Nửa hồn thương đau

Ngày đăng: 1/09/2013 07:31:34 Sáng/ ý kiến phản hồi (11)

Năm 1980 mình trở về quê cũ, tái hội nhập vào làng xóm thân quen. Góp mặt đông vui với những thanh niên trạng tuổi khoảng từ cận nửa chừng xuân nối dài lên hàng tà tà xế bóng. Là nhóm người nhàn hạ thường xuyên xuất hiện khu vực chợ búa và các quán xá tại Thị trấn nhỏ xíu nầy. Cũng nghe phong phanh mình được bà con xếp vào hạng trung thủ giang hồ. Tuy chưa ai nói ra nhưng hình như trong lòng một số bạn bè có chút nể nang mình trong các bộ môn ăn chơi như thuốc lá cà phê rượu chè cờ thế.

         Không biết mình dùng chữ thành thị cho Thị trấn Tam Bình thời gian đó có chính xác hay không, chứ dùng một hình tròn đường kính chừng 800m trùm lên phố xá nhà ở dân cư, thì coi chừng ở nhiều góc rẻ quạt của nó tràn ra tới ruộng đồng, cá cua ếch nhái. Bởi “loanh quanh một lát cũng về chỗ cũ” mà dân Thị Trấn nầy hầu như biết tên và quen mặt, thậm chí người ta còn biết luôn những chuyện vặt vãnh của nhau từ tấm bé.

        Ba mình có người em họ, chú hai Nguyễn Thế Huợt làm chủ hai chiếc xe đò bến Tam Bình vào những năm 1958. Một chiếc chạy tuyến Vĩnh Long, chiếc kia chạy tuyến Cần Thơ. Chiều nào cũng vậy, chiếc xe do chú lái đậu nghĩ đêm trước lề lộ, lấn vào một phần sân đất trước cửa nhà mình. Trước khi chú tà tà thả bộ về nhà dùng cơm tối với thím hai cũng cách mấy căn, chú hay ngồi lại nhà ba má của mình độc ẩm vài ly bia lạnh. Rồi một buổi chiều đẹp trời, chú cao hứng:

        – Ê thằng “Khóc văn Điển”, lên đây uống rượu với tao.

        Lúc đó mình mê cái giọng nói rang rảng ồ ề và những chuyện xứ lạ đường xa hàng ngày của chú, nên không đợi tiếng kêu thứ hai thì đã nhảy phóc lên ghế trường kỷ ngồi sát bên thần tượng.

        Mỗi lần mình có dịp ôm chiếc ly cối dầy cui là hàng cò-măng từ bên Pháp, rê tới đâu má nhìn theo còn sợ bể. Huống chi chiều nay nó đựng đầy bia thì làm sao thằng nhóc 6 tuổi, ốm yếu lại có “gốc ban” thì làm sao bưng lên cho đặng. Vì vậy chú hai rót bia khoảng phân nửa cái ly mủ của thằng em mình dùng uống sữa đang để trên bàn. Không biết chú có ép hay do mình tự nguyện uống hết nửa ly bia, mà mình ngủ khò gục trên bàn và được ba bồng vào giường lúc nào không biết, bỏ luôn bữa cơm chiều đó. Rồi chắc là  ba má có nói chuyện gì với chú hai, mà tiếp theo những buổi chiều oi bức còn le lói ánh nắng vàng, mình không nghe chú rủ rê đối ẩm thêm lần nào nữa.

        Ba của tui không thích uống bia nhưng nghiện cà phê rất nặng. Ba phải nhờ chú thợ thiếc sửa lại miếng vĩ tròn để làm sao cái phin chứa cà phê bột được nhiều hơn. Có lẽ vì tiếc của đời nên sau khi ly cà phê đen thui đặc sánh của ba, má lại chế thêm nước sôi vào phin cho ly nước giảo của má. Có bữa má thấy thằng nhỏ nhóc mỏ tò vè, má tưởng tui thèm thuồng chi đó nên thuận tay chế thêm nước sôi vào phin cho cử giảo nhì. Công nhận cà phê bột ba mua ở đâu ngon thiệt, dù nước giảo trong se nâu nhạt mà nó vẫn thơm lừng. Thằng nhóc chưa kịp thưởng thức xong ly cà phê đắng đắng ngọt ngọt đầu đời thì ba thình lình đi xuống bếp, tự nhiên cao giọng với má:

        – Bà không nghe tui rầy chú hai, mà cho thằng nhỏ uống cà phê. Men rượu và các chất kích thích của trà, cà phê, thuốc lá hạn chế sự phát triển cơ thể và hủy hoại não bộ con nít. Bà muốn cho thân thể nó đẹt đèo, đầu óc chai ngắt thì lén tôi cho nó uống nhiều vào.

        Năm 16 tuổi thì mình rời mái ấm gia đình, má cứ căn dặn mãi: “Lên tỉnh, con đừng học hư các thói trà rượu cà phê thuốc lá, vừa hao tốn tiền bạc mà không tốt cho sức khỏe, nhớ lời ba má nghe con”.

        Mình lớn lên cùng thời với tình hình chiến sự ác liệt của đất nước. Thời kỳ mà một số đông vận mạng con người không do bản thân định đoạt. Trong hoàn cảnh nhiễu nhương đó, người ta thường  lấy men bia và khói thuốc để tạm quên hiện tại, khuây khỏa cho tương lai.

        Những người có trãi nghiệm với chiến chinh thường nói văn vẻ, mấy người đi trở lại, hay hào hùng như da ngựa bọc thây. Mình có may mắn trở về quê cũ với tấm thân lành lặn nhưng mang theo các bệnh nghiện của hầu như giới nam thanh niên thời đại đó.

        Mình không biết một tí về y học mà cứ ra quán là nghe bà con gặp nhau là than thở, riết rồi cũng phải thuộc lòng. Kiến thức vĩa hè giúp mình hiểu ra, tiểu đường loại 1 là do cơ thể không còn khả năng tạo ra chất hormone insuline. Tiểu đường loại 2 là bởi cơ thể tạo ra không đủ, quá dư hoặc sử dụng không đúng đắn chất insuline mà trời cho mỗi con người. Người cùng hoàn cảnh, chỉ cần nhắc sơ là biết ngay bài bản. Còn mình chưa biết cái quái insuline dùng để làm gì nên ráng tìm người dò hỏi. Lúc đó hiểu được phần nào, cơ thể con người quả là một nhà máy cực kỳ phức tạp và tinh vi. Nếu có bộ phận nào trục trặc thì có thể nhà máy đó chạy xịch lụi hoặc có khi phải đóng cửa tạm thời hay thiên thu không tái ngộ.

        Quý vị y bác sĩ ngoài thiên chức cứu nhân, còn có chức trách phòng bệnh độ thế. Vì vậy mà bà con thiên hạ mới phong họ mỹ danh, lương y như từ mẫu. Trong các lần hỏi đáp giữa bệnh nhân và bác sĩ, tiểu đường là một căn bệnh gây tử vong khoảng 75 người trên 100.000 dân chúng Mỹ hằng năm. Nó cũng có thể gây ra những thương tật vĩnh viễn cho cơ thể như tim mạch, nhồi máu cơ tim, mù lòa, suy thận, suy nhược thần kinh và hoại tử chân tay.

        Tiểu đường loại 1: bệnh phát triển đột ngột với các triệu chứng: mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều lần, thường xuyên đói bụng, giảm cân, nhìn không rõ, hoa mắt. Riêng những người bị tiểu đường loại 2 rất khó nhận ra bệnh trạng của mình vì phân xưởng sản xuất insuline trong người của họ còn chạy cà rịch cà tang nên bệnh phát triển từ từ. Những triệu chứng của tiểu đường loại 2 như: mệt mỏi, khát nước, đi tiểu nhiều lần ngày và đêm, giảm cân, nhìn không rõ, dễ bị nhiễm trùng, vết thương lâu lành.

        Sau đây là biểu đồ phác thảo áp dụng cho dân Á châu nói về sự tương ứng lành mạnh giữa chiều cao và sức nặng cơ thể. Nếu ai may mắn được trời ban cho ít nhiều phong phú thịt thà da dẽ mỡ màng, thì cũng nên chú ý rằng quí vị cũng đang có nhiều cơ hội để mắc bệnh tiểu đường.

        – 163 cm   =>    60.78 kg

        – 165 cm   =>    62.59 kg

        – 168 cm   =>    64.50 kg

        Cũng gần như các bệnh về tim mạch, phòng chống bệnh tiểu đường phải nhờ vào sự sự điều trị thuốc men và quyết tâm thay đổi sinh hoạt của con người. Các nguyên tắc tập luyện thể thao thường xuyên, kiêng khem muối Natri, ăn nhiều rau quả cho có chất xơ và thụ hưởng muối Kali trong thực vật. Cử đường và các phó sản sanh ra đường như trong các loại ngủ cốc và trái cây. Hạn chế dùng chất béo thịt mỡ động vật. Tránh xa rượu và thuốc lá, bỏ luôn cà phê càng tốt. Tuân thủ chế độ ăn uống của bác sĩ lập riêng cho mỗi cá nhân.

       Năm 2000, thế giới vui mừng chào đón một kỷ nguyên mới. Thì những gương mặt đồng thời, trên dưới 50 của bọn mình không còn xuất hiện ở các nơi thiên hạ thường gọi là trà đình tửu điếm. Do các chứng bệnh hoạn và sự già cỗi vì tuổi tác đã làm hao hụt lòng hăng hái như thuở thanh xuân chỉ mới ngày nào của họ.

Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa

Cho tôi về đường củ nên thơ…” *

        Riêng mình, lọm thọm bắt những con sâu cải, mình chợt nhớ một thời của những đêm khói thuốc vàng tay, những ngày lấy cà phê làm nhựa sống, những bữa tiệc “dô dô” hào hứng góc trời riêng. Giờ chỉ còn tỉnh mịch, tất cả chỉ là chút hoài cảm tiếc nuối, chút mơ hồ đang héo úa trong lòng của Lúa.

      Một Lúa

* Thơ Thanh Tâm Tuyền được Phạm Mạnh Chương phổ thành ca khúc Nửa Hồn Thương Đau.

* Bài viết cũng mượn vài câu trong văn chương cũ, chân thành cám ơn các vị tiền bối.

   H1

   H2

 

 

 

Có 11 bình luận về Nửa hồn thương đau

  1. vo ngoc thu nói:

    Sao cau chuyen nay,giong in nhu toi viet,chi khac mot chut xiu la<Nam 1981 toi tro ve que cu>

    • Một Lúa nói:

      Chào bạn vo ngoc thu,

      Cám ơn bạn đã nhìn đến bài viết nầy, Một Lúa  xin được trả lời phản hồi của bạn.

      Lúa viết bài nầy để nhớ về những người bạn cùng thời với mình hiện đã giả từ những thú vui trà rượu, cà phê thuốc lá. Do sức khỏe yếu kém hoặc bệnh hoạn, trong đó có Một Lúa.

      Đang gõ ngon trớn thì mình nhận được điện thoại báo tin Mợ Mười Ba (em dâu của má tại hạ) qua đời tại Sài Gòn, nguyên nhân cái chết do bệnh tiểu đường đến thời kỳ hoại tử nội tạng. Sẵn dịp, mình quẹo qua chuyện tiểu đường, như một nén hương âm thầm cho một thân thuộc vừa mất của mình.

      Lúa không ngờ bài viết khô đanh dẹp lép, đặc trưng quê quán, chi tiết cá nhân mà lại giống in như của vo ngoc thu. Riêng các thông tin về tiểu đường thì lềnh khênh trên các flyer, poster, booklet tại các văn phòng bác sĩ hay pharmacy, mục đích của họ là quảng bá thông tin thiết thực cho công chúng.

      Nếu có gì mạo phạm, xin quý vị bỏ qua

      Một Lúa

       

       

       

    • Một Lúa nói:

      Chào bạn Vo ngoc Thu và các bạn,

      Hỗm nay tôi có đọc trên các trang như VCV, thấy người ta phàn nàn việc đạo văn, đạo tứ quá trời .

      Tuy không phải là tay viết văn chuyên nghiệp, nhưng Lúa tui cẩn thận chọn chỗ cần đọc và hạn chế  trong việc đọc văn thơ của các tác giả, để tránh nổi máu tham mà cố tình hay vô ý “giao thoa” với sản phẩm trí tuệ của các nhà văn nhà thơ khác.

      Do đó mà chữ “giống in” trong phản hồi của Vo Ngoc Thu trên đây, gây cho tôi phân vân mãi.

      Một Lúa

      • Lương Minh nói:

        Ông Một Lúa ơi> Bạn Thu nói truyện của ông giống in như chuyện của bạn ấy ở ngoài đời , chớ đâu có nói chuyện của ông giống in như truyện XX nào đó đã đăng trên web. Đừng bận tâm nữa nha. SOS

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Anh Một Lúa ui ! Không ngờ mình đi cày mà còn có thời gian vô đây với anh em. Xin bái phục, xin bái phục. Cầu mong chúng ta sẽ gặp nhau dài dài…………….. !

  3.       Anh Một Lúa ơi! Đôi khi hai tư tưởng lớn gặp nhau, anh Vo Ngoc Thu đem bài viết cũ của anh đăng lên trang nhà để đọc giả nhận định . Đọc chữ “Kiêng khem” của bài anh viết, đệ nhờ một chuyện vui gửi đến anh và đọc giả .

                                    Kiêng khem

        Có một thiếu nữ trẻ có  mức cân nặng quá trãi, tìm đến bs điều dưỡng để có chế độ ăn sao giảm cân .

    – Cô nên giảm thịt thà và tinh bột vào những buổi ăn chính . BS hướng dãn như vậy, và chỉ cho cô ta tỉ mỉ cách kiêng ăn.

    Một thời gian sau tái khám, cô không giảm, trái lại tăng cân rất  là nhiều .

    – BS hãy nhìn thân thể tôi đây, chắc cách thức kiêng khem của bs  sai!

    – cô có ăn đúng theo hướng dẫn của tôi không ?

    – Dạ có!

        Thế là ông bác sỉ muốn xem cổ thực hiện như thế nào, nên xin biết giờ ăn và đên đột xuất, kiểm tra mấy lần cô làm đúng theo yêu cầu .

            Hôm đó kiểm tra lần cuối  xong về nhà, ông biết ông đã thất bại trong trường hợp của cô , tìm tài liệu nói về những trường hợp thất bại , thì phát hiện quên tập tài liệu ở nhà cổ . Ông quyết định quay trở lại , lúc đó ông thấy một bữa ăn thịnh soạng đang ở trên bàn .

     – Cô chuẩn bị những thức ăn nầy cho ai ?

    – Cho tôi !

    – Tôi bảo cô kiêng khem mà!

    – Dạ có! bs bảo kiêng ăn những buổi ăn chính, còn đây là buổi ăn phụ !

     – Trời !!!

    • Một Lúa nói:

      Chào Võ Châu Phương,

      Trước đây tui  biết một việc, không biết gia đình nọ ai bịnh cái chi mà có phái đoàn y tế đến tìm hiểu môi trường và điều kiện của họ. Tốn công hỉ.

      Tui có người quen sanh con thiếu tháng, được bệnh viện giữ nuôi lồng kiếng cả tháng. Khi xuất viện họ cho mấy cái muổng plastic dùng cho em bé uống thuốc và nước. Có một lần mẹ nó quên, dùng muổng inox cho đứa bé uống nước. Vậy mà trong lần tái khám, bệnh viện thử máu đứa bé, hỏi bà mẹ  “bộ mầy có dùng muổng kim loại, hay dùng nước phông tên đút đứa bé”. Ghê hỉ.

  4. hongbang nói:

    Với tư cách 1 bạn đọc, đọc khá nhiều bài của t/g Một Lúa, tôi nghĩ có v/ đề lầm lẫn gì chăng?. Với văn phong thuần nhất trong các tác phẩm trên trang nhà, tôi không tin Một Lúa đạo văn. Và với ngồn ngộn chi tiết trong bài, tôi cũng không tin có những tình tiết hòan tòan giống, trùng hợp…chỉ khác thời gian. Đây là việc trọng đại, ảnh hưởng nhân cách, danh dự của t/g nên xin cẩn thận. Tôi sẽ bị thuyết phục và chấp nhận một khi có đầy đủ bằng chứng hơn những lời phản hồi đơn giản. Tôi không chấp nhận người viết đạo văn nhưng càng không chấp nhận sự vu cáo. Tiếng lành đồn xa và tiếng dữ cũng thế. Mong rạch ròi. HB.

  5. Một Lúa nói:

    Chào anh Hồng Băng,

    Cám ơn anh quan tâm đến tiểu đệ.

    Vừa rồi đệ có nhận mail của anh Vo Ngoc Thu do anh Lương Minh chuyển tiếp.

    Anh Thu cho biết  sau khi đọc bài, anh cảm khái hoàn cảnh tương đồng với cốt truyện nên vội vàng phản hồi không rõ ràng. Thực tâm anh Thu không nghĩ xấu chuyện gì đối với đệ.

    Lúa cám ơn ý tốt của anh Hồng Băng và anh Thu đã giúp đệ rất an tâm.

    Xin hai anh và quý bạn xem như chưa việc gì đã xảy ra.

    Thân mến

    Một Lúa

  6. hongbang nói:

    Bạn Một Lúa thân,

    Tôi đọc dòng phản hồi của bạn mà nghe nhẹ lòng. Sự hiểu lầm đáng tiếc. Trang nhà bình an. Hôm rồi tôi có đọc phản hồi của các em sinh viên, nghe lòng buồn buồn, định viết đôi hàng, nhưng nghĩ lại nên thôi. Thời gian và cuộc sống sẽ tiếp tục , các em sẽ chiêm nghiệm lại lẽ đúng sai do các phản ứng có phần thái quá. Chẳng lẽ mình già đến nỗi không hiểu lớp trẻ sao? Thấy buồn buồn chứ không giận. Chúc sáng tác đều tay. HB.

Trả lời Lương Minh Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác