VĂN HOÁ XƯNG HÔ ĐÔI ĐIỀU NHÌN LẠI 

Ngày đăng: 22/05/2025 06:54:49 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Hôm qua về làng tình cờ gặp anh rể của cô bạn. Cậu ấy hỏi:  -Chị có phải con của dì N không?

-Dạ đúng rồi anh, sao anh biết hay vậy?

-Tui nhìn thấy chị giống dì N nên tui nhận ra. Chị đừng gọi tui bằng anh. Mẹ tui là em họ của mẹ chị, nên tui tất nhiên phải gọi chị bằng chị rồi.

– Vậy à! Cảm ơn cậu. Vậy mà tui chừ mới biết. Tui ít về làng ngoại (vì bây giờ nhà ngoại tui không còn ai ở đó) nên không biết hết bà con họ hàng. Cậu bỏ lỗi cho tui. Nghe cậu nhìn bà con tui rất vui!

Cậu ấy hơn tôi 6 tuổi, nhưng vì biết bà con nên cậu ấy gọi chị. Tôi gọi lại là cậu xưng tui cho nó lịch sự. Chỉ là quyền ông vải thôi, chứ họ lớn tuổi hơn!

Khi đi học ở cấp học tiểu học (cấp 1) thì trong các đề thi thầy cô thường có yêu cầu làm bài bắt đầu từ cụm từ: Em hãy: ví dụ em hãy viết một đoạn văn tả…, bước vào thời kỳ học PTCS ( cấp 2), hay PTTH (cấp 3) trong các đề thi thầy cô thay cụm từ các em bằng: Anh (chị) ví dụ: Anh (chị) hãy phân tích tác phẩm…

Tôi sinh ra và lớn lên được nền tảng giáo dục gia đình và nhà trường rất căn bản. Đó là một may mắn. Tôi rất biết ơn vì điều đó. Tôi để ý và nhớ rất rõ từng lời xưng hô. Những ai đã có gia đình, với ngay cả các con của ông bà khi đã lập gia đình và có con cái. Ông bà nội không bao giờ gọi bằng tên hay kèm theo danh từ con, thằng đằng trước cả. Mà gọi chị, anh kèm tên đứa con đầu của họ. Đó là điều rất lịch sự!

Ở đâu tôi không biết chứ ở làng quê tôi, điều này đến thế hệ mình ít thấy được duy trì cách gọi này. Thôi thì con cái họ, họ cứ gọi tên cũng được, không sao! Nhưng với người khác nhất là anh em họ hàng nhưng họ lớn tuổi hơn mình thì cần lưu ý cách xưng hô cho lịch sự, dễ nghe để hiệu quả giao tiếp được tốt hơn.

Có một dạo, đứa cháu gái đám cưới ở huyện Phú Vang cách nhà tôi hơn mười cây số. Nhà dì nó ở ngay sau lưng nhà, tại trên tp Huế. Tôi gọi điện qua nhà dì nó (hồi đó chỉ có điện thoại bàn) để liên hệ mai nếu được đi cùng cho vui. Vì mùa đám cưới ở Huế có tháng chúng tôi nhận từ 5- 10 đám, có khi trong 1 ngày 2 đám cưới thì hai vợ chồng chia nhau mà đi, chứ không thể đi cùng.

-Alo!  (đầu dây bên kia là tiếng của T, nó là con của người mà ba mình gọi bằng chị, nhưng bản thân nó cỡ tuổi con út mình)

Tôi hỏi: -Anh T à? Có Hùng nơi không, cho tui gặp nó chút.

Nghe tiếng của T trong điện thoại:

– Hùng ơi! Điện thoại con Hà nè!

(Lúc này tui thiệt chưng hửng luôn, nó nhỏ chút, bằng con út mình mà nó gọi mình bằng tên kèm theo từ con đằng trước nữa, chịu nổi không? Sao nó không gọi O (cô) Hà à! Và xưng lại là tui, có phải lịch sự hơn, dễ nghe hơn không?)

Trở lại chuyện xưng hô, tôi rất dị ứng với lối xách mé này. Sau này tôi rất ngại giao tiếp với những đối tượng này, là anh chị hay bà con mà quyền ông vải thì họ lớn hơn mình nhưng tuổi đời mình lớn hơn họ, nhất là đối với trường hợp họ chỉ đáng tuổi con mình mà thôi.

Ngoài ra còn gặp nhiều lần nữa đối với con của một số người dì mà mẹ tôi gọi bằng chị. Mấy anh chị đó cũng nhỏ chút, cũng xách mé như vậy. Có lần mình bực mình quá, tôi nói thẳng luôn.

– Ê, mẹ anh sinh trước mẹ tui chứ không phải anh sinh trước tui. Hai điều đó cần phân biệt cho rõ. Tui sinh ra trước anh (chị) một ngày là tui đã khám phá thế giới trước anh một ngày đó huống chi tui hơn anh (chị) hàng chục tuổi mà anh (chị) cứ con thằng sao được. Tự nhiên nghe được gọi bằng chị, bằng anh sướng quá tưởng to à! (tức điên quá hết lịch sự luôn)

Lúc nhỏ, tôi từng nghĩ nếu ba mẹ mình sinh ra đầu trong đàn con của ông bà nội ngoại thì mình là chị cả, bọn đàn em nó lớn hơn mình mình cũng gọi lại nó kiểu gọi nhường thay cho con mình, chứ nhất định mình không gọi kiểu xách mé ấy, cảm thấy chối tai, rất khó nghe!

Vài lời góp ý chân thành để khi gặp nhau chào hỏi vui hơn, ấm áp hơn, giao tiếp hiệu quả hơn!

Sự thật có thể mất lòng nhưng đó là điều chân thành xin được thẳng thắn bộc bạch!

Sài Gòn ngày 30/12/2024

Hoàng Thị Bích Hà

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác