Chuyến “du lịch chữ” hết sức thú vị của Lương Duy Cường
Có một đặc điểm chung của anh em làm báo ở các tỉnh nghèo, là khi đi xa, trưởng thành, họ đều đau đáu và day dứt với quê. Những trang viết của họ về quê, về ký ức, về những ngày thương khó ấy là những dòng chữ xúc động nhất, run rẩy nhất… và vì thế mà ám ảnh nhất.
Tập bút ký “Ký ức bão!” của Lương Duy Cường (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2025) vừa ra mắt độc giả, cũng không ngoại lệ.
Những trang hay, thấm và đẫm trong này đều gắn với những nơi anh đã sinh ra và lớn lên ở miền Trung. Nó gắn với nào là bão, là lũ, là khát vọng xanh, là dịch bệnh, là mùa hè… và… sông Gianh.
Cả nước hầu như ai cũng biết sông Gianh, huống gì anh là người sinh ra và lớn lên ở đấy, nên cái tít “Sông Gianh đi qua đời tôi” nó gợi hơn cả cái bút ký mà anh lấy làm tên của cả tập sách “Ký ức bão”, nó đủ để xốn xang, đủ để gợi mở, đủ để níu kéo chào mời, đủ để dồn nén và tãi ra những dư ba của nó.
Tôi chú ý cái này, bởi vừa tham gia trong Ban tổ chức cuộc thi của một tờ báo về sông và cái bút ký này nằm trong chùm những tác phẩm về sông ở Quảng Bình khiến tôi phát hiện là: sông Gianh Quảng Bình được nhiều người viết nhất.
Tất cả đều hay, đều gây xúc động cho người đọc. Phải chăng vì nó là… sông Gianh?
Tất nhiên, “Ký ức bão!” cũng là một xốn xang khác, khi quê anh thường là rốn bão, dẫu muốn quên nhưng năm nào cũng phải nhớ, có những nỗi nhớ nghẹn ngào, đau xót đến thắt lòng.
Với tập sách này, Lương Duy Cường như muốn gói lại cuộc đời làm báo trước khi bước vào một sân chơi mới, sân chơi của tự do, của mênh mông thời gian và cũng đầy thách thức tự trọng.
Bởi với người làm báo, về hưu có thể nghỉ (anh làm công tác biên tập ở báo Người Lao Động), nhưng với người viết báo, thì chừng như đây mới là lúc anh thi triển khả năng lâu nay bị kìm nén, bị câu thúc bởi những công việc làm báo thường nhật.
Giờ là lúc anh viết. Những tác phẩm dài hơi, mang hơi hướng văn chương, sở trường của anh và cũng là ngành học anh được đào tạo từ trường Đại học Tổng hợp Huế (Văn khóa VI, 1982-1986).
Đọc tập sách này, tôi nhận thấy công lực của anh đang rất mạnh. Thì anh cũng từng là môn sinh của võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do thời sinh viên ở Huế. Cái bài anh viết về võ đạo của thầy ấy, có lẽ cách thu nạp và thi triển công lực của môn võ Karate, anh cũng áp dụng vào chữ.
Và, tôi nghiệm ra, viết về những gì máu thịt với mình, thân quen nhất với mình, sâu đậm nhất với mình, thì những câu chuyện ấy, nó cũng khiến người đọc như đang cùng mình trải qua các cung bậc cảm xúc, qua các câu chuyện, qua cách ứng xử, cùng hân hoan vui, cùng hồi hộp buồn với tác giả.
Tôi đã được Lương Duy Cường dắt theo vào từng vùng ký ức của anh, để tận hưởng, để sẻ chia và để lâng lâng cảm xúc. Mỗi câu chuyện là một quãng đời, một vùng đất, tôi đã có chuyến “du lịch chữ” hết sức thú vị như thế!
Xin cám ơn tác giả, và hy vọng cuốn sách này sẽ khiến anh bận rộn hơn trong những ngày sắp tới vì sẽ bị chữ tiếp tục… hành. Người viết, khi nghỉ việc công chức là bắt đầu công việc của mình. Vì thế, gấp cuốn sách này lại, ta sẽ đợi những cuốn mới của anh…
VĂN CÔNG HÙNG
VĂN CÔNG HÙNG