Viết báo xuân

Ngày đăng: 3/02/2019 09:56:20 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Hồi thời  trước năm 1970, lúc tui mới vừa 14, 15 tuổi, tuổi đọc thông và viết thạo, khoảng chừng năm đệ ngũ là tui đã viết báo rồi đó nhe bà con.

Bài viết cũng được đăng trong các trang thiếu nhi (dĩ nhiên vì tui còn là con nít), tờ Thần Chung của ông Nam Đình, tờ Đuốc Nhà Nam của ông Trần Tấn Quốc, tờ Chánh Đạo của Đại đức Thích Hộ Giác, tờ Xây Dựng của Linh mục Nguyễn Quang Lãm hay tờ Công Luận của Thượng nghị sĩ Tôn Thất Đính. (Thực ra ông tướng nầy chỉ ra tiền làm báo để có tiếng tăm về chánh trị; chớ mọi chuyện là do nhà văn Duyên Anh ‘thầu’ hết ráo).

Bài được đăng đâu có cắc nào nhưng cũng khoái chí tử; vì hồi nhỏ đứa nào hổng ngu như vậy chớ?

Thân phụ tôi có thói quen đọc báo; nên xế trưa nào, khoảng 3 giờ chiều, một chú giao báo tháng chạy chiếc xe đạp, có cái bọc vải chứa báo cuốn tròn, vắt ngang cái đòn dông, xẹt ngang qua nhà, giao một tờ cho tui đang đứng chực chờ.

Tui đọc hết ráo từ tin xe cán chó đến Tiếu Ngạo Giang Hồ của  Kim Dung bên Hong Kong, Lịnh xé xác (tiểu thuyết kiếm hiệp của Lã Phi Khanh), Song Ngoại của Quỳnh Dao do Liêu Quốc Nhĩ dịch hay những chuyện nhảm nhí như Con ma vú dài chẳng hạn.

Đọc hết, rồi đọc luôn tới Tìm bạn bốn phương, Gởi giòng lá thắm, Gỡ rối tơ lòng…thòng!

Không bao giờ bỏ sót mục tử vi của Chiêm tinh gia Huỳnh Liên. (Dẫu thừa biết bói ra ma quét nhà ra rác). Sau cùng là đọc luôn mục tìm trẻ lạc, quảng cáo linh tinh.

(Nói tới quảng cáo là phải nói tới nhật báo Chính Luận của ông Đặng văn Sung.

Nghe nói ông chủ báo nầy giàu thôi hết biết. Tuy nhiên cũng có người tự xuất vốn ra làm báo, cầm cự được chừng vài tháng thấy không êm, thì tưng bừng khai trương và âm thầm dẹp tiệm…)

Phải nói làm báo không phải là cái nghề để làm giàu mà cái nghiệp vì đam mê nên mang cái chuyện buồn hơn vui nầy vào cái cần cổ.

Bây giờ trên web cũng vậy thôi, người người làm báo, nhà nhà làm báo (như ở không lắm vậy). Đâu kiếm được cắc nào; mà cũng đâu có trả tiền nhuận bút cho ai. Bài đi ‘chôm’ của thiên hạ không hè. Vậy mà lâu lâu, vì một bài viết, cũng mắng nhiếc nhau như bạn hàng tôm, hàng cá chợ Cầu Ông Lãnh vậy.

(Tuy nhiên cũng mở ngoặc đây để cám ơn hội Petrus Ký Úc Châu ở Sydney. Mặc dầu đăng mấy cái bài cũ mèm của tui hồi năm nẩm, cũng thơm thảo nghĩ tình, xuất tiền quỹ của Hội gởi cho tui một cái ‘gift card’ của tiệm rượu Dan Murphy tới 100 đô Úc.

Rượu của mấy anh, tui uống hết cả mấy tháng nay… mà vẫn còn say cái tình văn nghệ cho tới tận bây giờ. Call again! He he!)

***

Hồi đó ở miền Nam nền báo chí cũng phát triển khá rầm rộ. Chủ báo thường là người làm chánh trị, có thế, có lực, có tiền, xuất vốn ra, mướn chủ bút, thư ký tòa soạn điều hành hết ráo từ bài vở tới in ấn.

Quản lý trị sự thì trả tiền cho nhà in và các nhà văn, nhà báo, cộng tác viên. Nghe xôm tụ vậy chớ toàn thể ban biên tập chỉ loe ngoe vài mống.

Nhật báo ngày ấy cũng phân định đẳng cấp, đại ca hay tiểu đệ, báo 4 trang hay 8 trang, căn cứ vào lượng độc giả mua báo (số bà con đọc báo mướn cũng nhiều không kém làm mấy ông chủ báo la trời như bọng).

Ngoài nhựt báo còn có tuần san, bán nguyệt san rồi nguyệt san chuyên về lãnh vực giải trí. Trăm hoa đua nở như vầy thì theo nền kinh tế thị trường là phải đua, cạnh tranh nhau rất dữ dội. Tin thời sự phải nóng hổi, bình luận chánh trị phải sắc bén.

Còn những bài “nằm”, tức bài dài kỳ, tiểu thuyết tâm lý xã hội, dịch thuật từ tiểu thuyết kiếm hiệp ‘Long Hình Quái Khách’ tới cao trào hấp dẫn là thòng thêm câu: “Xin quý độc giả theo dõi kỳ sau sẽ rõ”.  Cái nghệ thuật làm báo nầy gọi là câu nhấp tới câu rê…

***

Làm báo mỗi ngày là vậy nhưng cuối năm, mỗi độ Xuân về, Tết đến là còn tranh đua quyết liệt hơn nhiều. Số Xuân còn gọi là báo Tết phải công phu chuẩn bị bị trước đôi ba tháng. Mới tháng Chín là mấy ông Chủ bút đã la làng chói lói đòi bài inh ỏi rồi hè!

Báo Xuân hải ngoại phát hành hơi sớm, trước Tết Tây. Còn hồi xưa trong nước, báo Xuân phát hành từ 20 tháng Chạp âm lịch cho tới 23, ngày đưa ông Táo về trời, lúc bà con đi chợ Tết, nhưng vẫn còn nhiều báo phát hành vào ngày 25, 26, thậm chí tới 28 Tết.

Tờ báo Xuân khổ lớn, bìa in 4 màu, hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng, (mà toàn con gái không hè), trình bày rực rỡ, tăng trang lên gấp nhiều lần, bài vở phong phú đặc sắc của những nhà văn tiếng tăm lừng lẫy, được treo trang trọng ở các quầy sách báo ven đường, các ngã ba, ngã tư luôn đập vào mắt mọi người.

Độc giả háo hức chờ đợi, chực sẵn ở các quầy sách báo ven đường để mua tờ báo xuân mình yêu thích, chọn thêm 2,3 tờ báo xuân mà mình thấy đẹp, thấy hay, có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo tên tuổi cộng tác để tặng bạn bè. Thiệt là một truyền thống đáng yêu hết sức.

***

Bà con mình ai cũng biết khi Tây tới, nước Việt Nam mình mới có nghề báo.

Nhưng có lẽ chỉ duy nhất Việt Nam là quốc gia có báo Xuân ra đời đã gần một thế kỷ.

Chính tờ Nam Phong Phạm Quỳnh sáng lập cho ra số Tết đầu tiên năm Mậu Ngọ, 1918. Ngay trang đầu, nêu lý do làm số Tết, ông chủ bút Phạm Quỳnh kính báo: “Cả năm có ngày Tết là vui. Vui ấy là vui chung của mọi người, vui suốt trong xã hội, vui khắp một quốc dân, trong thế giới dễ không đâu có một cuộc vui hoàn toàn như vậy. Dẫu người buồn đến Tết cũng phải vui…”

“Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai nhịp với khúc cảm chung của xã hội trong buổi đầu Xuân mới, giời ấm, khí hoà, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở, lại muốn không trái chủ nghĩa bình thường, bèn định in ra tập ngày Tết này, ngoài những số báo thường, trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gởi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới…”

Mà muốn độc giả đọc báo Xuân để vui mừng vui quá vui thì bổn báo phải lựa đề tài vui. Mấy cái vụ ghen vác súng rượt chồng chạy có cờ hay chồng ghen quánh vợ văng mất cái đầu tóc mượn (kiếm hoài hổng có ra) thì dẹp qua một bên sợ có huông.

Thay vào đó là lời chúc Xuân của ông chủ nhiệm, kiêm chủ bút, kiêm luôn ông xã của cô thư ký tòa soạn.

Ông chúc thân chủ quảng cáo trước; rồi tới thân hào nhân sĩ, chức sắc, độc giả mua báo năm rồi cuối cùng mới tới quý văn hữu (đứng hạng bét)

Sau đó là Sớ Táo quân. Bài điểm lại nhưng sự kiện quan trọng năm qua. Đề tài chánh trị ít thôi; đọc cả năm nhức đầu quá, uống gần hết cả trăm viên asprin rồi hè.

Sau đó là bài năm Hợi nói chuyện Heo theo truyền thống. Tại sao phim bậy bạ dành cho người lớn, con nít không được quyền xem, lại được gọi là phim con Heo?

Truyện ngắn như tình Lan Điệp phải có hậu, dẫu trái ngang nhưng Lan không có đi tu vì nhờ Điệp thuyết phục con vợ nhà, là con quan phủ, cho Lan về làm vợ bé chẳng hạn.

Hay những chuyện mua vé số bỏ quên trong túi, còn một ngày nữa quá hạn, tình cờ móc ra dò thấy trúng một triệu đô la Mỹ. (Dóc thấy ớn luôn!)

Rồi các mục giải trí văn nghệ, kịch trường, phỏng vấn các ‘ngôi sao’ cải lương, ca nhạc, truyện ngắn, thơ tình, thơ châm biếm, hí họa, chuyện Đông Tây kim cổ loại độc, lạ.

Tiếp theo là mục “Gia chánh” dạy làm các món ngon ngày Tết: Mứt bí, mứt dừa, bánh tét, bánh chưng.

Chuyện vui tiếu lâm nhưng nhớ đừng mặn quá kẻo bị rầy. Chuyện “Thầy thuốc bắt mạch”. Tết ăn nhiều thịt mỡ nhưng kèm theo dưa hành để mỡ máu đừng lên cao. Ngày xuân nhậu quá xá thì làm sao ‘giã’ rượu…

Cuối cùng là đố vui Tết! Ai trả lời ngay chóc được thưởng một hai trăm đô do Mít tờ ‘Hăng rết’, chủ hàng trăm tiệm làm răng trên toàn nước Úc tài trợ.

Làm báo Xuân sướng hay cực? Cực là cái chắc rồi. Nhưng phải làm vì đây là dịp may, năm chỉ có một lần vì các thương vụ đăng quảng cáo rần rần… Mà nhiều chừng nào là tiền vô nhiều chừng nấy. Có ông chủ báo nhậu nói với người viết rằng phải chi tháng nào cũng là Tết; phẻ cho cái túi tiền của bà xã mình lắm nhe.

Chủ báo cháo bào ngư thì bọn viết mướn tụi tui cháo trắng ăn với hột vịt muối. Bèn làm reo, đòi nhuận bút cao gấp mấy lần ngày thường. Ông chủ báo đành bấm bụng ứng trước một mớ, cũng hơi khẳm, để nhà văn có chút rượu nhâm nhi, chút mồi đưa cay, vài gói thuốc lá phì phèo mà sáng tác.

Vậy mà tới hạn chót với nhà in, lửa táp vô đít, mà bài của thằng chả chưa thấy đâu? Bèn gọi điện thoại nhắc: “Làm ơn viết gấp gấp!” Thì thằng chả lại bắt chước Tản Đà phán rằng: “Viết văn đâu phải là bửa củi. Nghe mà ứa gan hè!”

(Sơn Nam là nhà văn chuyên nghiệp, sống bằng nghề viết báo nên làm ăn đàng hoàng cẩn trọng, đề tài độc lạ như Ăn Tết ở rừng U Minh, chuyện người Hoa ở Chợ Lớn ăn Tết ra sao?

Nên nhà văn Sơn Nam thường được các chủ báo giành độc quyền cầm, ứng trước tiền nhuận bút cao gấp mấy lần các tác giả khác. Báo tỉnh lẻ hứa: báo Sài Gòn trả bao nhiêu là tụi tui xin kính ông bấy nhiêu. Ông cười, dơ ngón tay lên, khen: “Ngon a!”

Phát hành báo Xuân xong, ra giêng, còn nghỉ, tui thấy ông mặt mày tươi rói, tay mang, tay xách bánh mứt, thèo lèo cứt chuột và một chồng báo Xuân, đi xe đò về Mỹ Tho thăm vợ, thăm con.)

***

Xuân về, Tết đến, người Việt ở hải ngoại mình cũng hay đến các shop Tàu, mua cho mình tờ báo Xuân ‘ruột’, mang về nhà đọc dần những ngày Tết. Còn mua thêm chừng hai, ba chục tờ ‘sơ cua’, gởi tặng bàn bè; ngầm ý khoe có bài Tết của tui, được đang trang trọng trong ‘Mục Bạn đọc viết’ đó nhe!

Trước thềm năm mới, năm Kỷ Hợi, người viết xin kính chúc bà con mình: “Tân Xuân Vạn Hạnh”.

Xin giữ gìn truyền thông tốt đẹp, mua báo Xuân của ông bà mình để cho anh em báo (đời) chúng tôi, năm chỉ một lần được ăn cháo bào ngư!

đoàn xuân thu.

melbourne

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác