CÂU CHUYỆN CỦA CON RẮN
Suỵt! Suỵt! Suỵt! Lại gần ta hơn nữa. Nhìn sâu vào mắt ta! Ta vốn là một sinh vật quyến rũ, dịu dàng, nhạy cảm và biết ơn. Ta thông thái và cao quý. Thân thể ta mềm dẻo uốn lượn, Uyển chuyển đến mức ngươi sẽ thấy vui thích khi ngắm điệu vũ nhẹ nhàng của ta. Giờ ta sẽ cuộn mình thành một vòng tròn, ánh vảy lấp lánh lờ mờ, Quấn quanh dịu dàng và ôm lấy thân thép lạnh của mình trong vòng tay lạnh giá và nhẹ nhàng. Một mà là muôn! Một mà là muôn!
Suỵt! Suỵt! Nhìn vào mắt ta! Ngươi không thích sự uốn lượn và ánh nhìn thẳng thắn của ta sao? Ôi, đầu ta nặng lắm — bởi thế ta đong đưa lặng lẽ. Ôi, đầu ta nặng — nên ta nhìn thẳng phía trước, vừa đong đưa vừa lặng lẽ. Lại gần ta hơn nữa. Cho ta một chút hơi ấm; Vuốt ve trán khôn ngoan của ta bằng ngón tay ngươi; Ngươi sẽ thấy những đường nét của nó như hình dáng một chiếc chén, Trong đó đọng lại tinh túy của sự khôn ngoan, như sương của hoa đêm. Khi ta uốn mình hút lấy không khí, một dấu vết còn lại —
Một họa tiết mỏng như tơ, mạng lưới của mê ảo mộng mơ, Bùa chú của chuyển động lặng thầm, tiếng rít không thành tiếng của những đường cong lướt đi.Ta im lặng và đung đưa mình. Ta nhìn thẳng và đung đưa mình. Có gánh nặng lạ lùng nào đang đè trên cổ ta vậy?
Ta yêu ngươi. Ta vẫn luôn là sinh vật quyến rũ, và từng yêu tha thiết những ai ta yêu. Lại gần ta hơn nữa. Ngươi có thấy hàm răng nhỏ trắng, sắc và mê hoặc của ta không? Khi hôn, ta thường cắn. Không đau đâu — chỉ một chút thôi. Vuốt ve âu yếm, ta thường cắn nhẹ, cho đến khi giọt máu đầu tiên chảy ra, Cho đến khi có tiếng kêu bật lên như tiếng cười vì bị cù.
Điều đó rất dễ chịu — đừng nghĩ là khó chịu; Nếu không, những người được ta hôn đã chẳng quay lại để xin thêm nụ hôn nữa. Nhưng giờ ta chỉ còn có thể hôn một lần — buồn biết mấy —Chỉ một lần thôi! Một nụ hôn cho mỗi người — quá ít cho một trái tim yêu thương, Cho một linh hồn nhạy cảm, khao khát hòa làm một thể! Nhưng chỉ mình ta, kẻ buồn rầu này, mới chỉ hôn được một lần, Còn người kia thì chẳng còn biết tình yêu nào khác nữa: Nụ hôn duy nhất, dịu dàng, ân ái ấy của ta là bất khả xâm phạm và vĩnh hằng. Ta nói với ngươi thật lòng; và khi câu chuyện của ta kết thúc — ta sẽ hôn ngươi.
Ta yêu ngươi. Hãy nhìn vào mắt ta. Có đúng là ánh mắt ta thật mạnh mẽ và quyền uy không? Ánh nhìn kiên định và thẳng thắn? Và nó bền bỉ như thép ép vào tim ngươi. Ta nhìn thẳng và đung đưa mình, ta nhìn và mê hoặc; Trong đôi mắt xanh của ta, ta gom góp nỗi sợ của ngươi, Sự mỏi mệt yêu thương, khát khao phục tùng.
Lại gần ta hơn nữa. Giờ ta là một nữ hoàng, và ngươi không thể không thấy vẻ đẹp của ta; Nhưng đã từng có một thời kỳ lạ — Ôi, một thời kỳ kỳ lạ! Ôi, một thời kỳ kỳ lạ! Chỉ mới nhớ lại thôi mà ta đã bồi hồi — Ôi, kỳ lạ biết bao !Không ai yêu ta. Không ai tôn trọng ta. Họ truy đuổi ta một cách hung bạo,
Giẫm nát ta trong bùn và nhạo báng ta — Ôi, đó là một thời kỳ lạ! Một mà là muôn! Một mà là muôn! Ta nói với ngươi: Lại gần ta hơn nữa. Tại sao họ không yêu ta? Khi ấy, ta cũng là một sinh vật mê hoặc, không hề có ác ý;
Ta dịu dàng và ta nhảy múa thật tuyệt vời. Nhưng họ hành hạ ta. Họ thiêu ta bằng lửa. Những con thú to xác và thô kệch giẫm đạp ta bằng những bước chân nặng nề khủng khiếp; Những chiếc ngà lạnh lẽo từ những chiếc miệng đẫm máu xé toạc thân thể mảnh mai của ta —Và trong tuyệt vọng bất lực, ta cắn đất cát, ta nuốt bụi trần — Ta chết đi trong đau khổ. Bị nghiền nát, ta chết dần từng ngày.
Ngày qua ngày, ta chết trong tuyệt vọng. Ôi, đó là một thời kỳ kinh hoàng! Cánh rừng ngu ngốc đã quên hết rồi — nó chẳng còn nhớ gì nữa, Nhưng ngươi, xin hãy thương xót ta. Lại gần ta hơn. Hãy thương xót ta, kẻ bị xúc phạm, kẻ buồn khổ, kẻ đang yêu, Kẻ nhảy múa đẹp đẽ đến thế này.
Ta yêu ngươi. Làm sao ta có thể tự vệ? Ta chỉ có hàm răng trắng nhỏ, tuyệt diệu và sắc bén của mình —Chúng chỉ giỏi cho việc hôn hít. Làm sao ta có thể tự vệ? Chỉ đến giờ ta mới mang trên cổ cái gánh nặng khủng khiếp của cái đầu này,
Và ánh mắt ta mới có thể lệnh lạc và thẳng thắn như vậy, Chứ khi ấy đầu ta còn nhẹ và ánh mắt thì dịu dàng.Khi ấy, ta chưa có nọc độc. Ôi, đầu ta giờ nặng quá, khó mà giữ được thăng bằng! Ôi, ta mệt mỏi vì chính ánh nhìn của mình — Hai hòn đá trong trán ta, ấy là đôi mắt. Có thể những viên đá lấp lánh đó là quý giá —Nhưng thật khổ sở khi mang chúng thay vì một đôi mắt dịu dàng — Chúng đè nặng lên não ta. Đầu ta nặng quá! Ta nhìn thẳng và đung đưa mình;
Ta thấy ngươi trong màn sương xanh — ngươi ở xa quá. Lại gần ta hơn. Ngươi thấy không, dù buồn đau ta vẫn đẹp, Và ánh nhìn ta u uẩn vì tình yêu. Hãy nhìn vào con ngươi của ta; ta sẽ thu hẹp rồi mở rộng nó, Và làm nó lấp lánh kỳ lạ — như sao trời đêm, như ánh sáng của mọi viên ngọc quý —Kim cương, lục bảo xanh, hoàng ngọc vàng nhạt, hồng ngọc đỏ máu.Hãy nhìn vào mắt ta: chính là ta, nữ hoàng — ta đang tự đội vương miện, Và thứ đang lấp lánh, bừng cháy và rực rỡ ấy —Thứ cướp đi lý trí ngươi, tự do của ngươi và cả mạng sống của ngươi — Chính là nọc độc. Một giọt nọc độc của ta. Sao lại thành ra thế này? Ta không biết.Ta không thù hận sự sống. Ta sống và chịu đựng. Ta lặng lẽ. Ta héo mòn. Ta vội vã ẩn mình khi có thể; ta bò đi trong lặng lẽ. Nhưng chưa ai từng thấy ta khóc — ta không thể khóc; Và điệu múa nhẹ nhàng của ta càng lúc càng nhanh, càng lúc càng đẹp hơn.Một mình giữa yên lặng, một mình trong bụi rậm, Ta nhảy múa với trái tim buồn khổ —Họ khinh miệt điệu vũ của ta và sẽ vui mừng nếu giết được ta khi ta nhảy.
Đột nhiên, đầu ta bắt đầu nặng dần —Thật kỳ lạ! — Đầu ta nặng hơn. Vẫn nhỏ bé và xinh đẹp, vẫn khôn ngoan và xinh đẹp, Nhưng nó bỗng nặng khủng khiếp;Nó ép cổ ta sát đất, khiến ta đau đớn.Giờ thì ta đã quen đôi chút,
Nhưng lúc đầu thật vụng về và đau đớn.Ta đã nghĩ mình bị bệnh. Và rồi…Lại gần ta hơn. Nhìn vào mắt ta.
Suỵt! Suỵt! Suỵt!
Và đột nhiên ánh nhìn của ta trở nên nặng nề – nó trở nên đăm đăm và kỳ lạ – ta thậm chí còn sợ hãi chính mình! Ta muốn ngoảnh mặt đi – nhưng không thể. Ta luôn nhìn thẳng về phía trước, ta xuyên thấu bằng đôi mắt mình ngày một sâu hơn, như thể ta hóa đá. Hãy nhìn vào mắt ta. Như thể ta hóa đá, và mọi thứ ta nhìn đến đều hóa đá. Hãy nhìn vào mắt ta.
Ta yêu người. Đừng cười nhạo câu chuyện thành thật của ta, nếu không ta sẽ nổi giận. Giờ nào trái tim mẫn cảm của ta cũng mở ra, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích – ta vẫn cô đơn. Nụ hôn duy nhất và cuối cùng của ta mang đầy âm vang của nỗi buồn – và người ta yêu lại không có ở đây, ta lại tiếp tục đi tìm tình yêu, ta lại kể câu chuyện của mình trong vô vọng – trái tim ta không thể cởi mở hoàn toàn, và chất độc dày vò ta, đầu ta ngày càng nặng hơn. Chẳng lẽ trong tuyệt vọng ta không đẹp sao? Hãy lại gần ta.
Ta yêu người.
Một lần nọ, ta tắm trong vũng lầy tĩnh lặng giữa rừng – ta yêu sự sạch sẽ – đó là dấu hiệu của dòng dõi cao quý, và ta thường xuyên tắm rửa. Khi đang tắm, đang múa dưới nước, ta thấy hình bóng mình, và như mọi lần, ta lại phải lòng chính mình. Ta quá yêu cái đẹp và sự khôn ngoan! Và đột nhiên ta thấy – trên trán mình, giữa những món trang sức bẩm sinh, một dấu hiệu lạ lẫm mới xuất hiện – chẳng phải chính dấu hiệu này đã đem đến sự nặng nề, cái nhìn hóa đá và vị ngọt ngào trong miệng ta sao? Ở đây, trên trán ta – nhìn xem – lại gần ta. Chẳng phải kỳ lạ sao? Nhưng lúc đó ta không hiểu, và ta thích nó. Để khỏi cần thêm trang sức nào nữa. Và cùng ngày hôm đó, ngày khủng khiếp đó, khi dấu thánh ấy xuất hiện, nụ hôn đầu tiên của ta cũng trở thành nụ hôn cuối cùng – nụ hôn của ta trở thành chí tử. Một giữa muôn người! Một giữa muôn người!
Ôi!
Người yêu những viên ngọc quý, nhưng hãy nghĩ xem, người yêu dấu, một giọt nhỏ chất độc của ta còn quý giá gấp bội phần. Nó bé xíu – người đã từng thấy nó chưa? Chưa bao giờ, chưa bao giờ. Nhưng người sẽ biết đến nó. Hãy nghĩ đi, người yêu dấu, biết bao đau khổ, bao tủi nhục đắng cay, bao giận dữ bất lực đã nuốt chửng ta: ta phải trải qua để sinh ra giọt độc bé nhỏ ấy. Ta là nữ hoàng! Ta là nữ hoàng! Trong một giọt ấy – do chính ta sinh ra – ta mang đến cái chết cho kẻ sống, và vương quốc của ta là vô biên, như nỗi sầu vô biên, như cái chết vô biên. Ta là nữ hoàng! Ánh nhìn ta không thể lay chuyển. Vũ điệu của ta là khủng khiếp! Ta thật đẹp! Một giữa muôn người! Một giữa muôn người!
Ôi!
Đừng gục xuống. Câu chuyện của ta vẫn chưa kết thúc. Lại gần ta đi. Và rồi ta trườn vào khu rừng ngu ngốc ấy, vào cõi xanh của riêng mình.
Giờ đây là một lối đi mới, một con đường khủng khiếp! Ta từng nhân từ như một nữ hoàng; và như một nữ hoàng, ta nghiêng mình duyên dáng sang phải và sang trái. Còn họ – họ lại bỏ chạy! Như một nữ hoàng, ta cúi đầu ân cần sang phải, sang trái – và họ, những kẻ kỳ quặc – họ lại bỏ chạy. Người nghĩ sao? Tại sao họ lại bỏ chạy? Người nghĩ sao? Hãy nhìn vào mắt ta. Người có thấy ánh chớp lạ kỳ ấy trong đó không? Những tia sáng từ vương miện của ta làm người lóa mắt, người hóa đá, người đã lạc lối. Ta sắp múa điệu cuối cùng của mình – đừng gục xuống. Ta sẽ cuộn mình thành vòng tròn, ta sẽ để vảy ta lấp lánh mờ ảo, và ta sẽ siết chặt thân thể thép lạnh lùng của mình trong cái ôm nhẹ nhàng, giá lạnh. Đây, ta đây! Hãy nhận lấy nụ hôn duy nhất của ta, nụ hôn thành hôn – trong đó chứa nỗi u buồn chết chóc của mọi kiếp sống bị áp bức. Một giữa muôn người! Một giữa muôn người!
Cúi xuống đây với ta. Ta yêu người.
Chết đi!
THÂN TRỌNG SƠN
Dịch và giới thiệu (Tháng 7 / 2025 )
======================================================
Leonid Nikolayevich Andreyev là một nhà viết kịch, tiểu thuyết gia và tác giả truyện ngắn người Nga , được xem là cha đẻ của trường phái Biểu hiện Nga. Tác phẩm của ông mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa Hiện thực và Tự nhiên. Một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông là một truyện ma có tên Lazarus, xuất bản năm 1906.
Andreyev sinh ra tại Oryol, Nga, trong một gia đình trung lưu có gốc gác Ba Lan, Phần Lan và Latvia. Ông theo học ngành luật tại Moscow và St. Petersburg, sau đó làm phóng viên toà án cho một tờ báo ở Moscow. Ông làm thơ như một sở thích, nhưng không có gì được xuất bản cho đến truyện ngắn đầu tay của ông vào năm 1889, Bargamot và Garaska. Huyền thoại văn học Nga Maxim Gorky rất ấn tượng với những tác phẩm đầu tiên của ông, và đã khuyến khích Andreyev tập trung viết văn chuyên nghiệp.
Andreyev nhanh chóng nổi tiếng sau khi tập truyện ngắn đầu tiên của ông được xuất bản năm 1901. Nhiều tác phẩm của ông tập trung khai thác sâu sắc khía cạnh tâm lý của nhân vật và thể hiện một cách mạnh mẽ và kịch tính những đề tài về tình dục, điều được xem là táo bạo vào thời đó. Andreyev cũng tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị như một người bảo vệ lý tưởng dân chủ trong Cách mạng Nga. Những truyện ngắn tiêu biểu phản ánh tinh thần của thời kỳ chính trị hỗn loạn này gồm có: Tiếng cười đỏ (1905), Thống đốc (1905) và Bảy người bị treo cổ (1908).
Từ năm 1905, Andreyev bắt đầu sáng tác nhiều vở kịch; một trong số đó, Cuộc đời của một con người (1906), là tác phẩm được biểu diễn rộng rãi và phổ biến nhất tại Nga trong thế kỷ 20.
“Sự khôn ngoan và sự điên rồ đều bằng nhau trước Vô cùng, bởi Vô cùng chẳng hề biết đến chúng.” (trích từ Lazarus, 1906).
Leonid Andreyev
( 1872 – 1919 )
Leonid Andreyev, cây bút được mệnh danh là “cha đẻ của chủ nghĩa biểu hiện Nga”, nổi tiếng với những tác phẩm đi sâu vào bi kịch nội tâm, cảm thức hiện sinh và nỗi kinh hoàng siêu hình trong con người hiện đại. Trong truyện ngắn “The Serpent’s Story”, Andreyev không đơn thuần kể chuyện một con rắn, mà dựng lên một bi kịch triết học, nơi cái đẹp bị hiểu lầm, lòng yêu thương bị khước từ, và bản chất của cái ác không sinh ra từ thù hận mà từ đau đớn và cô độc.
Ngay từ dòng đầu tiên, người đọc bị cuốn vào một giọng thì thầm đầy quyến rũ: “Hush! Hush! Come closer to me. Look into my eyes!”. Con rắn không hiện ra như biểu tượng của quỷ dữ, mà là một sinh thể mỏng manh, nhạy cảm, khát khao được yêu. Nó tự nhận mình là “một sinh vật quyến rũ”, “dịu dàng”, “biết ơn”, “yêu tha thiết những kẻ mà nó yêu” – những phẩm chất thường chỉ được gán cho con người. Ở đây, Andreyev đã nhân hóa con rắn không phải để xóa nhòa bản chất động vật, mà để khơi dậy trong người đọc một sự đồng cảm nghịch lý: ta bắt đầu cảm thấy thương xót cho chính biểu tượng của hiểm họa.
Trong đoạn giữa truyện, con rắn kể lại quá khứ của mình bằng một giọng đau thương và thê thiết: “Tôi bị hành hạ, bị giày xéo, bị thiêu đốt. Tôi chỉ có đôi răng trắng nhỏ bé, chỉ để hôn chứ không để cắn trả. Tôi đã sống và chịu đựng”.
Ở đây, Andreyev mô tả sự biến hóa của cái đẹp thành cái chết như một quá trình tất yếu – một hậu quả của việc bị xã hội xua đuổi. Con rắn, từng là sinh vật yêu cái đẹp và sự sạch sẽ (“tôi thường xuyên tắm vì tôi thuộc dòng dõi cao quý”), giờ mang trong mình chất độc chết người, được mô tả là “một giọt nhỏ, do chính tôi tạo ra, mang trong mình cái chết cho kẻ sống”.
Giọt độc không phải là biểu tượng của thù hận, mà là kết tinh của nỗi sỉ nhục, của cơn đau không thể bày tỏ bằng lời. Từ một sinh thể đẹp đẽ, con rắn bị xã hội chà đạp đến mức không thể không trở thành công cụ của cái chết. Đây là bi kịch của kẻ yếu – kẻ chỉ muốn yêu thương nhưng bị buộc phải giết hại để sinh tồn.
Chi tiết ánh mắt của con rắn “trở nên nặng nề, bất động, xuyên thấu” mang nhiều tầng ý nghĩa. Nó vừa là biểu tượng của sức mạnh, vừa là dấu vết của sự hóa đá nội tâm. Con rắn không còn có thể quay đi, không còn có thể cảm nhận nhẹ nhàng. Nó nhìn chằm chằm vào nỗi đau và sự vô nghĩa của tồn tại. Trong ánh mắt đó, “mọi thứ hóa đá”, như cái nhìn của Medusa trong thần thoại Hy Lạp – nhưng thay vì là vũ khí của quỷ dữ, đó là hậu quả của sự chịu đựng đến giới hạn.
Andreyev cho thấy cái đẹp khi bị cô lập và hiểu lầm sẽ trở thành sự đe dọa. Con rắn nói: “Tôi là nữ hoàng! Tôi là nữ hoàng! Trong một giọt độc do chính tôi tạo ra, tôi mang cái chết đến cho kẻ sống.” Tuyên bố vương quyền này không phải là khát vọng thống trị, mà là lời kêu cứu tuyệt vọng của một sinh thể muốn được công nhận.
Cao trào của truyện là khi con rắn mời gọi: “Hãy đến gần tôi. Nhận lấy nụ hôn duy nhất của tôi, nụ hôn ái ân – trong đó là nỗi bi thương chết người của mọi kiếp bị áp bức.”
Ở đây, Andreyev dựng nên biểu tượng của cái chết như một sự cứu rỗi lãng mạn. Nụ hôn của rắn không còn là công cụ hủy diệt đơn thuần – nó là hành động yêu thương cuối cùng, là tiếng gọi của một tâm hồn cô độc không còn chịu đựng được nữa. Người đọc nhận ra: cái chết đến không phải từ căm hận, mà từ khát khao được thấu hiểu.
“The Serpent’s Story” không phải là một câu chuyện ngụ ngôn thông thường về sự cám dỗ hay tà ác. Dưới ngòi bút của Andreyev, con rắn trở thành biểu tượng của cái đẹp bị ruồng rẫy, của lòng yêu thương bị bóp méo dưới bàn tay xã hội, của một tâm hồn sâu sắc bị đẩy đến tuyệt vọng và buộc phải đầu độc chính tình yêu của mình.
Tác phẩm đặt ra câu hỏi lớn về đạo đức và trách nhiệm của cộng đồng đối với kẻ yếu, rằng: nếu cái ác sinh ra từ nỗi đau không ai đoái hoài, thì ai là kẻ đầu tiên gieo độc? Qua đó, Andreyev không chỉ viết một truyện ngắn kỳ ảo mà còn dựng nên một bi kịch hiện sinh sâu sắc, đặt con người trước tấm gương của chính mình – nơi cái đẹp và cái chết không còn đối lập, mà hòa tan vào nhau trong nỗi cô đơn tuyệt đối.
Nguồn:
https://americanliterature.com/author/leonid-andreyev/short-story/the-serpents-story/