Ngày của Cha – hãy là niềm tự hào của Cha
Có một ngày duy nhất trong năm dành cho cánh đàn ông, đó là ngày Father’s Day – ngày của Cha hay ngày Hiền phụ được tổ chức hàng năm vào ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 6 tại Hoa Kỷ, Canada và hầu hết các nước châu Á. Năm 2013, ngày Hiền phụ ở các nước này là Chủ nhật 16-6.
Các nưóc khác tôn vinh người cha vào những ngày tháng khác nhau, như ngày 23-2 ở Nga; ngày 19-3 ở Ý, Bỉ, Tây Ban Nha,…; ngày 8-5 ở Hàn Quốc….
Tư liệu ghi lại rằng: ngày Hiền phụ xuất phát từ ý tưởng của chị Sonora Louise Smart Dodd (1882-1978), sống tại Spokane (bang Washington, Hoa Kỳ). Mẹ mất sớm trong một lần sinh con, sáu chị em Sonora được nuôi dạy trong vòng tay của người cha William Jackson Smart. Cựu binh thời Nội chiến này đã gà trống một mình nuôi con khôn lớn. Vì vậy, Sonora yêu kính cha một cách đặc biệt. Năm 1909, trong khi dự ngày Hiền mẫu, chị chợt nảy ra ý định có một ngày để tôn vinh các người cha. Năm 1910, được sự ủng hộ của người dân địa phương, đặc biệt là giáo hội Thiên chúa giáo, Sonora đã tổ chức ngày Hiền phụ đầu tiên vào ngày 19-6. Ban đầu chị tính tổ chức vào ngày 5-6, sinh nhật cha mình, nhưng các giáo sĩ ở địa phương cho biết không đủ thời gian chuẩn bị, nên dời vào ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 6.
Năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã quyết định chọn ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 6 chính thức là quốc lễ (holiday) dành riêng cho những người cha.
Ngày Hiền phụ đã được hình thành từ ký ức và lòng biết ơn của một người con gái luôn tin rằng cha của mình và tất cả những người cha khác đều xứng đáng được tôn vinh vào một ngày thật đặc biệt.
Vào ngày Hiền phụ, bên cạnh những món quà thể hiện tình yêu, con cái thường tặng cho cha những bó hoa hồng đỏ – loài hoa truyền thống dành tặng những người cha. (Xin lưu ý là phải tặng cha cả bó, vì một đóa hoa hồng chỉ dành tặng người yêu.)
Cho dù được mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, nhưng con người chỉ có thể tượng hình từ kết quả của tình yêu và sự hòa nhập của hai đấng sinh thành. Trong suốt thời gian nằm trong bụng mẹ, người con nhận tình yêu của cha thông qua mẹ và cụ thể là với những lao động vất vả của người cha để nuôi cả gia đình. Khi con chào đời, người cha càng phải trĩu nặng hơn với gánh nặng cơm áo gạo tiền của một gia đình giờ thêm một thành viên – thêm một miệng ăn và những nhu cầu chi tiêu mới.
Người cha thường chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống tình cảm gia đình, nhất là hay bị con cái ngộ nhận và nhìn với con mắt nhiều định kiến. Thường thì cha là người con cái kính chứ không phải yêu như đối với mẹ. Bản tính đàn ông, lại là gia trưởng, nhất là phải bươn chải ngoài đời kiếm tiền nuôi gia đình khiến cha ở xa con cái. Khi về nhà, cha mang hình ảnh một anh hùng hết xí quách, thậm chí có khi là một chiến binh bại trận. Không tả tơi, phờ phạc thì cũng quạu quọ, dễ bùng nổ. Ngay cả mẹ chớ đừng nói chi con cái, cũng phải khiếp vía, chạy mất dép. Yêu được chết liền! Trong khi đó, mẹ lại ở gần bên – nhất là thời trưóc 1975 ở VN, mẹ thường chỉ lo việc nội trợ trong nhà – một quản gia kiêm bảo mẫu. Chưa kể cha còn ghi hằn trong ký ức đầu đời của con cái khi là người đã cho con lần đầu tiên biết thế nào là mùi vị của bánh tét nhưn mây, phất trần kiếm pháp, những cái bạt tai hay đá đít,…
Cứ lấy tôi ra mà mổ xẻ. Tôi sống gần mẹ nhiều hơn cha. Hồi nhỏ, cha tôi đi làm xa tuốt tận Kiến Tường trong vùng Đồng Tháp Mười, trong khi mẹ con tôi sống ở Kiến Hòa (Bến Tre) và Vĩnh Bình (Trà Vinh), mỗi tháng hình ảnh người cha chỉ xuất hiện thông qua tờ mandats (thư chuyển tiền qua bưu điện) mà cha gửi về sau khi người lãnh lương. Gia đình sum họp ở Kiến Tường được khoảng 8 năm thì cha tôi mất vì bạo bệnh khi tôi mới 13 tuổi. Khi còn sống, cha tôi ít gần gũi con cái – dù rất yêu con – và lại chỉ được sống với con cái quá ít năm nên tình cảm và hình ảnh của người cha trong tôi cứ bàng bạc. Nói thiệt lòng, tôi chưa được nếm trải đủ đầy mọi khía cạnh của tình cha con và nói một cách nào đó, tôi đã lớn lên như một người không có cha bên mình. Nhiều lúc lâm vào cảnh gian nan khốn cùng giữa chợ đời, tôi thèm biết chừng nào có được một vầng ngực và một vòng tay cứng cáp của người cha đỡ nâng, chở che. Mẹ tôi yêu con nhất trên đời, cả đời hy sinh hết vì con cái, nhưng dù sao bà vẫn chỉ là một người phụ nữ, chỉ có thể vỗ về, an ủi con mình mà thôi. Nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud (1856-1939) từng viết: “Tôi không thể nghĩ rằng có bất cứ một nhu cầu nào trong thời thơ ấu mạnh mẽ như nhu cầu được cha bảo vệ.”
Cũng chính vì không có “kinh nghiệm tình cha con”, tôi thiệt là vụng về trong cách hành xử với các con mình. Hên cho chúng vì tôi là một người sống nội tâm, nhiều tình cảm và rất yêu con. Tôi chỉ biết làm cho con mình những gì mà tôi từng mong muốn cha mình làm cho mình. Đó là bí quyết cha con của tôi. Chỉ một lần duy nhất tôi đánh roi con gái lớn của mình khi nó mới 3-4 tuổi, đánh chỉ một roi mà trong khi con tỉnh bơ còn cha thì bật khóc vì hối hận. Từ đó, tôi cạch tới già. Ngay từ khi con cái còn nhỏ, tôi chưa bao giờ áp đặt chúng một điều gì, hướng thiện chúng bằng cách nói cho chúng biết hay dở ra sao rồi khuyến khích và tạo điều kiện cho chúng làm điều tốt, sống đẹp. Với các cơn, tôi luôn là một người bạn – từ một người bạn lớn tuổi tới một người bạn già. Tôi hiểu rằng các con mình luôn sống tốt chỉ vì sợ tôi buồn chớ hỗng phải bởi khiếp vía tôi. Hình như như vậy là tôi thành công phải không ta?
Trong khi có nhiều bài hát, thơ văn, hình ảnh về tình mẹ, thiệt là thiếu điều đốt đuốc mới tìm thấy một tác phẩm thi ca về tình cha. Trong ký ức của tôi chỉ nhớ được bài hát “Ơn nghĩa sinh thành” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước với một câu duy nhất nói về cha “Công đức sinh thành. Người hỡi đừng quên. Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…” Một bài hát nước ngoài về cha gây ấn tượng nhất đối với tôi là “Papa” do Paul Anka trình diễn mà toàn bộ lời ca kể về một người cha vô cùng cao cả, yêu vợ thương con bằng cả con tim và cuộc sống của mình. Là đàn ông, là một người cha, tôi cũng chạnh lòng đó chớ. Nhưng hầu hết các tác phẩm thi ca về mẹ, về phụ nữ đều do cánh đàn ông viết nên. Bởi vậy, hỗng lẽ mình lại tự ca tụng mình thì dị dữ à nghen, chẳng “nam nhi” chút nào!
Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chạy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Câu ca dao hiếm hoi về tình cha con đó luôn như lời nhắc nhở mang tính truyền thống người Việt – hay nói cách khác là đạo lý người Việt – về cách hành xử của con cái với cha mẹ mình.
Chỉ những ai từng làm cha mới hiểu thấu được cái thiên chức làm cha khó khăn và gian khổ biết chừng nào. Ông Trời thường trêu ngươi, khi con cái hiểu được tình cha con, tình mẹ con thì cha mẹ hoặc đã khuất núi hay cũng gần đất xa trời. Vì vậy, ngày Hiền phụ là một sự nhắc nhở cần thiết – ít nhất thì tình cha con cũng được đưa vào lò microwave hâm nóng mỗi năm một lần. Tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ rằng: bạn có mặt trên cõi đời này là nhờ có cha mẹ mình. Hãy nghĩ đúng (cũng là nghĩ tốt) về cha mình để có thể yêu kính ông tương xứng với những công lao và tình yêu cha dành cho mình. Hãy báo hiếu khi vẫn còn có thể. Và món quà quý nhất mà bất cứ người cha hiền nào trên thế gian này cũng đều mong muốn có được là tình yêu của con và niềm tự hào về con.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon ngày Hiền phụ 16-6-2013)
H1
Hiện nay ở nước ta có bài hát ca ngợi người Cha rồi ,đó là bài Tình Cha hình như của ca sĩ Ngọc sơn!