CHUYỆN MÁY BAY
Có lần đọc một bài viết của Phạm Hồng Phước nói về máy bay đã làm tôi nhớ lại nhiều kỷ niệm liên quan đến đề tài này. Định ghi lại chúng nhưng tánh hay chần chờ và làm việc gì cũng tùy hứng nên hôm nay do cảm cúm chẳng làm gì khác được nên lôi máy ra …Từ thuở còn là thằng bé sáu/ bảy tuổi, thời Pháp thuộc lại ở “vùng xôi đậu” nên thường xuyên đối diện với bố ráp của thực dân, dưới đất thì lính commando gồm dân Phi Châu, có cả dân Việt khố xanh khố đỏ, dưới sông thì tàu sắt đầu bằng, trên trời thì may bay vần vũ, khi thì loại “đầm già” quan sát, khi thì loại “còng cọc” bắn súng ném bom.Có lần tránh “càng” phải tránh nấp vào con rạch cùn, người lớn thì trầm mình trong đám lục bình, con nít thì trùm áo mưa nằm trên xuồng ngụy trang cũng bằng rau mát. Tự nhiên dù còn bé nhưng sự sợ hải có chừa ai nhưng tánh tò mò còn hiện diện lúc ấy tôi vạch áo mưa nhìn trời coi “bà đầm” lượn lờ tìm mục tiêu. Lần khác ác liệt hơn. Theo má và bà đi chợ Nhơn Phú thuộc Cái Nhum. Sáng sớm mặt trời vừa lên chợ đã nhóm đông đảo, sương mai còn sót lại mờ mờ quanh chợ, xuồng của chúng tôi vừa đâm mủi vào bến thì, thấp rất thấp, phát hiện ra hai con “còng cọc” hùng hổ, ồn ào bay tới tấn công do có tiếng động cơ lạ thường bất chợt đánh động màng nhĩ, mắt hướng về chúng thì thấy sau đuôi hai con quái vật xịt ra những làn khói đen, mấy giây sau mới nghe thấy tiếng súng đại liên xối xả. Trong hoảng loạn, dân đen rối loạn, kẻ chạy, người núp…Vì còn ở trên tam bản nên má tôi và bà chèo ra sông để rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt nếu nằm dí nơi trọng điểm sẽ hứng biết bao lần bắn phá. Quyết định này là cầu âu nhờ trời phật độ trì và với phán đoán là may ra kẻ thù thấy người đi trên sông …sẽ không phải là mục tiêu. Tiếng nổ “liên tu bất tận” pha với tiếng gầm rú của máy bay, bà và má tôi cấm đầu bơi chèo cật lực mà có cảm giác chiếc tam bản vẫn ù lì một chỗ. Bầu trời như nổ tung tợ sấm sét bổ xuống từng hồi, tiếng đạn “réo réo” nghe rõ mồn một…Khủng hoảng quá, bà và má quyết định tắp vào đám dừa nước bên bờ sông rồi núp trốn dưới nước. Kỳ này má lôi tôi theo. Hai bà niệm Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn liên hồi. Cuộc bắn phá hình như lơi đi, hay vì đã quen với hoàn cảnh, tuy nhiên vẫn cảm thấy rất nguy nan khi vẫn còn ở nơi đây, đâu biết chúng nó bao giờ ngưng, chúng tôi nhảy lên tam bản chèo bơi để cố ra khỏi vùng oanh kích. Nhờ trời cuối cùng chúng tôi đã thoát hiểm.Trong thời chiến tranh trước 1975, trên bầu trời quê ta đã có bao nhiêu cánh sắt gầm thét phục vụ chiến tranh mà trong đầu thoáng mong một thuở thanh bình, đôi lần đến Tân Sơn Nhất tiển bạn lên đường du học mà ước mơ phải chi gia đình mình khá giả hoặc mình học hành giỏi giắn để được một lần bay lên… trời cao.Khi ra đời đi làm việc ở Hà Tiên cuối miền đất nước, giao thông cách trở vì vẫn còn ở thời chiến tranh khốc liệt. Ba hoặc sáu tháng mới về thăm nhà một lần, một đoạn đi xe lam ba bánh đường đôi khi bị đấp mô, một đoạn dài hơn đi bằng đò mất nhiều thời giờ, một đoạn thì bằng xe đò. Một chuyến đi như vậy phải mất hai ngày. Một người bạn mách nước là thử làm đơn xin quá giang những chuyến máy bay quận sự liên lạc giữa nơi này với Cần Thơ xem sao. Thử thời vận, có lần tôi được chấp thuận. Xế chiều lên máy bay , mẹ anh Núi nơi nhà trọ đầu tiên buổi sáng đã làm nhiều thức ăn cúng rằm, đặc biệt có nhiều loại bánh ngon vô cùng. Tôi tha hồ, vô tư “chén”!!! và thoải mái, vui vẻ chờ đi chuyến máy bay đầu tiên trong đời. Một kỹ niệm …khó quên.Không may cho tôi chuyến bay không là trực thăng mà là loại quan sát L20 di động lên xuống nhanh nhẩu như chim. Tôi nói không may là vì kết quả của chuyến đi này khiến tôi suốt đời không quên. Lên máy bay mà bụng tôi thức ăn còn đầy ắp, cộng với sự cất cánh nhanh lẹ đã khiến thức ăn của tôi sắp trào ra miệng. Tôi cố kềm lại, tay tôi rút chiếc áo thun trong túi xách để phòng hờ. May sao không chuyện gì xãy ra và thích thú nhìn những cánh đồng lúa bạt ngàn, nhìn dảy núi Sam núi Sập từ trên cao. Đang thưởng thức quê hương gấm vóc, bổng tiếng máy bay “đổi giọng” và cắm đầu xuống đột ngột. Không phải bị bắn rơi mà máy bay đáp xuống Châu Đốc trước khi về Cần Thơ. Chắc các bạn cũng đoán được điều gì xãy ra cho tôi, tất cả thức ăn trong bao tử đã ào ạt nôn tháo ra ngoài, tôi chỉ kịp quơ cái áo thun để kế bên …Rồi thêm một cái áo nữa!!! Nửa giờ sau máy bay cất cánh nhanh gọn, và bao tử của tôi bị thót thêm để đẩy ra ngoài thức ăn bánh trái còn sót lại. Tôi đã sợ hải rồi, không phải sợ đi máy bay mà sợ chuyện ói mửa bất đắc dĩ này. Chưa hết, khi chấm dứt cuộc chuyến bay ở Cần Thơ thì tiếp theo chuyện chẳng đặng đừng là khi bao tử không còn thức ăn mà vẫn ói ụa thì chất trôi ra là …mật xanh!!! Một chuyến máy bay hải hùng của tôi.Thời thế đẩy đưa, một chuyến bay của hàng không Thái Lan đưa tôi sang Hoa Kỳ mà trạm tạm dừng tiếp tế thêm nhiên liệu là Frankfurt, Đức Quốc. Quý bạn có đi máy bay đường dài rồi thì biết, mới bắt đầu háo hức nhìn mây bay bên ngoài liên tưởng đến Tề Thiên dằng vân giá võ, đến những nàng tiên nữ múa khúc Nghê Thường, nhưng rồi lần lần mệt mỏi…Sau Frankfurt, maý bay tiến tới bờ Đông của Mỹ Châu vùng đất của Canada, tôi đoán vậy và từ đó theo ven biển xuôi Nam để đến Thành Phố New York. Khi gần đến nơi máy bay hạ thấp cao độ, qua cửa sổ, nhìn xuống thấy những vùng đất xám xịt, màu của đất chết, của sa mạc. Trong lòng thắc mắc nhưng không dám hỏi ai vì sợ lòi ra cái…ngu của mình. Thời điểm đó là cuối tháng ba nên vùng Đông Bắc Hoa Kỳ cây đã không còn lá và đó là sự giải đáp thắc mắc của tôi sau này.Sau này có thêm đôi lần đi máy bay nữa nhưng cũng không ghi nhận điều gì đặc biệt. Gần đây trong chuyến bay New York- Florida tôi lại có hứng thú lén ghi vài tấm ảnh, lý do là vì chuyến bay cũng xuôi Nam theo ven biển của Miền Đông Hoa Kỳmùa này thấy đẹp quá, khởi đầu chuyến bay đầy mây sau thì quang đãng, và đặc biệt tôi ghi được bóng của chiếc máy bay có chở mình trong đó in trên đất.
NHA
May 10, 2013
H1: Đang đằng vân
H2: Ngoài biển nhìn vào bờ Đông Hoa Kỳ
H3: Chuyển hướng vào đất liền từ ngoài vào biển
H4:Hạ cao độ vùng trời Ft Lauderdale, bóng máy bay
H5: Bóng máy bay sắp hạ cánh ở sân bay Ft Lauderdale
H6: Một góc phố Lauderdale
Anh Nha được đi L20, HHg chưa được biết L20, chỉ biết L19 thôi, nhưng L19 chỉ có 2 chổ ngồi,nên chưa bao giờ được đi L19, chỉ được đi loại có 4 chổ ngồi, Việt Nam có thể ngồi 5,6 người, nhưng loại này không gọi là “L”, anh Nha đi L20, anh Nha biết “L” nghĩa là gì không? Thông thường khi phi cơ có chở hành khách, gần chổ ngồi có để những túi giấy, bên trong túi giấy có tráng lớp cao su mỏng, chứa được chất lỏng nhiều giờ không bị lủng, không cần dùng đến áo thun.
Lúc đó khờ quá, đi lần đầu và là lần cuối ..và đâu có ai nói gì đâu mà biết bao với bọc.Thằng bạn nói L 20 thì chỉ biết và nhớ như vậy, sai hay đúng cần có người góp ý. L20 thì có chỗ nhiều hơn L 19 nên nó mới cho mình quá giang. Chuyện từ 1965 lận mà, kể lại cho có chuyện vậy mà..Cám ơn HHg.
Cám ơn NHA đã cho mình nhớ lại thời chiến tranh ở vùng nông thôn mà lâu rồi nó chỉ còn lại trong tiềm thức.Người Mẹ Cửu long thương con cố gắng vươt bom đạn để bảo vệ cho đứa Con dạy khờ.Ôi Mẹ Việt Nam!Nhân ngày Mẹ cầu Chúc các Mẹ Sống Vui,Sống khoẻ! Mình chưa có dịp đi máy bay bạn đã giúp kinh nghiệm trong việc đi phi cơ trong thời chiế và thời bình.Hy vọng một ngày nào đó được ngồi trên phi cơ để nhìn quê hương từ trên cao! chắc là đẹp vô cùng Tổ quốc của ta ơi!
NTSnow hoan hô bài viết hay và hấp dẫn cuả anh NHA , nhờ bài viết này .mà ai có dốt như NT cũng nhớ và hiểu chuyện chiến tranh ở vùng quê , vì NT ở trên tỉnh VL . Anh Hoàng Hưng ơi , chuyện máy bay L20 hay L19 chỉ là chuyện nhỏ mà thôi , chuyện từ năm quá xưa 1965 lận mà , anh NHA hồi tưởng lại và viết bài gởi cho trang nhà là vui lắm rồi . Để NTkể cho anh Hưng và các bạn nghe…hồi năm 1973 , NT không chịu nổi khi vào trong phòng có máy lạnh , không đi xe máy lạnh được , ngay cả xe hơi , xe lam thường đi từ VL tới CT , NT cũng bị ói vì say xe cho tới mật xanh thôi.., NT không ngưỉ được mùi cuả khói thuốc hút…. vì vậy NT phải tự chạy xe đạp mỗi lần đi qua lại Cần Thơ…vì T/g đó NT học ở CT… NT phãi ráng tập lâu lắm gần suốt 1 năm chịu đựng, sang năm thứ 2 ĐH , NT mới tạm quen leo lên xe đò , anh Hưng không được chọc quê NT nhe … NT mét cô 9 phạt anh đó . !!?? Mến . NTSNow.