THỢ VƯỜN VÀ CÁI CÙI BẮP ( Phần 2)

Ngày đăng: 15/10/2019 11:47:10 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Cầm chiếc phone vừa đui vừa điếc  trên tay,  láp váp  an ủi  “đời không như là thơ”  mỗi khi có việc  không vừa ý.   Hờn trách  vớ vẫn  một hồi rồi tự nhận trách nhiệm.  Tại mình để cho nó hết pin, chứ tự nó xài hao pin thì không nhanh như vậy. Nhìn kỹ rồi nhớ lời thiên hạ kêu nó là cái cùi bắp, bật cười  khi   hiểu  thấu   lý do.  Bật thẳng  cái nắp  phôn  mới thấy rõ  hình dáng còm cõi thuôn dài, nửa phần  thân  mang những hàng nút nổi đều như hạt bắp.  Tuy là cùi bắp, nhưng khả năng  thu phát tín hiệu nhanh nhạy như tép, âm thanh rõ bon bon. Nó cũng biết chộp hình, gởi text và nhận messages, làm đồng hồ kêu thức, báo giờ cần thiết, tính toán cộng trừ, chơi game và vân vân.

Chỉ là chất lượng sắc nét hình bóng nó phát ra hay  ghi nhận hơi mờ.  Dĩ nhiên  hàng  giá trị hai  chục thì  không thể đọ sức với các cổ máy tiền ngàn.

Thời iPhone 5 hay 6 mới ra lò, chúng đắt và hiếm như vàng. Nhưng cộng đồng phe ta lúc nào cũng  xuất  hiện   nhiều  người  thông thạo: “Income của đám nghỉ hưu tụi mình đừng nhìn mấy thứ đó. Bắt chước tui áp-lai một cái phôn không phải trả 1 xu  bill.   Mỗi tháng trong năm đầu được 250 phút gọi liên bang, dần dần họ tăng lên năm trăm rồi một ngàn phút, ngon hong. Máy hư hay mất thì chỉ cần gọi báo công ty phụ trách, tuần sau có phôn  mới gởi tới nhà ‘nô-chạc’. Chỉ hơi quê là máy không thể rút  thẻ sim,  đổi ruột vô vỏ  máy  khác  cho le lói.

Nhiều  năm rồi, cái phone cùi bắp   của môn phái ‘low income’  theo mình  gắn bó  nhiệt tình.   Bạn nghèo  nầy đã từng   đảm trách viễn liên cả tiếng đồng hồ không hề cự nự. Nhưng trưa nay,  ngay hồi kết cuộc báo công thì mặt nó lạnh lùng đen thui, bấm hoài không tín hiệu.  Tám tôi chới với vì chương trình tắc tị  bất ngờ. Bình tâm định trí cho bước kế tiếp là  mở cửa trở vô nhà để sạc pin, chớ biết chắc trong đó  không có máy điện thoại để bàn.

Cầm tờ cẩm nang mà còn nín thở lúc chờ nghe tiếng mô-tơ chạy rè rè mở chốt. Cảm giác tràn đầy sung sướng và  cám ơn bè bạn. Nhờ họ chỉ chọt mà Tám tôi ghi code cẩn thận và nhét vào bóp từ lúc khui thùng. Nếu tự ái như mọi khi, để ta đây nhớ thầm.  Thì vừa hú hồn sau khi làm  trắc nghiệm, trả lời sai bét  cho câu tự hỏi:  Ta đây nhớ gì về  mật mã?  Quá khứ mà  có chữ nếu,  chắc chắn  ‘ta đây’ bị lock out và cũng không có ta nào giúp mở cửa từ bên ngoài.

Tâm trạng phơi phới bước vô nhà, bắt đầu cuộc lục tìm các kệ sách, ngăn kéo, hộp sắt, thùng các-tông chứa đồ linh tinh trong văn phòng của cô con gái. Quơ được cả nùi dây và một mớ tăng-phô sạc, ướm thử không có chuôi nào ghim đúng cái Motorola màn hình 1.6 in và có nắp biết đập bộp bộp như cái phone của mình. Trong phòng có đủ loại Com-pu-tờ lớn nhỏ, mỏng dầy nhiều dạng nằm ngồi. Mở thử vài cái, mới nhớ  các thứ đó  phải  cần mật mã cá nhân.

Ngồi moi óc tìm  kế làm sao rời khỏi nhà con gái  lúc nó chưa về.   Chỉ biết chắt lưỡi tiếc nhớ một thuở vàng son vừa mới đó đã thành cổ tích. Thời các bến xe bến tàu, hay dọc theo các lề lộ nội ngoại ô, các khu thương mại, công viên, góc phố còn nhan nhản những trụ gắn hộp phone công cộng. Dù bộ hành lỡ chuyến lỡ đường không tiền lận lưng, túng cùng cũng a-lô mọi chốn bằng ‘collect call’. Hay đang lúc mằn mò mấy cái túi áo quần, thì cũng có người đến hỏi bạn cần bao nhiêu xu lẻ.

Nghĩ tới việc mượn phôn như hồi mới qua,  rồi  nhớ  chuyện  năm  ngoái, Tám tôi chùn bước.   Hôm đó  được bạn  mời đến nhà uống  cà phê sáng.   Khách là anh em bạn xóm  ngồi  đầy một bàn vui vẻ.  Ông kia  đem chuyện  em vợ của  ổng  có tánh vô tư  mượn phone người lạ. Mấy ông khác bàn ra tán vào một hồi  rồi cãi như giặc.  Sau khi thoát ra  trận  đó, Tám tui lén nhờ thằng cháu  gõ  tiếng Anh hỏi thử  trên mạng.   Chỗ nào cũng 9 người 10 ý. Nhưng có một ý  khuyên ta: Nếu không là việc cấp cứu, thì nên nghĩ kỹ 2 lần trước khi mượn phone người  không quen và kể cả người quen.  Không ai sợ hao công tốn của hay nghi ngờ mình cầm phone của họ chạy mất, người ta khó xử hoặc ngại ngùng trao vật riêng tư vì các lý do an toàn và dây dưa khác.

Óc trinh thám vườn cũng tính tới việc dán lên cửa tờ giấy bằng tiếng Việt, thì e rằng con gái không đánh vần được.  Còn viết bằng tiếng Anh  dù   trật đíc-tê, nhưng biết đâu có người không được mời đọc mà cố  hiểu. Chẳng khác nào cửa khóa mà treo chìa kế bên. Còn muốn tìm mua cục pin hay dây sạc ở các siêu thị gần đây, thì coi như làm khó dân quê ra tỉnh. Vì tự biết  mình không có khiếu lái đường lạ,  cầm máy móc trong tay cũng không rành sử dụng  ba cái vụ dẫn đường.  Vả  lại  hồi cũng chưa lâu,  gần nhà  mình có người quen  cũng  cần thay  pin cho loại phone y như cái nầy, anh ấy  quần kiếm  cả buổi  ở vùng có nhiều người xài loại đó  mà đã chịu thua.  Anh  gặp một ông  chủ shop  bán và sửa  phone là người Việt, khuyên  anh về nhà nhờ con cháu o-đờ trên Amazon.  Giá hai món pin và sạc, có khi  chưa tới 10 đô!

Suy tới cùng, cạn mọi lẽ, không nơi nào bằng nhà mình. Thôi thì vọt về nhờ bà xã gọi phone cho con gái. Khoảng đường một tiếng rưỡi,  hy vọng  không kẹt xe vì chiều cuối tuần không dính lễ lạc.  Chân chưa bước thì ý đổi tức thời. Thượng sách là  băng xéo  qua vùng  South Philly, một công có thể  tròn hai-ba chuyện. Đường về xóm cũ  vắng xe  mà  gần hơn 20 phút. Nghĩ rồi, rồi ngẫm lại mà cảm thấy hết hồn. Nếu mình rời khỏi nhà con gái một cách ‘vô âm tín’, nhằm lúc nó về nhà và bị lock out thì đổ nợ.

Còn như ngồi chờ đợi,   không biết khi nào nó về tới.   Người  xưa  “phóng lao phải theo lao”,  không biết có giống cảnh thợ vườn  chiều nay, thay khóa phải nằm giữ cửa.   Chỉ là hồi nãy cao hứng, máy báo ‘low battery’ mà cứ đía nhoi, còn mạnh dạn hứa với họ: “Mọi việc đều ô-kê. Trể lắm là năm giờ rưỡi, Tám tui sẽ có mặt”. Lúc chưa cúp phone, còn nghe tiếng ai nói bên ngoài: Nhắc Tám Lúa vác theo hai thùng bia, nói với nó là tụi tao  nán lại  chờ  ‘rửa ổ khoá điện tử’ linh đình!

 

 

Cái cùi bắp còn pin, giờ nầy chuông kêu nứt máy.   Cuối cùng phải  thúc thủ,  chấp nhận tình huống  cách ly với thế giới thân thương, nơi nào cũng  không xa hơn 60 dậm Mỹ.

Tinh thần,  nội công bị hao tổn  trong buổi chiều nóng nực. Cộng thêm ảnh hưởng của  hơn nửa  xâu bia, cả hai phối hợp hạ gục Tám tôi đo ván. Giật mình trong đêm thanh vắng vì tiếng gõ cửa vang vọng khô đanh như mõ đình và tiếng gọi rất quen tai mà chưa biết của ai:

– Ông Tám, ông Tám! Ông Tám có trong nhà không!

Im lặng một lát thì nghe giọng nữ:

– Chắc là ông Tám không ở trong nhà dì Tư Tú. Con thử bấm chuông nhà kế bên, bà Tám dặn mình  hỏi họ  biết  ‘mít-tờ  Ây’  đi đâu hong?

Tám tôi chưa rõ chuyện gì, nhưng đã hơn nửa phần tỉnh ngủ:

– Ông Tám ngủ trong nhà nè! Ai ở ngoài cửa vậy?

– Mở cửa đi ông Tám. Con là thằng Tí, con đi với mẹ Thanh của con. Hên quá! Con ra xe lấy cái đèn pin rọi vô cửa sổ cho ông Tám thấy đường. Con gọi ngay về bà Tám, báo tin tìm được ông Tám rồi. Bingo!

Ánh đèn đường hắt  qua cửa sổ sáng mờ mờ.  Tôi lần theo vách phòng khách một hồi, mới nhớ công tắc đèn nằm ở đâu để ra mở cửa.

– Bước vô nhà đi Thanh. Chuyện gì mà hai mẹ con  bây  xuống  đây kiếm cậu?

– Thanh và anh Công đi ăn tối ở nhà hàng về tới nhà cậu lúc gần 11 giờ, con bước vô gởi cậu mợ 2 gói cơm lá sen. Con kêu anh Công nán lại khi nghe Út Lan nói mợ Tám và Tư Tú không liên lạc được cậu từ lúc chiều. Mợ hỏi bạn bè của cậu ở vùng Philadelphia, không ai biết cậu ở đâu. Mợ gọi luôn các dì các cậu ở tuốt Delaware, bây giờ chắc bà con mình  xôn xao dậy sóc. Thấy tụi con đứng xớ rớ, mợ mượn anh Công chạy xuống khu nhà em Tú hỏi thăm người ta, sẵn tạt về xóm cũ xem sao. Anh Công tối nay có uống mấy ly rượu mạnh, ảnh không dám lái xa,  nhứt  là đến  thành phố Atlantic nầy. Anh Công kêu thằng Tí làm tài xế, vì con không  biết đường xuống đây.

– Con Tú sao không ghé nhà của nó, chạy về trên đó làm chi?

– Nó gọi mấy lần khi vừa xong việc, cậu không bắt máy. Nó nói ghé nhà nầy lúc 9 giờ 22. Nó không thấy xe của cậu, cửa đã gắn khóa mới. Rèm cửa sổ phòng khách không kéo,  trong nhà tối om. Nó gõ cửa 3 lần cũng im re. Cả ngày nó bận họp hành. Tiệc vừa dọn lên, nó cáo lỗi vì  muốn lái xe về nghỉ sớm. Tới nhà rồi, còn phải chạy ngược lên cậu mợ. Hồi Thanh và Tí bắt đầu đi xuống đây, Thanh hỏi  mợ  địa chỉ để thằng Tí cài vô máy. Nghe mợ nói Tư Tú mệt quá ngủ rồi.

– Phone của cậu hết pin mà sanh ra chuyện lớn. Ủa! Xe của tao đâu?

– Vùng nầy cũng có dân thổi xế nữa sao. Hồi nảy con biểu thằng Tí lái rà rà, con thấy trước nhà Tư Tú trống trơn, nhìn xuôi ngược thiệt xa cũng không thấy xe của cậu.

– Cậu  nhớ rồi! Hồi chiều đi mua bia, lúc trở về thì chỗ trước nhà mình bị xe nào trướng vô, tao chạy hết block đường nầy rồi quẹo trái tại ngã ba đằng kia, chạy một khoảng chừng cả chục căn mới tìm được chỗ đậu.

Thằng Tí bước vô nhà, nó  vòng tay với một bàn xoè che bàn nắm,  Tí trịnh trọng cúi đầu như võ sĩ trong phim kiếm hiệp:

– Bà Tám hỏi sư phụ ông Tám có muốn đi về nhà với mẹ Thanh và Tí không?

– Cám ơn hai mẹ con,  nửa đêm thức trắng đi kiếm ông. Để tao ngủ ở đây cho yên thân, trưa mai ông Tám về sớm.

Bước tới cửa, Thanh quay lại có vẻ ái ngại.  Nó  đưa cao  cái phone:

– Con  để cái phone của con  trên bàn,  cậu xài tạm nghen?

– Xì-mát phôn mà xài tạm hả? Thôi khỏi!  Cám ơn các cháu.  Xin mọi người giúp Tám tui  được cách ly với thế giới cho  trọn đêm nay!

 

Một Lúa

Có 1 bình luận về THỢ VƯỜN VÀ CÁI CÙI BẮP ( Phần 2)

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Đọc rồi, cười rồi, như Phan Lương nói: ha ha, và LIKE rồi nhen anh Một Lúa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác