Con rồng của cầu Rồng

Ngày đăng: 29/03/2013 12:20:47 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

Hỗm rày trên mạng, thiên hạ đang rộn chuyện cái con rồng của cầu Rồng sắp khánh thành ở Đà Nẵng. Điều đáng để ý là hầu như bà con mình chỉ bàn tán chuyện hình ảnh con rồng khi thi công xong không được khí thế và bay bổng như trong bản vẽ thiết kế.

Thiệt tình, chuyện thi công không thể hiện đúng ý đồ thiết kế trong xây dựng giống như bi kịch ngàn năm giữa tác giả kịch bản và đạo diễn phim. Nhà thiết kế có thể vẽ vời thoải mái để thể hiện ý tưởng của mình ở mức cao nhất. Nhà thi công thì phụ thuộc vào khả năng thực hiện và yêu cầu kỹ thuật. 

Nhìn mẫu thiết kế, thấy con rồng thật sự đang muốn bay lên, hùng dũng quá thể. Ngó lại ảnh chụp thực tế cây cầu, sao tôi thấy con rồng có vẻ thảm não, hết xíu quách quá. 

Nếu chỉ có cái đầu rồng không thì như vầy là quá tuyệt, đằng này còn phải cân đối với cả thân rồng. Về nguyên tắc, cái đầu mà cao hơn cái thân và đuôi thì có ý hướng vươn lên. Cái đầu mà bằng hay thấp hơn cái thân và đuôi thì rõ là chúi nhủi. Ta cũng công bằng mà hoàn toàn thông cảm với khả năng của bên thi công. Đặc biệt Đà Nẵng còn là một khu vực hàng năm có nguy cơ bị gió bão. Nhưng sẽ tốt cho tất cả nếu như bên thi công trình bày hết khả năng của mình để nhà thiết kế có thể chỉnh lại sao cho hợp lý. Có điều xưa nay trên cả thế giới, các kỹ sư xây dựng luôn phải tính toán làm sao để thể hiện cho được ý tưởng của nhà thiết kế. Nếu không, làm sao nhân loại giờ đây có được những công trình kiến trúc bất hủ!

Thiết kế hình ảnh con rồng trên cầu Rồng là của điêu khắc gia nổi tiếng Phạm Văn Hạng, một người con của Đà Nẵng. Nhưng hãy hiểu cho ông, ông chỉ là một nghệ sĩ điêu khắc, vẽ hình tượng con rồng sao cho đạt tới mức cao nhất về mỹ thuật và ý tưởng. Ông không phải là nhà thi công cầu. Nhưng thú thiệt tôi không hiểu rõ ý của tác giả thiết kế khi trên báo điện tử VNExpress (27-3-2013), ông khẳng định: đầu rồng được thi công đúng như thiết kế ban đầu. Bởi nếu nói là đúng như bản vẽ thiết kế kỹ thuật thì không có gì bàn nữa, nhưng nếu so với bản vẽ của ông (được công bố rộng rãi trước nay) thì giữa thi công và thiết kế rõ ràng có một khoảng cách. Ông cũng nhấn mạnh là đầu rồng chỉ mang tính biểu tượng. Có lẽ vì thế mà nhìn ảnh chụp đầu rồng khi hoàn thành, tôi chỉ nhận ra đó là một “đầu rồng biểu tượng đầy tính sắt thép” chứ không có cái cảm giác như xưa nay khi nhìn thấy một tượng đầu rồng.

Cũng không nên cho rằng bên thi công đã không thực hiện được nhiệm vụ của mình. Tôi tin rằng họ đã thi công đúng như bản vẽ kỹ thuật theo phương án thiết kế đoạt giải của Công ty Louis Berger Group, Inc. (Mỹ). Bởi bản vẽ thiết kế của họa sĩ và bản vẽ kỹ thuật của kỹ sư không giống nhau đâu. Vấn đề ở chỗ làm sao dung hòa được cả hai. 

Xin mở ngoặc: tôi nhận xét chỉ trên cơ sở nhìn các ảnh chụp bản vẽ thiết kế và cây cầu khi đã hoàn thành, chưa có điều kiện nhìn trực tiếp cây cầu ngoài đời. Nhưng nếu nói chỉ vì cái cần cổ rồng có 4 ống chịu lực nên không thể đỡ cái đầu vươn cao hơn thì không thuyết phục đâu. Ta có nhiều giải pháp để gia cố. Ngoài ra, có thể phần đầu dùng chất liệu khác để bền mà nhẹ hơn. Chỉ có điều, cái cổ rồng uốn cong và vươn cao như trong bản vẽ thiết kế của nghệ nhân quả là thách thức cho nhà thi công đó.
Trong thực tế cây cầu Rồng, cái đầu con rồng càng vươn cao càng giúp hình tượng cây cầu thêm thanh thoát, con rồng có dáng vẻ bay bổng và đạt được hiệu quả nhìn từ xa tốt hơn. Ngoài ra, cái miệng rồng này còn phun lửa thiệt, nên cao hơn lại càng đẹp hơn, càng an toàn hơn. 

Bất luận thế nào, phải công nhận ý tưởng về một cây cầu mang hình tượng con rồng ở xứ sở con Rồng cháu Tiên này thiệt là tuyệt vời. Cây cầu bêtông vòm thép có vốn đầu tư “khủng” tới 1.500 tỷ đồng (80 triệu USD) này là cây cầu thứ 6 bắc qua sông Hàn. Nó có tổng chiều dài 666,5 mét, nhịp chính dài 200 mét, hai nhịp bên mỗi nhịp dài 128 mét; nhịp đuôi rồng dài 64,1 mét; nhịp đầu rồng dài 72 mét; rộng 36,5 mét với 6 làn xe; độ tĩnh không thông thuyền 7 mét. Tổng trọng lượng phần thân 9.000 tấn và phần đầu 40 tấn. Riêng phần đầu và đuôi rồng dài khoảng 15 mét, cao trên 9 mét tính từ mặt dầm. Đầu rồng được mô phỏng theo hình tượng rồng đá thời nhà Lý, đuôi rồng được cách điệu theo biểu tượng hoa sen. Đầu rồng cao cách mặt dầm 10 mét, dự kiến vào dịp cuối tuần hay lễ hội sẽ có phun nước vào ban ngày, phun lửa vào buổi tối.

Cầu Rồng được khởi công ngày 19-7-2009 và dự kiến sẽ được khánh thành nhân kỷ niệm 38 năm giải phóng Đà Nẵng (29-3-2013). Nó được đăng ký kỷ lục thế giới Guinness là “con rồng thép dài nhất thế giới”. Hiệp hội Cầu đường Thế giới công nhận thiết kế cầu Rồng là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ.
Thôi thì ta cứ chia vui với Đà Nẵng giờ đây có thêm một công trình ghi dấu ấn là cầu Rồng. Khi khách lên cầu đứng gần sẽ thấy cái đầu rồng ngẩng cao ngước lên nhìn trời (tùy cảm nhận và tâm trạng của mỗi người mà có cảm nghĩ khác nhau: rồng đang ngẩng cao đầu oai phong hay rồng đang ước muốn được bay lên). Ta chỉ nên nghĩ đơn giản đây là một cây cầu có hình tượng con rồng để mà an tâm thưởng ngoạn! Đừng nên cố gán cho nó cái biểu tượng của một con “thăng long” để rồi lăn tăn, mất vui tất cả! 
 

PHẠM HỒNG PHƯỚC
( Saigon 28- 3- 2013)
+ PHOTO: Cầu Rồng nhìn từ nhiều góc độ và khoảng cách. Điêu

 h1

h2

h3

h4

h5

h6

h7

Có 2 bình luận về Con rồng của cầu Rồng

  1. Hoàng Hưng nói:

        Cầu Con Rồng thì có nguyên con rồng, còn cầu Hàm Rồng thì chỉ có hàm con rồng phải không Phạm Hồng Phước?

  2. Pham Cuong nói:

    Đất nước ta chưa thật sự là”Rồng-NIC”thì chi 80 triệu USD(1500 tỷ đồng VN)thì hơi “hoành tráng”đấy!,có cần thiết?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác