Người thầy thuốc đóng kich (Phần 3)

Ngày đăng: 19/09/2012 05:57:04 Sáng/ ý kiến phản hồi (5)

 

Trước đây , Võ Châu Phương đã đăng câu chuyện ” Người thầy thuốc đóng kịch” hai kỳ  ơ trang cũ, lúc đó có sự cố virut tác giả không muốn đăng phần cuối . Nay trang nhà bình an  VCP gửi lại phần tiếp.

   

– Bác sĩ nói đi, tôi phải cần làm những gì?

  Sau khi hiểu mức độ thân mật của hai người họ, và biết ý đồ của anh cố gắng thiết phục chị chắp nhận người bạn đang sống đơn độc buồn khổ; còn chị tuyệt đối không và chống lại. Do vậy giữa hai vợ chồng có một cuộc chiến,không ai nhịn ai, hạnh phúc gia đình đang bên bờ vực thẩm . Điều quan trọng đối với tôi, sự điều trị bệnh sẽ thất bại, chắc chắn chị sẽ chết.Tôi nghĩ ra một cách giải quyết, nên đề nghị:

– Tôi cho chị một loại thuốc uống để giả tự tử chị dám thử không?

 Chị có vẻ lo lắng nên hỏi:

– Tự tử, không cứu kịp có chết không  bác sĩ?

– Tai sao chị hỏi vậy?

– Tôi sợ không cứu kịp chết thiệt, không có ai lo cho ảnh.

Tôi cười thầm trong bụng, hồi nảy than không muốn sống, bây giờ lại sợ chết.

 Tôi vừa cười vừa nói:

– Giả thôi chớ đâu phải thật, chúng ta chỉ đóng kịch, chị không cần uống viên thuốc nào cả,  nhưng chị có thể uống một ít rượu không?

 – Tôi uống rượu được.

– Chị có chịu đóng kịch bằng cách giả chết không?

– BS hướng dẫn đi, tôi sẽ làm theo, miễn anh chịu bỏ cô kia.

  Tôi nói ra hết những điều phải làm, có những chỗ cần phải diễn làm mẫu cho chị thấy; và yêu cầu chị phải viết hai lá thư tuyệt mệnh gởi cho chồng và tình địch. Bức thư phải viết làm sao, khi họ đọc phải cảm động rơi nước mắt, đồng thời có cảm giác tội lỗi để khiến hai người họ không thể tiến tới dù cho chuyện gì có thể xẩy ra. Cô em gái từ đầu chăm chú nghe, bây giờ mới lên tiếng:

–  Bác sĩ nói rành rọt quá, điệu bộ của bác sĩ làm giống như thật, chắc  bác sĩ đã giúp bệnh nhân  làm như vậy rồi sao!

– Nếu ai tôi cũng giúp kiểu nầy, chắc phòng mạch nầy bị thiên hạ cào xuống sông rồi.

– Tại sao bác sĩ lại giúp cho anh chị tôi?

– Trong xã hội, người có tiền bạc thì nhiều; nhưng người có tư cách như chị rất là ít. Tôi cũng rất là quý anh, anh là một đàn ông biết quan tâm đến vợ, lo lắng cho vợ; tuy anh đang đi sai đường; nhưng hy vọng sẽ kéo anh về đúng nẻo.

    Trời đã khuya, hai chị em ra về, tôi còn bị mẹ chất vấn:

 – Sao con không gặp chú ấy khuyên một lời, bài ra chuyện tự tử nầy mẹ lo quá.

 – Mẹ ơi! mẹ hãy nghĩ lại đi. Khi người đàn ông muốn có vợ nhỏ, dù cha mẹ họ khuyên ngăn cũng không được; huống hồ đối với ảnh về mặt xã hội, về mặt tình trường; con là chú bé miệng còn hôi sữa làm sao khuyên ảnh cho được; nhưng khi ảnh chứng kiến cảnh vợ của mình chết đi sống lại, lời nói của con lúc đó có tác dụng. 

           Vở kịch trên sân khấu diễn không khó, nhưng đóng vở kịch ở ngoài đời thật là khó, phải tính toán nhiều thứ, chỉ một phần không ăn khớp sẽ thất bại. Tôi phải tính từ chiếc xích lô chở chị, người cùng ngồi trên xe, và phải xảy ra tối chúa nhật là thuận lợi nhất.

   Đúng như kế hoặch đã định, tối thứ ba anh đưa chị đến khám bệnh, tôi hỏi:

 – Chị thấy trong người ra sao?

 – Mọi thứ bình thường chỉ có điều không ngủ  được thành ra mệt quá. Xin  bác sĩ cho thuốc ngủ.

 – Thuốc chị đang uống, liều thuốc buổi chiều có thuốc an thần.

 – Bác sĩ vui lòng cho tôi loại thuốc ngủ nào mạnh hơn!

– Được! Tôi đổi cho chị loại thuốc mạnh, thuốc nầy mỗi ngày chỉ uống một viên. Tôi cho chị tối đa 5 viên, anh chị nên nhớ khi dùng thuốc  không được uống rượu.

   Chị ra điệu bộ thiết tha nài nỉ :

– Xin bác sĩ cho luôn 10 viên là đến ngày tái khám, có 5 viên mất công trở lại.

 Tôi giả bộ đắn đo một hồi rồi mới nói:

– Tôi tin tưởng anh chị mới đưa 10 viên, với điều kiện anh phải giữ 5 viên, khi chị uống xong 5 viên rồi anh mới đưa cho chị. Anh có làm được không?

 – Được! lý do sao phải làm vậy  bác sĩ ?

 – Thuốc nầy uống từng viên giúp cho an thần rất là tốt, không có hại gì cả. Uống một lượt 5 viên, người uống cảm thấy bức rức khó chịu cả ngày, nhưng uống 10 viên lên cơn co giựt, tổn thương não rất nguy hiểm, đặc biệt uống chung với rượu  khó mà sống. Để không lầm lẫn, tôi để riêng hai chai thuốc, mỗi người giữ một chai.

    Anh đã hiểu được nguy hiểm của nó, nên cẩn thận để chai thuốc vào túi áo, và đưa vợ ra về.

       

 

   Ngày chúa nhật đến, trời đã tối không thấy chuyện gì   xảy ra làm cho mẹ tôi lo lắng đứng ngồi không yên, hai mẹ con đang ngồi bàn, nghe tiếng gõ cửa cầu cứu, mẹ tôi mừng rỡ mở cửa, anh ẵm chị vào đặt trên giường mà mặt sợ hãi, tay thì run run. Anh kinh hoàng thì phải. Thú thật, tôi thấy cũng phải giật mình, không ngờ chị đóng y như thiệt, mắt trợn tròng, miệng sủi nước bọt, tay chân co quắp, cả người hôi mùi rượu. Tôi phải vào vai ngay, người thầy thuốc cấp cứu bệnh nhân tự tử sắp chết. Sau một màn kịch cấp cứu xong mới phát hiện chị say rượu thật, đem ra nhà sau cho chị ói và cho nghỉ ở đó. Mọi thứ xong xuôi, đi ra thấy anh đang ngồi với vẻ mặt lo lắng và ăn năn, tôi mới nói:

–  May cho anh, phải đem trễ một chút chị chết rồi!

 Anh nói với giọng mang ơn:

– Cám ơn bác sĩ, vợ tôi hiện tại ra sao?

– Chị đã qua thời kỳ nguy hiểm, thuốc và rượu cũng đã  ói ra nhiều, sẽ hồi phục từ từ.

   Tôi  vào chăm sóc cho chỉ, khoảng nửa tiếng,  quay trở lại gặp anh và nói:

– Chị bình phục khá rồi, để chị nghỉ đó với mẹ tôi, với cô gái .

  Tôi giả ngạc nhiên

 – Ủa ! cô đó là ai vậy?

– Cô em vợ, đã qua nhà giúp cho vợ tôi một tuần nay.

– Vậy tốt! Chúng ta ra quán gần đây uống một ly cà phê.

    Anh có vẻ do dự vì lo cho vợ, sau khi nghe giải thích, anh đồng ý đi quán gần đó. Quán tối vắng người hai  anh em vừa uống cà phê vừa tâm sự.

    Tôi giả bộ như không biết gì, hỏi anh:

–  Anh giữ 5 viên, chị lấy thuốc đâu mà uống?

– Sáng nay bả bảo đưa thuốc, tính ra mỗi ngày một viên bả uống hết thuốc vào tối thứ bảy, nên tôi đưa thuốc cho bả.

– Có 5 viên tình trạng đâu nặng vậy?

– Lúc đầu tôi cũng thắc mắc như bác sĩ, sau đó tôi mới nghĩ ra 5 viên thuốc bác sĩ đưa cho bả, bả không uống, chờ lấy 5 viên của tôi uống luôn một lần.

– Bây giờ tôi hiểu rồi chị quyết tâm chết, nên uống 10 viên cùng chung với rượu.

     Tôi tâm ngâm như suy nghĩ rồi hỏi tiếp:

– Ai phát hiện ra trước mà đưa đến đúng lúc?

– Tôi!

– Tôi hơi ngạc nhiên, sao chị uống thuốc, và uống nhiều rượu như vậy mà anh không biết để ngăn chị. 

      Câu hỏi của tôi như ám chỉ có cái gì đó mờ ám ở  trong người anh, hy vọng anh kể lại chuyện gì đã xảy, xem chị có thực hiện đúng chỉ dẫn, và đồng thời đánh giá tình cảm của anh. Để thanh minh cho mình, anh đã kể :

– Hôm nay bả vui vẻ lắm, 5 giờ chiều bả bảo tôi đi mua thức ăn, đồng thời ghé ngang chở chị bạn qua đây cùng ăn, bả muốn sau bữa nay mọi người sẽ được vui vẻ. Tôi thực hiện theo lời bả, vừa bước vô nhà thấy bả đi loạng choạng như say rượu đưa cho tôi một lá thư và cô bạn của bả một lá, rồi cầm chai rượu mà uống mà không cần rót ra  ly, nhìn thấy 2 chai thuốc bác sỉ đưa hôm trước đang ở trên bàn, tôi biết chuyện gì đã xảy ra, chạy lại ôm bả; bả ngã xuống và co giật.

 Thấy nét mặt anh còn những nét kinh hoàng, nên không nở lòng nào hỏi thêm nữa, nên nói: 

 – Chuyện gì đã xảy ra cho gia đình anh chị tôi không muốn biết, nhưng với tư cách của một người em, người bạn tôi có một lời khuyên, chị còn sống là trời thương anh, cho anh một cơ hội, anh phải biết quý nó, cơ hội không đến hai lần.

     Một vở kịch rất thành công, sự thành công không phải do đạo diễn mà do người vợ làm mọi thứ để mang chồng mình về. 

      Hai tuần sau anh chị mời tôi vào nhà chiêu đãi, đêm đó vui quá, uống rượu nếp than đến say. Dù say đi nữa cũng không dám nửa lời tiết lộ, giữ kín bí mật đến ngày hôm nay.

  Câu chuyện nầy một ngày nào đó đến tay anh chị, chị đọc nó mà nhớ đến tôi; còn anh, hy vọng anh thông cảm cho một thầy thuốc vì muốn chữa hết bệnh cho bịnh nhân, mà đành đóng kịch.

                                 Hết

                 Võ Châu Phương

 

Có 5 bình luận về Người thầy thuốc đóng kich (Phần 3)

  1. PhuongNga nói:

    VCP ơi, cám ơn bài viết của em Nói nhiều cũng thừa, chi xin mượn 2 câu kết trong truyện Kiều để tặng em.
    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
    Càng đáng quí hơn, “Người Thầy Thuốc” vừa có “Tài” vừa có “Tâm”.

  2. Nguyễntuyết nói:

    NT tui thắc mắc… đây là câu chuyện thật phải không ?…nếu là thật thì NT rất là tâm đắc   vì VCP không những là Bs mà còn là 1 nhà tâm lý học nưã… rất là đặc biệt… chắc bệnh nhân này rất là thân thiết…. chớ là ..” Tâm Bệnh “…mà lâu ngày không ai  giúp giải toả dùm …thì sẽ đi đến… tử vong 1 cách âm thầm… !như vậy VCP đã cưú sống 1 mái ấm gia đình vui vẻ  và hạnh phúc trở lại… như vậy có nghiã là bạn đã xây được mấy cái chùa rồi đó… NT nghe người ta nói vậy đó mà…. cái tâm cái đức bằng ba cái tài…. đó mà… câu chuyện hay có hậu !!!!

  3. Hoàng Hưng nói:

    Câu chuyện quả thật hay. “Lương Huynh” ơi, nếu có thể đăng lại bài Tiếng thét giửa đêm khuya cho những đọc giả mới chưa đọc câu chuyện của một Bác sĩ kể lại việc trị bịnh cho đứa bé trong đêm, bác sĩ phải mặc áo mưa, “rain coat” thiệt nhé. Xin đừng hiểu lầm.

  4.                              Mộng Huyên
              Anh VCP, phần cuối nầy em đọc thấy hay quá, em muốn đọc phần 1, phần 2 phải tìm đọc ở đâu? xin anh hướng dẫn

Trả lời Nguyễntuyết Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác