Chuyện mèo năm cũ

Ngày đăng: 12/08/2012 07:43:27 Chiều/ ý kiến phản hồi (7)

Nghề nghiệp của tôi được phép ” xâm nhập gia cư ” theo sự yêu cầu của chủ nhà. Có một điều chúng tôi phải thuộc nằm lòng, dù có hay vắng mặt chủ nhà, chúng tôi chỉ được nhìn những chỗ, đến những phòng, đụng những vật cần thiết cho công việc, tuyệt đối không nhìn ngang ngó dọc trong nhà của khách hàng. Vậy mà có một lần chúng tôi lục lạo từng gầm giường góc tủ, trái với nguyên tắc nghề nghiệp và chi tiết bản vẻ kỹ thuật thường lệ.

        Nhiều năm trước, tôi  thiết kế hệ thống chống kẻ gian đột nhập, và hệ thống liên hoàn có công năng phát hiện khói thường, khói độc cho một nhà dân cư. Trước khi giao chìa khoá cửa, ông chủ nhà dẫn tôi giới thiệu ba con mèo Ba Tư cưng của ổng. Thú thiệt, từ ngày biết mặt chữ a-bê-xê dờ-cờ tới giờ, lần đầu tiên tôi thấy được một cảnh tượng an nhàn, hạnh phúc và dễ thương như vậy. 
        Trên chiếc giường ngủ mênh mông và sang trọng của vợ chồng ổng, những cô chú mèo trắng bông như tuyết, đứa nào đứa nấy mập mềm to như chiếc gối vuông kê đầu. Ba khuôn mặt tròn thơ ngây hơi sẫm màu ló ra khỏi khối lông tơ óng ánh, quay nhìn chúng tôi không một chút ngại ngùng sợ hãi. Tụi nó chào chủ bằng những tiếng meo meo nho nhỏ, một đứa dùng chiếc lưỡi mõng dính liếm qua lại hai cánh mủi nhỏ đỏ như son. Những con mắt tròn xoe trong veo xanh màu ngọc bích, sáu con ngươi nâu sậm thẳng đứng như những nhụy hạt sen, ngạc nhiên nhìn ông Á châu lạ hoắc đang lạc vào vương quốc.
        Vì lịch sự tôi phải cố gắng đứng nghe tên tuổi các cô chú mèo, nguồn gốc quốc tịch, gia phả cha mẹ ở đâu, các đặc tính sức khoẻ, khôn ngoan, tràng giang đại hải mà tôi không thể nào nhớ nổi. Tôi chỉ biết chắc chắn các cô chú nầy nắng không ưa mưa không chịu, môi trường ấm lạnh phải có người kiểm soát, và không bao giờ biết bắt chuột, bắt cá để tự sanh nhai. Cũng có lẽ muốn nhắc khéo chúng tôi cẩn thận, ông kể lại việc lâu rồi, có một chú tên gì đó nuốt đoạn chỉ gai, ngoài môi còn ló ra một khúc. Ổng mang đến phòng mạch thú y, tiền mổ và viện phí nuốt trọn hai ngàn. Cầm mãi chiếc chìa khoá cửa nhà, ổng căn dặn chúng tôi đừng đóng cửa phòng ngủ nầy, để các cô chú mèo ra vô ăn uống và làm chuyện vệ sinh. Nhất là nhớ đóng chặt các cửa trước sau, tránh cho ba bộ lông sạch như tơ, từng sợi mịn màng trắng tinh đó không nhuốm bụi trần gian phàm tục.
        Công việc tại nhà đó chúng tôi ước độ ba ngày, riêng tôi thì ác mộng dài như một tháng. Do đặc tính việc làm, và cần dụng cụ để  ngoài xe nên tụi tui ra vô liên tục.  Lâu lâu tôi chợt nhớ, phải chạy vô điểm danh mấy chú mèo, nếu thiếu một em thì hai chúng tôi căng đội hình hàng ngang chảy bằng lượt dầy cho căn nhà một hầm hai gác gần 500 mét vuông dầy đặc đồ dùng.
        Chúng tôi ấn định trạm đặt máy kiểm soát chánh đặt ở tầng hầm, các đầu dây kéo về một mối. Mới đầu tụi tôi không để ý cái thùng vuông lù lù trong góc kế một bên, vả lại hồi nào tới giờ nhà đâu có nuôi chó mèo gì đâu mà biết. Tới chừng thấy một cô rón rén bước ra từ chiếc thùng mủ cứng kín mít, có vài hàng lổ thông hơi phía trên, chỉ chừa ô cửa nhỏ, thấy dáng vẻ e thẹn thì chúng tôi biết ngay là trạm kiểm soát hệ thống của chúng tôi nằm gần toi-lét. Chiều hôm đó chúng tôi yêu cầu ông chủ nhà dời chiếc thùng đi chỗ khác. Lại một tràng giang nhưng chưa đại hải, ổng ca ngợi một trong những tánh tin cậy được của mèo là đi tiêu quen đường cũ, hai thằng tôi ngó nhau nhưng chưa cười ra cho ý nghĩ “mèo vẫn hoàn mèo”.
        Sáng đến chúng tôi thấy có điều khác lạ, chiếc thùng toi-lét hôm qua biến mất. Thay vào chỗ đó là chiếc thùng khác mới tinh có mô-tơ chạy pin, vận hành bằng các cảm biến hồng ngoại. Công việc thường lệ bao nhiêu ngàn năm nay của giống mèo là bươi đất lên và lấp lại sau khi xả bầu tâm sự. Nhưng hôm nay cái thùng mủ đang mưu đồ đảo lộn trật tự thiên nhiên kia có chữ nói rằng, sẽ tự động ngào trộn chất thải dính vào lọai cát đặc biệt rồi chứa vào ngăn kín khác, giúp các cô chú mèo không động móng chân, giúp cho không khí chung quanh thơm tho một chút.
        Cũng cái vật hiện đại nầy làm chúng tôi cười ra nước mắt. Ba đứa mèo cưng đều có dịp bước vào thùng và phản ứng khá giống nhau. Đứa nào cũng cảnh giác khi bước vào thùng mới, không biết ngượng ngùng loay quay tới lui trở đầu sao đó. Tia hồng ngoại ngắt mở mạch, nên óc chỉ huy của thùng tưởng khách hàng làm việc đã xong, ra lịnh cho dàn lượt cào dưới lớp cát bắt đầu chuyển động. Mèo ta nghe máy chạy e-e và thấy càng ngoe đưa lên tua tủa, tưởng có con gì  trồi lên đột kích, dù đang đau bụng cũng la meo một tiếng nhảy vọt trở ra. Chạy ít bước rồi như tiếc thầm chi đó, ngoái cổ lại nhìn, tiếng e-e đã dứt, nó đứng suy nghĩ một hồi. Chúng tôi mắc cười nhưng ráng nhịn, đi tránh chỗ khác một lát để giúp cho nó hoàn tất êm xuôi. Chú ta cẩn thận bước vào thùng cảnh giác thật cao, nhưng có lẽ ám ảnh một con gì ghê gớm ẩn núp đâu đây, nên lần nầy chỉ vài tíc tắc sau thì tụi tôi nghe tiếng hét dài thảm thiết. Chúng tôi hết hồn, tưởng là có chuyện không may cho nó, nhìn lại thấy một bóng trắng phóng vọt ra, nhảy hai ba nấc thang mỗi bước, cong đuôi chạy thẳng lên lầu. Đến chiều, khi ông bà chủ về nhà mới hay đám mèo cưng hôm nay quậy tưng bừng trong tủ chứa giày gần cửa trước. Tụi tôi nghe tiếng ổng rầy tụi nó, giọng nhẹ nhàng ngân nga như đang hát nhạc đồng quê. Một lát sau hai ông bà xuống tầng hầm tìm cớ sự, nghĩ rằng cái thùng mới mua tạm thời chưa “qướt”. Hai ông bà xin lỗi tụi tui được xài lại cái thùng cũ hôm qua, hứa sẽ thay cát mới. Cho dù ổng bả không lên tiếng, chúng tôi cũng tìm cách giúp tụi nó. Những con vật dễ thương, có trách nhiệm cho chất thải của mình, lịch sự về mặt  vệ sinh trong số những thú nuôi gần gũi với con người.
                              

                                          
                                                                        x x x

        Ít lâu sau chúng tôi có dịp trở lại căn nhà đó để làm hệ thống đèn chiếu sáng và đèn trang trí cho bồn hoa cây cảnh xung quanh vườn nhà của họ, vào những năm chưa có đèn chạy pin mặt trời tiện dụng. Câu đầu tiên khi chúng tôi gặp lại, thăm hỏi sức khoẻ ông bà chủ nhà, câu thứ nhì là thăm hỏi đến các cô chú mèo. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy mặt ông thụng ra một đống, làm thinh không một tiếng trả lời. Mặc dù chúng tôi không tiếp xúc ổng nhiều nhưng chúng tôi cũng hiểu, ông nầy không cần người ta quan tâm sống chết, nhưng ai nói về mèo cưng của ổng là coi như đã bắt trúng đài.
        Bà chủ nhà ngại chúng tôi buồn vì thái độ lạnh nhạt của ông chồng, nên bước ra sân vừa xem chúng tôi làm vừa tâm sự.
Cách nay hai năm, căn bệnh dị ứng của bà càng ngày càng nặng, khó chịu khổ sở vô cùng. Các bác sĩ chuyên khoa đều khuyên bà y như một, không thể sống chung với thú vật dưới một mái nhà. Không thể lay chuyển ông chồng nghĩ lại, bà chỉ còn cách nhờ đủ loại thuốc men, hút bụi và thay ra trãi giường trước khi đi ngủ, mua vài máy lọc không khí chạy suốt ngày đêm. Cả năm trời chẳng thấy khá hơn, cuối cùng bà phải giở tối hậu thư, vợ và mèo ông nên chọn một. Vậy mà nhùng nhằng thêm mấy tháng trời gấu ó ổng mới chịu buông tay. Nhưng kịch bản chia tay ba con mèo mới đáng là sự kiện lịch sử.
        Đầu tiên ổng nhờ báo địa phương đăng tin tuyển ứng viên nhận mèo quý cho không với một lô điều kiện. Ai muốn nhận thì phải gởi email như một bài luận văn tả về mình sơ khởi. Ổng chọn ra bốn năm ứng viên rồi bắt đầu nghiên cứu. Sau đó hẹn giờ thích hợp đến thăm từng nhà để xem nơi ăn chốn ở và phỏng vấn ứng viên. Ổng rà soát tới lui cả tháng trời mới quyết định trao tay những đứa con cưng cho chủ mới. Nhưng mà chưa hết, cha nuôi ngoài lòng yêu thương mèo y như cha ruột còn phải chấp nhận vài điều. Hằng tuần phải cho ổng mang lại thức ăn hạp khẩu vị của các cô chú mèo đã quen từ nhỏ, sẵn dịp có một ít thờì giờ chơi với đám mèo cưng. Nếu tụi nó có bịnh hoạn thì cũng phải do chính tay ổng đến bồng đi bác sĩ, và tự lo tổn phí.

       Nghe bà chủ nhà thuật chuyện, tụi tôi có cảm giác ông cha nuôi hình như chỉ là vú em được chia sẻ phân nửa tình thương. Vẫn tưởng chuyện mấy cô chú mèo trưởng giả, khi đã cho đứt đuôi là kể như chấm dứt. Nào ngờ nó vẫn đang kéo dài dài…
        
Nguyễn Thế Điển

Thân tặng các bạn yêu mèo và anh NVL, người yêu mèo lắm lắm )

 

Có 7 bình luận về Chuyện mèo năm cũ

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

               Cám ơn ông bạn già đã tặng tui bài viết rất hay. Đọc bài ông viết mà thấy tủi thân cho mèo ” yêu quý” của tui quá. Nhưng bù lại, nó không có ai bị dị ứng. Ra vào tự do, đi vệ sinh cũng tự do, nhưng rất đúng chổ, không bừa bãi, nên tui xem nó như người bạn nhỏ . Có khi, trưa tui nằm võng nghĩ, nhiều khi mới mơ màng ngủ thì chị ta nhảy phóc lên ngực mình. Giật mình, giận quá, nhưng thôi. Chính vì vậy mà nó mến mình.

    • Kieuoanh nói:

      Tại con Mèo 4 chân nhảy lên ngực làm anh giận ,chứ nếu Mèo …..hai chân thì cười ….hì hì ..phải hông anh Cả Lần …..???? 

  2.                         Anh thế Điển kính mến,
                Câu chuyện về mèo, tưởng mèo của anh nên đọc, đọc rôi mới biết mèo của chủ nhà mà anh viết hay quá.
     Chắc nhiều người đọc chuyện 3 con mèo của anh Lần ngạc nhiên sao có cảm tình mèo như vậy, thú thật mình nuôi con thú nào gần gủi với mình thì mình có tình cảm.
                Mùa đông vừa qua sau vườn nhà em có con vịt trời không biết từ đâu đến làm ổ, thấy mùa đồng lạnh giúp cho nó có một nơi ấm áp, nào ngờ nó đẻ trứng, sau đó lại ấp nở ra 10 con vịt con. Nhà có bạn bè đến thăm nên kêu ông Mễ làm tổng vệ sinh sau vườn dùm, vậy mà vịt mẹ bỏ đi để lại cho em 10 đứa con của nó.
        Do lúc đầu  không biết cách nuôi, cứ vài ba đêm thì chết một con, cuối cùng còn được sống 3 con. Ba con nầy rất là dễ mến lắm nghe tiếng của em thì nó bất cứ đang ở đâu hoặc làm gì ở trong vườn cũng chạy đến bên chân, em đi phía trước nó đi phía sau. Ngoài thức ăn của nó,hằng ngày, sáng trước khi đi làm em đều đào trùng cho nó ăn, cuối tuần thì 2 lần.  Nó mau lớn lắm, và rất là mạp map.
       Cách đây 2 tuần thức vậy thấy cổng chuồn bị mở, không thấy con vịt nào, tìm kiếm khắp nơi không thấy thât là buồn. Bản thân có kinh nghiệm nên đọc bài 3 con mèo của anh Lần mới thông cảm.

  3. Kieuoanh nói:

    Cái ông chủ này có vợ rồi mà còn ham nuôi Mèo .Không phải 1 cô mà đến những 3 cô . Coi chừng anh Cả Lần nhà ta ganh tỵ đó .

     Anh Thế Điển ơi ,KO nhờ anh liên hệ xem ông Chủ đó có tìm được người nuôi hộ 3 con Mèo chưa  để em đề nghị với anh Cả Lần thay vì gởi bản luận văn tả về mình thì ảnh gởi cho ổng 2 bài viết “Cả Lần mất mão ” và ” Ba con Mèo của tui ” để ông Chủ biết anh Cả Lần thương Mèo đến mức nào là ổng OK liền .

    Anh Lần ơi anh Lần à , mau mau đăng ký nuôi  ” Ba Cô Mèo tiểu thư “đó đi ,Mình nuôi mình được ôm ấp , nựng niệu đã đời ,rủi nó bệnh thì có người đáp máy bay về VN bổng đi BS , mình không phải lo gì cả , …sướng muốn chết ….

  4. Nguyễn Văn Lần nói:

    Mèo của ông chủ ở Mẽo mà giao cho cả Lần nuôi là không ổn đâu. Cả Lần tập mèo như Trạng Quỳnh hồi xưa vậy. Nên tiểu thư mèo  không sống chung với cả Lần nổi đâu KO ơi !.

    Châu Phương ơi ! Quan niệm bà con nông dân ở xứ mình là : khi vịt trời mà đến nhà mình là làm ăn phát đạt lắm. Nhớ có lần 1 anh chăn nuôi vịt đàn, bổng 1 hôm có 1 cặp vịt trời đáp xuống nhập bầy, chiều về chuồng ở chung luôn. Anh nầy bắt ra cắt lông cánh ( cho không bay đi ), rồi vịt ở luôn, cũng đẻ trứng, nở con, nhưng lai giống lộn xộn. Anh nầy lúc đầu cũng làm ăn phất lên khá giả lắm ( do nuôi vịt để đẻ trứng bán ) , nhưng sau đó cũng nghèo vì mê ” cờ bạc” !

  5. Nguyễn Thế Điển nói:

    Chào Kiều Oanh, anh Lần và Võ Châu Phương.

    @ KO, nghe anh Lần kể chuyện mèo của ảnh. Ảnh dư lòng nhưng thiếu sức, chắc là không rớ được mấy nàng mèo xứ ngàn đêm lẻ đâu. Thôi để cho ảnh tắm ao của ảnh cho mát.

    @VCP, con vịt mẹ không bao giờ bỏ con đi mất như vậy, còn ba con vịt con được nuôi lớn khôn thì cũng không dễ dàng bỏ về rừng. Hai trường hợp đó, có thể tai nạn đã xảy ra cho tụi nó.

    Cám ơn các bạn đọc và cho bình luận. <NTĐ>

     

  6. Kieuoanh nói:

    Võ Châu Phương ơi ,theo như Anh Điển nói chắc là có tai nạn xảy ra cho mấy con vịt của bạn rồi đó . VCP kêu ông Mễ làm tổng vệ sinh có khi nào ổng “làm vệ sinh ” luôn con vịt Mẹ không ?  ( tắm rửa bằng nước sôi sạch sẽ rồi cho vào ….nồi ???cheeky) Còn 3 con vịt con được VCP nuôi chu đáo quá nên theo như bạn nói rất mau lớn và mập mạp khiến cho ông ” hàng xóm ” thèm thuồng và cũng muốn ….làm vệ sinh luôn ????? hic hic ….Thành thật chia buồn !sad

Trả lời Võ Châu Phương Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác