Lần đầu viếng Đền Đô – nơi thờ Lý Bát Đế

Ngày đăng: 12/07/2013 09:37:25 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

Chiều thứ Ba 9-7-2013, sau khi thăm nhà máy sản xuất điện thoại Samsung SEV ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh), đoàn nhà báo ở TP.HCM và Hà Nội đã có một chuyến tham quan thú vị và bổ ích ở khu di tích lịch sử Đền Đô (thôn Đền, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Do nằm trong địa phận hương Cổ Pháp, châu Cổ Pháp ngày xưa nên đền này còn có tên là Cổ Pháp Điện. Và do là nơi thờ phượng 8 vị vua đầu tiên của nhà Lý, nó còn được gọi là Đền Lý Bát Đế. Làng Đình Bảng chính là quê hương của Lý Công Uẩn tức vua Lý Thái Tổ, người khởi lập nhà Lý.

Đền Đô nằm ngay bên cạnh Quốc lộ 1A cách thủ đô Hà Nội khoảng 20km về hướng bắc, giáp với huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Từ QL 1A rẽ vào đường Lý Thái Tổ (Tỉnh lộ 179) một đoạn ngắn là tới khu vực Đền Đô. Trên con đường tráng nhựa từ bãi đậu xe dẫn vào gọi là đường Đền Đô là những hàng quán bán đồ cúng bái và bánh trái. Nhiều nhất là bánh đa nướng, loại rất dày, có phủ vừng, mè, đậu phộng, được vô túi nilông sẵn, mỗi túi 2 chiếc bánh, giá 10.000 và 15.000 đồng. Mấy liền chị đồng nghiệp không bỏ lỡ thời cơ tóm lấy vài ba túi xách về tận Saigon. Còn có cả bánh phu thê (hay bánh xu xê) bằng bột nếp cái hoa vàng trong suốt có nhân đậu xanh nghiền ngọt, gói bằng 2 lớp lá dong bên ngoài và lá chuối bên trong hình vuông dẹp lép. Giá 70.000 đồng một chục cái.

Cổng chính vào đền nằm trên bờ Ao Cả đối diện với đầu đường Lý Thái Tông dẫn vào đình Đình Bảng (cách đó chừng 500m). Ao Cả có giả thuyết chính là một khúc còn lại của sông Tiêu Tương – một dòng sông cổ nổi tiếng thời Trần và đã đi vào văn học với chuyện tình Trương Chi – Mỵ Nương.

Đền Đô được xây dựng thành 2 khu: nội thành và ngoại thành, với tổng diện tích 31.250 mét vuông, được bao bọc bằng một bức tường thành cao 2,3m, rộng 0,9m. Đền được bố cục hài hòa, bề thế với 21 hạng mục công trình kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo gồm nhà Chuyển Bồng, nhà Tiền Tế, nhà Phương Đình, Vương Mẫu Tử, nhà để ngựa thờ, Văn Chỉ, Võ Chỉ, Năm Cửa Rồng…

Vừa bước qua cổng chính, ta lọt vào khu ngoại thành với chiếc hồ bán nguyệt rộng 9.500 mét vuông. Giữa hồ về mé bên trong đối diện với cổng vào khu nội thành có nhà Thủy Đình vuông vức, bằng gỗ với những cột tròn lớn, lợp ngói chồng diêm (mái 2 lớp) uốn lượn hài hòa giữa một không gian thoáng đãng. Thủy Đình rộng 5 gian có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong. Hình Thủy Đình này đã được in trên tờ giấy bạc “năm đồng vàng” của Ngân hàng Đông Dương thời Pháp thuộc và đúc trên đồng tiền kim loại 1.000 đồng hiện nay. Nhà Thủy Đình là nơi các chức sắc ngày xưa ngồi xem rối nước; còn ngày nay là nơi biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh.

Nằm hai bên khu vực nội thành – đền chính là hai khu nhà Văn chỉ (thờ quan văn) và nhà Võ Chỉ (thờ quan võ) với kiến trúc 3 gian mái chồng diêm rộng 100 mét vuông. Nhà Văn chỉ nằm bên tay trái khu nội thành (đứng từ phía trước nhìn vào) là nơi thờ hai đại thần Tô Hiến Thành và Lý Đạo Thành. Nhà Võ Chỉ nằm ở bên phải, thờ các tướng quân Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Đào Cam Mộc.

Cổng chính vào khu nội thành có tên là Ngũ Long Môn (Năm Cửa Rồng) vì có chạm khắc hình 5 con rồng trên 2 cánh cổng chính. Đây cũng là cổng có 5 cửa vào, gồm cổng chính bằng gỗ mái cong lợp ngói có 3 cửa vào và 2 cổng phụ bằng gạch xây ở hai bên. Cổng chính có bậc tam cấp dẫn lên 3 cửa với 4 bức vách ngăn khắc hình rồng. Phía trên cổng chính có treo bức hoành phi có khắc 4 chữ Hán sơn son thếp vàng “Lý Triều Bát Đế”.

Qua cổng, ta sẽ đặt chân lên một sân đền rộng lát đá dẫn vào khối nhà chính. Bên phải của cổng có giếng và miếu thờ. Phía trước khối nhà chính là lư hương lớn, ở hai bên là 2 tượng voi thờ bằng đá.

Khối nhà chính gồm 4 ngôi nhà nằm nối tiếp nhau dẫn vào bên trong, lần lượt là:

– Nhà Phương Đình hình vuông 8 mái 3 gian, rộng 70 mét vuông.

– Nhà Tiền Tế hình chữ nhật 7 gian rộng 220 mét vuông, có treo bức hoành phi “Cổ Pháp Triệu Cơ” (đất Cổ Pháp là nơi mở đầu sự nghiệp vương triều Lý). Tại đây có điện thờ vua Lý Thái Tổ có đôi hạc cao lớn đứng chầu. Bên trái điện thờ có treo tấm biển sơn son thếp vàng ghi lại “Chiếu đời đô” (Thiên đô chiếu) do vua Lý Thái Tổ ban hành vào mùa xuân năm 1010 để chuyển kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (Hà Nội) – sau đó đổi thành thành Thăng Long. Còn bên trái có tấm biển cũng sơn son thếp vàng ghi bài thơ thần nổi tiếng “Nam quốc sơn hà” vốn được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước Việt Nam với 4 câu thơ thất ngôn bát cú vang như sấm rền, mở đầu bằng lời khẳng định “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư”.

– Nhà Chuyển Bồng là 2 nhà vuông 8 mái chồng diêm, hiện là nơi để các khách thập phương dâng lễ vật cúng tế.

– Cuối cùng là Hậu Cung “Cổ Pháp Điện” gồm 7 gian, rộng 180 mét vuông, hình chữ công (nơi thờ 8 vị vua). Tại đây có đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý. Các tượng vua ngồi trên ngai vàng được đặt trong lồng kính. Gian giữa là nơi thờ Lý Thái Tổ (trị vì 1009-1028) và Lý Thái Tông (1028-1054); ba gian bên phải lần lượt thờ Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1128) và Lý Thần Tông (1128-1138); ba gian bên trái lần lượt thờ Lý Anh Tông (1138-1175), Lý Huệ Tông (1175-1210) và Lý Cao Tông (1210-1224).

Bên phải đền có nhà bia đặt “Cổ Pháp Điện Tạo Bi” (bia đền Cổ Pháp). Tấm bia đá này cao 190cm, rộng 103cm, dày 17cm, được khắc dựng năm Giáp Thìn (1605), do tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn văn bia, ghi lại sự kiện lịch sử nhà Lê xây dựng lại đền và ghi công đức của các vị vua triều Lý.

Bên trái đền có một cây lưu niệm được hậu duệ nhà Lý ở Hàn Quốc trồng hồi tháng 4-1995. Sau khi Trần Thái Tông được vợ là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi mở ra triều đại nhà Trần, quan nhiếp chính Trần Thủ Độ tàn sát dòng họ Lý. Vì thế, hoàng tử Lý Long Tường sinh năm 1174 (Giáp Ngọ) là con thứ bảy của vua Lý Anh Tông đã phải cùng đoàn gia thuộc đông tới 6.000 người mang theo thượng phương bảo kiếm truyền từ Lý Thái Tổ vượt biển chạy sang Cao Ly tị nạn và lập công lớn bảo vệ nước này chống quân xâm lược Nguyên Mông. Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc là Lý Thừa Vãn – Lee Seungman (sinh 1875 – mất 1965) chính là hậu duệ đời thứ 25 của Hoàng tử Lý Long Tường.

Ở bên trái cổng chính Ngũ Long Môn có một công trình bằng gốm khổng lồ do các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng thực hiện trong dịp kỳ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đó là tác phẩm bức cuốn thư “Chiếu dời đô” với chiều cao 3,5 mét, rộng hơn 8 mét, được coi là bức chiếu bằng gốm lớn nhất Việt Nam được ghép lại từ những viên gạch gốm nhỏ. Mỗi chữ Hán trong chiếu được thực hiện trên một viên gạch gốm. Có một điều trùng hợp là “Chiếu dời đô” gồm tổng cộng 214 chữ Hán, tương ứng với đúng 214 năm trị vì của Lý Bát Đế. Người ta cho rằng Lý Thái Tổ đã biết trước vận mệnh triều đại của mình. Thời của ông vừa mang đậm màu sắc Phật giáo, vừa đầy dẫy những huyền thuyết thần linh. Năm lên 3 tuổi, Lý Công Uẩn đã được mẹ cho làm con nuôi nhà sư chùa Cổ Pháp để đi tu và sau đó là một học trò của thiền sư Vạn Hạnh.

Thật ra, nhà Lý có tổng cộng 9 đời vua. Đời cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng, vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Năm 1224, Trần Thủ Độ chuyên quyền đã ép vua Lý Huệ Tông đi tu. Do không có con trai, nhà vua phải lập công chúa Chiêu Thánh làm thái tử rồi truyền ngôi khi mới có 7 tuổi. Bà chỉ làm vua được 1 năm rồi phải nhường ngôi lại cho chồng là Trần Cảnh, cháu họ của Trần Thủ Độ. Trần Cảnh từ năm 8 tuổi đã được đưa vào cung hầu hạ Lý Chiêu Hoàng rồi bị gán ghép để kết hôn với Vua Bà ngay sau đó, cho dù cả hai còn nhỏ xíu xiu. Ông lên ngôi năm 1225 khi mới 8 tuổi, là vua Trần Thái Tông lập ra nhà Trần và đã trị vì được 32 năm. Số phận của Chiêu Thánh Hoàng hậu thật bi kịch. Năm 15 tuổi, bà sinh thái tử Trần Vịnh, nhưng thái tử mới sinh đã chết yểu. Do không còn sinh nở được nữa nên năm 1237, khi mới 19 tuổi, bà đã bị phế xuống làm công chúa. Chưa hết số hồng nhan bạc mệnh, năm 1258, ở tuổi 40, bà lại bị vua Trần Thái Tông đem gả cho danh tướng Lê Phụ Trần để đền ơn cứu giá trong cuộc chiến với quân Mông Cổ. Sự việc này đã bị sử gia Ngô Sĩ Liên hồi thế kỷ 15 phê phán trong bộ Đại Việt Sử Kỳ Toàn Thư là coi thường đạo nghĩa vợ chồng để mưu cầu lợi ích chính trị. Mà vua tôi nhà Trần đâu phải một lần như vậy. Chính vua Trần Thái Tông sau khi phế Chiêu Thánh Hoàng hậu đã cướp người vợ đang mang thai 3 tháng của anh trai mình là An Sinh vương Trần Liễu để lập làm Thuận Thiên Hoàng hậu gây nhiều sóng gió binh đao. Công chúa Chiêu Thánh vừa là công chúa, vừa từng là nữ hoàng và hoàng hậu lại bị gả ép cho một bầy tôi. Bà sống với ông này được 20 năm, lại sinh đẻ bình thường, có 1 trai 1 gái.

Sở dĩ Lý Chiêu Hoàng không được thờ trong Đền Đô không phải vì tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, mà theo một số nguồn giải thích là do người dân thời đó muốn trừng phạt bà cái tội đã khai tử triều Lý. Tư liệu ghi là sau khi bà chết vào năm 61 tuổi, thể theo huyết tâm thư của bà, người ta đã an táng bà ở bìa rừng quê nhà, gần lăng tiên đế. Sau này, người dân địa phương lập đền thờ bà gọi là Đền Rồng hay Đền Bà Chiêu tại thôn Long Vỹ (phường Đình Bảng), nơi ngày nay có đường Lý Chiêu Hoàng. Nhìn lên bản đồ, đền Rồng nằm ở cuối làng về phía tây (có lẽ ứng với việc bà là vị vua cuối cùng của đời Lý), còn Đền Đô nằm ở đầu làng phía đông. Ở giữa hai đền là lăng tiên đế Lý Thái Tổ nằm cách QL 1A khoảng 500 mét, trên đường từ Bắc Ninh về Hà Nội. Tuy gọi là lăng, nhưng thật ra nơi an táng vua Lý Thái Tổ là một gò đất giữa đồng ruộng có trồng cây xanh mà các mục đồng vẫn thường tới nghỉ trưa nghêu ngao. Đó là theo di chiếu của nhà vua, không muốn thần dân của mình tốn tiền và mất đất canh tác.

Đền Đô nguyên là Thái miếu nhà Lý, do Lý Thái Tổ khởi dựng năm 1019. Năm 1030, nhân dịp về quê làm giỗ phụ hoàng, vua Lý Thái Tông đã nâng cấp, mở rộng Thái miếu thành Đền thờ Lý Thái Tổ. Năm 1602, vua Lê Kính Tông đã trùng tu, xây dựng Đền Đô với một quy mô lớn, thờ 8 vị vua triều Lý, lấy tên là Cổ Pháp Điện – Đền Lý Bát Đế. Đền Đô bị tàn phá hoàn toàn năm 1952 trong thời thực dân Pháp đô hộ. Mãi tới năm 1989, kỷ niệm 980 năm ngày Lý Công Uẩn khởi lập vương triều Lý và hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, người dân Đình Bảng đã bắt tay xây dựng lại Đền Đô theo nguyên mẫu xưa, ngay trên nền ngôi đền cũ. Sau gần 21 năm miệt mài xây dựng, 21 hạng mục công trình của Đền Đô đã được khôi phục lại hoàn toàn.

Lễ hội Đền Đô được tổ chức hàng năm vào các ngày 14, 15, và 16 tháng 3 âm lịch nhằm kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn đăng quang (ngày 15-3 năm Canh Tuất 1009) và ban “Chiếu dời đô”.

Đoàn nhà báo chúng tôi đã được Nhà giáo Nhân dân và Anh hùng Lao động 73 tuổi Nguyễn Đức Thìn, thành viên ban quản lý Đền Đô, tác giả cuốn “Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô”, trực tiếp hướng dẫn và thuyết minh. Thầy giáo làng giàu nghị lực sống (từng bị bệnh phong phải nhập vào trại phong Quỳnh Lập chữa trị) và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ này quả là một kho tư liệu sống. Ông chồng ghép tích xưa vào chuyện nay tạo ra bài thuyết minh vừa sâu, vừa rộng, tuy rằng có vẻ ông lạm dụng nhiều sáo ngữ khiến người lữ khách phương Nam có lúc bềnh bồng. Có thể do người tổ trưởng tổ Tuyên truyền của khu di tích rất ưu ái mà quá đề cao cánh nhà báo chúng tôi nên cứ nghĩ phải cố vươn mình lên cho tương xứng. Xin cảm ơn ông đã cho tôi một chuyến hành hương về lịch sử bổ ích và thú vị.

 

     PHẠM HỒNG PHƯỚC

     (Saigon 12-7-2013)

 

 

       H2

  H3

 H4

 H5

 H6

 H7

H8

H9

H10

H11

H12

H13

H14

H15

Có 5 bình luận về Lần đầu viếng Đền Đô – nơi thờ Lý Bát Đế

  1. Phan Văn Ba nói:

    Cám ơn Phạm Hồng Phước đã giới thiệu về Đền Đô ở Đình bãng Bắc ninh. Qua di tích này người đọc cũng biết thêm về việc Lý Long Tường đã bỏ nước ra đi với khoảng 6.000 tuỳ tùng và tạo nên họ lý ở xứ Cao ly. rất tiếc tác giả không thêm hình ảnh các ngôi đình để có thể hình dung về cấu trúc những ngôi đình thuộc vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ.

  2. Đinh Kim Phúc nói:

    Có lẽ không có giai đoạn lịch sử nào lại được người sau nhắc đến với nhiều tranh luận như giai đoạn chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê và từ nhà Lý sang nhà Trần. Hai người phụ nữ đã trở thành hai nhân vật chính, được người đời nay nhìn lại và đánh giá dưới nhiều góc cạnh khác nhau.

    Chiếc áo Hoàng bào mà Dương Vân Nga khoát lên vai Thập Ðạo tướng quân, không phải là trao tặng ngôi báu cho người tình, mà đó là khoác lên vai ông sức nặng ngàn cân của cả một dân tộc. Và chính Lê Hoàn đã hoàn thành nhiệm vụ dân tộc giao phó một cách vẻ vang.

    Về phần Lý Chiêu Hoàng, qua bao nỗi thăng trầm, bà mất năm 60 tuổi. Tương truyền khi qua đời, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn tươi như hoa đào.  Bà được táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức. Bà được người đời sau lập đền thờ, gọi là Long miếu (đền Rồng). Sở dĩ Chiêu Hoàng không được thờ chung tại đền Đô (nơi thờ Bát Vương) mà phải thờ riêng vì bà là người bị xem là có tội với dòng họ khi để mất nhà Lý.

    Dòng họ Lý trách Chiêu Hoàng, nhưng chính hành động nhường ngôi cho chồng, Lý Chiêu Hoàng đã góp phần đưa dân tộc Việt bước sang một thời kỳ mới, một thời kỳ sáng chói bởi hào khí Đông A, một thời kỳ đã đem lại một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam:

    “Người lính già đầu bạc
     Kể mãi chuyện Nguyên Phong”
    .

  3. Phạm Hồng Phước nói:

    Với Thái hậu Dương Vân Nga thì là chuyện khác. Còn với Vua bà Lý Chiêu Hoàng thì kết tội bà theo tôi là oan ức dữ lắm. Tất cả chỉ là những con cờ trong tay Thái sư Trần Thủ Độ. Hơn nữa, thử hỏi lúc ấy mới có 7-8 tuổi thì người lớn biểu sao, bà làm vậy thôi, chẳng có nhìn xa trông rộng gì hết ráo. Công tội của Trần Thủ Độ dù sao cũng đã rõ ràng. Nhà Lý thời đó đã quá suy thoái, vua Lý Huệ Tông yếu đuối, nhu nhược lại bị Thái hậu họ Đàm khuynh loát; đất nước loạn lạc. Cái hay của Trần Thủ Độ là ông không soán ngôi vua để lên làm vua, cho dù ông mới là người có thực lực. Và nhờ vậy mà ta có được một nhà Trần đáng đồng tiền bát gạo. Ngay cả Trần Quốc Tuấn, con của An Sinh Vương Trần Liễu – người bị em ruột là vua Trần Thái Tông cướp mất vợ để lập làm Thuận Thiên Hoàng hậu – cũng không vì thù nhà mà quên đi nợ nước nên dân tộc ta mới có được một Đại vương Trần Hưng Đạo ba lần giúp nước chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Nếu không có những chuyện lùm xùm vợ vợ chồng chồng thì nhà Trần sẽ đẹp hơn biết bao.

  4. Pham Cuong nói:

    Đối với Thái hậu Dương Vân Nga,chuyện trao Hoàng bào cho Lê Hoàn chỉ là sự tính toán của Thập đạo tướng quân mà thôi.Sau khi tiêu diệt nhóm Đinh Điền-Nguyễn Bặc,quyền hành của Lê Hoàn với sự ủng hộ của phó tướng Phạm cự Lượng trở nên tuyệt đối,Thập đạo tướng quân còn tư thông với Thái hậu(sử-Trần Trọng Kim).Mục đích việc trao Hoàng bào là để cho chính danh.

  5. BẠCH LỘ nói:

     BL cảm ơn Anh SOS đã chiếu cố đến em út và xin cảm ơn Anh PHP đã cho BL được “tham quan” Di tích lịch sử Đền thờ LÝ BÁC ĐẾ ở Đình Bảng qua bài viết ,hình ảnh anh gửi lên trang nhà.  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác