giữ bò anh thương”

 

Chàng trai làng đang làm công việc khai nước cho đám mạ lúa mùa, theo kỷ thuật nông nghiệp khi dọn nền gieo mạ phải kéo đất hai đường trũng thoát nước tránh cho mạ non ngập úng, thế đất hình thành đám mạ thành ba gò rõ rệt.

        
        “Đưa tay ngắt ngọn trầu lươn

         Bò em em giữ, anh thương cái nỗi gì”

 

Cô bé giữ bò cũng tỏ ra không kém cỏi, cô ngắt ngọn trầu lươn là chồi nhánh dây trầu mới mọc màu da lươn, chưa kịp bám vào thân trụ gỗ, ám chỉ anh chàng cũng còn non nớt lắm. Tình quê của họ có thể bắt đầu từ những nét đơn sơ như vậy. 

 

        “Chim chuyền nhành ớt, chim rớt bụi riềng

         Bấy lâu thương nhớ con bạn hiền

         Ngày nay gặp mặt mới kết nguyền phu thê”

 

        “Sông dài cá lội bặt tăm

         Phải duyên chồng vợ, ngàn năm vẫn chờ”

        “Ruộng ai thì nấy đắp bờ

         Duyên ai nấy gặp, đừng chờ uổng công”

        “Lên non tìm con chim lạ

         Ở chốn thị thành con chim chạ thiếu chi”

Chim chạ là con chim sống bầy đàn (chung chạ) như chim se sẽ v…v.

 

        “Lên non chọn đá thử vàng

         Vàng cân đúng lượng, mấy ngàn cũng mua”

 

        “Cây khô chết đứng giữa đồng

         Người dưng khác họ, đem lòng nhớ thương”

        “Thùng thùng cắt cắt

         Chim đậu sao anh không bắt, lại bắt chim bay

         Chim bay về núi tối rồi

         Sao không toan liệu mượn nồi nấu cơm”

Người con gái bóng gió oán trách chàng trai cứ ham thả mồi bắt bóng phí bỏ thì giờ, quên thực tế có sẵn một bên. Hình thức tỏ tình dễ thương của nữ giới như vầy rất hiếm hoi trong thời gian ấy.

 

        “Tay bưng dĩa thịt ít nạc nhiều xương

         Duyên nợ vấn vương nên anh lên xuống mòn đường

         Trách ai gieo mối can thường lênh đênh”

        “Cúc mọc dưới sông, kêu bằng cúc thủy

         Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ (Tho) cũng xa

         Anh viết thơ về thăm hết nội nhà

         Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em”

        “Gió đẩy đưa cho vừa lòng bạn

         Sông giang hà biết cạn hay sâu”

        “Gió đưa gió đẩy bông trang

         Bông búp về nàng, bông nở về anh”

 

        “Bước lên xe lửa, mở cửa chính từng

         Chỗ giàu sang thế mấy em cũng đừng

         Để bán buôn nuôi mẹ, cầm chừng đợi anh”

Đặt chỗ phòng riêng trên xe lửa là những người dư dả sang trọng.

Chàng trai nghèo đi phương xa tha thiết dặn dò người bạn gái, em đừng lộn lạc đến những nơi không phải của mình. Hãy kiên nhẫn chờ đợi ngày anh trở về cưới em.

 

        “Trắng như bông, mà lòng anh không chọn

         Đen như cục than hầm, mà lòng muốn dạ thương”

        “Cây đa trước miễu, ai biểu cây đa tàn

         Bao nhiêu lá rụng, anh thương nàng bấy nhiêu”

        “Áo vá vai vợ ai không biết

         Chớ áo vá quàng anh chí quyết vợ anh”

        “Tay bưng quả nếp lên chùa

         Thắp nhang lạy Phật xin bùa em đeo”

        “Trồng hường (hoa hồng) bẻ lá che hường  

         Nắng che mưa dỡ cho hường trổ bông”

        “Đi đâu cho đổ mồ hôi

         Chiếu trãi không ngồi, trầu đãi không ăn”

        “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

         Nhớ người áo trắng khăn điều vắt vai”


        “Ngó lên Châu Đốc, Vàm Nao

         Thấy buồm anh chạy như dao cắt lòng”

 

        “Anh về ngoài Huế lâu vô

         Vẽ bức tranh đồ để lại em xem”

        “Anh về để áo lại đây

         Để cho em đắp gió tây lạnh lùng

         Gió lạnh lùng, em cuốn mùng em đắp

         Để áo anh về đi học kẻo trưa”

        “Thương nhau trái ấu cũng tròn

         Ghét nhau trái bồ hòn cũng vuông”
  

        “Thương nhau nước đục cũng trong

         Ghét nhau nước chảy giửa dòng cũng dơ”

        “Thương nhau cau sáu bổ ba

         Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”

        “Quạ kêu nam đáo nữ phòng

         Người dưng khác họ, đem lòng nhớ thương”

        “Chim quyên ăn trái nhãn lồng

         Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”

        “Chim chuyền nhành ớt líu lo

         Mãn sầu con bạn, ốm o gầy mòn”

        “Râu tôm nấu với ruột bầu

         Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon”

        “Chồng chài vợ lưới con câu

         Vẩn vơ khúc vịnh, không giàu cũng đủ ăn”

        “Bước đi chân thẳng gối dùng

         Lạy cha với mẹ gởi cùng vợ con”

        “Đói lòng ăn đọt khổ qua

         Nuốt vô thời đắng, nhả ra con bạn cười”

        “Cưới vợ thì cưới liền tay

         Chớ để lâu ngày, thiên hạ dèm pha”

        “Chuối non vú ép chát ngầm

         Trai tơ đòi vợ khóc thầm ban đêm

         Khóc rồi má lại đánh thêm

         Vợ đâu mà cưới nửa đêm cho mầy”


         

                                                                      xox

 


Mỹ đức chung thủy thờ chồng là một những đức tính rất đáng tự hào của dân ta. Truyền thuyết đá Vọng phu vẫn trơ gan cùng mưa nắng. Và các gương chung thủy của phụ nữ Việt đã và đang bàng bạc khắp nơi.

        “Chiều nay em ra sông cái, tự ải cho rồi

         Sống làm chi biệt ly quân tử, thác cho rồi đặng chữ thủy chung”        


        “Chừng nào nước ngập lò vôi

         Bìm bìm đeo cọng cỏ chỉ, em mới thôi anh thợ hồ”

       

        “Vịt nằm bờ mía rỉa lông

         Cám cảnh thương chồng đi học đường xa

         Hỏi thăm mấy chú đắp bờ

         Đường đây lên Vãng (Vĩnh Long), mười giờ tới không”        


        “Trăm năm trăm tuổi, may rủi một chồng

         Dù ai thêu phụng vẻ rồng mặc ai”

        “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ

         Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu

         Anh về học lấy chữ nhu

         Chín trăng em đợi, mười thu em chờ”

        “Ba năm tang chế cho chàng

         Đầu dơ em gội, vòng vàng em đeo”

Người phụ nữ ngày xưa được giáo huấn đạo lý nho giáo trong việc chu toàn gia đình. Nếu chẳng may gặp cảnh chồng mất sớm, họ phải tự ép mình lo tang chế, để không khêu gợi thu hút đám ong bướm lượn lờ.


        “Tay cắt tay bao nỡ

         Ruột cắt ruột bao đành

         Chừng nào ông vua Trụ ăn ở hiền lành

         Trương Phi nguội tánh thì em mới đành bỏ anh


        “Quả năm ngăn trong lòng sơn đỏ

         Mấy lời to nhỏ con bạn bỏ sao đành

         Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành 
         Tàu Tây kia liệt máy, anh mới đành bỏ em.

               (còn tiếp)

                                                                                            Một Lúa

 

 

                                                                      


 

 

Có 4 bình luận về Tản mạn về câu hát ru em (kỳ 1)

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Xin bái phục ông bạn già. Đã cất công sưu tầm những câu ca dao, nếu không thì đàn cháu, chít,… chúng ta sau nầy sẽ quên mất. Công nầy để tui ghi cho !

  2. Một Lúa nói:

    Anh bạn giò thân mến,

    Bài viết hầu như lượm lặt từ những lời ru em trên làng xóm cù lao Tường Lễ, tui cố gắng loại ra các câu ca dao để theo chủ đề ru em đơn giản. Nếu có vơ lầm thì chẳng qua mình chưa phân biệt nỗi thôi.

    Sưu tầm lượm lặt mà được ghi công thì coi chừng bị quở.

    I “can” you, OK?

    • Hue nói:

      Ông Một Lúa,

      Đọc bài viết của Ông làm tui nhớ Má. Hồi đó, ở VN có buổi ngủ trưa. Trưa nào tui cũng giăng chiéc võng con phía trên” đi văng” Má nằm một bên, dâu nằm một bên, cháu ngủ trên võng. Tui cũng ầu ơ ru cho con ngủ. Má nói: Bây không thuộc bài gì hết, để má ru cho”. Bao nhiêu câu thơ Một Lúa viết Má tui đều thuộc hết và ru rất hay đến nổi  dâu ngủ trước cháu… Má hiền, không cằn nhằn gì hết, hay là Má trải lòng theo những điêu ru hời ….

      Cám ơn Ông Một Lúa, bài Ông viết là tui nhớ Má tui.

Trả lời Hue Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác