LANG THANG BERLIN: Làm bá nghệ giữa thủ đô

Ngày đăng: 7/09/2013 05:42:14 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Chuyến này Âu du nghèo quá, tôi đành phải làm bá nghệ ở Đức đặng kiếm tiền bơ sữa qua ngày, độ tháng.

Trong mấy ngày ở Berlin, tôi thường thấy dân nhập cư, chủ yếu từ Đông Âu, kiếm tiền bằng cách một vài người đứng ở giao lộ; khi xe cộ ngừng lại chờ đèn giao thông thì họ xông ra trước đầu xe hoặc dùng những cây lau nhúng vô xô nước để lau kính xe, hoặc biểu diễn mấy trò tạp kỹ tung hứng nón hay bóng rồi đi tới từng xe xin tiền người đi đường. Chỉ cần một số người cho mỗi người 1-2 euro, gom lại cả ngày cũng rủng rỉnh.

Sáng nay cô giáo cũ của tôi trước 1975 ở trường Trung học Kiến Tường hiện sống cách Berlin khoảng 200km gọi điện tới khách sạn nói chuyện với học trò và rủ tôi tới nhà thầy cô chơi một vài tuần hay cả tháng. Thầy cô sẽ lái xe tới Berlin đón tôi, với khoảng 200km thì ở châu Âu hay bên Mỹ chẳng phải xa xôi gì đâu. Cô nói mình chỉ lái xe khoảng 1g30 phút. Đó là cô chạy cẩn thận, chớ Đức là một trong số ít nước trên thế giới có hệ thống free-way cao tốc thiệt sự là free-way, người lái có quyền đạp lút ga, chạy mút kim đồng hồ luôn, mà xe của Đức thì có động cơ rất khỏe. Cô hứa hẹn sẽ cho tôi đi một vỏng chu du châu Âu, tới các nước trong hiệp ước Schengen – hiện gồm 26 nước miễn visa cho nhau và khách nước ngoài chỉ cần xin visa tới một nước là sau khi vào nước đó xong rồi có thể đi sang bất cứ nước Schengen nào khác. Mặc dù Anh không tham gia Schengen, nhưng tôi đang còn visa Anh có thời hạn 6 tháng. Từ nhà cô ở gần biên giới hai miền nước Đức sang Đan Mạch chỉ mất 1g30ph lái xe, còn đi Hà Lan cũng chỉ mất 2 giờ. Vé máy bay trong nội bộ Schengen cũng chỉ 50-60 euro, khi cao điểm cũng chỉ chừng 90 euro. Nghe thì thèm tới mức phình bụng do nuốt quá nhiều dịch vị, nhưng tôi đã có hẹn cùng madam Michelle ở Washington DC rồi, đành hẹn thầy cô “next time”.

Cô giáo cũng giải thích rằng sở dĩ Đức rất khắt khe trong việc cấp visa cho người nước ngoài vì đây là một số ít nước có luật tị nạn hẳn hoi (Mỹ chớ hề có). Luật này quy định nhà cầm quyền Đức không được từ chối yêu cầu xin tị nạn của người nước ngoài đang có mặt ở Đức. Hễ ai đó đệ đơn xin tị nạn, ngay lập tức chính quyền Đức phải thuê nhà cho ở và cấp mỗi tháng ít trăm euro để ăn, trong khi chờ xét duyệt đơn tị nạn – có khi kéo dài tới 2 năm. Vì thế, Đức rất sợ cái vụ này. Tự xét mình xưa nay tôi sống đơn giản và hiền lành như “con nai vàng ngơ ngác”, tôi chẳng có gì để “tị nạn chính trị”, có chăng là “tị nạn chín chị” mà thôi – một dạng tị nạn tình cảm đó mà!

Trở lại cái vụ làm bá nghệ kiếm sống của tôi trong mấy ngày qua ở Đức, tôi xin chiềng làng một số hình ảnh ghi lại được (nghĩa là còn những nghề khác hỗng có chụp ảnh). Xin kế nhé.

Sáng sớm 3-9, khi vừa tới sân bay Frankfurt, tôi đã làm ngay nghề quảng cáo xe hơi. Sau đó trước khi lên máy bay đi Berlin, tôi còn tranh thủ quảng cáo cho đồng nghiệp báo Frankfurter Rundschau. Trong khi ngồi đợi máy bay, tôi vào quán cà phê Mondo giới thiệu mấy món cà phê, chocolate cho họ. Ở xứ sở chocolate nổi tiếng này, tách chocolate bự bà cố luôn, trong khi tách cà phê vẫn có kích cỡ bình thường.

Vừa xuống sân bay nội địa Berlin, tôi làm ngày job mới là quảng bá cho quầy trái cây Marché ngay cửa sân bay. Buổi trưa lúc đi ăn, tôi còn làm mẫu cho nhà hàng Sala Thai chuyên bán các món ăn Thái Lan. Trên tay tôi là ly đựng những trái ớt Thái, gia vị đặc trưng của dân tộc này. Thực khách được sống trong khung cảnh đặc trưng của Thái Lan, vừa ăn, vừa nghe nước suối nhân tạo (bằng vòi nước) chảy róc rách.

Khi lang thang ra cổng Brandenburgn từng là cửa ngõ chia đôi hai miền Berlin cho tới khi mở lại vào ngày 22-12-1989 cùng với sự kiện chấn động địa cầu Bức tường Berlin ngăn cách hai miền nước Đức từ năm 1945 bị phá bỏ, đi ngang qua một tiệm bán hàng lưu niệm, tôi nhận thêm việc cặp tay cùng chú gấu bông khổng lồ (biểu tượng của Berlin là con gấu) đứng ngoài đường chào mời ông đi qua, bà đi lại. Tại cổng Brandenburg, tôi giữ chân phụ việc cho anh chàng làm dịch vụ đóng mộc xuất nhập cảnh cho khách làm kỷ niệm. Có dấu của Đông Đức, các nước thuộc Liên Xô cũ, các nuớc Đông Âu,… thậm chí cả dấu “lịch sử” của thời mới chia cắt hai miền Đông và Tây Berlin năm 1945. Cứ 2 euro một con dấu, 10 euro toàn bộ 15 dấu. Tại một cửa hàng đồng hồ “xịn”, tôi đứng giới thiệu cho khách đi đường. Giá một chiếc đồng hồ ở đây từ 500 euro tới 24.000 euro.

Ngày 4-9, khi tới thăm lâu đài Schloss Charlottenburg, tôi ngồi trên băng ghế trong công viên phía trước cổng để chờ khách. Rồi vào bên trong, tôi đóng vai một pho tượng phụ thêm cho cụm tượng phía trước lâu đài thêm phần sinh động và có hơi người. Vào sân lâu đài, tôi cũng đâu có nề hà gì với cái dịch vụ phụ dắt chó đi đạo cùng quý lady. Tôi luôn ý thức được thân phận (status) của mình ở châu Âu và Mỹ, nơi chó còn ở level cao hơn… đàn ông. Trong lâu đài của bà hoàng mê sưu tập cổ vật gốm sứ Trung Hoa, tôi cũng đứng làm mẫu trong căn phòng bày toàn đồ gốm cổ.

Sau đó, khi đi ăn trưa tại nhà hàng xoay trên tháp truyền hình Berlin, tôi tranh thủ đứng bên tấm panô giới thiệu các món ăn. Thấy tình hình càng lúc càng thêm túng thiếu, tôi nhảy lên quầy chào bán điện thoại với hai tay hai chiếc Samsung Galaxy S4 và Samsung Wave. Tiếc là người ta đang canh me hàng mới, vì Samsung vừa tung ra siêu phẩm di động mới Galaxy Note 3 hấp dẫn hơn hẳn.

Ngày 5-9, tôi đứng trên vỉa hè giới thiệu món bánh bột bắp Doner Kebap nổi tiếng của dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là loại bánh nhân thịt cừu được chế biến theo lối cổ truyền của người Thổ (thịt để cho hơi ôi một chút cho có mùi vị đặc trưng).

Khi đi ngang qua phòng trưng bày tượng sáp Madame Tussauds nổi tiếng ở Berlin, tôi đứng ngoài đường giả làm một tượng sáp bên cạnh tượng sáp của cô đào Mỹ lừng danh Marilyn Monroe. Cô nàng đẹp thiệt đó, giống y như thật, nhưng chỉ có bộ váy của nàng là vải thật cho cảm giác xiêm y rất thật chớ còn toàn bộ người nàng cứng ngắt. Thú thiệt là tôi hơi ghê ghê khi chạm vào người nàng. Trong 2 pho tượng này, pho tượng của tôi bảo đảm hễ ai ôm vào là có ngay cảm giác rất thật của làn da châu Á mịn màng và ấm áp với con tim đập rộng ràng inside. Hỗng tin, cứ thử coi!

Sau mấy ngày lao động miệt mài, tối 5-9, tôi tới nhà hàng Sen Việt kế bên khách sạn Hạ Long trong khu thương mại của người Việt ở Berlin. Nghe nói khu nhà này được nhóm người Việt đầu tư tới 13 triệu euro. Mệt mỏi quá với cơm áo gạo tiền đeo bám từ nước trong ra tận nước ngoài, xin cho tôi được ngồi lên chiếc xích đu mây mà thư giãn một lát nhé.

       PHẠM HỒNG PHƯỚC
         (Berlin 6-9-2013)

  H1

  H2

  H3

  H4

 H5

H6

H7

H8

 H9

 H10

H11

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác