THÁNG TƯ NHỚ THẦY (P.2)

Ngày đăng: 25/04/2025 03:49:37 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Thầy Đào Khánh Thọ nhận chức Hội Trưởng Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp. Chị Nguyễn thị Ngọc Cơ là Tổng Thư Ký của hội. Chị Cơ học xong trường Tống thi vào Đại Học Văn Khoa Cần Thơ, vào học lớp Việt Hán chung lớp với chị 11.Hạnh( Gia Đình C).

Lớp học có 28 sinh viên, nên được gọi Nhị Thập Bát Tú. Sau này có một ngôi sao trở thành Sư của Sư.

Buổi sáng ngày đại hội mừng Xuân của hội. Chị Cơ chạy đến nhà thầy Thọ và hỏi thầy có mua món đồ chưa? Tôi không nhớ món đồ gì, nhưng nhớ giá dưới 20 đô.Thầy Thọ trả lời, hôm phân công mỗi người làm một việc, em đã nhận đi mua món đó rồi, nên thầy không có mua.

Chị Cơ trả lời, tưởng thầy mua rồi nên em không mua. Điệp khúc giữa chị Cơ và thầy được lập lại mấy lần. Tôi chen vô, nói với thầy Thọ và chị Cơ. Nhiệm vụ của tôi chỉ là chở những quyển Đặc San và đọc sớ Táo Quân, không cần đến sớm, và món đồ cũng chưa cần dùng sớm. Tôi sẽ chạỵ đi mua liền, nhưng không biết sao chị Cơ lại nổi giận, lớn tiếng với thầy. Đang mặc chiếc áo dài đẹp, lại bỏ về khg dự ngày đại hội. Chắc gì năm sau còn có được ?

Từ đó chị Cơ không đến hội nữa.

Trước khi chị Cơ giận thầy Thọ, một hôm tôi từ nhà thầy Thọ ra về, ghé vào một siêu thị, gặp chị Cơ, chị cho biết thầy vừa về Việt Nam. Tôi quá ngạc nhiên, nhưng sau khi nói chuyện một hồi, mới biết thầy về Việt Nam là thầy Nguyễn Bá Nguyên.

Sau khi chị Cơ giận không đến hội, chị Cơ trở thành ca sĩ độc quyền bản vọng cổ Nhớ Vĩnh Long của thầy Nguyên sáng tác, dựa vào bài thơ nhớ Vĩnh Long của anh Lê Kim Thành (TPH.65.)

Bài thơ nhắc nhớ Vĩnh Long da diết:

“. . . Miểu Quốc Công vía thần ai cúng giổ?

Trời còn xanh trên ruộng lúa cầu Vòng?

Góc vườn xưa cây sữa có đơm bông?

Đường Võ Tánh còn ai hồng đôi má?

Văn Thánh miếu hai hàng sao xanh lá?

Đền Cụ Phan còn đó khẩu thần công?

Những ngày rằm hương khói có còn xông?

Chuông Pháp Hải vọng hồi tâm tỉnh thức?

Gió thổi qua cầu Lầu, Thiềng Đức

Sông Long Hồ còn đó ánh trăng xưa

Đường Gia Long đọng nước những chiều mưa

Ai đứng đợi, ai về sau buổi học? . . .”

Lúc bầu ban chấp hành Hội Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp, tôi chẳng có chức chi. Một hôm thầy Thọ hỏi chị Cơ biên bản một buổi họp. Chị Cơ không có viết, và chị Cơ cũng không nhớ hết chi tiết buổi họp.

Thấy vậy tôi nói với thầy Thọ, để em viết dùm chị Cơ. Viết xong em sẽ đưa chị Cơ. Thầy Thọ nói, viết xong đưa thẳng cho thầy.

Sau đó tôi được đặc cách làm Thơ Ký Phó.

Sau khi chị Cơ giận và tự từ bỏ chức Thơ Ký Tổng. Tôi được thăng cấp tại mặt trận chức Thơ Ký Tổng và Phùng Quốc Công được đặc cách chức Thơ Ký Phó.

Ngày Đại Hội có phóng viên tờ Việt Báo đến dự và tường thuật lại ngày Đại Hội của Hội Tống Phước Hiệp trên trang Việt Báo ngày hôm sau:

ĐẠI HỘi MỪNG XUÂN CỦA HỘI CỰU HỌC SINH TRUNG HỌC TỐNG PHƯỚC HIỆP VĨNH LONG

Stanton, Calif. (Nguyễn Ngân) — Hơn 250 cựu học sinh, gia đình, thân hữu và một số giáo sư của trường Trung học Tống Phứơc Hiệp thuộc tỉnh Vĩnh Long đã họp mặt đầu năm 2004 tại nhà hàng Seafood Palace 1 trên đường Beach thuộc thành phố Santon vào lúc 12 giờ trưa ngày 10 tháng 1 năm 2004. Toàn thể ban tổ chức đã chào mừng quan khách bằng nhạc phẩm Ly Ruợu Mừng đánh dấu một năm mới và là lần họp mặt thứ 2 của các giáo sư và cựu học sinh ngôi trường rất danh tiếng này của vùng châu thổ sông Cửu Long

Trong thành phần quan khách chúng tôi nhận thấy có Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm nguyên Thứ trưởng Bộ Văn Hóa-Giáo Dục và Thanh Niên và môt vài khuôn mặt quen thuộc trong giới cầm bút như: Nhà thơ Cao Tiêu, nhà văn Tăng Kiến Hoa..v..v..Điểm nổi bật nhất là có nhiều thầy cô của trường Trung học Tống Phước Hiệp cùng về tham dự buổi họp mặt này. Ban tổ chức nhân dịp đó cũng đã kính tặng những vị cựu giáo sư rất khả kính này những bông hồng tươi thắm để bày tỏ sự biết ơn của mình.

Sau vài màn văn nghệ do ca sĩ Lan Ngọc và Trang Thanh Lan phụ trách. Ông Táo Tống Phước Hiệp lên trình bày những hoạt động trong năm qua của Hội.

Cũng như nhiều hội ái hữu khác năm nay trường Trung học Tống Phước Hiệp đã cho trình làng cuốn đặc san của mình mang chủ đề: “Mái Trường Xưa” dày khoảng 200 trang trên khổ giấy trắng 8×11.

Cũng nên nhắc lại một chút về ngôi trường rất nổi tiếng này mà theo thống kê vào niên học 73-74 đã có sĩ số học sinh Nam-Nữ lên tới 4.800 học sinh với 84 lớp.

Từ trường Collège de Vinh Long năm 1949 sang năm 1954 thành Trung Học Nguyễn Thông và 1961 là Tống Phước Hiệp. Trải qua 26 năm tồn tại dưới chế độ Cộng Hòa (1949-1975) Trường Tống Phước Hiệp đã trải qua ít nhất 6 đời Hiệu Trưởng. Người đầu tiên là thầy Nguyễn Văn Kính, vị cuối cùng là cô Võ Thị Ngọc Dung (Hiện định cư tại Mỹ và là cố vấn của Hội). Sau 1975 Trung học Tống Phước Hiệp đã bị đổi thành tên khác. Cần nhắc lại từ năm 1973 trường bắt đầu không nhận nam sinh lớp đệ thất và đổi thành Nữ Trung Học Vĩnh Long. Trong khi đó trường nam Thủ Khoa Huân mới được tỉnh cho thành lập và bắt đầu với 10 lớp đệ thất nam sinh. Dự trù mỗi năm sẽ chuyển số nam sinh từ từ sang hết bên Thủ Khoa Huân.

Hiện nay Hội Ái Hữu Tống Phước Hiệp đang có một ban chấp hành nhiệm kỳ 2003-2005 rất là hùng hậu.

Ban cố vấn ngoài cô Võ Thị Ngọc Dung như đã nói trên còn có: Nguyễn Thanh Tước, LS Phạm Viết Ánh và Trần Ngọc Em.

Ban Điều Hành gồm có: Hội Trưởng: Thầy Đào Khánh Thọ.

Phó Nội vụ: Trương Minh Sáng.

Phó Ngoại vụ: Lê Châu Trí.

Tổng Thư ký: Nguyễn Ngọc Cơ.

Phó Tổng Thư ký: Nguyễn Hoàng Hưng

Thủ quỹ: Trần Văn Mỹ Phước.

Trưởng ban Báo chí: Nguyễn Thị Ly.

Trưởng ban Văn Nghệ: Lê Bình Khiêm.

Trưởng ban Xã hội: Huỳnh Phương Loan.

Các cựu học sinh Tống Phước Hiệp có thể liên lạc với bạn đồng môn qua địa chỉ sau đây: 11792 Santa Rosalia St Stanton, CA 90680 USA. Hay điện thoại 714-895-2670.

HOÀNG HƯNG

(CÒN TIẾP)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác