ĐẦU NĂM, ĐI CHÙA LỄ PHẬT 

Ngày đăng: 26/01/2020 07:35:47 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

1 Từ bao đời, bất chấp lịch sử thăng trầm hay cuộc sống đầy vơi, người Việt luôn lưu giữ và duy trì mỹ tục “Đầu năm, đi chùa lễ Phật”. Đầu năm, – thời khắc vô thủy vô chung đêm trừ tịch, hương Tết nồng nàn khắp mọi nhà và cũng là lúc, mẹ tôi lo chuẩn bị lục vị: nhang, nến, bông, trà, trái cây và bánh… để sớm mai mùng Một Tết, mẹ dắt tôi lên chùa lễ Phật. Mẹ dặn, “Lễ, có nghĩa là nghi thức và trong nghi thức đó, lòng con phải thành, tâm con phải kính với sự ước vọng của riêng con hướng về cõi tâm linh”.

Rồi mẹ nói: “Mỗi năm, chỉ có một lần Tết và một lần Tết, mình đi chùa lễ Phật trước khi đi chúc Tết người thân, họ hàng, bạn bè, lối xóm”.

Thắc mắc, tôi hỏi mẹ, “Tại sao?”.

Chậm rãi, mẹ nói: “Lễ Phật, cốt là để gội rửa tâm hồn và thân thể được thanh sạch, rồi đem cái thanh sạch đó đến chúc Tết mọi người, mọi nhà!”.

Nghèo đói, ba lưu lạc đến xứ của mẹ để làm mướn làm thuê. Tại đây, ba mẹ phải lòng nhau và ngoại, ưng bụng nên gả mẹ cho ba rồi bắt ba ở rể. Buổi đầu chưn ướt chưn ráo, ngoại dạy ba cách ăn ở “Nhập gia tùy tục, đáo xứ tùy nhân” nơi xứ lạ quê người. Ngoại nói: “Xẻo đất cuối của dải đất giáp biển này, –  nôm na gọi là Miệt Thứ. Con nhớ, Miệt Thứ không có thông lệ trộm cướp hay giành giựt bất cứ cái gì thuộc về của người. Nếu muốn, là cầu hoặc xin!”. Ngoại chỉ vẽ thêm: “Cầu xin, trước hết phải thành tâm và cái thành tâm đó, dành cho người rồi mới tới mình”. Hiểu ra, tự lòng ba nhận rõ: “Đi chùa lễ Phật, nếu có cầu xin là cầu xin “Quốc thái dân an” chớ không chỉ là cầu xin điều tốt lành cho riêng mình”.

– Người Miệt Thứ là vậy!

Mẹ khẳng định và ba, lần hồi cảm thụ đầy đủ tấm chơn tình của người Miệt Thứ.

Ở rể mấy mặt con, bao lần Tết đi chùa lễ Phật, ba thấm cái tình nghĩa Miệt Thứ – miền đất xa thiệt xa và nơi đó, bao con rạch chở nặng tình nước nuôi nghĩa đất sinh thành nhưng chưa hề, có tên tuổi.

Lúc nghỉ tay phá rừng làm rẫy, mẹ hay tâm sự với ba:

– Mình chưa biết đó thôi!

Chậm rãi, mẹ nhắc chuyện ngày cũ của ngoại:

– Hồi ngoại sắp nhỏ về mần dâu Miệt Thứ nầy, đêm nghe nghe tiếng thú kêu rừng, ngoại thương cha nhớ mẹ: “Đêm đêm ra đứng hàng ba/ Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn” (ca dao). Và, tận đáy lòng, ngoại mượn gió đưa lời than thở đến cho ai đó còn nấn ná ở lại chốn quê nhà: “Sương khuya ướt đẫm giàn bầu/ Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?” (ca dao).

Im ắng, không gian rắc buồn quanh lời má.

Gượng cười, mẹ ngoái sang chuyện cần nói:

– Bà ngoại theo ông ngoại về Miệt Thứ thì Miệt Thứ, người ta đã gọi là đất Thập câu!

– Thập câu, nghĩa là gì hả mình?

– Nghĩa là mười con rạch!

Mẹ thuật lại những gì ngoại kể.

– Rạch có tên tuổi hẳn hoi là rạch mà trước đó, đã có người tới khẩn hoang xác lập, như: rạch Xẻo Vẹt, Xẻo Ngát, Chà Và giả, Chà Và thiệt, rạch Ổ Heo, rạch Nằm Bếp, rạch Kim Quy…

Dừng lời chốc lát, mẹ nói tiếp:

– Những rạch chưa có người tới khẩn hoang xác lập, thường thì người ta đặt ra Thứ để dễ bề gọi tên rạch. Về sau, người ta đào kinh và cũng lấy Thứ gọi tên con kinh đào, như ở vùng U Minh Hạ.

Nghe mẹ cắt nghĩa, ba nhẩm tính thứ tự theo từng con rạch: rạch Thứ Nhứt, Thứ hai, Thứ Ba, Thứ Tư… , và từng con kinh: kinh Thứ Một… tới kinh Mười Hai…

– Mình! Thập Câu, sao tui đếm thứ hơn mười?

– Thì, cũng chỉ là ước lệ của người xưa!

“Người xưa”! Hai tiếng nghe sao bùi ngùi quá! Và, hình như, hai tiếng ấy đầm đầm nỗi nhớ lẫn niềm nhắc “Người nay” gìn giữ… Mẹ cắt dòng suy tưởng của ba:

– Làng mình, là cái làng nghèo nhứt trong các làng chạy cặp mé sông Cái Lớn miệt Rạch giá xuống tới Khánh Lâm  vùng Cà Mau. Người làng, chung tay dựng ngôi Chùa Lá và giao Sư Bổn trụ trì.

Lời mẹ nhẹ như gió tháng chạp đầm khô lầy ráo. Đột nhiên, tiếng mẹ bồi hồi:

– Hằng năm, sau giờ đón giao thừa, ngoại chèo ghe đưa mẹ chồng tới lễ Phật ở Chùa Lá và lần nào cũng vậy, mẹ chồng và con dâu đều một lòng cầu xin cho thiên nhiên, cho thiên hạ, rồi mới tới lượt cầu xin cho riêng mình.

Rồi, mẹ nói thơ và câu thơ, là câu hò sông nước miền Tây sông Hậu:

Mẹ chồng lễ Phật, dâu theo

Chùa nghèo trong cái làng nghèo ngày xưa

Thản nhiên bóng đứng giữa trưa

Thời kinh giờ Ngọ cũng vừa tàn nhang

Đầu hồi mai búp nụ vàng

Cuối vườn Xuân đã trổ vàng cánh Xuân

Sau này, cả nhà mẹ theo ba tới Sài Gòn ngụ cư.

Sài Gòn với tên gọi “Hòn ngọc viễn đông” và tôi, choáng ngộp với những ngôi chùa vừa cỗ kính vừa nguy nga, tráng lệ! Mẹ tôi, vẫn giữ nếp xưa ở nhà quê “Đi chùa lễ Phật đầu năm” dù tuổi đã cao, và sức mẹ đuối dần theo tuổi.

2.

Sài Gòn năng động và náo nhiệt.

Song, trong năng động và náo nhiệt đó, Sài Gòn không mất vẻ thanh tao và sâu lắng của hồn lưu dân bốn phương với tâm nguyện sum vầy! Vì mưu sinh, mẹ tôi rời chốn quê và đành lòng xa ngôi chùa làng – ngôi chùa làng trong cái làng nghèo nơi mà ngoại chôn nhau cắt rún mẹ tôi.

Sài Gòn, chùa trải từ lòng phố đến ngoại thành và mỗi quận, huyện đều có những ngôi chùa tiểu biểu địa phương. Người tinh ý sẽ nhận ra điều không thể mà có thể, là sinh hoạt ồn ào đô thị không lấn áp nổi tiếng chuông chùa công phu chiều thanh tịnh của miền Đất Hứa dành cho người luân lạc. Sài Gòn sở hữu cổ tự, như chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên, chùa Phụng Sơn… , và cả tân tự, như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi, chùa Nam Thiên nhất trụ… Vì vậy, nói về cảnh chùa thì không nơi nào đặc biệt, độc đáo hơn Sài Gòn; bởi những ngôi chùa ở đây, mang phong cách đặc trưng kiến trúc chùa Phật giáo cổ truyền Nam Bộ; đồng thời, có những ngôi chùa xây dựng theo phong cách kiến trúc hiện đại, song vẫn giữ hồn truyền thống cổ tự!

Sau thời khắc “Tống cựu nghinh tân”, tôi thay mẹ đi hái lộc đầu năm – vì mẹ già yếu. Mẹ dặn, “Con nhớ chọn hướng xuất hành đầu năm”.

Tôi rụt rè, hỏi,”Thưa mẹ, biết chọn hướng nào để xuất hành cho hợp với vận tốt của con trong năm?”.

Mẹ bảo: “Con chọn hướng đi về cửa Phật!”.

Nhà mẹ gần chùa Giác Lâm, nên tôi chọn hướng xuất hành đi về cửa Phật chùa Giác Lâm, hái lộc và cũng chắc mẻm là sáng mai mùng Một Tết, tôi theo mẹ đi chùa Giác Lâm và lễ Phật tại đây. Trong lòng tôi hiểu rằng, đi lễ chùa nhằm thọ lộc và hái lộc. Và, như mẹ nói:

“Hái lộc đầu năm đem lại may mắn và người hái lộc sẽ hưởng được tài lộc”.

Thường thì, người Sài Gòn không có thói quen giành hay giựt lộc mà họ, nhường nhau và chọn những cành lộc non rất nhỏ trên những thân cây mạnh mẽ sức sống ở chủng loài cây, như các loại cây sung, sanh, si, đa, lộc vừng…, với ý niệm: lộc là nụ đầu tiên – nụ đầu tiên của mầm non vừa nhú trong cõi trần gian nơi cửa Phật, hẳn là sự tốt lành trong cả năm.

Tôi hỏi mẹ:

“Đó phải chăng là nét đẹp văn hóa của người Việt!?”.

Mẹ cười: “Phải đó con!”, và mẹ cắt nghĩa thêm:

” Thọ lộc của Phật, hái lộc vườn chùa đầu năm là phong tục mang hồn cốt Việt được gìn giữ cũng như được lưu truyền từ đời nầy sang đời khác, nó mang ý nghĩa và giá trị tinh thần”.

Sài Gòn đầu năm, hơi sương và khói hương bảng lảng khiến lòng người nhẹ tênh giữa phố phường thanh sạch. Nhịp thời gian dẫn dụ nhịp bước tôi đi theo mẹ vào chính điện chùa Giác Lâm, lạy Phật. Tần ngần, tôi sửng sờ nhìn bộ tượng Thập bát La hán và lối kiến trúc đặc trưng giống như những ngôi chùa Nam Bộ mà tôi từng đi với mẹ thăm viếng.

Mẹ nói: “Chùa giác Lâm còn có nhiều tên gọi, như Sơn Can, Cẩm Sơn, Cẩm Đệm…Và, nghe đâu, chùa được xây dựng từ năm 1744”.

Bâng khuâng, lòng những bâng khuâng nhớ người xưa đã dựng lên ngôi cổ tự giữa vùng đất đã xảy ra bao điều dâu bể! Chợt dưng, tôi nhớ mùng Một Tết năm trước, mẹ dất tôi đi thọ lộc và hái lộc chùa Ngọc Hoàng. Hỏi ra, mẹ mới nói:

“Lễ Phật chùa Ngọc Hoàng để mẹ cầu duyên cho con!”.

Bẽn lẽn, tôi kêu: “Trời đất”! Và rồi, mè nheo với mẹ:

“Mẹ ơi! Con gái của mẹ còn nhỏ… nhỏ xíu vầy, thì cầu duyên cái nỗi gì, hả mẹ?”.

Nghiêm sắc mặt, mẹ nói:

“Lớn tồng ngồng rồi đó, con!”.

Nghe mẹ nói, tôi liên tưởng tới câu hò của người bạn trai ở quê nhà:

Anh bưng quả nếp vô chùa

Thắp nhang khấn Phật, thỉnh bùa em đeo

Chẳng biết có hay không, nhưng mẹ cẩn trọng căn dặn tôi:

“Khi sờ tượng ông Tơ, bà Nguyệt thì lòng con phải thành tâm cầu tình duyên và duyên tình ắt sẽ mau kết hợp”. Rồi, mẹ ân cần nhắc: “Nhớ nha! Con gái của mẹ!”.*

Đầu năm mới, nơi cửa Phật, tôi có cảm giác là tôi được tẩy trần, mọi lo toan hay suy tính thiệt hơn… Tất cả, hình như trôi chầm chậm theo tiếng chuông chùa ngân nga trầm mặc. Trong tôi, thanh thản ngưỡng vọng thần linh; bồi hồi biết ơn tiền nhân, tổ tiên đã mở cõi bờ cho con cháu được sống, được có nơi chốn đi về! Và tôi, được lắng lòng chiêm nghiêm giây phút thoát tục:

Tay lần tràng hạt niệm từ

Câu kinh nhật tụng nhuyễn nhừ thời gian…

                Trần Bảo Định

H1

h2

h3

h4

h5

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác