NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA TỪ TAM QUỐC DIỄN NGHĨA

Ngày đăng: 9/07/2025 11:35:51 Sáng/ ý kiến phản hồi (0)

Ngay cả đối với bạn nào cả đời không thích đọc sách thì cũng nên đọc qua một lần bộ truyện Tam Quốc Chí hay Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung (chấp bút vào thế kỷ 14). Nếu muốn nghiêng về lịch sử thì đọc Tam Quốc Chí, muốn nghiêng về văn học thì đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa. Nội dung đều nói về thời kỳ loạn lạc cuối nhà Đông Hán, khi ba thế lực lớn là Ngụy, Thục, Ngô tranh giành quyền lực.

Thực sự thì có đọc chính sử đi nữa cũng không thể đúng hoàn toàn. Vì lịch sử thường được chép lại bởi triều đại sau viết về thời đại trước, được viết bởi kẻ mạnh, là thế lực chiến thắng. Ngay cả cùng triều đại người ta cũng chỉ viết những gì có lợi cho giai cấp đang trị vì mà thôi. Nếu đem văn bản Tam quốc diễn nghĩa ra so sánh với văn bản Tam quốc chí có nhiều đoạn trùng khớp hoàn toàn. La Quán Trung đã tiểu thuyết hóa, dựa những ghi chép gốc trong chính sử vào trong tác phẩm của mình, hư cấu theo tỷ lệ (7-3) bảy phần thực, ba phần hư. Phần hư cấu của La Quán Trung chủ yếu ở những phần chính sử không chép, cũng không có ở các sáng tác dân gian trước đó, và chính những phần này mới hay nhất trong tác phẩm – xét về văn học. Vì vậy đòi hỏi tính xác thực, là điều không thể và cũng không cần thiết khi sự việc đã diễn ra cách chúng ta hàng ngàn năm về thời gian rất xa.

Tam Quốc diễn nghĩa là một tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm được xem là một trong Tứ đại kỳ thư (tứ đại danh tác) của Trung Hoa cổ đại. Nó không chỉ tái hiện những trận chiến hào hùng mà còn khắc họa sâu sắc trí tuệ, mưu lược và số phận của các nhân vật lịch sử như Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền, Gia Cát Lượng,…Điều đáng quan tâm ở kiệt tác này là giá trị văn học, có sức sống vượt thời gian. Hiểu được những mưu lược và kế sách trong Tam Quốc để rút ra ý nghĩa và bài học ứng dụng vào cuộc sống.

  1. Muốn giữ nghiệp, học Tào Tháo, muốn kế nghiệp học Tôn Quyền, muốn khởi nghiệp học Lưu Bị.

Tào Tháo là người thông minh, đa mưu lại là người có lợi thế xuất thân cũng danh gia vọng tộc, lại nắm được Thiên Tử trong tay để sai khiến chư hầu. Ông biết dùng người, có tài năng là dùng. Vì vậy dưới trướng ông quy về nhiều tài năng lỗi lạc, trung thành hết mình và có thể vì ông mà sống chết. Còn Tôn Quyền đương nhiên con dòng của giống cũng tài năng không kém các thế hệ trước và may mắn sinh ra đã thừa hưởng cơ nghiệp của cha và anh để lại. Còn Lưu Bị thì tạo nghiệp từ con số không. Dù rằng có dòng dõi là con cháu Hán Vương nhưng chỉ là anh bán chiếu để kiếm sống. Vì sao vừa gặp đã khiến Quan Vũ và Trương Phi theo mình một cách trung thành? Vì ông có chí hướng và mục tiêu rõ ràng. Dù trong tay chưa có gì nhưng người ta sẵn sàng đầu từ và đi theo phục tùng để cùng nhau dựng nghiệp. Trong cách viết của La Quán Trung, ngòi bút của ông có phần thiên vị phe Lưu Bị cũng hợp lòng dân. Bá tánh cần người lãnh đạo có đạo đức, thương dân, đồng cam cộng khổ, thương yêu anh em dưới trướng và quân sĩ.

  1. Tính cách của mỗi nhân vật quan trọng đều để lại bài học trong cuộc sống:

2-1. Bất tín thì không thể thành công. Lã Bố là một mãnh tướng, có lúc cân cả ba anh em: Lưu, Quan, Trương, nhưng ông không có chữ tín, giết hại 2 người cha nuôi, tức là phản bội các liên minh, cuối cùng không được trọng dụng và bị giết bởi tay Tào Tháo, dù Tháo cũng tiếc, muốn dùng nhưng nghĩ lại thấy tay này từng giết hai nghĩa phụ nên loại trừ cho khỏi hiểm họa về sau.

2-2 Đổng Trác là điển hình của kẻ lạm quyền và tàn ác. Cuối cùng bị chính nghĩa tử của mình là Lã Bố giết. Đổng Trác và Lã Bố cho thấy thêm một ví dụ là “Anh hùng không qua ải mỹ nhân”.

2-3. Viên Thuật: Tài không xứng với ngôi, sớm muộn cũng sẽ thất bại. Viên Thuật sống xa hoa và tham vọng xưng đế nhưng không đủ khả năng quản lý. Viên Thiệu thiếu tầm nhìn, thiếu quyết đoán thường do dự bỏ lỡ nhiều cơ hội, lại không nghe lời khuyên của các thủ túc tâm đắc đánh nên nhiều lúc mất cơ hội, dẫn đến thất bại thảm hại.

2-4. Dương Tu, Hứa Du, Mã Tắc: Có tài năng nhưng cần biết khi làm việc thì cần thể hiện bao nhiêu cho phù hợp với vai vế và công việc được giao, tránh bộc lộ thông minh hơn sếp. Sếp muốn mình hoàn thành tốt công việc được giao nhưng đừng tỏ ra giỏi hơn sếp. Đó là điều đại kỵ. Cần biết che giấu bản thân, biết nhìn thấu nhưng khi nào cần nói, khi nào cần ém đều phải có chiến lược.

2-5. Tư Mã Ý ông chưa phải là người giỏi nhất Tam Quốc nhưng ông là người biết ẩn nhẫn chờ thời, biết khi nào tiến, khi nào lùi, thậm chí giả thua. Có những lúc ông vẫn có thể chiến thắng đối phương. Nhưng ông hiểu quy luật: “điểu tận cung tàn” Thỏ chết, chó săn cũng bị giết, nghĩa là hết giá trị lợi dụng ông cũng sẽ bị loại trừ. Cuối cùng ông đã tạo cơ sở vững chắc cho con cháu ông thống nhất cả ba nước, quy về một mối.

2-6. Chu Du chết vì tức giận, do lòng đố kỵ với Gia Cát Lượng. Ông từng than: “Trời đã sinh ra Du sao còn sinh Lượng”, không chịu chấp nhận tài năng của người khác, không dành lòng mình phải thua. Đố ky gây hại cho bản thân và ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ. Ai giỏi hơn mình, phải công nhận họ và học hỏi, đố kỵ, tức tối không đem lại lợi ích gì mà thiệt thân.

2-7. Quan Vũ là vị tướng vừa trung thành với Lưu Bị vừa tài giỏi trận mạc. Tuy nhiên cái tôi hơi bị lớn ( tự phụ) không nghe lời khuyên của cộng sự nên đã bị Tôn Quyền giết hại.

2-8. Trương Phi nóng nảy, thiếu kiềm chế cảm xúc, thường uống rượu say, đánh đập thuộc hạ nên cuối cùng bị thuộc hạ phản bội và giết hại.

  1. Không có kẻ thù vĩnh viễn cũng rất hiếm tình bạn vĩnh cửu, chỉ có lợi ích mới là vững bền. Hôm nay đối đầu, ngày sau có thể cầu hòa, liên minh cùng chống lại kẻ khác. Ngay cả trong cùng hàng ngũ cũng không có 100% tình đồng đội vĩnh cữu. Có thể xông pha trận mạc để cứu nhau, cũng có thể vì quyền lợi mà bán đứng nhau. Hay nói cách khác loại trừ lẫn nhau khi tranh quyền đoạt vị. Nên tin vừa đủ và đề phòng không thừa. Ngay cả công thần khai quốc của nhà Thục Hán, như Gia Cát Lượng suốt đời cung cúc tận tụy phục vụ Lưu Bị rồi đến thế hệ sau Lưu Thiện, vậy mà vẫn bị có kể gièm pha, nói xấu sau lưng với bệ hạ. Cái tật nịnh bợ gièm pha, đặt điều hãm hại người tài thời nào cũng có.

Nếu gặp minh chủ sáng suốt thì không sao, chứ gặp sếp năng lực hạn chế, nghe lời xu nịnh thì cũng gây ra không ít phiền toái.

  1. Dũng tướng kỳ tài nặng lòng trung hiếu. Có lẽ ai ra trận cũng mơ mình được như Triệu Tử Long, chưa bao giờ bại trận dưới tay đối phương. Quân địch cũng không thiếu tướng tài nhưng không làm gì được ông giữa sa trường. Ông là một vị dũng tướng bậc nhất, trung thành cho đến chết của Lưu Bị. Lưu Bị đánh giá cao Triệu Tử Long. Ông từ chối 3000 binh lính và ngựa để đánh với Tào Tháo chỉ cần một người đó là Triệu Vân-Triệu Tử Long. Khi Tào Tháo tấn công Từ Châu, Lưu Bị cầu cứu Công Tôn Toản. Ông nói rằng: Tại hạ không mượn bất kỳ binh mã nào, chỉ xin tướng quân cho mượn một người: Thượng Sơn Triệu Tử Long. Triệu Vân từng xông vào giữa vòng vây, hàng vạn quân địch, mở đường máu để cứu con trai Lưu Bị là A Đẩu. Suốt một đời xông pha trận mạc, sống thọ và mất vì tuổi già.
  2. Luận cổ suy kim
    Chúng ta có thể học cách ứng xử từ những thành công và thất bại của các nhân vật trong Tam Quốc Diễn Nghĩa cũng như rút ra những bài học chiến lược từ cuộc đối đầu giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý.

Tư Mã Ý ông là bậc thượng nhân. Biết biết lùi đúng cách, quan sát nhiều, nói ít. Thận trọng không tùy tiện nói năng hành xử mà không có tính toán. Làm việc gì cũng không nên lộ liễu, âm thầm bố trí kế hoạch khiến đối phương trở tay không kịp. Ông dựa vào đối phương để cũng cố quyền lực. Trong trận “Không thành kế” thực ra Tư Mã ý đã hiểu rõ tình thế. Nếu giết Gia Cát Lượng, dẹp được quân Thục, xem như ông đã hết giá trị lợi dụng, lúc đó không tránh khỏi quy luật: “vắt chanh bỏ vỏ” sẽ bị loại trừ bởi sự ganh ghét tài năng của kẻ nắm quyền lực. Ông là người buồn vui không thể hiện ra mặt, biết nhẫn nhục chịu đựng sống sót đề chờ ngày thành công. Tư Mã Ý là bậc kỳ tài với khả năng ẩn nhẫn, mưu lược và kiểm soát cảm xúc. ông mới bước lên đỉnh cao quyền lực tạo nền móng để thống nhất thiên hạ và lập nên nhà Tấn.

Gia Cát lượng là mưu sỹ số một của Lưu Bị, người đời gọi ông là “ thần cơ diệu toán, trên tường thiên văn, dưới tường địa lý, kế sách trận mạc tài ba. Một bậc kỳ tài, giữa thời loạn chọn cách sống trung quân, ái quốc, suốt đời tận tụy vì giấc mộng phục Hán. Ngay cả khi Lưu Bị qua đời phó thác Lưu Thiện tại thành Bạch Đế. Gia Cát Lượng không chỉ có trách nhiệm với một đứa trẻ mà còn gánh vác cả tương lai của Thục Hán. Dù Lưu Thiện bất tài, ông vẫn yêu thương tận tụy hết sức mình. Ngay cả khi biết số mình đã tận ông cũng để lại di thư, để lại kế sách để cho thuộc hạ tin cậy như Danh sĩ Khương Duy tiếp tục chăm lo vận mệnh đất nước. Cuộc đời Gia cát Lượng là một truyền kỳ, ông không phải là một vị thần bất khả xâm phạm, nhưng ông là một bậc kỳ tài, vĩ đại mà đầy tính nhân văn, giữa thời đại loạn lạc và cơ hội. Ông sống cả đời nghiêm túc và chân thành, thẳng thắn và nghĩa khí. Ông xứng đáng với sự kính ngưỡng của hậu thế.

Tuy nhiên, chiến tranh tàn khốc quá, trong lịch sử mấy ngàn năm của thế giới nói chung và ba nước Ngô, Thục, Ngụy nói riêng, con người chết vì chiến tranh nhiều quá, từ tướng cho đến lính cho đến dân đen đều thống khổ. Vẫn biết là quy luật “được là vua, thua làm giặc. Dù phe nào đi nữa tôi cũng thấy họ chém người như chém chuối. Máu chảy thành sông, thây chất thành đống mà kẻ hậu thế không khỏi ngậm ngùi. Tôi vẫn nhớ lời ông nội tôi, lúc tôi còn nhỏ rằng: trong lịch sử định hình của thế giới khi thiên tai, khi địch họa, cuộc đấu tranh sinh tồn của bao thế hệ: “Mười phần chết bảy còn ba/ chết hai còn một mới ra thái bình”. Ở tuổi thiếu niên lúc đó tôi chưa hiểu gì nhiều về chiến tranh nhưng nghe ông tôi nói vậy tôi cũng hiểu về cái giá của hòa bình nó đắt đến ra sao! Đọc lại bộ truyện này, tôi vẫn mong cầu thế giới đừng có chiến tranh, “các ông lớn”hãy hành xử văn minh trên bàn đàm phán để nhân loại bớt khổ đau, để loài người lo phát minh và kiến tạo.

Saigon, ngày 26/6/2025

Hoàng Thị Bích Hà

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác