Trở lại phố cổ Hội An lần thứ…

Ngày đăng: 13/08/2013 10:15:05 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Gần 4 giờ chiều Chủ nhật 11-8-2013, tôi bắt đầu rời thành phố Đà Nẵng làm một chuyến đi thăm phố cổ Hội An bằng xe gắn máy. Phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam. Năm 1999, phố cổ này đã được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc công nhận là một di sản văn hóa thế giới.

Từ Đà Nẵng, tôi chạy xe theo con đường cặp theo bờ Biển Đông, tuy cùng một con đường nhưng mỗi đoạn mang tên khác nhau: từ đường Trường Sa, nối qua đường Nguyễn Duy Trinh rồi tiếp đường Biển qua đường Lạc Long Quân và rẽ phải vào đường Hai Bà Trưng dẫn tới phố cổ Hội An.
Tôi chạy xe qua bãi biển Mỹ Khê (còn được gọi là bãi biển Đà Nẵng) là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh theo bầu chọn của tạp chí kinh doanh Mỹ Forbes năm 2005. Người ta khen đây là một trong những bãi biển sạch nhất Việt Nam. Đà Nẵng giao cho một số doanh nghiệp đầu tư quản lý từng đoạn bãi tắm, có nhân viên chuyên lo nhặt rác và những khu phòng tắm nước ngọt miễn phí. Giá thuê 1 cây dù kèm hai ghế là 60.000 đồng một lượt (ngồi tới ê mông mỏi lưng thì thôi). Nếu chỉ thuê ghế thì giá 25.000 đồng/chiếc.

Suốt chiều dài bãi biển từ Đà Nẵng tới giáp địa phận Quảng Nam giờ đây san sát các khu resort, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp nối tiếp nhau, không còn một khoảng đất trống để có thể nhìn ra biển. Hồi tháng 2-2008, khi từ Đà Nẵng đi Hội An, tôi đã được mãn nhãn phóng tầm mắt nhìn ra biển xanh với những lượn sóng trắng vỗ vào bờ. Lần đi dịp tháng 1-2010, tôi đã bị quạu vì ít còn chỗ trống để được nhìn thấy biển do các dự án resort, khách sạn đã khoanh vùng, dựng hàng rào ráo riết xây dựng. Bây giờ thì nếu không được giới thiệu, chẳng ai biết được đằng sau những công trình tráng lệ và đồ sộ đó là bãi biển xinh đẹp của Đà Nẵng. Hai địa phương láng giềng quả là có 2 cách tiếp cận với phát triển kinh tế khác nhau. Trong khi Đà Nẵng tận thu từng tấc bờ biển cho nước ngoài thuê làm dự án, tỉnh Quảng Nam lại để nguyên khu vực bãi biển đó cho dân cư sinh sống như bao đời này họ vẫn thế. Khi vào địa phận Quảng Nam, phía bên tay phải không còn là những resort mà là những khu dân cư bình thường với những ngôi nhà ngói cũ kỹ, nhỏ bé. Nhưng nhờ vậy mà khách phương xa sau khi ra khỏi Đà Năng đang ngày càng Tây hóa còn có cơ hội nhìn thấy cuộc sống bình dị của người dân quê “đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm”.

Chắc chắn khó có người Việt Nam bình thường nào có thể tới hưởng thụ các dịch vụ của các khu resort, khách sạn nước ngoài cặp bãi biển Đà Nẵng. Giá phòng khách sạn chừng 8 triệu đồng/đêm là… bình thường. Phòng sang trọng một chút phải mười mấy triệu đồng, có biệt thự hay bungalow giá 25 – 35 triệu đồng/đêm. Đặc biệt có nguyên một khu vực Crown Plaza được cho phía Trung Quốc thuê 50 năm. Trong khu này được ưu đãi có cả một casino to vật vã.

Cách trung tâm Đà Nẵng chỉ khoảng 8km ven đường Trường Sa đi Hội An là khu danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm trong địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Trên một diện tích chừng 2 km vuông mọc lên một quần thể 6 ngọn núi cây cối xanh um nổi bật giữa vùng cát trắng mênh mông. Các núi cẩm thạch này được đặt tên theo thuyết ngũ hành: Thủy Sơn (ngọn núi lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (gồm 2 ngọn), Kim Sơn, Mộc Sơn và Thổ Sơn. Hồi xưa, các nghệ nhân chạm khắc đá sử dụng đá cẩm thạch khai thác từ Ngũ Hành Sơn để làm đồ trang sức và các tác phẩm điêu khắc. Ngày nay, để bảo vệ các ngọn núi, việc khai thác đá bị cấm. Các nghệ nhân Ngũ Hành Sơn hiện sử dụng vật liệu từ các nguồn đá nơi khác chở tới. Cô bạn làm ở một công ty lữ hành cho biết du khách phương Tây rủng rỉnh hầu bao có thể đặt mua những pho tượng cẩm thạch to đùng với giá trên 100 triệu đồng. Họ chuộng nhất là bộ tượng 3 sir Phưóc Lộc Thọ hay Phật Di Lặc cười toe toét khoe cái bụng mầu mỡ. Người Việt có ngon lành lắm cũng chỉ dám rớ tới những tác phẩm chừng 10 triệu đồng hay vài ba chục triệu đồng. Phổ biến là những món nho nhỏ vài chục ngàn hay vài trăm ngàn đồng.

Phố cổ Hội An (người phương Tây gọi là Faifo) là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn. Từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia viết: “Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển. Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng.”

Hội An là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa và phong cách kiến trúc cổ của người Việt, Chàm, Hoa, Nhật Bản và Pháp. Đặc biệt chùa Cầu là một công trình kiến trúc mang dấu ấn Nhật Bản (nên còn gọi là cầu Nhật Bản). Cây cầu có mái ngói che dài khoảng 18 mét này bắc ngang qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Hoài. Sở dĩ gọi là chùa Cầu không chỉ vì nó có hình dáng như một ngôi chùa mà thật sự có một ngôi chùa nhỏ nằm bên cạnh cầu có mặt tiền bằng gỗ.

Người Hoa còn lưu lại nhiều dấu tích nhất ở phố cổ Hội An với hàng loạt hội quán Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Triệu, Minh Hương Đường, miếu Quan Công,…

Phố cổ Hội An được đánh giá là một điển hình về một cảng thị châu Á cổ xưa được bảo tồn một cách hoàn hảo. Các du khách phương Tây, Nhật Bản, người Hoa đều thích tới thăm phố cổ Hội An vì có thể tìm lại được những hơi hướm, dư ảnh của cha ông mình.

Ban chiều khi đi ngang qua cầu An Bằng, tôi gặp một nhóm mấy cô gái phương Tây cỡi xe đạp từ Đà Nẵng đi chơi phố cổ. Tôi có chụp hình với một cô người Anh, đến từ London, có ghé Saigon trước khi ra Đà Nẵng. Cô khen Saigon thích lắm. Báo hại lát sau khi chạy xe gắn máy qua mặt mấy cô đang đạp xe này, tôi cảm thấy hơi bị mắc cỡ. Biết vậy lúc nãy ở Đà Nẵng tôi đã vác theo chiếc xe đạp, khi gặp tình huống này sẽ thả xe đạp xuống để “hòa đồng cùng lữ khách”. Tôi đã gặp cả một gia đình người nước ngoài, hình như người Nhật, khá đông, đám trẻ thì chạy xe đạp, mấy vị lớn tuổi thì ngồi xe gắn máy chạy theo.

Khu phố cổ Hội An cấm xe gắn máy lưu thông ban ngày (sau 5 giờ chiều mới được lưu thông). Quy định này để dành những con đường rất nhỏ hẹp cho du khách tham quan đi lại, cũng như giảm ô nhiễm không khí để bảo vệ tốt hơn các công trình cổ. Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt vào mùa mưa lũ, biến nhiều con đường thành những dòng kênh rõ ràng gây nguy hiểm cho các công trình cổ ở đây.

Trên sông Hoài có dịch vụ chở khách tham quan trên sông nước bằng xuồng, ghe. Có cả một chiếc ghe cổ với những hình chạm trổ trên gỗ đã đen bóng màu thời gian. Nhìn cảnh những chiếc ghe, xuồng nhỏ chở đầy khách không có áo phao, tôi lo canh cánh trong bụng cho cái sự an toàn.

Bên bờ sông Hoài trên đường Bạch Đằng có một khu phục vụ hát bài chòi, một loại hình dân ca kịch xứ Quảng. Tôi đứng bên một chiếc chòi tre thả mắt nhìn ra sông Hoài, nhưng không phải để có cảm giác như mình là một nghệ sĩ bài chòi, mà lại để đầu óc lăn tăn rằng “mình cũng là dân chòi, nhưng là kẻ luôn phải chòi đạp để sinh tồn giữa dòng đời lắm nỗi phong ba”.

Trên chiếc cầu gỗ bắc ngang cuối con lạch từ chùa Cầu đổ vào sông Hoài có mấy người bán những mẹt đèn giấy nhiều màu sắc để ban đêm du khách thắp đèn cầy thả xuống sông Hoài. Cảnh này gợi nhớ lần tôi cùng nàng Minh Anh (hồi đó làm cho Công ty truyền thông Galaxy) thả đèn giấy trên sông Hương trong đêm hai anh em giong thuyền nghe ca Huế khi tôi ra xứ Thần Kinh dự một event của Intel hồi hạ tuần tháng 9-2005.

Gần đó bên bờ sông Hoài có một giàn rớ (giống như vó cá ở miền bắc hay trong những khu dân di cư xứ bắc ở miền nam – tiếng Anh gọi là square fishing net) có một chiếc vó lớn (một tấm lưới mắt nhỏ hình vuông thật lớn có các gọng bằng tre) và một cái chòi canh rớ. Đây là giàn rớ phục vụ du khách, biểu diễn cho họ biết một cách sinh sống, bắt cá truyền thống của dân xứ Quảng. Hàng ngày giàn rớ này được phục vụ 2 đợt từ 9 tới 11 giờ sáng và từ 3 giờ chiều tới 9 giờ tối.

Tôi rời Hội An khi trời chập choạng tối. Phố cổ thành phố đèn lồng với những con đường giăng giăng những ngọn đèn lồng đủ màu được thắp sáng lung linh và huyền ảo. Đã có một lần tôi cùng một nhóm đồng nghiệp Thái Lan và Singapore thả rông trên những con đường trong phố cổ ban đêm giữa hàng ngàn ngọn đèn lồng lung linh. Cảm giác rất lạ, hồn như bay về miền hoài cổ.

Khi đi ngang qua cây cầu đầu tiên từ Hội An ra, tôi được đưa tiễn bằng một cây cầu vồng 2 mống vằng vặc in trên nền trời hoàng hôn.

Hội An đã theo tôi về khách sạn quần tôi một đêm mất ngủ rồi hôm sau đeo theo lên máy bay về lại Saigon với cơn cảm cúm do bị trúng mưa lúc đành lòng giã biệt phố cổ. Tôi chưa bao giờ nói không quay lại Hội An kia mà! Làm mô có thể quên được cái xứ “rượu hồng đào chưa nhấm đã say” răng rứa hè!

     PHẠM HỒNG PHƯỚC
     (Saigon 13-8-2013)

  h1

 h2

h3

h4

 h5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác