LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ COLLEGE DE LONG XUYÊN?

Ngày đăng: 21/11/2012 10:11:55 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

 

 

Ngày 07 tháng 6 năm 2012, chúng tôi đi Vĩnh Long. Tôi hình dung cuộc gặp gỡ, trò chuyện sắp diễn ra với con rể của người sáng lập Collège de Long Xuyên mà thấy nôn nao trong lòng!

         Được Hội giao chủ biên cuốn sách sưu khảo về quá trình hình thành và phát triển Trường trung học Thoại Ngọc Hầu, từ năm 2010, tôi đã cố công đi tìm hậu duệ của ông  Trương Văn Đức – người có công đầu trong việc sáng lập ngôi trường. Một lần đi tìm tài liệu ở nhà thầy Trần Hữu Hạnh, một CHS TNH thuộc thế hệ vào học từ năm 1951, thầy cho tôi xem một bài viết trong cuốn đặc san “ 50 năm giáo dục và đào tạo Vĩnh Long – chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam“ 20.11.1997, tựa là “Sức mạnh nhân dân trong một giai đoạn phát triển giáo dục trung học miền Nam”, tên tác giả bài viết là “Lê Tương Ứng”. Đọc bài viết, tôi biết tác giả là con hoặc rể của ông Trương Văn Đức. Tôi rất mừng và tìm cách bắt liên lạc với ông Lê Tương Ứng, nhưng hỏi thăm nhiều người mà chẳng có ai quen biết ông. Tôi đã bỏ nhiều thời gian rà trên mạng để mong tìm được một manh mối liên lạc. Có một email của Lê Tương Ứng nhưng gởi thư rồi mà chẳng nhận được hồi âm.

         Tình cờ, chiều 22/5/2012, trong bữa cơm thân mật nhân dịp anh Lê Hùng Dũng, một CHS TNH, hiện là CT. HĐQT Ngân hàng Eximbank Việt Nam, về tỉnh công tác, khi nghe tôi báo cáo về việc chưa tìm được ông Lê Tương Ứng thì thầy Hồ Thanh Long cũng có mặt hôm đó cho biết: “Anh Lê Tương Ứng là chồng của chị Ba Sương – con gái của ông Trương Văn Đức. Thầy (H.T.L) và chị Ba Sương là bà con bạn dì. Hiện anh Ứng đã trên 80 tuổi nhưng còn minh mẫn lắm”. Nghe tin, ai cũng mừng, và tôi rất mừng! Đúng nửa tháng sau, thầy Hồ Thanh Long hướng dẫn chúng tôi – anh chị Nguyễn Thanh Đồng, nhiếp ảnh Lê Văn Hiền và tôi – đến nhà cô Sương thầy Ứng.  

         Tại căn nhà số 43, đường Nguyễn Văn Lâu, phường 8, TP. Vĩnh Long (gần cầu Tân Hữu), một cuộc hội ngộ của hai thế hệ học sinh cách nhau cũng gần mười lăm, mười bảy năm diễn ra đầy xúc động, ấm cúng và thân thiết như ruột thịt. Thầy Ứng và cô Sương ăn mặc tươm tất như chuẩn bị đón một đoàn khách quý! Trên bàn là bình trà mới châm còn nóng hổi với một dĩa bánh và trái cây. Tiếc là cô Phi Nga, vì bận việc nên không đi được trong chuyến này, làm cho cô Sương, người bạn cùng lớp với cô ngày xưa thoáng một chút vẻ không vui. Với phong thái như một nhà Nho xưa, thầy Ứng chào mừng đoàn bằng một bài cảm đề “Giáo dục thâm ân”(1):

         Giáo dục thâm ân mạc khả ngôn

         Sư sư đệ đệ, thế giai tôn

         Vạn vật phồn xương thiên khí noãn

         Nghĩa nhân quang diệu mãn càn khôn.

Dịch:

         Ơn sâu giáo dục nói sao đây

         Người thế suy tôn đạo kính thầy

         Muôn vật xanh tươi đời ấm áp

         Nghĩa nhân rạng rỡ đượm trời mây.

         Thầy Ứng khen cuốn “Giáo dục thâm ân” của Hội CHS Thoại Ngọc Hầu đẹp về hình thức, hay về nội dung, khuyến khích Hội nên tiếp tục thực hiện để làm món quà quí giá cho mọi người vào dịp Tết Nhà giáo hằng năm.

         Câu chuyện về quá trình hình thành Collège de Long Xuyên thật xúc động. Thầy Ứng, cô Sương nhớ lại, thời thực dân Pháp đô hộ, trường học rất ít, hơn 90% dân Việt Nam mù chữ. Năm 1945, ngay sau khi giành được độc lập, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liền phát động phong trào “Xóa nạn mù chữ” trong toàn dân. Phong trào nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Các lớp học bình dân được mở khắp nơi, trong nhà dân, đình chùa, miếu mạo, chỉ cần mấy chiếc ghế dài, ghế tựa đặt quanh bàn, quanh chiếc phản, cánh cửa, tấm ván mộc làm bảng đã thành lớp học. Ý thức được “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, nhiều gia đình đã cho con đi học. Đến cuối năm học 1947-1948, sĩ số bậc tiểu học gia tăng khắp nơi. Học sinh ở Long Xuyên bấy giờ muốn tiếp tục học lên bậc trung học phải qua một kỳ thi tuyển rất gay go để chen chân vào trường Trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ (trước 1945 là Collège de Cân Tho) hoặc Collège de Myre de Villers (Mỹ Tho)(2). Chỉ những gia đình nào khá giả lắm mới có thể cho con tiếp tục con đường học vấn.

         Mặc dù thấy rõ ý thức học tập của người dân bản xứ nhưng chính quyền thực dân Pháp vẫn làm ngơ, chúng viện lý do là thiếu ngân sách, mà thực chất là dùng chính sách “ngu dân” để dễ bề cai trị dân ta. Nếu tính từ khi Collège de My Tho được chính thức thành lập năm 1880 thì trong vòng 68 năm sau, chính quyền thực dân chỉ mở thêm được vỏn vẹn một trường trung học tại miền Tây Nam Kỳ, đó là Collège de Cân Tho (1917)(3).

         Từ năm 1946, trước áp lực bởi nhu cầu học tập của con em nhân dân tỉnh Long Xuyên, ông Trương Văn Đức với cương vị là Trưởng ty Tiểu học mới vừa nhậm chức, đã luôn băn khoăn trăn trở, quyết xây dựng Khu học đường Nam Nữ Tiểu học to rộng , đặc biệt là dựa vào tâm lý ông Nguyễn Ngọc Thơ là người có thẩm quyền tại địa phương , dễ  xin thành lập một trường trung học tại tỉnh nhưng đều bị từ chối.  

         Ông Lê Tương Ứng, tuy là con rể của ông Trương Văn Đức nhưng cha con rất gần gũi, thường tâm sự với nhau như hai đồng nghiệp. Về những cố gắng để cho ra đời Collège de Long Xuyên năm 1948, ông Đức thường kể lại với con cháu như là một bài học về sự kiên trì và trách nhiệm của những người thầy giáo đối với thế hệ trẻ. Sau này, ông Lê Tương Ứng đã ghi lại trong bài “Sức mạnh nhân dân trong một giai đoạn phát triển giáo dục trung học miền Nam”, như sau :

Một cơ may, ngày 1/4/1948, ông Nguyễn Ngọc Thơ được chính thức bổ làm Tỉnh trưởng tỉnh Long Xuyên, ông cũng là người sinh trưởng tại địa phương, lại có tiếng hiếu học và khá thức thời. Vận dụng lợi thế này, ông Trương Văn Đức, sau khi lập hồ sơ, chuẩn bị đề án thiết kế, liền trực tiếp đến gặp vị tỉnh trưởng để đệ đơn:

         –  Thưa Quan lớn, hôm nay tôi thay mặt một số nhân sĩ, trí thức và phụ huynh học sinh, đệ đơn này xin thành lập một trường Trung học tại tỉnh nhà. Quan lớn là người quê quán Long Xuyên, nếu Quan lớn vui lòng chuyển đơn, chắc sẽ thành công. Đây cũng là danh dự của Tỉnh và công ơn của…

         Ông Thơ ngắt lời, phác một cử chỉ ngăn chặn, trả lời ngay:

         – Là dân Long Xuyên, tôi nghĩ việc này trước các anh nữa. Nhưng… chánh sách của Tây là chánh sách ngu dân. Mấy anh còn lạ gì? Tôi ký thì được, nhưng chuyển lên Sài Gòn cũng vô ích. Cần phải chờ thời gian thuận lợi.

Ông Đức tiếp tục tranh thủ ông Thơ về việc mở trường trung học .Anh Trương Hữu Trường ( con trai ông Trương Văn Đức) còn nhớ những lần theo cha đến gặp ông tỉnh trưởng, có lẽ vì đã trả lời dứt khoát rồi mà ông Đức cứ theo nói mãi nên ông Thơ cũng hơi giận:

–                            Sao “vous” (anh, ông) nói chuyện này hoài! Cho “vous” lập trường, “vous” có tiền không?

         Ông Đức về họp bàn một phương án khác. Những vị đủ tư cách giảng dạy và những nhà hảo tâm có mặt khá đầy đủ. Sau mấy lời cám ơn, ông nói:

–                            Chúng ta sẽ không xin nhà nước mở trường Trung học như lần trước. Ông Tỉnh trưởng e ngại cũng phải. Nào trường lớp, bàn ghế, nào nhân viên văn phòng đủ cấp bậc, nào giáo sư giảng dạy, rồi văn phòng phẩm, rồi lương bổng… tất cả những thứ đó đem giải quyết một lượt cho gần 20 tỉnh, ai mà không ngán? Nhưng nếu quý vị sẵn sàng góp công góp của thì tôi có cách xin mở được trường để cho học sinh Long Xuyên được học ban Trung học tại chỗ, ngay tại tỉnh mình, khỏi phải đi xa nhiều tốn kém và phiền phức.

         Mọi người  nóng lòng muốn biết “diệu kế”. Ông Đức trình bày tiếp:

         – Chúng ta viện lý do cần cho học sinh tốt nghiệp Tiểu học được lên lớp 100% tại địa phương bằng cách mở một lớp Bổ túc để nâng cao trình độ, tiếng Pháp gọi là “Cours complémentaire”. Tôi lo mời hiệu trưởng và giáo sư. Hội phụ huynh học sinh chịu mọi phí tổn về lương bổng và tiện nghi vật chất.

         Nghe xong, ai cũng mừng vui và giục ông Đức sớm đến trình bày với ông Thơ một lần nữa, hy vọng ông Thơ sẽ đồng ý. Đúng như dự đoán, lần này, ông Thơ không còn cáu gắt nữa mà trái lại, ông vui vẻ hướng dẫn ông Đức cách lập hồ sơ và hẹn một cuộc họp để bàn bạc vấn đề thành lập trường.

         Đúng hẹn, ông Đức và một số nhân vật chủ chốt mang hồ sơ trình cho ông Thơ. Một phương án thành lập trường trung học tại Long Xuyên được chấp thuận. Với phương án này, nhà nước thực dân Pháp “khỏi” phải cấp ngân sách.

         – Về phòng học, theo đề nghị của ông Đức, Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Thơ cho phép người Hoa tổ chức một hội chợ (Kermesse) với điều kiện họ phải cất một dãy nhà trên nền gạch cũ của Trường Nữ Tiểu học, sau khi bế mạc hội chợ, ban tổ chức sẽ phải giao lại để lập trường trung học.

         – Các thầy trong Ban giảng huấn đều không đòi hỏi tiền thù lao cho đến khi được ngân sách nhà nước cấp lương.

         – Việc trang bị bảng và bàn ghế, mua sắm văn phòng phẩm đều do Hội phụ huynh đảm nhận.

         Cổng trường được dựng lên, đơn sơ mà trang nghiêm: Hàng trên ghi “COLLEGE DE LONGXUYÊN”; hàng dưới chữ nhỏ hơn “TRƯỜNG TRUNG HỌC”. Trường gồm 3 gian nhà lá, 2 bên dành làm phòng học, gian giữa làm văn phòng.

 Ngày 12 tháng 11 năm 1948, trường khai giảng khóa đầu tiên, có 76 học sinh chia thành 2 lớp, nam nữ học riêng: lớp Nhất niên “A” và lớp Nhất niên “B”. Tất cả học sinh được miễn đóng học phí.

         Ban giảng huấn bấy giờ gồm có các thầy:

·               Lê Xuân Kính – đảm nhận chức Hiệu trưởng.

·               Trương Văn Đức – dạy Việt văn.

·               Đỗ Văn Hách – dạy Toán.

·               Đặng Văn Kế – dạy…( sau được làm Hiệu trưởng)..

·               Từ Chấn Sâm – dạy Pháp văn…………………

·               Phan Văn Tài – dạy Pháp văn.

·               Nguyễn Thái Hưng – dạy…………..

·               Hồ Văn Nhân – dạy Hán văn.

…      Trịnh Văn Mười Hai- dạy Anh văn và Pháp văn

     >……Thầy …Thương     dạy  Anh văn 

     Liêu Mỹ Sung dạy Hội họa

          Năm 1949, trong Ban giảng huấn của trường có thêm thầy Nguyễn Hiến Lê. Thầy đa năng đa tài nên được giao dạy nhiều môn: Pháp văn, Việt văn, Đức dục, Hán văn…

         Điều đặc biệt là tuy bảng hiệu, con dấu đều ghi là “trường” nhưng trong giấy tờ phải ghi là “Cours complémentaire” (Lớp bổ túc). Lớp bổ túc nhưng lại được giảng dạy chương trình trung học của Hoàng Xuân Hãn, bấy giờ gọi là bậc Cao đẳng tiểu học (tương đương THCS ngày nay).

         Những học sinh của hai lớp Nhất niên thời ấy, bây giờ tuổi đời đã trên dưới 80, và phần lớn cũng đã “đi theo” các thầy.

         Đến năm học 1949-1950, hai lớp của khóa đầu tiên được bố trí học ở dãy nhà tường mới xây ở phía dưới, “nhường” 2 phòng lá cho khóa mới vô. Năm Nhị niên và Tam niên, nam nữ học chung, năm Tứ niên nam nữ lại được tách riêng (?). Từ năm học 1949-1950, thầy Đặng Văn Kế chính thức được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Có lẽ cũng bắt đầu từ năm học học này, trường được cấp ngân sách để chi lương cho các thầy giáo giảng dạy.

 Sau hai niên khóa, mỗi lớp học chỉ còn được 29 “trò”. Theo lời kể của những cựu học sinh tiền bối thì thời đó, trong số học sinh nghỉ học, một số vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ học giữa chừng, còn một số thì không thể ngồi yên dưới mái trường mà nhìn nhân dân ta bị dày xéo dưới gót giầy của thực dân Pháp, đành phải xếp bút nghiên đi theo tiếng gọi của non sông!

         Đã hơn 60 năm trôi qua, biết bao vật đổi sao dời, vậy mà những học trò ngày xưa ấy vẫn còn nhớ tên của tất cả bạn bè cùng lớp. Tôi hỏi cô Phi Nga, cô nói nhờ sáng kiến của thầy Trương Văn Đức. Thầy ghép tên học sinh trong lớp thành một bài thơ “thất ngôn tứ tuyệt”:

         * Lớp 3e an. B (Lớp đệ Tam niên B):

         Đốc Trung Thành Được Vũ Xuân Ba

         Cầu Đạt Anh Liêm Ly Thủy Nga

         Nhân Đạm Viên Hồng Tư Nhuận Tuyết

         Dương Hường Sang Ẩn Tịnh Minh Ưa.

                                 (Đào Viên Trương Văn Đức)

         (Lớp có 29 người, hai người trùng tên: Ẩn họ Lê và Ẩn họ Huỳnh)

         Học sinh trong lớp rất lấy làm thú vị, đọc đi đọc lại bài thơ đến thuộc làu làu. “Trò” Lê Văn Trung học theo thầy Đức, cũng sáng tác được một bài đọc nghe dí dỏm(4).

         Tháng 2 năm 1952, Collège de Long Xuyên được đổi tên thành Trường trung học Thoại Ngọc Hầu. Cũng chính ông Trương Văn Đức là người đề xuất tên gọi mới cho ngôi trường. Cổng trường được xây khá kiên cố, hướng ra đầu đường Gia Long tiếp giáp với quốc lộ (đường Tôn Đức Thắng bây giờ) thay vì hướng ra đường Đinh Tiên Hoàng như lúc mới thành lập trường. Tên trường được đúc chữ nổi bằng xi măng, thầy Trương Văn Mô (Ba của cô Trương Thị Việt Bích) thấy chữ “thoại” bỏ dấu nặng dưới chữ “O”, đọc thành “THỌ” “AI” mới đề nghị sửa lại cho đúng. Ở một tỉnh xa xôi, có trường trung học ai cũng mừng vui; nay ngôi trường ấy lại được mang tên một vị danh thần đã có công lớn trong công cuộc khai phá vùng đất phương Nam của Tổ quốc, cho nên mọi người càng trân trọng, kính yêu ngôi trường, chăm chút từ cái bảng tên!

         Còn một năm nữa là ngôi trường tròn 65 tuổi! Sáu mươi lăm năm, ngôi trường đã “thay da đổi thịt” biết bao lần mới có được vẻ khang trang như ngày hôm nay. Dấu tích trường xưa tuy chỉ còn trong ký ức của những thế hệ học sinh thuở trước, nhưng truyền thống dạy – học của thầy trò hằng mấy chục năm nay vẫn mãi mãi là niềm tự hào của những ai đã từng ngồi dưới mái Trường trung học Thoại Ngọc Hầu.

         Thầy Trương Văn Đức đã qua đời tại quê hương Vĩnh Long năm 1994, thọ 84 tuổi, một sự ra đi thanh thản vì cả cuộc đời, ông đã hết lòng hết sức lo cho thế hệ trẻ(5). Và tất cả những người sáng lập Collège de Long Xuyên cũng đã về cõi vĩnh hằng! Trong niềm thương tiếc và biết ơn vô hạn của những thế hệ cựu học sinh Thoại Ngọc Hầu, năm 2009, Niệm Sư Từ đã được Hội Cựu học sinh khôi phục lại, trang nghiêm và ấm cúng, để tưởng niệm các vị tiên sư. Các thế hệ học sinh Thoại Ngọc Hầu mãi mãi ghi ơn những người thầy đầu tiên đã không quản ngại khó khăn gian khổ, chấp nhận đi đến một tỉnh lẻ xa xôi nhằm giáo huấn cho thế hệ trẻ nên người.

“Long môn cửu ngưỡng tri tân học,

Xuyên thượng đồng thâm niệm cựu tình”.

                                                                 (Câu đối ở Niệm Sư Từ)

                                                                                                        

Long Xuyên, 10-9-2012

Nguyễn Kim Nương

_________________

(1): Cuốn Kỷ yếu “Giáo dục thâm ân” của Hội CHS Thoại Ngọc Hầu, như một “đặc san” phát hành hằng năm vào dịp Tết Nhà giáo VN 20 tháng 11. Hội CHS đã gởi tặng thầy Ứng – cô Sương trước khi đến thăm.

(2): Tức Collège de My Tho. Năm 1942, trường được đổi tên thành Collège Le Myre de Vilers. Le Myre de Vilers là Thống đốc dân sự đầu tiên trong bộ may  cai trị của thực dân Pháp tại Việt Nam. Chính ông là người đã ký Nghị định thành lập Collège de My Tho ngày 14/6/1880.

(3): Thật ra chỉ là một “phân hiệu” của Collège de My Tho. Năm 1924, Collège de Cân Tho mới chính thức không còn phụ thuộc vào Collège de My Tho.

(4):    Anh Đốc Trung Liêm Đạt Thủy Dương

         Sang Cầu Ly Nhuận Ẩn Viên Hồng

         Ba Tư Nhơn Đạm Minh Ưa Tuyết

         Thành Được Xuân Nga Vũ Tịnh Hường.

                                 (Từ Vân Lê Văn Trung)

(5): Theo lời kể của những người trong gia đình, ông Trương Văn Đức từng là Thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong kiêm Trưởng ban Bình dân học vụ tỉnh Long Xuyên khoảng thời gian Cách mạng nắm chính quyền sau năm 1945. Ông có thư từ liên lạc với ông Nguyễn Văn Tố (Nha Bình dân học vụ) nhận được nhiều tài liệu. Khi thực dân Pháp trở lại, ông bị những kẻ thân Pháp “lưu niệm” giữa lưng ông một vết đao.

 

         Lời cảm tạ của Cô Sương & Thầy Ứng “ HẬU DUỆ” của Thầy Trương Văn Đức:

Vợ chồng chúng tôi thay mặt Papa Trương Văn Đức nhiệt liệt cám ơn Thạc sĩ  Nguyễn Kim Nương , Phó Chủ Tịch Hội Cựu học sinh Trung học Thoại Ngọc Hầu , đã dày công sưu khảo có đầy đủ “nhân chứng vật chứng” về sự hình thanh trường Trung học Thoại Ngọc Hầu một cách hoàn hảo tuyệt vời. Về vật chứng, chúng tôi đang giữ một phiếu học sinh rất mỏng nhưng còn rõ con dâu tròn màu xanh, tên và chữ ký của Hiệu trưởng là Lê Xuân Kính ,bên trên là dòng chữ viết tay “ Cours Complémentaire de Long Xuyên “ .(Có in trong kỷ yếu, chứng tỏ diệu kế của Long Xuyên đã thành công như ý muốn ).

Điều chúng tôi muốn nói tiếp theo là, Thầy Đức gốc người xã Thiềng Đức Vĩnh Long, đã sớm thông báo chỉ vẽ cho Ty Tiểu học Vĩnh Long biết, Do đó Vĩnh Long là đưn vị thứ nhì mở trường Trung học trong đợt 1948. Rồi thì điện thoại reo vang. Các tỉnh thông báo, chỉ vẽ lẫn nhau….

Gương sáng suốt, tích cực của lãnh đạo và viên chức, nhân dân Long xuyên , ngay sau cách mạng 1945, đã tạo sức mạnh cho diệu kế thành lập đồng loạt ngay trong năm 1948 trên dưới hai mươi trường trung học, tạo bao nhiêu nhân tài và người đứng lớp ngày nay.

Xem riêng một Trung học Thoại Ngọc Hầu cũng đủ biết. ( Ngọc Sương và Tương Ứng kinh ghi)

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác