Nhóc tì Bali cũng được cảm giác đi máy bay
Sau khi đáp huốt đường băng để trượt dầm mình xuống vùng biển nông bên cạnh sân bay trên đảo du lịch nổi tiếng Bali (Indonesia) chiều 13-4-2013, chiếc Boeing 737-800 Next Generation mới cắt chỉ (mới nhận hồi tháng trước) của hãng hàng không giá rẻ Lion Air (Indonesia) tuy cứu được mạng sống của toàn bộ 101 hành khách và 7 nhân viên phi hành đoàn, nhưng chiếc máy bay coi như… bán ve chai.
Sau khi bị nứt làm đôi, phần đuôi dần dần rụng ra chìm xuống biển và những mảnh vỡ trôi dập dềnh trên sóng. Ngày 14-4-2013, nhà chức trách đã thu hồi được hộp đen của máy bay và đang có kế hoạch kéo xác máy bay lên bờ biển.
Nhìn hình ảnh những người dân Indonesia đang khuân vác những vật dụng thu nhặt từ xác máy bay, tôi thắc mắc không biết đó là do nhà chức trách thu hồi hay là người dân “hôi của”. Nhưng có một tấm ảnh làm tôi ngất ngây vì sướng: hai nhóc tì hí hửng chui đầu qua hai ô cửa sổ trên một mảnh thân máy bay. Chúng đang chơi trò đi máy bay và chắc chắn đang có cảm giác như thể mình được ngồi trên máy bay.
Hình ảnh này kéo tuột tôi về quá khứ cách đây gần 50 năm. Hồi nhỏ, cho tới tận bây giờ nữa, tôi mê (ghiền luôn) phim chiến tranh, phim cao bồi Viễn Tây và khoái làm phi công.
Hồi trước 1975, tôi không bỏ lỡ một tập phim nào (kể cả bản truyện tranh) của Series phim Chiến tranh Thế giới thứ 2 “Combat” của hãng truyền hình ABC chiếu trên kênh truyền hình Mỹ ở miền Nam. Tôi vẫn thường tự đóng vai của Trung sĩ Chip Saunders (do tài tử Vic Morrow thủ vai) trong những trận chiến giả cùng bạn bè lối xóm.
Chán đánh trận, tôi lại hóa thân làm chàng cao bồi Viễn Tây với khẩu súng rulô (nhựa) xề xệ bên hông và con ngựa là cây chổi chà. Hễ thấy ở đâu có chiếu phim cao bồi là tôi lại tìm cách lỏn vô coi.
Hồi đó nhà hết ở khu gần nghĩa địa (cuối sân bay) lại chuyển về đường Lý Thường Kiệt ở Khu Thành Công ngay bên cạnh sân bay, hễ quởn là tôi lại đi ra vòng rào sân bay mà ngắm nhìn những chiếc máy bay đủ loại. Tôi sưu tập lủ khủ hình ảnh máy bay. Vào khoảng năm 1966-1967, một chiếc khu trục AH-1 Skyraider sau khi bị thương đã cố gắng đáp xuống sân bay nhưng lao vào hàng rào và lâm nạn. Ông anh tôi vốn mê điện và điện tử ra gỡ được một ít bóng đèn và công tắc của máy bay, cho tôi mấy món, làm thằng nhóc mới 9-10 tuổi đầu coi chúng như báu vật. Sau này một phần đuôi máy bay được kéo về bỏ tại khu đất trống của nhà thờ. Từ đó, tôi vẫn thường xuyên leo lên đó xăm xoi và ngồi thả hồn như mình đang được cầm lái đi mây về gió. Có lần mò mẫm “nghiên cứu” xác máy bay, tôi bị một đoạn cáp rỉ sét quẹt vô chân rướm máu. Quên tật, tôi quẹt một chút nước miếng xức lên đó, coi như đã sát trùng. Ai dè mấy bữa sau chân tôi sưng lên và sốt cao. Người nhà chở vô nhà thương gần Núi Đất, tới nơi là tôi bắt đầu run lẩy bẩy, giựt tưng tưng, bác sĩ nói là bị phong đòn gánh, trễ một ngày là coi như tôi bay bổng thiệt – nhưng bay tuốt lên trời cao! Chích thuốc xong về nhà, mấy bữa sau khỏe, tôi lại tiếp tục ngồi đong đưa trên xác chiếc máy bay!
Vậy mà mãi tới đầu năm 2003, ở đoạn cuối tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, tôi mới biết cái cảm giác ngồi trên máy bay như thế nào. Cái lần đầu đi máy bay (sang Singapore dự họp báo kỹ thuật của hãng Intel cùng anh bạn Tuyên của tạp chí PC World Việt Nam), tôi tự ái cao độ lắm, hỗng muốn để ai biết mình là “Hai Lúa lần đầu cỡi xe bay”, nên len lén, rình rình liếc coi thiên hạ làm gì mình bắt chước làm theo, cũng hên là hỗng có làm bậy! Rút kinh nghiệm từ bản thân mình, sau đó tôi đã cố gắng tạo cơ hội cho hai chị em cô nhỏ và cậu nhỏ của mình có được cái cảm giác đi mây về gió đặng chúng không bị thiệt thòi và bỡ ngỡ như tôi.
Tôi không hề mắc cỡ khi nói mình ghiền máy bay (các cô nàng tiếp viên chỉ là bonus thôi nhé). Liệu có ai tưng tửng từng tưng tới level như tôi không? Thời làm ăn còn dễ chịu và giá vé máy bay còn trong sức chịu đựng được, có khi tôi đột xuất lên cơn lên cơn ghiền… bay, sáng từ Tân Sơn Nhất leo lên máy bay ra Đà Nẵng (khoảng 1 tiếng đồng hồ), chạy ra phía trước Siêu thị Bài Thơ dứt một tô mì Quảng xong chạy vô leo lên cũng chuyến bay đó về lại Saigon. Đà Lạt thì thường hơn vì giá vé rẻ hơn và gần hơn (chỉ bay 30 phút), chiều tôi bay lên Đà Lạt, tối co ro đi một vòng hồ Than Thở, sáng ra bay chuyến sớm nhất về Saigon. Hèn gì mà tôi chẳng có dư được đồng nào, luôn viêm túi mạn tính. Bây giờ nghĩ lại, tôi quả thiệt muốn quỳ xuống mà tự bái phục mình!
Cách đây gần nửa thế kỷ, khi còn là một thằng nhóc ngồi đong đưa trên xác chiếc máy bay mà mơ mộng bay bổng, làm sao tôi có thể dám nghĩ chỉ trong 10 năm qua, tôi đã bay được gần 300 chuyến ở nước trong, nước ngoài. Cảm giác luôn rất là… Yo-Most!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 14-4-2013)
@Nhắc nhở Phạm hồng Phước, cách 10 năm nên đi chích ngừa phong đòn gánh một lần.
@Phạm hồng Phước có đi chuyến bay ngắn nào vừa cất cánh,”bình phi”,lại sửa soạn hạ cánh. Đó là tuyến bay Sài Gòn-Biên Hòa.
Cảm ơn bạn Hoàng Hưng nhiều nhiều. Hồi đó ở miền Nam mình, mấy ông sợ nhứt là bị mấy bà vác đòn gánh rượt đập, còn sợ hơn là phong đòn gánh đó. Bây giờ bạn đi Saigon – Dalat cũng y vậy đó. Bình phi được chừng 5-10 phút là máy bay lại chúc đầu xuống chuẩn bị hạ cánh. Chặng bay chừng 30 phút thôi mà. Còn đi quốc tế thì bay Saigon – Phnom Penh cũng tương tự.