Miền Trung du ký

Ngày đăng: 13/11/2019 10:41:20 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Dương Công Đức là nhà nghiên cứu địa chí, quê ở Trảng Bàng (Tây Ninh) . vừa qua , anh ra Hà Tĩnh, đến thăm mộ thi hào Nguyễn Du, ghé Huế, vào thăm lăng vua Tự Đức. Vào Đà Nẵng, lên chùa Linh Ứng viếng Phật. Đây là những dòng ghi vội của anh (LM)
*

Trước giờ nhiều lần lấy ý thơ của cụ Nguyễn Du khi viết sách, viết bài nhưng chưa từng xin phép cụ (!). Nay có dịp bèn đến Nghi Xuân thăm mộ thi hào, tác giả Truyện Kiều, danh tác mà thượng thư Phạm Quỳnh từng thốt: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước Nam còn”!. Và tác giả của nó được UNESCO (Tổ chức Văn hóa Thế giới thuộc Liên hiệp quốc) vinh danh “Danh nhân văn hóa thế giới”!

Mộ thi hào khiêm tốn, nằm trong khu nghĩa địa của làng Tiên Điền. Đến mộ thấy có người lom khom quét lá, bèn hỏi thì được biết, đây là bác Nguyễn Sáu, nay đã 82 tuổi nhưng trông vẫn phương phi, quắc thước. Theo bác, cụ tổ họ Nguyễn đời thứ 1 vốn người Hà Tây phò nhà Mạc. Khi Nguyễn Kim rồi Trịnh Kiểm nổi lên, nhà Mạc suy vi mới bỏ Hà Tây vào Hà Tĩnh sinh sống. Ấy là năm 1601. Tại đây đã sinh ra dòng họ Nguyễn đông đúc, đến nay đã trên 17 thế hệ. Thi hào Nguyễn Du thuộc đời thứ 7, còn cụ Sáu đời thứ 14. Theo cụ Sáu, thi hào Nguyễn Du sinh ra và lớn lên tại Thăng Long (do cha làm quan ở đó), chỉ ở Nghi Xuân khoảng 10 năm khi nhà Lê và chúa Trịnh bị Nguyễn Ánh hạ bệ. Nguyễn Du vốn phò nhà Lê, bèn về đây ẩn mình, sau đó 10 năm mới ra làm quan cho triều Nguyễn. Cũng theo cụ Sáu, sinh thời thi hào không đỗ đạt gì cao, không phải tiến sỹ, may nhờ có tài thi phú mà tên tuổi lưu truyền. Đáng tiếc từ đời thi hào đến nay, con cháu cũng không ai làm quan hay đỗ đạt gì to lớn…

Rời Hà Tĩnh ghé Huế đến thăm lăng vua Tự Đức, quần thể lăng tẩm nhiều công trình rất đẹp. Bên trong có nhà hát đầu tiên của Việt Nam, có mộ và bia ký về vua Tự Đức. Bất giác nhớ cách đây hơn 20 năm, đã từng đến đây tham quan với 1 nhà đầu tư Đài Loan. Đọc bia ký nhà vua mà không hiểu gì, bèn nhờ nhà đầu tư này đọc và phiên dịch hộ. Ông này đọc và nói đã hiểu hơn 90% nội dung bia ký, chỉ có 10% dùng từ cổ nay ít dùng nên ông không hiểu (!). Tự ngẫm thấy thú vị pha lẫn mắc cỡ, công dân trong nước đọc bia ký của vua mình mà không hiểu, phải nhờ người nước ngoài đọc thay(!). Nay chợt nghĩ nếu không có chữ quốc ngữ, chắc người Việt nam ta ngày nay không những đọc báo Việt mà còn đọc được cả báo của Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan (!).
Đứng cạnh các pho tượng đá các quan hầu hai bên mộ vua Tự Đức. Thấy đàn ông VN ngày xưa có vẻ thấp, chỉ khoảng 1.5m. Nếu đúng như vậy thì 150 năm sau dân VN đã cao lên rất nhiều. Nghe nói ngày nay đàn ông Việt chiều cao trung bình đã là 1.65m!
Trên đường viếng mộ vua về, đi ngang chùa Từ Đàm, trụ sở Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế, thấy im lìm, không cờ xí gì, dù cách đó ít ngày, hòa thượng Trí Quang mới nhập Niết bàn tại đây…

Tạm biệt Huế, về đến Đà Nẵng, lên núi vãng cảnh chùa Linh Ứng. Công trình mới hoàn toàn xây từ thời ông Bá Thanh, người đứng đầu thành phố này. Trông rất hoành tráng, nhưng không mấy tinh tế. Các tượng Phật đều đúc, tạc phương phi, tròn trĩnh, mập mạp, nhất là tượng Phật bà. Ngẫm nghĩ thời Đức Phật tại tiền, ngài và tăng đoàn chỉ ăn 1 cử chính buổi trưa (thọ thực). Phật thiền định 7 năm dưới cội bồ đề, 49 ngày cuối chỉ ăn mỗi ngày 1 vài hạt mè. Thân thể gầy gò, các sa môn khác cũng vậy. Cho nên tượng 18 vị La hán bằng gỗ mít ở chùa Tây Phương (Hà Tây) đều ốm nhô xương sườn. Mới nghĩ chùa Linh Ứng và còn nhiều chùa khác ở VN ngày nay đúng là sáng tạo quá! Nhưng thôi, có biểu tượng tâm linh để quy ngưỡng cũng là điều tốt, không quan trọng chi cái hình tướng bên ngoài (!).

Từ chùa trên núi nhìn xuống, Đà Nẵng như tắm lụa lung linh dưới ánh sáng mặt trời.
Thiên nhiên ban cho thành phố này cả 4 yếu tố tuyệt vời: biển (Mỹ Khê, Non Nước), sông (Hàn), núi (Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn), rừng (bán đảo Sơn Trà). Ở VN không thành phố nào được như thế. Cho nên khi Pháp mới chiếm VN, đã chọn Đà Nẵng làm thành phố trung tâm miền Trung, rồi đổi tên thành Touran, biến 1 làng chài với vài pháo đài nhỏ bảo vệ kinh thành Huế từ phía Nam trở thành đô thị lớn nhất miền Trung, qua mặt cả Huế!. Và nay trở thành thành phố đáng sống nhất VN!

bài và ảnh Dương Công Đức

h4                                                        với cháu đời thứ 14 của cụ Nguyễn Du

h5                                                                                           Kinh Thành Huế

h6

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác