Lang thang miệt vườn Nam bộ

Ngày đăng: 21/02/2013 05:38:34 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

 Du lịch miệt vườn đã được các công ty lữ hành thiết kế thành tour từ lâu nhưng thường được tổ chức theo từng khu vực các tỉnh, chưa có tour chuyên cho ngày xuân , nhất là đi lang thang để thấy người Nam bộ sinh hoạt thế nào trong những ngày xuân.

Từ thành phố Hồ Chí Minh đi đến Tiền Giang là điểm đầu của cuộc hành trình. Tiền Giang là xứ trái cây, như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Vĩnh Kim, bưởi long Cổ Cò, nhưng ngày gần tết thì Vĩnh Kim và các xã lân cận thuộc huyện Châu Thành (Tiền Giang) có nhiều vú sữa. Đi chơi vào dịp này, du khách thấy nhà vườn lũ lượt chở vú sữa ra các vựa ven tỉnh lộ để bán hay đến chợ Vĩnh Kim, cảnh nhộn nhịp của người dân mua bán trái cây chuyển cho các thành phố. Tận dụng khung cảnh lạ này, các công ty lữ hành đã thiết kế tour vào vườn hái trái, tát cá. Khách được vào vườn tự hái vú sữa, ăn tại chỗ miễn phí tùy thích vì chi phí đã tính vào tour, mua bán cách này ở vườn người ta gọi là “bao bụng”. Nhà vườn đứng ra tiếp khách như tiếp người thân, hai bên trao đổi nhau về giá cả, cách trồng vú sữa. Sau đó, khách đi đến một điểm khác gần đó là cù lao Thới Sơn. Các mương vườn ở đây thường có nước quanh năm, nên là nơi trú ngụ của các loài cá, tôm. Nhà vườn thường tát cá vào những dịp đám giỗ, đám cưới trong gia đình hay vào dịp cuối năm để ăn Tết, giảm được một ít tiền chợ. Tuy nhiên, những mương đó bây giờ dành cho du khách tát cá, họ được nhà vườn cho mượn thau, gàu để tát nước; cho mượn thúng, nom để bắt cá, nếu mương này cá ít thì qua mương khác tát tiếp. Những “chiến lợi phẩm” bắt được dưới mương là đủ loại cá, trong đó có thể có tôm càng, lươn. Nhà vườn hỗ trợ khách trong khâu chế biến, họ lấy cá tai tượng để chiên xù, lấy cá lóc nướng trui, cuốn bánh tráng và lươn, tôm dùng nấu lẩu, nếu tôm có nhiều thì nướng trên than gáo dừa rồi chấm muối tiêu chanh. Tiền Giang còn có một trại rắn đầu tiên và nổi tiếng cả nước đó là trại rắn Đồng Tâm, cách thành phố Mỹ Tho 9 km. Ngoài việc nuôi rắn và trăn, trại còn trồng một số cây thuốc nam để cấp cứu và điều trị rắn độc cắn. Trại như một bệnh viện chuyên trị rắn cắn Sau khi tham quan chuồng rắn hổ, khu vực nuôi rắn để biết thêm về các loài bò sát này, rắn nào là rắn độc, rắn nào không độc, khách còn có thể mua một vài lọ thuốc được bào chế từ nọc rắn, mở trăn, các loại ví, dây ních bằng da trăn.

Từ Tiền Giang đi qua cầu Rạch Miễu là tới địa bàn Bến Tre. Vừa qua cầu là tới khu vực xã Tam Phước và xã An Khánh, nơi sản xuất bánh tét loại nhỏ cung cấp hàng ngày cho TP Hồ Chí Minh. Gần đến ngày tết, từ 23 đến 30 tháng chạp là các lò bánh tét ở vùng này giao bánh (lớn) không kịp cho các công ty tại TPHCM. Họ gửi bánh bằng xe đò, đến nơi giá bánh tét cộng tiền cước cũng thấp hơn bánh chưng từ 20% đến 30%. Do là vùng sản xuất nhiều bánh, nên năm nay các công ty lữ hành lại đưa ra “Tour du lịch gói bánh tét”, thu hút nhiều thanh niên ở TPHCM đi Bến Tre chơi và học gói bánh. Những chàng trai, thiếu nữ được phát lá chuối, nếp, đậu xanh và được chủ nhà hướng dẫn gói. Họ đi chơi một vòng quanh vườn, ăn uống thỏa thích, trở lại lò lấy đòn bánh tét của mình đã gói lúc sáng đem về làm quà. Bến Tre có đặc sản nổi tiếng dành cho ngày tết đó là bánh phồng Sơn Đốc. Sơn Đốc là địa danh thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, cách Bến Tre 25 km về hướng biển Ba Tri. Loại bánh phồng này làm bằng nguyên liệu nếp, nước cốt dừa, đường cát. Vị ngọt béo của bánh phồng Sơn Đốc phải nói là tuyệt vời hơn hẳn các loại bánh phồng nếp ở địa phương khác. Có lẽ vì thế mà có một doanh nghiệp đã nướng sẵn bánh phồng Sơn Đốc, vô bao ny lon cho người bán khắp các quận nội thành TPHCM. Đến tận Sơn Đốc để nhìn thấy quy trình làm bánh như thế nào, từ xôi nếp, quết nếp đến cán bánh, phơi bánh ra sao? Nhất là cảm nhận được không khí khẩn trương của người dân làng nghề .

Đi theo hướng tây trên Quốc lộ 57, về Cái Mơn, Chợ Lách lại gặp nhiều làng nghề hoa kiểng. Cái Mơn nổi tiếng về cây giống và hoa kiểng vì có đến 13 làng nghề trồng hoa, Anh Trần Minh Mẫn, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh xã Vĩnh Thành cho biết, Tết năm nào, tổng doanh số của Cái Mơn bán cho các thị trường trong nước hơn 30 tỷ đồng, chiếm 60% doanh số toàn huyện Chợ lách. Hồi mấy năm đầu, nghệ nhân Cái Mơn chỉ làm tắc (cây hạnh) bán vào dịp Tết, mấy năm gần đây các nhà vườn làm mai kiểng, bon sai, cúc vạn thọ trong nước và nhiều loại kiểng lá bán cho nước ngoài. Hàng năm, vào tháng 11 âm lịch các ghe từ Campuchia xuống Cái Mơn mua kiểng cây, kiểng lá. Xu hướng chơi hoa của người tiêu dùng năm nay là chậu hoa rau dừa cạn treo (một loại rau dừa ruộng, ăn với mắm) được nhà vườn sản xuất nhiều. Họ nắm được thị hiếu người tiêu dùng, thích giá rẻ, hoa chơi được lâu dài. Các gia đình làm đám cưới có khuynh hướng mua vài chục chậu hoa treo chung quanh rạp, để có nhiều màu sắc . Giá một chậu chỉ từ 20.000 đ đến 80.000 đ tùy theo chậu nhỏ lớn. Năm trước, thị trường có xu hướng thích son môi, nhưng năm nay cây son môi đã bị hoa dừa cạn đánh ngã. Hộ nào cũng làm cả ngàn chậu, hộ làm nhiều như gia đình ông Bảy Sâm, chuẩn bị Tết đến vài chục ngàn chậu. Đến các làng hoa Cái Mơn người ta có thể chọn cho mình một vài chậu hoa nhỏ về chưng trong nhà, còn lại được nhà vườn hướng dẫn cách chăm sóc. Dù sao ở quê người dân cũng rỗi hơn các người bán ở các trại, sạp ở Sài Gòn nên việc chỉ dẫn được cặn kẻ và dễ hiểu hơn. Theo QL57, hướng về Vĩnh Long, gần đến Phà Đình Khao lại gặp làng mai Phước Định, thuộc huyện Long Hồ (Vĩnh Long) . Làng mai này chuyên làm mai nguyên thủy, tức thân dáng sao để vậy, nhưng có rất nhiều mai cổ thụ gốc lớn vì đã chơi từ lâu đời, cung cấp nhiều cho các chợ hoa xuân Vĩnh long, Mỹ Tho. Trà Vinh. Cuộc sống người dân ở đây yên ả không xô bồ, nhộn nhịp như Cái Mơn nhưng thu nhập không kém vì diện tích vườn có lớn hơn. Gần làng mai này là xã Bình Hòa Phước, An Bình xứ sở của các khu du lịch sinh thái lâu đời như Tám Hổ, Sáu Giáo, Quốc Nam và nổi tiếng nhất là Vinh Sang. Đến khu du lịch Vinh Sang, ngoài hưởng thụ cảnh sông nước nhà quê, ăn món ăn Nam Bộ, ở đây còn có trò chơi cưỡi đà điểu cùng các trò chơi dân gian khiến khách nước ngoài thích thú. Từ các khu này qua chợ nổi Cái Bè rất gần để chứng kiến cảnh chợ Tết trên sông, có nhiều ghe trái cây từ khắp nơi chở về. Nào là dưa hấu, bưởi , quýt tiều Lai Vung, mảng cầu, xoài cát Hòa Lộc … ở chợ nổi gần như trái cây nào cũng có. Đi vòng quanh ở miệt vườn các tỉnh, có người cho là cảnh vật giống nhau, nhưng thực tế mỗi nơi có phong tục, đời sống kinh tế khác nhau, mỗi nơi mỗi khác. Tiếc là không thể trong một bài nhỏ thế này trình bày hết những sôi động của vùng Nam bộ giàu tiềm năng và có nhiều nền văn hóa này.

Bài và ảnh Lương Minh

Hi

         Khách Tây chạy xe đạp trên QL 57, địa bàn Bình Hòa Phước

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác