MỘT CẢNH ĐỜI

Ngày đăng: 25/07/2012 12:28:02 Chiều/ ý kiến phản hồi (7)

Tôi có ông anh bà con không may mất sớm để lại ba con còn nhỏ và người vợ trẻ. Chị dâu của tôi là một phụ nữ miền quê sống nghề ruộng rẫy bất chợt gánh nặng gia đình đè lên đôi vai ốm yếu của chị. Chị đã kiên gan làm lụng cực nhọc để phụng dưỡng mẹ chồng và nuôi nấng ba con đến lớn khôn có đời sống đạo đức và hạnh phúc. Chị vẫn thủ tiết thờ chồng cho đến ngày nay mái đầu đã trắng phao.

 

Có một thị trấn bình thường, bình dị, bình an nằm bên giòng sông hiền hoà nước ngọt quanh năm nối liền sông Tiền và sông Hậu của Cửu-Long-Giang. Thị trấn này chỉ có một con đường với hai dãy phố gồm những căn nhỏ nhắn buôn bán đủ loại hàng hoá cung cấp cho nông dân quanh vùng.

Nơi đó có cửa tiệm vợ chồng chú thiếm Hai. Bà con bên ngoài thấy họ chăm chỉ làm ăn, hòa thuận, anh anh em em, nghĩ rằng đó là một cặp vợ chồng thật hạnh phúc.Bỗng nhiên không rõ vì lý do gì, người vợ bỏ đi, chồng phải quán xuyến mọi việc trong nhà.

Ở tuổi còn thanh xuân và cũng cần có người phụ giúp bán buôn, nên chú Hai có ý tìm người tục huyền.Cuối cùng chú ghé mắt đến cô Ba cùng lứa tuổi với chú, hiền lành, đảm đang, sắc vóc bình thường như bao người con gái quê của Nam Kỳ Lục Tỉnh trái ngọt cây lành.

Bắt đầu hằng ngày họ gặp nhau chào hỏi, nói chuyện nắng mưa dẫn lần đến thân quen rồi thương yêu. Chú nhờ cha mẹ đứng cưới xin cô Ba đàng hoàng bằng mọi thủ tục tiến hành đầy đủ.

Cuộc sống chấp nối của cặp đôi này, chồng một lần hôn nhân lở vở, vợ là gái còn son xem ra cũng hoà thuận và hạnh phúc vô cùng. Năm sau người vợ mới của chú Hai hạ sinh một trai kháu khỉnh.

Thời gian âm thầm trôi qua…..Bổng đất bằng dậy sóng, người vợ cũ của chú trở về với một đứa con nhỏ. Chú hoan hỉ đón hai người vào nhà. Ai đâu ngờ chú Hai đã tráo trở phản bội cô Ba-“bắt cá hai tay”. Họ phải sống chung một nhà và cô Ba đã bị người vợ trước, thiếm Hai, ăn hiếp trước sự thờ ơ cố ý hay vô tình của ông chồng.

Ai cũng nói: Chú Hai bị vợ bỏ, cưới hỏi cô Ba một cách đàng hoàng thì rõ ràng cô Ba ở cương vị vợ chánh hợp pháp dù là đến sau. Nhưng vốn hiền lành và không được sự che chở của chồng, cô đành chịu thiệt thòi, chán nản bồng con trở về nhà mẹ, bán buôn cò con để nuôi đứa trẻ vô phước của hôn nhân đổ vở một cách thật vô lý và bất công với cô.

Vì cách hành sử vô đạo lý của mình, Chú Hai đã đánh mất tình cảm tốt đẹp của bà con ở thị trấn dành cho. Người đàn ông này đã xem cô Ba và đứa con máu mủ của mình như người xa lạ; càng tệ bạc khi không có một sự cấp dưỡng, giúp đở dù nhỏ nhặt nào. Người đàn bà hiền hậu cam phận chịu đựng hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, sống một mình nuôi con khôn lớn, không lời oán trách.

Chẳng những thiếm Hai chua cay, hách dịch với cô Ba …mà đám con của thiếm cũng giống như mẹ, đối xử  và xem mẹ con của cô như kẻ thù có lẽ vì sợ chia phần tài sản của chú Hai chăng?

Thời gian trôi qua âm thầm, người lớn thành người già, trẻ con thành người lớn, tất cả rồi cũng phôi pha. Đến một ngày chú Hai bịnh qua đời, thiếm và đám con tiếp tục sống thoải mái với cơ ngơi của chồng/cha để lại.

Nay cô Ba cũng đã già, bịnh hoạn, bán buôn thua lỗ. Anh Thảo, con trai của cô nay đã lớn, lập gia đình,  phải thức khuya dậy sớm, làm việc cực nhọc kiếm tiền nuôi mẹ, bà ngoại và vợ con.

Ngày qua ngày vì lao lực , anh ngả bịnh và ra đi để lại người vợ trẻ; còn cô Ba phải chịu cảnh trẻ già khóc măng non. Một nét son đã điểm lên cho những người phụ nữ hiền thục của Việt Nam là người vợ trẻ của anh Thảo vẫn “ở vậy” thờ chồng, chắt chiu nuôi con,  một lòng kính mến /nuôi dưỡng mẹ chồng …. Những thập niên của thế kỷ trước có rất nhiều thiếu phụ miền quê đã hành xữ như vợ Thảo; còn bây giờ thì sao?

Và có phải là quả báo nhãn tiền hay không mà một số con cái của chú thiếm Hai đã sớm theo chú Hai và thiếm thì bị bịnh hoạn hành hạ khổ sở trước khi lìa đời?

Còn những đứa con của anh Thảo, dưới sự chăm sóc của chị Thảo, cộng với tình yêu thương rất mực của bà nội nay đã khôn lớn và thành danh trên đường đời. Những đứa con này là những người hiếu thảo đã  chăm sóc, nuôi mẹ và nội; dù làm xa cũng thường xuyên cố gắng về thăm hai người ruột thịt yêu dấu của mình.

Phải chăng đây là một bi hài kịch của xã hội con người vốn có trí óc, có suy nghĩ mà đã dẫm lên đạo lý làm người để mang tiếng xấu với hậu thế nói chung và cho bà con lối xóm của mình nói riêng. Và cuộc sống vẫn còn ý nghĩa khi có những người -như gia đình anh chị Thảo- còn giữ được những nếp sống đạo đức tốt đẹp của xã hội ta.

 

Anh Duy

 

Có 7 bình luận về MỘT CẢNH ĐỜI

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Trong xã hội đương đại mà chúng ta đang sống cũng không thiếu những mãnh đời bất hạnh như cô Ba và người vợ anh Thảo trong truyện. Nhưng phần kết của câu chuyện rất có hậu ! Cám ơn Anh Duy đã xã stress cho tui trong buổi chiều nay !

  2. Truyện nào của Anh Duy cũng ‘lấy nuớc mắt’ của tui nên đừng trách tui sao cứ “réo” Anh Duy ở đâu rồi?Tui cũng định mách nhỏ PN gửi “thẻ đỏ” cho anh đó. Anh lúc nào cũng thấy xa trông rộng.

    Nguyenthilieu

  3. PhuongNga nói:

    Bài viết của anh Anh Duy có một điểm rất khác lạ, có lẽ gây bất ngờ cho mọi người.  Trong những chuyện có thật, hay hư cấu, thường khi người vợ đầu là người hiền đức, lúc nào cũng bị vợ sau hiếp đáp, ông chồng thì “mê” bà sau, thì ông anh họ của anh AD làm em “hố” một cú quá mạng. Cái tật “ba chớp bốn sáng”, em đọc tới khúc, “…vợ cũ trở về” thì đoán ngay, thế nào ổng cũng “không thèm nhìn” vợ cũ, và bà sau thế nào cũng “nói hành nói tỏi” bà trước. Ai dè…

    • AD nói:

       

      Bổ túc:

      “Tôi có ông anh bà con không may mất sớm …….. Chị vẫn thủ tiết thờ chồng cho đến ngày nay mái đầu đã trắng phao.”

      Xin vui lòng tiếp thêm câu:

      “Hoàn cảnh của chị đã cho tôi cảm hứng, góp nhặt những mảnh đời khác nữa để tạo ra một câu chuyện kể sau đây:”

      Xin cáo lỗi với quý bạn.

      AD

  4. Phuong Nga ơi, ơi, ơi!

    Chị đọc thơ, văn của ổng từ bên Nam kỳ lục tỉnh qua tới bên đây mà còn chưa đóan ra đuợc ý ổng phần kết ra sao, vậy nếu em có bị ” hố” thì cũng là chuyện thuờng ngày ở Huyện. Bởi vậy nói sao mà chị  rất “ghiền” đọc chuyện của ổng mà cha này “ba kẹo” lắm em, lâu lâu mới “xùy” một bài. So cái “làm eo” của tui với ông, chắc cái “eo” của ông cở cái eo biển Đài l…an (Đài loan)

    Nguyenthilieu

  5.  

     Anh Duy kính,

     Rất là xúc tích, không mấy trang giấy mà mô tả thay đổi đời người, bi kịch của xã hội, qui luật nhân quả. Trong bài nầy, chú Ba không sáng suốt dã tạo đâu khổ cho vợ con mình, một bài học nên ghi nhớ.

Trả lời Nguyenthilieu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác