Nhật Ký luân phiên 31-01
Ngày 31/01/2013. Từ khi Phạm Hồng Phước ra chiêu nhật ký ghi vội thì Phương Nga cũng vội ăn theo , viết hay quá trời. Nay đến Một Lúa cũng ghi nhật ký, vậy thì mục này để dành mỗi ngày cho ai muốn viết thì cứ vào trình bày (SOS)
Đôi khi Lúa tôi cảm thấy lẽ loi buồn buồn, ngứa miệng kiếm người quen thân để trêu ghẹo. Nhất là sau khi đầy bụng cơm rau bình bịch lúc giữa trưa giờ Ngọ, cái bụng thường tác dụng kéo hai mí mắt sụp xuống. Để chống lại sự cám dỗ của cơ thể, Lúa phải kiếm người nói chuyện láp váp cho tỉnh người trước khi vô cày buổi chiều. Người quen của Lúa ở đây hầu như nhẵn mặt, thân thuộc và bạn bè ở xa thì đang là giờ Tý canh ba. Dòm tới lui chỉ còn hai người rảnh rổi. Thầy Lần thao thức cả đêm thì lối xóm ai cũng biết tại làm sao. Còn ông Sãi có thói quen thức khuya thì ít người hiểu được lý do.
Lúa muốn chia sẻ những chuyện xảy ra chung quanh cuộc sống hằng ngày, mình nhớ tới đâu ghi tới đó. Vì không có tính thời sự nên không thể gọi là chuyên mục nhật ký như trong các báo khác.
Chuyện đường dài
Mình thích gọi điện thoại cho ông Sãi bởi ổng tiếp chiêu rất là tận tụy. Ổng không bao giờ chờ cuộc điện đàm hào hứng giữa chừng thì ra chiêu dở òm như vầy, “có ai bấm chuông cửa, chút xíu anh gọi lại nghe” hay là “anh cho tui năm phút, thằng cháu khát sửa khóc lòi rún mấy phân rồi”.
Mỗi lần mình gọi cho ổng, thường là dự định vài câu hỏi chính. Chẳng hạn như bà con bạn bè chung quanh chỗ anh đang ở, họ sắm sửa tết nhất ra sao. Lụm cụm chưa kịp hỏi thì bị ổng vặn lại muốn khờ người. Chắc là thấy bức hình mâm quả chưng tết nhà mình, ổng quăng một loạt câu hỏi liền dây như pháo. Nghe nói chỗ anh ở, vào tết ta ngoài trời lạnh như trong hầm đá thì làm sao anh có dưa hấu và hoa quả để chưng. Ở bển anh kiếm lá chuối ở đâu ra để gói bánh tét. Các vật liệu làm nhưn bánh như đậu chuối xuất xứ ở Nam Mỹ hay Á Châu. Còn sự tích và công thức bánh tét “Bà Lai” từ đâu mà có. Mấy chậu hoa tươi tự trồng hay mua về từ tiệm. Tết nhất hàng năm có bạn bè đến viếng. Thân thuộc con cháu có tề tựu ăn nhậu, cờ bạc lô tô. Hãng xưởng có cho dân gốc Việt nghĩ một hai ngày để đón xuân hoặc lì-xì lương tuần 53 lấy hên đời làm mướn.
Trả lời xong mấy câu hỏi đó, mình coi lại trữ lượng miếng thẻ 5 đô mua hồi sáng chỉ còn 31%, mà câu thắc mắc của mình vẫn chưa kịp hỏi lại.
Nói chuyện với anh Cả đã hơn nhiều. Dạo trước, mỗi lần bắt máy nghe ổng nghiêm và buồn “mô Phật”. Chắc có ai nói gì nên sau nầy ổng đổi câu đài hiệu trở thành là “thí chủ muốn gặp ai”, cho dù lúc đó cả nhà chỉ có ổng và con mèo cưng chưa bao giờ nói chuyện với ai.
Ra đường hỏi già, nhất là già làng quý hiếm như bác Cả. Nghe nói bác từng được sắc chỉ tứ phong Hương Cả của vua. Ổng giao du rộng rãi, 12 bến nước ổng quen không thiếu bến nhỏ nào. Bà con nào muốn tìm bạn bè hay hỏi thăm tin tức thân nhân, hoặc tình hình sinh hoạt làng xóm trong bán kính 16 km chung quanh nhà bác. Bảo đảm tức thời hoặc trong vòng 3 ngày hành chánh, mọi thắc mắc sẽ được trả lời thỏa đáng.
Từ khi bác Cả gái du tiên cảnh. Bác Cả trai đánh mất mùa xuân lớn nhất của mình nên không thiết tha tết nhất. Tết riêng của bác bắt đầu từ mồng sáu, khi mấy đứa con bác tựu về giỗ mẹ. Coi như ngày đó là mồng một “bis” của gia đình bác Cả.
Đang ngon trớn thao thao với bác Cả, thình lình trong máy có giọng trẻ nữ thanh tao “thẻ của quý vị chỉ còn hai phút”. Vừa đủ cho Lúa chúc xuân như xe chạy, và lời hẹn gặp nhau năm tới.
Tháng trước Lúa có thằng cháu về VN, mình kêu nó chụp một mớ hình quê mình. Nó trở qua quăng cho mình cái memory card mà không một lời bình luận. Xem xong cái tác phẩm của nó, tấm nào cũng có đóng mộc sản phẩm, đưa lên báo thì bà con biết ngay là hàng thiệt.
Một Lúa
Bến phà qua lại cù lao An Thành. Đối với những người qua lại hằng ngày, đó là bình thường. Nhưng đối với người chưa từng đến, đó là một cảnh đẹp
Bến phà qua cù lao An Thành. Biết rồi, nhưng điểm xuất phát để đưa khách từ bên chợ Vĩnh Long qua An Thành nằm ở đâu ? Chổ xuất phát đó, trước năm 1975 gọi là gì ? Anh so sánh chiếc phà nầy và chiếc phà Ba Kè của mình hồi nẳm giống và khác nhau chổ nào ? Một Lúa nói chuyện với tui nghe cháy máy khét nghẹt, còn tui hỏi lại 2 câu thôi !
Trả lời câu 1 : Có nhờ Google Maps mà cũng bó tay. Tui đoán bến phà qua sông phía bờ chợ VL vào khoảng bến tàu HQ hoặc là trước mặt dinh thự TT cũ.
Trả lời câu 2 : Chiếc phà đó và bắc Ba Kè của quận tụi mình những năm 60 chỉ giống một điểm duy nhất là nổi trên mặt nước, về vật chất và mục đích của 2 phương tiện khác nhau xa lắc. Bắc Ba Kè chỉ chuyên chở xe đò và hành khách của xe đò qua lại sông, người khác muốn sang sông phải đi đò chèo ngang. Bắc Ba Kè đóng bằng gỗ, một tầng trệt, có 4 mỏ bàn ở 2 đầu phà. Từ việc di chuyển, tát nước, nâng mỏ bàn đều vận hành bằng sức người. Chiếc bắc qua lại 2 bờ theo đường bay cố định. Di chuyển trong lòng 2 sợi cáp lớn giăng song song cắt ngang sông. Bắc được định vị bằng 4 dây cáp nhỏ từ những góc phà cột vào 4 ròng rọc chạy trên 2 dây cáp lớn, giúp cho phà không bị nước đạp trôi tấp vào dây cáp hướng dẫn. Công nhân phà thường xuyên quây căng thẳng hoặc dùng ra cho 2 sợi cáp hướng dẫn phà, tuỳ theo mực nước cao thấp lớn ròng của sông. Công nhân phà có dụng cụ đặc biệt là cây cán nại, hình thức và chiều dài gần giống cây <bat> đầu thuôn đầu phình trong môn thể thao bóng chày. Cây cán nại phình ra to dần phía đầu chày tỷ lệ hai đầu khoảng 1 trên 3. Đầu chày được tiện một ngàm ngang, đường khuyết trên thân đầu chày vừa đủ ôm trọn thân dây cáp hướng dẫn. Muốn di chuyển phà, các công nhân đứng sát hông phà, hai tay nắm chặt cán nại, máng miệng cán nại vào thân dây cáp, cùng trân mình ngã người ra sau. Chỉ cần 2 hoặc 3 người nhịp nhàng đồng bộ, lợi dụng lực đòn bẩy, sức người ở tay đòn , ngàm cán và dây cáp cố định. Chiếc phà gỗ, chiếc xe đò và mấy chục hành khách, trong đó đôi khi có thằng nhỏ Một Lúa, từng mét tiến qua sông.
Vậy là Một Lúa nhớ dai quá ta. Quả không sai, dù bộ nhớ bọn mình dạo nầy cũng bị ẩm bộn bộn mà nhớ rõ như thế chắc còn ở lại để gánh nổi sầu ” dương thế” ( như cô Chín-người yêu của H.Hưng nói ) hơi lâu lâu rồi đó !