Chuyện cà kê từ quê lên tỉnh (Phần 2)

Ngày đăng: 11/08/2013 10:44:15 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

 Dân cư trên xóm dọc theo hai mé sông nầy ngó cái nò mà họ thường chế nhạo “đồ dùng bắt chuột” đang đi vào hoang phế như một lẽ đương nhiên. Nhưng riêng tui nó là cả một công trình rất lớn, dù chỉ tốn số tiền rất khiêm nhượng cho 5 cây tre, 3 cây cau, vài bó dây choại khô và hai chiếc lọp. Chỉ đáng giá hơn hết là tất cả tâm tư hy vọng của tui được đặt trên từng mối dây, nuột lạt.


        Sau khi con chuột cắn lủng chiếc lọp, tui đem lên bờ dùng lưới kẻm  vá lại, rồi tiếp tục treo 2 cái lọp trên dàn bếp để xông khói khi không xài, theo như lời dặn của bác thợ đan đát chuyên môn. Sau đó thì tui có việc khác để làm, và hầu như cả xóm không còn ai nhắc đến cái nò ngược đời đó nữa. Cho đến một đêm tui có việc bên ngoài vườn, nghe tiếng cá đớp mồi và thấy sóng khuấy động mặt nước rất mạnh sát dàn đăng. Trong mơ hồ tui nghĩ lại, hình như từ lúc mới cặm đăng, tui chưa từng nghe cá đớp mồi và vỏ tôm lột xuất hiện ở khoảng đó. Hay là thời gian ban đầu, ngày nào cạn bãi tui cũng đi xuống o bế dàn đăng, dấu chân dẫm nát sình non, con cá con tôm đánh hơi mùi sình mới và mùi cây cỏ dập nát nên chúng không dám bén mảng. 

        Nước ròng lòi bãi hôm sau, tui chợt nhìn ra cảnh sắc dàn đăng có nhiều thay đổi. Những bụi cây mái dầm và đám lát hến bị đạp ngã nghiêng lúc trước đang đứng thẳng suông sẻ đàng hoàng, những dấu chân khuyết xuống mặt sình được phù sa lấp đầy không còn vết tích, bầy dã tràng đứng cạnh những chiếc hang nhỏ xíu, chấp 2 càng đưa lên đưa xuống như người tập thể thao, dàn đăng cũng có chút rong rêu. Như vậy là thiên nhiên đã phục hồi nguyên dạng thân thiện của nó trên khoảng bãi bồi nầy. 

        Chiều hôm đó nước lớn lên vừa ngập hàng  đăng phía dưới là Lúa tui ngồi trên xuồng lần lượt cột miệng và gài cây giữ 2 chiếc lọp  ngay đúng 2 chiếc cửa trống có sẵn dưới chân đăng. Đêm đó tui không ngủ sớm như thường lệ, khoảng 10 đêm nước bắt đầu vực thấp, tui cũng dùng xuồng dỡ chiếc lọp gần bờ trước tiên. Khi chiếc lọp cao hơn mặt nước, tui có cảm giác có vật gì cử động rột rẹt bên trong. Dựng chiếc lọp đứng lên và đưa gần chiếc đèn soi cóc trong lòng xuồng, tui nhìn rõ ràng 2 con trê trắng đang uốn mình bên dưới. Ngồi trên xuồng chờ con nước vực thấp xuống để dỡ cái lọp thứ hai, tui vui mừng vì suy đoán của mình không tệ lắm. 

         Nôn nóng không thể chờ nước rút cạn, tui nhẹ nhàng xuống nước. Khi cái lọp đem lên chưa tới lòng xuồng, tui nghe như có bầy tôm đang búng lạch chạch trong đó. Kết quả đầu tay của dàn nò rất bộn bàng là hai con trê trắng bằng cườm tay và 3 con tôm càng xanh cỡ cán mác.
         Cái nò dỏm dùng bắt những cá đi ăn trong con nước lớn đêm chẵng có gì ghê gớm cả. Chỉ là khai thác thói quen và sự bạo dạn của một số ít loài tôm cá xâm nhập vào lớp nước khoảng 1 mét sâu gần bờ để săn cua, rẹm và cá nhỏ cũng đang kiếm ăn trong đám cây cỏ thủy sinh trên bãi. Đám cá lớn mê săn mồi men theo con nước đầy đang nhè nhẹ chảy vô, đụng dàn đăng dỏm và tìm chỗ trống để đi qua, cảm giác yên lặng đêm tối và núp theo cây cỏ  khiến chúng không ngại ngùng khi vào miệng lọp đang giương bẫy đầy tâm lý. Nan hom nơi đầu lọp được kết bện thưa, có cửa lớn và độ chen nhẹ nhằm tạo cảm giác như những bó chà nhánh cây dưới đáy sông mà chúng thường chui vào trú ngụ hoặc tìm bắt những con tép nhỏ ẩn núp trong đó. Con cá lội qua ngăn nầy sẽ cuống quít vì đụng nhằm các nan lọp nên túng cùng chui xuôi qua nan hom thứ 2 được đan khít và miệng hom nhỏ hơn để lọt vào ngăn cuối cùng có cửa và chốt cột khóa bên ngoài.       
         Một đêm cuối tháng âm lịch trời mưa rỉ rả, khoảng 9 giờ tối, tui xách cái thùng đèn soi cóc đi từ nhà xuống mé sông chỗ dàn nò chừng 20 mét, thăm lọp như mấy tháng nay. Đất vườn trơn trợt khiến tui vung tay làm văng cái đèn bánh ú khỏi thùng, trời tối đen nhưng chỉ ít bước là đến cái nò nên cũng ráng dò dẫm. Tui để chiếc thùng đèn trên bờ cùng với giỏ đựng cá tháo từ trên vai xuống, chân rà trên thân cây cau dùng bắt cầu ngầm từ trong bờ ra đến 2 chiếc lọp. Chiếc lọp gần bờ tui dỡ lên nhẹ tênh nhưng cũng xóc xóc vài cái để kiểm tra xong rồi cột gài trở lại. Chiếc lọp ngoài xa phải lặn 2 lần mới đưa lên khỏi mặt sông. Tui cảm giác có vật gì nằng nặng bên trong nhưng sao lại im re, tui lắc lắc nghe vật kia lăn ịt ịt như cục đất vuông lăn theo từng cạnh, chớ hoàn toàn không cảm giác con gì cựa quậy. Thường khi thì dù tối trời nhưng mặt sông vẫn sáng, còn đêm nay tui không thể thấy cái gì phía trong nan lọp. Tay xách quay lọp đưa khỏi mặt sông, tay kia quơ tìm những thân trúc cặm một hàng làm cây gượng. Đi được vài bước trên cầu ngầm mà mực nước còn ngang đầu gối, tui bổng có cảm giác lạnh ở sóng lưng, và ốc cục nổi rần rần mình mẩy. 


        Tháng 3 âm lịch năm đầu tiên đến ở xóm nầy. Trong một tiệc giỗ nhà thân thuộc gần cầu Cái Sơn Bé, khách trong đám tiệc ai cũng được nghe. Sau đám mưa đầu mùa thiệt lớn, có anh chàng như nhiều người khác túa ra cánh đồng Mã Thủ Chỉ soi ếch bằng loại đèn săn đeo giữa trán, chạy bằng bình ắc-quy loại nhỏ đeo vai. Đêm đó anh ta bắt ếch quá dễ dàng so với mọi năm. Anh ta chộp từng đôi đang “bắt cặp”, ếch bà mập lù ngồi bên dưới, ếch đực đeo dính trên lưng. Chúng chuẩn bị cho việc truyền nối nòi giống ếch khi cánh đồng khô mấy tháng nay vừa ngập nước. 

        Cô vợ của anh chàng soi ếch ở nhà đã tước sẵn một bó dây thân chuối phơi khô vừa vặn, chờ anh chồng về để buộc eo ếch từng cặp đực cái một chùm cho phiên chợ sớm sáng mai. Làm như vậy ếch không chạy thoát giữa chợ, mà người mua cũng không thể nào lựa toàn ếch cái. Quá nửa đêm, anh chồng trở về quăng ịt cái giỏ ếch nặng chình chịch cho cô vợ làm công việc quen tay, rồi đi ra sau tắm rửa. Mới cầm cái gáo chưa kịp múc nước thì người chồng nghe có tiếng la ớ…ớ như có người bị ai bóp cổ. Anh ta vội bước vô nhà bắt gặp một cảnh hãi hùng, cô vợ ngã ngang xĩu bên cạnh cái giỏ đầy ếch khi nãy, bây giờ chỉ chứa toàn là đất cục.

        Những năm đó đất địa hoang vu, dân cư thưa thớt nên chuyện cây cao bóng cả, ma nhát ly kỳ rất thịnh hành, mà cũng không ai rảnh mà tìm tòi xác minh sự việc. Người tin thì có vẻ nể nang, người không tin nghe qua rồi bỏ. Riêng tui thì còn nhớ mang máng những chuyện xưa nay, lại trong hoàn cảnh trời tối mưa gió mịt mùng như đêm nay, một mình ướt ngoi như chuột lội, cầm cái vật trong tay mà không rõ trong đó chứa đựng những gì. Tự nhiên liên tưởng một điều trùng hợp, tui ráng đem chiếc lọp lên tới bờ rồi bỏ đó, đi như chạy về nhà. Cũng may là lối đi quen thuộc nầy không có cây nào cao lớn.


        Tui đang lục đục mồi đèn ở nhà sau thì bà xã thức giấc đi xuống hỏi xem con nước đêm nay tôm cá trúng không. Không lẽ tui nói sợ ma bỏ chạy, nên trớ qua vụ đèn tắt và chỉ về để lấy cái đèn khác. Lỡ miệng nói ra nên tui phải trở lại dàn nò, chớ tui định bụng mặt trời mọc tỏ rõ sáng mai mới ra xem chiếc lọp. Một tay xách thùng đèn soi cóc, một tay cầm cây trúc nhỏ cho vững bụng, tui làm gan đi trở lại chỗ cũ. Trước khi đến gần chiếc lọp, tui quơ chiếc đèn soi cóc rọi chung quanh như xua tan ám khí, dùng cây roi trúc đánh vút vút trong không khí để lấy tinh thần. 

        Phù phép một hồi cho nóng máy, thì mèn ơi, một con cá bóng tượng nằm như khúc cây chần dần nơi đáy lọp. Tui mừng quá xách luôn cái lọp đi lẹ về nhà. Hai vợ chồng lúi húi một hồi mới trút được con cá thiệt cả kí-lô ra khỏi lọp, còn thêm một con cá bóng tượng nhỏ bằng cườm tay và một con tôm chỉ còn lại cái đầu. Lạ thiệt, con bóng tượng hiền khô hay có tật phùng mang phình hai gò má đang nằm im dưới lớp nước vừa ướt lưng nơi đáy khạp. Hồi nãy, hắn đã vô lọp mà còn ráng đớp ngọt xớt cái mình của một con tôm lớn.

        

 

        Sau 33 năm, chuyện cái nò dỏm của tui từng một thời bắt được những con cá con tôm ngon lành khỏe re như vậy mà ít người biết đến. Lần đầu tiên những thành tích nầy có dịp thố lộ rộng rãi cùng bà con xóm cũ. Lúc đó tui đã kể ra những chuyện y như hôm nay cho bậu bạn xóm riềng. Có người nghe qua rồi cười lớn, có người lặng lẽ làm thinh, không ai thèm chú ý một tay lơ mơ còn chân ướt chân khô từ đâu mới đến trên bến sông nầy. 
        Có phải buồn đời vì bà con cho rằng mình nổ, nên tui không muốn quyết liệt chứng minh thành quả. Hay là tui nhỏ mọn sẵn trớn làm thinh dấu nghề kiếm ăn một mình? 

        Lâu quá rồi, cũng khó mà xác định cho đúng!

        

Một Lúa

 

Có 1 bình luận về Chuyện cà kê từ quê lên tỉnh (Phần 2)

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Bạn già ui ! Bi giờ ở đây người ta còn có dụng cụ bắt cá gọi là 9 tầng ( có khi tới 12 tầng ) địa ngục nữa ! Hôm nào thấy thứ nầy tui chộp ảnh gởi cho bạn tham khảo để chế tao, nhưng không biết xứ bạn làm cái nầy có phạm luật không ? Nếu vi phạm thì thôi, để tham khảo, khi về đây, ta sẽ tha hồ xem họ bắt cá bằng dụng cụ nầy !

Trả lời Nguyễn Văn Lần Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác