Nhật Ký: Ngày đầu tiên hết tết…
Thiệt là bối rối không biết nên coi ngày mùng 4 tháng giêng năm Quý Tị (13-2-2013) là ngày tết hay ngày thường. Xét về mặt pháp lý, nó vẫn còn trong thời gian nghỉ tết năm nay (tới mùng 9 lận). Nhưng xét về cái thói quen (cả nếp nghĩ lẫn quen miệng), tết chỉ có 3 ngày.
Theo tập quán, trước tết 10 ngày, kể từ ngày 20 tháng chạp trở đi, người ta bắt đầu gắn thêm cái đuôi Tết vào sau ngày âm lịch. Sau đó, cái đuôi Tết tiếp tục được gắn vào 10 ngày từ mùng 1 tới mùng 10 tháng giêng. Vị chi, tết Việt mình gồm 19-20 ngày (tùy theo tháng chạp thiếu hay đủ). Từ ngày 11 trở đi, không còn gọi là “mùng” nữa. Nhưng thực tế thì dù đã ra khỏi “mùng”, cái dư âm ngày tết vẫn còn đeo đẳng khiến người ta vẫn tiếp tục nướng trong “mền”. Thường phải qua ngày rằm tháng giêng thì tết này mới dứt để bắt đầu… chờ tết sau! Vậy mà ta vẫn cứ phải tự hào vì thế hệ con cháu bây giờ giảm bớt làm biếng so với cha ông ngày xưa. Ca dao vẫn còn kia kìa: “Tháng giêng là tháng ăn chơi. Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà…” Sáng nay anh Kiến Già Bách phone bảo rằng: “Bữa mùng Một Tết, cậu mặc áo hường, mùng Hai áo xanh, mùng Ba áo đỏ, vậy bữa nay mùng Bốn, mặc áo xám đi.” À há, lịch Công giáo năm nay trùng ngày mùng Bốn Tết là thứ Tư lễ Tro, ngày ăn chay kiêng thịt, mặc áo xám là hợp tình, hợp lý. Tiếc là anh Kiến Già Bách lỡ chuyến đò ngang rồi. Từ gần 5 giờ sáng nay tôi đã “xuất gia” với chiếc áo… nhiều màu. Bữa nay mùng Bốn hết ba ngày tết rồi, bắt đầu cuộc sống ngày thường phải đương đầu với cuộc đời đủ mọi sắc màu hỉ nộ ái ố. Do có cái tật đãng trí, tôi mặc áo nhiều màu để tự nhắc mình rằng cuộc đời chớ hề đơn giản chút nào! Nhưng chỉ có cái áo thôi nhé (mà ngạn ngữ phương Tây phán rằng “cái áo không làm nên thầy tu”), chớ “làn da châu Á” của tôi chỉ duy nhất cái màu vàng bẩm sinh. Cả đời mình, tôi chưa bao giờ cho phép biến mình thành con kỳ nhông thay đổi màu da xoành xoạch. Tôi liên hệ tới con kỳ nhông chỉ là theo phép ẩn dụ thôi. Đừng ai chê bai con vật bò sát tội nghiệp này nghen (nghe đồn rằng nó là cái món biệt dược “ông ăn, bà mê” đó). Tạo hóa phú cho nó cái tính năng thay đổi màu da theo môi trường sống để giúp nó tự vệ mà tồn tại (xêm xêm tuyệt chiêu “thập diện mai phục” chớ không giỡn đâu). Chẳng biết từ lúc nào, người ta lại dùng cái sự thay đổi màu da liền tù tì của con kỳ nhông để chỉ những kẻ biến hóa khôn lường, thay trắng đổi đen, thay đổi chính mình vì những mục đích không trong sáng. Nó hoàn toàn khác hẳn cái tính linh hoạt, thích ứng, giỏi ứng phó… vốn rất cần để con người tồn tại trên cõi đời nhiễu nhương và ô trọc này. Ông bà mình nhắc rằng: “nhập gia phải tùy tục…”, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Người Á Đông có cái triết lý cây tre rất thâm thúy và sâu sắc. Cây tre tồn tại được trước phong ba bão táp nhờ nó mềm dẻo, sống thành cụm và có bộ rễ bám chắc. Khi bị sức mạnh bên ngoài càn qua quá hớp, không chịu nổi thì nó rạp mình xuống, và càng phải rạp mình sát mặt đất bao nhiêu, khi nó bật lên càng có sức mạnh khủng khiếp bấy nhiêu. Tôi cũng nhớ tới chuyện cổ tích “Cây tre trăm đốt” với cái câu thần chú “khắc nhập, khắc xuất”! Có lẽ tết năm sau Giáp Ngọ “mã đáo thành công” (xin chớ nhắc cái cụm từ “quất ngựa truy phong” hỗng hên), tôi sẽ mặc áo có hoa văn cây tre!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 13-2-2013)